Nội tình đằng sau chiến dịch theo dõi người Mỹ của ĐCSTQ
Một cựu chiến binh Lục quân đang tranh cử vào Quốc hội, một vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic, và một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ là ba trong số những mục tiêu của một kế hoạch được cho là âm mưu sách nhiễu, đe dọa, và theo dõi những người bất đồng chính kiến gốc Hoa ở Hoa Kỳ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các công tố viên liên bang đã công khai các cáo buộc chống lại năm người đàn ông trong ba vụ án riêng biệt hôm 16/03, những người mà họ cáo buộc hoạt động như các đặc vụ cho chế độ cộng sản Trung Quốc. Hai trong số những bị cáo này được cho là đã làm việc trực tiếp cho Bộ An ninh Quốc gia (MSS), cơ quan tình báo hàng đầu của ĐCSTQ.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp về An ninh Quốc gia Matthew Olsen cho biết: “Mặc dù là những vụ việc riêng biệt, nhưng những vụ án này có nhiều nét rất tương quan.”
“Một vụ cho thấy một chiến lược ngấm ngầm thu thập thông tin về những người bất đồng chính kiến để nhắm vào họ, và trong một số trường hợp, bỏ tù các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở ngoại quốc. Một vụ mô tả một âm mưu phá hoại chiến dịch tranh cử vào Quốc hội của một công dân Mỹ và là một cựu quân nhân. Và một vụ cho thấy một chiến dịch nhằm theo dõi và sách nhiễu một nghệ sĩ biểu đạt một cách tự do và ôn hòa.”
ĐCSTQ được cho là đã chi hàng triệu Mỹ kim tài trợ cho các hoạt động được cho là có tội, và các vụ án trên cho thấy một cái nhìn hiếm hoi về âm mưu của cảnh sát mật Trung Quốc ở ngoại quốc, và những nỗ lực của họ nhằm phá hoại các niềm tin và định chế dân chủ.
Tuy nhiên, để hiểu được chiến lược lớn của ĐCSTQ, người ta cần phải hiểu được các nạn nhân này có điểm chung gì.
‘Hãy đánh ông ta cho đến khi ông ta không thể ra tranh cử’
Ông Hùng Diễm (Yan Xiong) mang quốc tịch Mỹ.
Sinh ra ở Trung Quốc, ông là một sinh viên dẫn đầu trong các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn cách đây 33 năm, nơi những người lính cộng sản Trung Quốc đã tàn sát hàng trăm, và có thể là hàng ngàn người dân thường.
Sau vụ thảm sát đó, chính quyền ĐCSTQ đã đưa ông Diễm vào danh sách những người bị truy nã gắt gao nhất, sau đó ông bị bắt và bị bỏ tù 19 tháng. Ông không bao giờ bị buộc tội về bất cứ tội danh nào.
Sau khi được thả, ông đào thoát sang Mỹ và xin tị nạn. Ông học tại Harvard và gia nhập Lục quân với tư cách là tuyên úy. Ông đã hai lần thực hiện nhiệm vụ tại Iraq.
Năm ngoái (2021), ông đã tuyên bố ra tranh cử để đại diện cho Đảng Dân Chủ tại Khu vực Bầu cử Quốc hội số 1 của New York. ĐCSTQ hẳn nhiên sẽ không cho phép điều đó xảy ra yên ổn.
Do đó, một nhân vật khác đã nhập cuộc. Người đó là Lâm Khải Minh (Lin Qiming), một đặc vụ MSS đã về hưu. Ông Lâm bị cáo buộc đã thuê một thám tử tư ở New York để đào bới những thứ không hay ho về ông Diễm nhằm làm mất uy tín của ông trước cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, sau khi nỗ lực đó thất bại, ông Lâm đã đề nghị thám tử tư ngụy tạo bằng chứng về hành vi sai trái, hoặc thuê một phụ nữ trẻ làm tình nguyện viên cho chiến dịch tranh cử của ông Diễm, dẫn dụ ông, và sau đó công bố bằng chứng ông dính líu tới nạn mại dâm.
“Nếu anh không tìm thấy gì sau khi theo dõi ông ta trong vài tuần, chúng ta có thể tạo ra thứ gì đó không,” ông Lâm nói với thám tử tư trong một cuộc gọi được ghi âm, theo đơn tố cáo hình sự chống lại ông này.
“Nhưng cuối cùng, bạo lực cũng được thôi,” ông Lâm nói trong một tin nhắn thoại khác. “Hãy đánh ông ta. Hãy đánh ông ta cho đến khi ông ta không thể ra tranh cử.”
Kể từ đó, ông Lâm nói với thám tử tư rằng anh này có thể sắp xếp một vụ tai nạn xe hơi nếu cần để loại bỏ người bộc trực như ông Diễm ra khỏi cuộc đua.
