Người đấu tranh cho tự do của Trung Quốc tiết lộ lý do đặc vụ ĐCSTQ tiến hành vụ đốt phá ở California
Đầu năm nay, FBI đã buộc tội các đặc vụ của chính quyền Trung Quốc, những người có liên quan đến một vụ đốt phá ở California. Trong khi vụ án vẫn đang được đưa ra xét xử, một cuộc phỏng vấn gần đây của The Epoch Times với một nạn nhân đã tiết lộ thêm thông tin chi tiết về hoạt động đặc biệt của lực lượng cảnh sát mật Trung Quốc.
Yermo là một cộng đồng chưa hợp nhất ở Quận San Bernardino thuộc Sa mạc Mojave của California. Xa lộ 15 chạy theo hướng đông tây qua khu vực này. Ở phía nam của đường cao tốc này là Công viên Điêu khắc Tự do (Liberty Sculpture Park), nơi xảy ra vụ tấn công đốt phá hồi tháng 07/2021. Vụ phóng hỏa này được cho là do một đặc vụ của cảnh sát mật Trung Quốc gây ra.
Công viên này trưng bày các tác phẩm điêu khắc khổng lồ và các tác phẩm nghệ thuật khác về các khía cạnh khác nhau của cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhiều du khách đã đi qua Xa lộ 15 từ Los Angeles hoặc Las Vegas để đến thăm công viên này.
Tripadvisor, một trang web du lịch trực tuyến nổi tiếng, đã khuyến nghị Công viên Điêu khắc Tự do là điểm hấp dẫn số 1 trong danh sách những điểm đến không thể bỏ lỡ trong khu vực. Công viên này cũng là một trong những thắng cảnh nổi bật trong khu vực Yermo được hiển thị trên Google Maps.
Vụ phóng hỏa
Vào đầu giờ tối ngày 24/07/2021, một tác phẩm điêu khắc trong Công viên Điêu khắc Tự do đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Đó là một tác phẩm điêu khắc hình đầu người khổng lồ có tên là “virus Trung Cộng”.
“Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh công trình đó bị thiêu rụi,” nghệ sĩ Jonas Yuan, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ngoài 30 tuổi, người đã tận mắt chứng kiến vụ hỏa hoạn này, cho biết. Anh ấy là một trong những trợ lý nghệ sĩ tình nguyện phó xuất đã giúp xây dựng nên công trình điêu khắc này và làm việc tại công viên. Anh Yuan nói với The Epoch Times rằng để hoàn thành công trình này, các nghệ sĩ và tình nguyện viên đã cùng nhau làm việc hơn bảy tháng. Trong hai năm qua, anh Yuan đã dành thời gian làm tình nguyện viên để giúp xây dựng công viên này.
Phần trước của tác phẩm điêu khắc bao gồm một nửa khuôn mặt của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi nửa còn lại là khuôn mặt của một bộ xương trông như ma quỷ. Xung quanh hộp sọ của tác phẩm điêu khắc có những chiếc ghim mô tả các protein tăng đột biến của COVID-19.
Tác phẩm điêu khắc này được hoàn thành vào ngày 04/06/2021 — kỷ niệm 32 năm Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Bức tượng này cao khoảng 5 mét, được làm bằng thép và sợi thủy tinh, và chỉ mới được trưng bày khoảng hai tháng trước khi bị ngọn lửa đó thiêu rụi.
Anh Yuan cho biết anh đã phát hiện ra các dấu hiệu trước khi cuộc tấn công đốt phá này xảy ra, anh đã báo cáo các hoạt động đáng ngờ cho cảnh sát địa phương một tuần trước vụ phóng hỏa.
Vào ngày 17/07, anh Yuan đang ở công viên để thực hiện các nhiệm vụ thường ngày của mình thì phát hiện ra rằng một trong những chiếc gai protein trên đầu bức tượng này đã rơi xuống đất. Chiếc gai này được làm từ một thanh cốt thép và được ghim cố định vào đầu bức tượng này. Anh Yuan đi kiểm tra khi tìm thấy những vật dụng như máy mài góc, găng tay, kính bảo hộ, và cuộn dây cáp thép 6 ly dài 100 mét nằm dưới chân tác phẩm điêu khắc. Anh Yuan cũng tìm thấy một móc khóa chữ D bị gãy và một lỗ thủng ở mặt sau của tác phẩm điêu khắc.
