Ông chủ tuyệt vời: Cựu nhân viên McDonald’s trả lương cho nhân viên trong lúc đóng cửa trùng tu nhà hàng
Ý tưởng đóng cửa nhà hàng McDonald’s của mình để thực hiện việc trùng tu cần thiết đã khiến chủ sở hữu là ông Tony Philiou lo lắng.
Dĩ nhiên, đã có sự cân nhắc cho việc mất doanh thu trong ba tháng. Mặc dù vậy, vấn đề lớn hơn là 85 nhân viên của ông sẽ không có thu nhập.
Một đêm nọ, ông Philiou tỉnh dậy lúc 2 giờ 30 phút sáng khi bất chợt nhận ra một điều.
“Mình phải trả lương cho tất cả nhân viên trong suốt giai đoạn này!” ông nói, khi ngồi trên giường.
Ông Philiou hiểu rõ cảm giác trông chờ vào đồng lương khi làm việc trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh là thế nào. Ông đã bắt đầu công việc tại nhà hàng này 60 năm trước để cắt phô mai với giá 90 cent một giờ.
“Tôi đã đặt mình vào hoàn cảnh của họ,” ông chủ 90 tuổi của tiệm ăn ở thành phố Mayfield Heights, tiểu bang Ohio, nói với The Epoch Times.
“Khi không biết làm cách nào họ có thể chi trả cho các hóa đơn khi không có lấy một tấm chi phiếu, và nộp đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đặc biệt là đối với những đứa trẻ, đó sẽ là một quá trình khủng khiếp.”
Do đó, thay vì báo tin sét đánh ngang tai này cho đội ngũ nhân viên trung thành của mình, thì ông thông báo rằng mọi người sẽ vẫn được trả lương trong thời gian đóng cửa.
Ngay cả những người chuyển ra khỏi tiểu bang Ohio vĩnh viễn trong suốt thời gian nghỉ việc, cũng được nhận lương trong khoảng thời gian đó.
“Khỏi cần phải nói, họ đã rất vui mừng khi biết tin không ai bị mất một đồng lương nào,” ông Philiou cho hay.
Nhà hàng đã đóng cửa vào ngày 29/03 để trùng tu lại toàn bộ.
Hôm 06/07, không gian mới được nâng cấp của nhà hàng đã được hé lộ, cho thấy các bản nâng cấp của các thiết bị mới nhất, “tốt nhất trong số những thứ tốt nhất,” ông Philiou nói một cách đầy tự hào.
“Đây là các thiết bị được nâng cấp mà chúng tôi đã mong muốn được sử dụng trong một thời gian dài.”
Ông Philiou từ chối thảo luận về các con số liên quan đến chi phí trùng tu.
“Nhưng tôi cảm thấy lạc quan,” ông cho biết. “Chúng tôi sẽ bán rất nhiều bánh burger kẹp phô mai” để chi trả cho chi phí tu sửa này.
Ông Philiou khởi nghiệp như một nhân viên bán thời gian tại nhà hàng này hồi năm 1962. Sau năm năm làm hai công việc cùng lúc, ông đã ký hợp đồng toàn thời gian tại McDonald’s và bắt đầu thăng cấp qua các vị trí quản lý.
Nhiều năm sau đó, ông đã mua lại nhà hàng này. Năm nay, ông đã kỷ niệm 60 năm làm việc cho công ty McDonald’s.
Ông cho biết các nhân viên rất thích thú với việc sử dụng thiết bị nhà bếp mới cóng và các thiết bị đặt hàng được nâng cấp công nghệ. Nhưng hơn thế nữa, sự đầu tư vào nơi làm việc đã mang lại cho họ một cảm giác an toàn trong công việc, ông nói thêm.
Ông Philiou nói rằng ông ưu tiên lợi ích của những người làm việc cho mình vì “một doanh nhân không thể thành công nếu không có nhân viên.”
Nhưng sự chu đáo của ông dường như lớn hơn rất nhiều so với một chiến lược kinh doanh được suy tính. Ông Philiou có tiếng là một người hào phóng và tốt bụng hiếm có.
Năm 2014, ông đã thưởng cho một nhân viên kỳ cựu với 37 năm làm việc trong đội ngũ nhân viên của mình một kỳ nghỉ trên du thuyền được thanh toán toàn bộ chi phí.
Nhưng ngay cả những nhân viên mới hơn cũng nhận được đặc ân lần này.
Cô Chantee McMillan, một sinh viên cao đẳng toàn thời gian đã làm việc cho nhà hàng được ba năm cho biết, cô vô cùng biết ơn sự hào phóng của ông chủ.
Nhà hàng đóng cửa ngay khi cô chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối học kỳ. Việc không phải lo lắng về việc phải tìm một công việc khác trong khi vẫn đang học để chuẩn bị cho các kỳ thi đã mang lại cho cô cảm giác vô cùng nhẹ nhõm.
Mặc dù cô khá ngạc nhiên khi nghe về nghĩa cử to lớn của ông đối với toàn bộ đội ngũ nhân viên, nhưng cô không cảm thấy quá bất ngờ. Biết rõ tiếng tốt về ông, cô đoán ông sẽ giúp đỡ họ theo một cách nào đó.
“Tôi nghĩ ông ấy có thể để chúng tôi đến một nhà hàng khác và làm việc ở đó một thời gian ngắn, trong khi nhà hàng của chúng tôi đang được xây dựng lại. Nhưng tôi không nghĩ tới việc ông chỉ nói rằng, ‘Các bạn có thể ở nhà, và tôi sẽ lo liệu việc này.’”
“Ông ấy luôn nói với chúng tôi rằng ông ấy biết chúng tôi cảm thấy thế nào. Ông ấy biết rằng mọi người sẽ lo lắng về việc sẽ kiếm thu nhập từ đâu vì chúng tôi đã đóng cửa.”