“Hiện tại chúng tôi không muốn ông ta đắc cử,” ông Lâm nói trong một cuộc trò chuyện với thám tử tư, theo hồ sơ tòa án.
“Chúng ta sẽ có nhiều công việc loại này hơn trong tương lai,” ông nói.
‘Một đại gia người Do Thái’
Ông Trần Duy Minh (Chen Weiming) là người New Zealand, mặc dù ông sinh ra ở Trung Quốc và sống ở California, nơi ông kiếm sống bằng nghề điêu khắc.
Các bức tượng và phù điêu của ông đã được trưng bày tại các trường đại học trên khắp Hồng Kông trong hơn một thập niên, nơi những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là để tưởng nhớ về cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và tôn vinh nền dân chủ.
Những tác phẩm đó đã bị dỡ bỏ đột ngột vào năm 2021.
Sau đó, vào mùa xuân năm ngoái (2021), một trong những tác phẩm điêu khắc của ông ở California, đã bị thiêu rụi trong một vụ phóng hỏa.
Được đặt tên là “Virus Trung Cộng”, tác phẩm điêu khắc này đã khắc họa lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình như một phân tử virus corona.
Ba người đàn ông, Lưu Phàm (Liu Fan), Matthew Ziburis, và Tôn Cường (Sun Qiang), hiện đã bị buộc tội theo dõi ông Trần và âm mưu bôi nhọ ông qua một thám tử tư. Theo đơn tố cáo hình sự, nỗ lực này nhằm mục đích khiến ông Trần cảm thấy xấu hổ và buộc phải im lặng, và cả ba người này đã bàn bạc với nhau để phá hoại tác phẩm “Virus Trung Cộng”.
Ông Lưu, chủ tịch của một công ty truyền thông sai lệch có trụ sở tại New York, đã ra lệnh cho ông Ziburis đóng giả là một nhà môi giới nghệ thuật và là người hâm mộ của ông Trần để tiếp cận ông và có được quyền truy cập vào tờ khai thuế của ông, vốn có thể được sử dụng để tống tiền, hồ sơ của tòa án cho biết.
Ông Lưu bảo ông Ziburis, một cựu sĩ quan cải huấn, nói rằng anh ta được tuyển bởi “một đại gia Do Thái rất giàu có [và] là người đứng đầu cộng đồng Do Thái [này],” đơn kiện cho biết.
Ông Lưu tiếp tục hướng dẫn Ziburis nói úp mở rằng người đàn ông Do Thái hư cấu này là một nhà tài trợ lớn cho các chiến dịch chính trị của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Ziburis sau đó đã đặt cọc 20,000 USD cho tác phẩm “Virus Trung Cộng”, và đồng ý tổ chức một cuộc triển lãm tác phẩm của ông Trần ở thành phố New York.
Ông Trần nói với The Epoch Times rằng ông không nghi ngờ ý định của Ziburis vào thời điểm đó vì anh ta là một người phương Tây.
Ông Trần không hề hay biết rằng rằng Ziburis đã cài các thiết bị theo dõi trong xe của ông, và đang theo dõi hành tung của ông, theo cáo buộc của các công tố viên.
“Các đặc vụ ĐCSTQ nghĩ rằng họ có thể phạm tội ở đất nước tự do này và không ai quan tâm,” ông Trần nói. “Nhưng lưới công lý đang chụp lấy họ.”
Cuối cùng ông Trần đã quyết định kiện Ziburis vì phá vỡ hợp đồng.
Ông đã thuê ông Lý Tiến Tiến (Li Jinjin) làm luật sư để nộp đơn kiện dân sự. Bản thân ông Lý đã từng bị bỏ tù ở Trung Quốc vì tham gia các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và sau đó trở thành luật sư về di trú ở Mỹ.
Ông Lý bị đâm chết tại văn phòng ở New York hôm 15/03, một ngày trước khi Ziburis bị bắt.
Người phụ nữ được cho là đã sát hại ông Lý đến Hoa Kỳ bằng visa du học để học đại học tại Los Angeles. Cô ta bị cáo buộc chưa bao giờ đăng ký học đại học và chưa bao giờ sống ở California. Cuộc điều tra về vụ sát hại ông Lý đang diễn ra.
‘Bất kỳ ngóc ngách nào trên thế giới’
Cô Alysa Liu (Lưu Mỹ Hiền) là vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic người Mỹ. Cha của cô, ông Arthur Liu (Lưu Tuấn, tên đầy đủ là Lưu Tuấn Quốc), đã đào thoát sang Hoa Kỳ sau khi tham gia vào các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Ông Lưu, ông Ziburis, và ông Tôn cũng nhắm mục tiêu vào hai cha con họ.