Đối với anh Yuan, chuyện này trông như thể có ai đó đã cố gắng sử dụng đoạn dây cáp để kết nối bức tượng này với một chiếc xe hơi, sau đó cố gắng kéo đổ bức tượng vì móc khóa chữ D đã bị gãy. Sau đó, nhân viên tại công viên đã phòng bị cho một nỗ lực phá hoại khác. Nhưng họ không biết khi nào và mọi việc sẽ xảy ra như thế nào.
Cảnh sát mật Trung Quốc đã quay lại và phóng hỏa công viên này hôm 23/07/2021. Vụ đốt phá diễn ra vào giờ ăn tối hôm 23/07 (tức thứ Sáu) khi công viên đóng cửa. Các nghệ sĩ và tình nguyện viên ở gần công viên đã chạy đến hiện trường nhưng không thể dập lửa. Họ đành ngậm ngùi nhìn tác phẩm nghệ thuật của mình bị ngọn lửa thiêu rụi.
“Nhà cầm quyền cộng sản sợ hai điều: cuộc nổi dậy quy mô lớn và xấu hổ trước cộng đồng quốc tế,” anh Yuan cho biết anh tin đây chính là lý do mà các mật vụ Trung Quốc đã đến để phá hủy tác phẩm điêu khắc virus này.
“Chúng tôi đã rời bỏ mảnh đất nơi chúng tôi sinh ra. Chúng tôi đã tìm thấy một quốc gia mới chấp nhận chúng tôi. Nếu chúng tôi để đất nước mà chúng tôi rời đi tiếp quản đất nước mà chúng tôi đã tìm thấy, tại sao chúng tôi lại rời đi ngay từ đầu? Trách nhiệm của chúng tôi là sẵn sàng chiến đấu, và trong trường hợp này là chiến đấu,” anh Yuan nói với The Epoch Times khi được hỏi tại sao anh lại tình nguyện giúp đỡ việc hoạt động và chế tạo tác phẩm cho công viên.
Người nghệ sĩ đấu tranh cho nền dân chủ của Trung Quốc
Ông Trần Duy Minh (Weiming Chen), người sáng lập và là nghệ sĩ chính của Công viên Điêu khắc Tự do cho biết: “Công viên này đại diện cho những tinh thần đấu tranh bền bỉ cho nền dân chủ của Trung Quốc.” Các triển lãm chính của công viên đều là những tác phẩm điêu khắc khổng lồ được làm từ nhiều loại vật liệu.
Sau khi tác phẩm điêu khắc Virus Trung Cộng bị thiêu rụi hồi tháng 07/2021, bức tượng này đã được làm lại và đặt tên là Virus Trung Cộng II. Tác phẩm mới này được làm từ hơn 35,000 cây thép được kết nối với nhau bằng hơn 80,000 mối hàn. Theo lời của các tình nguyện viên đã giúp xây dựng tác phẩm điêu khắc mới này: họ muốn xây dựng tác phẩm điêu khắc mới theo cách mà cảnh mật Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể dùng lửa mà thiêu hủy được.
Tác phẩm điêu khắc Virus Trung Cộng II mới này được một nhóm tình nguyện viên xây dựng trong hơn bảy tháng. Công trình này được hoàn thành vào ngày 04/06 năm nay, nhân kỷ niệm một năm ra đời tác phẩm đầu tiên.
Tác phẩm điêu khắc mới này cao cỡ tòa nhà ba tầng (hơn 8 mét), tính cả phần đế được đúc bằng bê tông.
Bên cạnh tác phẩm điêu khắc Virus Trung Cộng này, công viên còn có một số bức tượng khổng lồ khác.