“Ông ấy thật sự là một ông chủ tuyệt vời để làm việc cho,” cô McMillan cho biết. “Ông ấy quan tâm đến chúng tôi. Thậm chí nếu ông ấy cảm thấy có điều gì bất ổn, ông ấy sẽ trò chuyện với chúng tôi, và cô biết đấy, bảo đảm là mọi thứ đều ổn.”
Ông Philiou cho biết ông rất thích tuyển dụng học sinh trung học. Ông mong muốn mang đến cho họ cơ hội phát triển những kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp có giá trị mà họ có thể không học được ở những nơi khác.
Ông nói rằng những công việc như thế này tác động đến cuộc sống của các học sinh theo những cách tạo ra những thay đổi tích cực cho toàn bộ cộng đồng.
“Tôi nghĩ, tôi càng làm được nhiều điều cho học khu, thì họ sẽ càng vững mạnh hơn. Và nếu cô có một học khu tốt, cô sẽ có một cộng đồng tốt.”
Ông Philiou rất trân trọng bằng chứng cho thấy những tác động mà cách quản lý của ông tạo ra.
Ông đã chia sẻ một bức thư dài 10 đoạn mà ông nhận được từ một nhân viên cũ, anh Alex, người đã làm việc cho ông khoảng 30 năm trước, khi anh còn là học sinh trung học.
Trong bức thư, anh Alex mô tả làm cách nào, với tư cách là một đứa trẻ nhập cư 14 tuổi đến từ Nga được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ đơn thân, mà công việc của anh tại nhà hàng của ông Philiou đã mang lại cho anh “nhiều điều hơn so với chỉ một khoản tiền lương.”
“Cháu đã làm cho mọi người hạnh phúc trong khi được học hành,” anh Alex viết trong bức thư gửi cho ông chủ cũ của mình.
Anh ca ngợi tấm gương lãnh đạo của ông Philiou, ông có những tiêu chuẩn và kỳ vọng cao trong mọi việc, nhưng sẵn sàng lãnh đạo bằng sự gương mẫu và tự mình làm những công việc mệt nhọc hoặc dọn dẹp chỗ bẩn.
“Cháu cũng nhớ chú luôn ăn mặc chỉnh chu,” anh Alex viết. “Nhưng điều đó không bao giờ ngăn cản chú dọn rác, canh chừng bếp chiên, chỉ cho nhân viên cách quét dọn, hoặc làm bất kỳ công việc nào. Rõ ràng là mọi chi tiết đều quan trọng đối với chú, và điều đó đã lan tỏa cho các nhân viên cấp dưới.”
Anh kết thúc bức thư bằng cách tỏ lòng biết ơn đối với ông Philiou vì đã giúp anh thành công.
“Cháu biết chú chuyển đến đây từ một quốc gia khác và đạt được thành công bằng cách làm việc chăm chỉ,” người được ông Philiou bảo trợ viết. “Cảm ơn chú đã giúp cháu làm điều tương tự.”
Ông Philiou nhập cư vào Hoa Kỳ từ Hy Lạp vào năm 1947 ở tuổi 15. Và khi Hoa Kỳ tham chiến trong Chiến tranh Triều Tiên, ông đã tự nhủ: “Đất nước này đã làm rất nhiều điều tốt đẹp cho mình và gia đình.”
“Vì vậy, tôi quyết định nhập ngũ và làm những việc cần làm,” ông nói.
Sau đó, ông trở lại Hy Lạp một thời gian ngắn để cưới vợ. Hiện họ đang kỷ niệm 68 năm ngày cưới.
Trở lại Hoa Kỳ trong vai trò một người đàn ông mới kết hôn, ông đã làm việc tại bộ phận sản xuất van xe hơi trong nhà máy của TRW, và nhận thêm một công việc tại nhà hàng McDonald’s mới mở gần nhà, nơi mà cuối cùng ông đã mua lại.
“Tôi đã xoay xở để có được giấc mơ Mỹ, và tôi biết ơn đất nước này, và tôi biết ơn những gì đất nước này đã trao cho tôi,” ông Philiou nói bằng chất giọng Hy Lạp nhanh nhẹn của mình.
“Tôi cũng rất biết ơn McDonald’s. Sau một thời gian, tôi nhận ra rằng mình thuộc về nơi đó.”
Mặc dù không giám sát tất cả các hoạt động hàng ngày, nhưng ông Philiou vẫn có mặt tại nhà hàng của mình mỗi ngày khi ông ở trong thị trấn.
“Tôi đã 90 tuổi, và tôi không cảm thấy rằng mình đã già,” ông bày tỏ. “Tôi vẫn có một số hạn chế. Nhưng tôi xoay xở để làm việc hiệu quả. Nếu tôi dành hai, ba, hoặc bốn giờ ở đó, thì tôi bảo đảm rằng tôi đã hoàn thành một công việc gì đó trước khi rời đi.”
Ông duy trì thói quen thường nhật một cách có phương pháp. Đầu tiên, ông lái xe vòng quanh nhà hàng của mình, kiểm tra bên ngoài tòa nhà.
Sau đó, ông sải bước vào tòa nhà, chào hỏi khách hàng và nhân viên và tìm công việc cần giải quyết.
“Tôi sẽ tiếp tục tham gia theo bất kỳ cách nào mà họ cần đến tôi.”
Ngay cả trong những chuyến đi đến căn nhà thứ hai của mình ở Florida, ông vẫn nghĩ đến các nhân viên và nhà hàng yêu quý của mình. Và, ông thừa nhận, ông nói cho họ biết rằng, ông sẽ gọi điện để kiểm tra “hai, ba, bốn lần một ngày.”