Theo đơn kiện, đối với âm mưu lần này, ông Lưu đề nghị thiết lập các buổi phỏng vấn giả với cô Alysa và ông Lưu Tuấn bằng cách sử dụng công ty truyền thông của mình làm vỏ bọc, sau đó sử dụng các câu hỏi do ông Tôn biên soạn nhằm mục đích gợi ra câu trả lời có thể được sử dụng để làm bẽ mặt hoặc hủy hoại thanh danh của gia đình này.
Các câu trả lời của họ đối với cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông giả mạo sau đó sẽ được sử dụng trong tuyên truyền của Trung Quốc để bôi nhọ họ và làm mất uy tín về niềm tin và các hoạt động của họ.
Hồ sơ tòa án cho biết cũng đã có kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát bên trong nhà của gia đình vận động viên này.
Trong một âm mưu khác, Ziburis đã được điều đến nhà cô Lưu hồi tháng 11/2021, đơn kiện cho hay. Anh ta tự nhận là quan chức của Ủy ban Olympic & Paralympic Hoa Kỳ và yêu cầu số hộ chiếu của hai cha con, nhưng ông Lưu Tuấn đã từ chối cung cấp.
Cô Alysa Lưu đã đến Bắc Kinh để thi đấu tại Thế vận hội. Cô nói với cha mình rằng có một đêm cô đã bị một người lạ tiếp cận ở Bắc Kinh và người đàn ông đó đã theo dõi cô và yêu cầu cô đến căn hộ của anh ta.
“Tôi đã chấp nhận cuộc sống của mình trở nên như thế này vì những gì tôi đã chọn làm vào năm 1989, để lên tiếng chống lại chính quyền đó,” ông Lưu Tuấn nói với The Associated Press. “Và tôi biết chính quyền Trung Quốc sẽ vươn bàn tay dài của họ tới bất kỳ ngóc ngách nào trên thế giới.”
“Tôi sẽ không để họ thành công trong chuyện này để mà cản trở tôi, bịt miệng tôi không cho tôi bày tỏ ý kiến của mình ở bất cứ đâu.”
Nhà hoạt động dân chủ bị cáo buộc là nội gián
Ông Vương Thư Quân (Wang Shujun) từng là một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng ở thành phố New York. Hoặc thế giới đã từng cho là như vậy.
Ông từng là tổng thư ký của tổ chức bất vụ lợi ủng hộ dân chủ Quỹ tưởng niệm Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, được đặt theo tên của hai cựu lãnh đạo có ý muốn cải cách ĐCSTQ.
Ông Vương hiện bị cáo buộc theo dõi các đồng sự của mình trong quỹ và cung cấp thông tin cá nhân của những người bất đồng chính kiến ở Hoa Kỳ và các nơi khác cho các điều phối viên ở Trung Quốc.
Là công dân Hoa Kỳ từ năm 2003, các tài liệu vụ án cáo buộc rằng ông Vương đã làm việc với tư cách là đặc vụ cho ĐCSTQ từ năm 2005. Theo tài liệu của tòa án, ông đã báo cáo với ít nhất bốn điều phối viên MSS khác nhau từ năm 2016 đến năm 2021.
Một trong những người bị ông Vương cung cấp thông tin là ông Hà Tuấn Nhân (Albert Ho), một chính trị gia ở Hồng Kông và là người sáng lập Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, một tổ chức mà ông thành lập năm 1989 để hỗ trợ hoạt động biểu tình của sinh viên.
Sau đó, ông Hà đã bị chính quyền ĐCSTQ bắt giữ tại Hồng Kông.
Xuất cảng chủ nghĩa độc tài
Các chiến thuật mà ĐCSTQ và những tay sai của họ sử dụng trong những vụ án này không phải là điều gì đó mới lạ.
Kể từ năm 2014, Hoa Kỳ đã tham gia vào một cuộc chiến để nhổ bỏ Chiến dịch Săn Cáo (Fox Hunt), một chương trình của ĐCSTQ nhằm sách nhiễu, giám sát, và đe dọa các công dân Trung Quốc sống ở hải ngoại, những người đã chống đối chế độ cộng sản.
Mặc dù các đại diện từ DOJ nói rằng những vụ án mới này không liên quan trực tiếp đến Chiến dịch Săn Cáo, nhưng cơ quan này cho biết chúng đại diện cho nỗ lực phối hợp của các quốc gia độc tài nhằm xuất cảng những phương thức phản dân chủ của họ — một chiến dịch được gọi là “đàn áp xuyên quốc gia”.
“Chúng tôi đang nhận thấy mức độ bạo lực cao, đặc biệt là từ CHND Trung Hoa, như những vụ án này phản ánh, xét về nỗ lực của họ nhằm đe dọa và bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến bên trong Hoa Kỳ,” ông Matthew Olsen cho biết, sử dụng lối viết tắt tên chính thức của chính quyền Trung Quốc.
