Nông dân Âu Châu cảnh báo: Chi phí năng lượng cao trong mùa đông này có thể gây thiếu hụt
Nông dân trồng rau quả ở Âu Châu đã cảnh báo rằng giá năng lượng tăng cao có thể khiến nhiều công ty cắt giảm sản lượng và đóng cửa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt kéo dài.
Giá năng lượng tăng cao có thể khiến cà chua, ớt, và dưa chuột trồng trong nhà kính được sưởi ấm vào mùa đông trở nên ít hơn, cũng như những loại thực vật được bảo quản trong kho lạnh như táo, hành, và rau diếp xoăn endive.
“Làm lạnh và làm mát rất tốn năng lượng, cũng như hệ thống sưởi của các nhà kính,” ông Pekka Pesonen, tổng thư ký của hiệp hội nông trại Copa-Cogeca có trụ sở tại Brussels, nói với Bloomberg. “Chúng tôi có thể dự đoán về một số tình trạng thiếu hụt và tính thời vụ lớn hơn, cũng như giá cả tăng để bù đắp phần nào sự gia tăng của chi phí sản xuất.”
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Âu Châu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng, được thúc đẩy bởi quyết định giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine, kết hợp với việc Nga giảm nguồn cung cấp cho Liên minh Âu Châu (EU) để đáp trả một loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Giá khí đốt tự nhiên ở Âu Châu đã tăng cao hơn trong tuần này (19-25/09) sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “huy động một phần quân đội” từ công dân Nga, trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine khiến Điện Kremlin thất bại trong những tuần gần đây.
Đầu tháng này (09/2022), các hiệp hội chuỗi nông sản thực phẩm gồm Các Nhà Chế Biến Thực Phẩm Chính (PFP) và FoodDrinkEurope, cũng như Copa-Cogeca, đã cảnh báo rằng nông dân đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh chi phí tăng cao, đồng thời lưu ý rằng khí đốt tự nhiên, điện, phân bón, nhiên liệu vận tải, chi phí đóng gói, và giá nhân công bên ngoài đều đã tăng đáng kể.
Các nhóm cho biết, những chi phí này ban đầu được thúc đẩy bởi sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và các vấn đề về chuỗi cung ứng, nhưng đã trở nên tồi tệ hơn do xung đột Nga-Ukraine.
Tình hình ngày càng tệ hơn do hạn hán, bão, và thời tiết lạnh hơn trên diện rộng gây ra một loạt các khó khăn khác cho nông dân và cây trồng của họ.
Cần có sự chắc chắn về giá cả ổn định
“Những đợt tăng giá năng lượng mới nhất, đặc biệt là khí đốt tự nhiên và điện, đe dọa đến tính liền mạch của chu kỳ sản xuất nông sản thực phẩm và, sau đó, là khả năng tiếp tục cung cấp các mặt hàng nông sản thiết yếu, nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm, và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi,” các nhóm cho biết trong một tuyên bố.
“Để tiếp tục hoạt động và duy trì một chuỗi cung ứng thực phẩm hoạt động đầy đủ, ngành cần chắc chắn về khả năng tiếp cận năng lượng và giá cả ổn định,” họ nói thêm.
Các hiệp hội sản xuất thực phẩm cũng lưu ý rằng một số thành viên của họ đã bị buộc phải cắt giảm sản lượng, sa thải nhân viên, hoặc trong trường hợp tệ hơn, đóng cửa hoàn toàn doanh nghiệp của họ.
“Như trong cuộc khủng hoảng COVID-19, chúng tôi cam kết làm việc với các tổ chức Âu Châu để cung cấp liên tục các sản phẩm chất lượng cao và giá cả phải chăng,” các nhóm này lưu ý.
Ở những nơi khác, tập đoàn công nghiệp làm vườn nhà kính Glastuinbouw Nederland cho biết có tới 40% trong số 3,000 thành viên của họ đang đối diện với khó khăn tài chính, trong khi công ty trồng cà chua lớn nhất của Thụy Điển và Đan Mạch, Nordic Greens, tuyên bố họ sẽ không trồng cà chua ở Thụy Điển vào mùa đông này vì “giá điện chỉ đơn giản là vô lý” và họ không đủ khả năng chi trả cho các chi phí gia tăng.
Trong bối cảnh có các cảnh báo về tình trạng thiếu hàng ở Âu Châu, một số nhà phân tích tin rằng các siêu thị có thể tìm đến những khách hàng ở vùng có khí hậu ấm hơn, chẳng hạn như Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, và Ai Cập, để tìm nguồn hàng.
Ông Jack Ward, giám đốc điều hành của Hiệp hội Nông dân Anh, nói với Reuters: “Chúng tôi sẽ chuyển hoạt động sản xuất ngày càng xa hơn về phía nam, qua Tây Ban Nha, tới Maroc và các vùng của Phi Châu.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times