Phần trung tâm của công viên là Đài tưởng niệm Vụ thảm sát Lục Tứ (hay Đài tưởng niệm 64), được làm bằng thép không gỉ. Bức tượng này cao 6.4 mét (21 feet) và đặt trên một bệ đúc bê tông cao 2.5 mét (8.2 feet), nâng tổng chiều cao của tác phẩm điêu khắc này lên 8.9 mét (29 feet) tính từ mặt đất. Tổng chiều cao (8.9 m) và chiều cao tác phẩm điêu khắc này (6.4 m) đều cùng phản ánh sự kiện ngày 04/06/1989; ngày xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn (hay còn gọi là Sự kiện Lục Tứ).
Vào ngày 04/06/1989, chế độ ĐCSTQ đã đưa quân đội cùng với thiết vận xa và binh lính trang bị súng máy đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, và khai hỏa vào phong trào dân chủ do sinh viên lãnh đạo.
Mặt trước của bệ tượng đài này được trang trí bằng một bức phù điêu cỡ lớn tái hiện lịch sử và những người có mặt trong vụ thảm sát. Một tấm bia bằng thép đã được gắn vào mặt sau của đế, cung cấp thông tin và giải thích về phong trào dân chủ năm 1989 của Trung Quốc. Trên tấm bia đó còn khắc tên của 203 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ thảm sát này.
Ông Trần nói rằng tổng số nạn nhân thiệt mạng thực tế là hơn 203 người. Phần lớn danh tính của các nạn nhân vẫn chưa được xác định vì nhiều gia đình nạn nhân sợ không dám nói ra trước áp lực chính trị từ phía chính quyền Bắc Kinh.
Ông Trần nói rằng đài tưởng niệm 64 này được xây dựng để gia đình của các nạn nhân thương tiếc và tưởng nhớ những người thân yêu của họ bị sát hại trong vụ thảm sát Thiên An Môn.
Ngay bên cạnh đài tưởng niệm 64 là một bức tượng kích thước người thật của người chặn xe tăng (tank man) — nhân vật nổi tiếng của vụ thảm sát năm 1989. Người thanh niên trẻ tuổi này đã một mình đứng trước một hàng thiết vận xa cố gắng ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiến vào Quảng trường Thiên An Môn. Vụ việc này đã được camera của một phóng viên phương Tây ghi lại, nhưng chưa bao giờ thế giới biết được danh tính và nơi ở của người chặn xe tăng này.
Đài tưởng niệm 64 nằm ở phía sau bức tượng người chặn xe tăng, trong khi phía trước người chặn xe tăng là một chiếc thiết vận xa đã qua sử dụng. Ông Trần nói rằng một nhà hảo tâm đã mua chiếc thiết vận xa ngừng hoạt động này ở Âu Châu, sau đó gửi đến California, và tặng chiếc xe này cho công viên.
Một tượng đài khác trong công viên là tác phẩm điêu khắc có tên “Quang phục Hồng Kông, Cách mạng Thời đại.” Bức tượng này cao 6 mét (19.7 feet) và được đặt trên một bục bê tông cao 2 mét (6.5 feet). Tên của tác phẩm điêu khắc này xuất phát từ khẩu hiệu của phong trào đòi dân chủ năm 2019 ở Hồng Kông.
Ông Trần từ lâu đã là một người ủng hộ phong trào dân chủ của Hồng Kông. Năm 2010, ông đã gửi hai tác phẩm điêu khắc của mình đến Hồng Kông để phục vụ lễ tưởng niệm hàng năm về vụ Thảm sát Thiên An Môn.
Một tác phẩm điêu khắc là một bản sao của bức tượng Nữ thần Dân chủ, lần đầu tiên được các sinh viên dựng lên tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 nhưng sau đó đã bị quân đội Trung Quốc phá bỏ. Một bức tượng khác là bức phù điêu kể lại câu chuyện về vụ thảm sát. Cả hai tác phẩm điêu khắc này đều bị cơ quan cảnh sát Hồng Kông tịch thu sau khi được vận chuyển đến Hồng Kông, nhưng sau đó đã được trả lại vì người dân Hồng Kông phản đối.
Bản thân ông Trần sau đó đã bay đến Hồng Kông, và cố gắng tham gia lễ tưởng niệm Sự kiện Lục tứ vào năm 2010, nhưng đã bị chặn lại tại phi trường Hồng Kông, và sau đó bị chính quyền Hồng Kông trục xuất.
‘Hãy cho tôi tự do, hoặc kết liễu tôi đi’
Quay mặt về hướng nam và nằm ở trung tâm Công viên Điêu khắc Tự do là bức tượng về ông Crazy Horse. Bức tượng hình đầu người khổng lồ này là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được dựng lên trong công viên này, để tưởng nhớ đến vị thủ lĩnh thổ dân của người Mỹ bản địa.
Mặt sau của tác phẩm điêu khắc này được khắc dòng chữ: “Hãy Cho Tôi Tự Do, hoặc Kết Liễu Tôi Đi.”
Khi được hỏi điểm chung giữa ông Crazy Horse và những người đấu tranh cho quyền tự do của Trung Quốc là gì, ông Trần trả lời: “Tất cả họ đều đấu tranh cho tự do. Tự do là không có biên giới.”
Ông Trần nói với The Epoch Times rằng với tư cách là thủ lĩnh của người Mỹ bản địa, cuộc tranh đấu giành tự do và độc lập của ông Crazy Horse không chỉ nhận được sự tôn trọng từ người dân của ông, mà còn từ kẻ thù của ông: Chính phủ Liên bang Mỹ.
Nằm không xa bức tượng ông Crazy Horse là một bức tượng người đàn ông đang đứng, tác phẩm điêu khắc về ông Lý Vượng Dương (Li Wangyan). Ông Lý là một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và ủng hộ các quyền lợi cho người lao động. Ông đã bị ngồi tù 21 năm sau khi tham gia các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông Lý đã mất cả thị giác và thính giác trong thời gian lãnh án tù.
Năm 2012, sau khi được trả tự do và nhận tham dự một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, trong đó ông kêu gọi ủng hộ các nạn nhân của Vụ thảm sát Thiên An Môn, thì ông được phát hiện treo cổ trong phòng bệnh viện. Ban đầu cơ quan công an địa phương tuyên bố rằng ông tự vẫn, nhưng sau đó sửa lại thành “tử vong do tai nạn.”
Trong cuộc phỏng vấn năm đó, ông Lý đã tuyên bố mạnh mẽ về lập trường dân chủ không thể lay chuyển của mình: “Tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ ngay cả khi tôi bị xử chém.” Cuộc phỏng vấn này đã được trao cho một hãng truyền thông Hồng Kông.
Cũng giống như ông Lý và ông Crazy Horse, bản thân ông Trần cũng là một người tranh đấu cho tự do. Từ năm 2012 đến năm 2014, ông Trần đã tới Syria bốn lần để tham gia lực lượng dân quân chống Assad có liên đới với Syria nhằm hỗ trợ người dân Syria trong cuộc chiến chống lại chế độ độc tài của nước này. Ông được biết đến là chiến binh Trung Quốc duy nhất trong lực lượng đối lập Syria.
Ông Trần đã tốt nghiệp Học viện Thủ công Mỹ thuật Trung ương, một trong những trường nghệ thuật hàng đầu ở Trung Quốc. Khi còn ở Trung Quốc, ông là một nhà điêu khắc nổi tiếng. Một trong những tác phẩm nghệ thuật của ông là một nhóm tượng điêu khắc mang tên “Khiêu vũ với Âm nhạc,” ngày nay vẫn còn đứng ở Quảng trường Vũ Lâm của thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Không giống như nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng ở Trung Quốc kiếm được hàng triệu dollar, ông Trần đã chọn rời Trung Quốc vào năm 1988. Ông đến New Zealand, nổi tiếng là một điểm đến được nhiều người Trung Quốc chọn di cư vào thập niên 80 và 90.
Ông Trần nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở New Zealand. Ông được biết đến là nhà điêu khắc gốc Hoa di cư, người đã dựng bức tượng nhà leo núi Sir Edmund Hillary tại Quảng trường Hillary, Orewa, vào năm 1991. Ngày 29/05/1953, ông Hillary là một trong hai nhà leo núi đầu tiên trong lịch sử được xác nhận đã đặt chân lên đỉnh của ngọn Everest.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times