Tương tự, chỉ mới hai tháng trước, chính phủ Canada đã phát hành một báo cáo cho thấy ĐCSTQ đã tham gia một “chiến dịch thu thập thông tin tình báo, thuyết phục, gây ảnh hưởng, và thao túng có hệ thống”, và đang sử dụng “sự đe dọa đối với [Hoa kiều] trong mọi giai tầng của xã hội.”
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, DOJ đã chấm dứt Sáng kiến Trung Quốc, một chiến dịch chống gián điệp từ thời cựu Tổng thống Trump mà các nhà phê bình cáo buộc là kỳ thị người Mỹ gốc Hoa.
Một cuộc điều tra của DOJ về chương trình này cuối cùng không tìm thấy bằng chứng nào về việc kỳ thị, nhưng ông Olsen nói rằng chương trình sẽ bị hủy bỏ để ngăn chặn một “nhận thức có hại”.
Sự việc thu hút sự chú ý đến vấn đề hiện đang được nhận thấy trong những vụ án mới này: ĐCSTQ cố tình nhắm mục tiêu vào người gốc Hoa ở ngoại quốc, và tìm cách bịt miệng mọi tiếng nói bất đồng chính kiến, cho dù sự bất đồng đó diễn ra ở Trung Quốc hay ở nơi khác.
Ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp của Rand Corporation, một tổ chức chuyên về quốc phòng, cho biết: “Họ cố gắng lợi dụng tình đồng hương và khai thác bất kỳ nền tảng văn hóa nào liên quan đến Trung Quốc để chiêu mộ và gây ảnh hưởng đến mọi người.”
“Một điều hữu ích là Sáng kiến [Trung Quốc] đã thu hút sự chú ý đến một vấn đề mà tôi cho rằng trước đây không được chú ý nhiều, và đó là những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc lôi kéo, làm băng hoại đạo đức, và chiêu mộ những người Mỹ kế thừa dân tộc Hoa,” ông Heath nói.
Ký ức về Thiên An Môn
Trong cuộc trấn áp sự thâm nhập vào xã hội Mỹ của ĐCSTQ mới nhất này, có một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên đó là các mục tiêu mà đảng này nhắm vào đều có dính dáng tới Quảng trường Thiên An Môn, và những sự kiện đã xảy ra ở đó hơn ba thập niên về trước.
Cho đến ngày nay, việc tưởng nhớ về các cuộc biểu tình và về vụ thảm sát xảy ra sau đó hầu như vẫn được coi là tấn công vào tính hợp pháp trong việc cai trị của ĐCSTQ ở Trung Quốc Đại lục, và hậu quả mà Thiên An Môn để cho đến nay vẫn là một trong những chủ đề nhạy cảm và bị kiểm duyệt nhiều nhất ở Trung Quốc.
Cuối cùng, Biện lý Hoa Kỳ Breon Peace nói rằng có một lý do trên hết khiến những người này, những người gốc Hoa ở Mỹ, bị ĐCSTQ đàn áp và tấn công: Họ ủng hộ quyền tự do và một lối sống dân chủ.
“Tất cả những nạn nhân này đều bị nhắm mục tiêu vì quan điểm ủng hộ dân chủ của họ, vì họ đã chọn thực hiện quyền tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ,” ông Peace nói.
“Các đơn kiện được mở niêm phong ngày hôm nay tiết lộ mức độ nguy hiểm và hành động thái quá mà cảnh sát mật của chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và những bị cáo này đã làm để tấn công vào pháp quyền và tự do ở thành phố New York cũng như các nơi khác ở Hoa Kỳ.”
Về phần mình, ông Olsen nói rằng DOJ sẽ bảo vệ tất cả mọi người khỏi sự đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ, và rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn là một nơi mà những người bất đồng chính kiến và những người lưu vong, bị áp bức bởi chủ nghĩa cộng sản, có thể tìm thấy nơi nương tựa và nói lên sự thật.
“Đối với Bộ Tư pháp, việc bảo vệ các thể chế và giá trị của Mỹ trước những mối đe dọa này là một nghĩa vụ an ninh quốc gia bắt buộc,” ông Olsen nói. “Đàn áp xuyên quốc gia là một phần trong hàng loạt chiến thuật mà các đối thủ của chúng ta sử dụng để cố gắng phá hoại nền dân chủ, nền kinh tế, và thể chế của chúng ta.”
“Hoạt động này trái ngược với các giá trị Mỹ. Chúng tôi sẽ không dung thứ cho sự đàn áp như vậy ở đây khi nó vi phạm luật pháp của chúng tôi.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: