Nội dung gây tranh cãi của Luật An ninh Quốc gia Hong Kong
Hôm 30/6, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thông qua và ban hành Luật An ninh Quốc gia Hong Kong, luật này có hiệu lực ngay vào ngày hôm đó. Bộ luật này có nhiều nội dung gây tranh cãi, khiến ngoại giới càng thêm lo ngại về việc Bắc Kinh xâm phạm nền tự do của Hong Kong.
Luật An ninh Quốc gia Hong Kong (dưới đây gọi tắt là Đạo luật) được ĐCSTQ thông qua hôm 30/6, đã bỏ qua Hội đồng Lập pháp Hong Kong, thay đổi lời hứa về một Hong Kong với quyền tự trị cao độ trong 50 năm, để cai trị Hong Kong như với mô hình trong đại lục.
Đạo luật đã định nghĩa rất rộng 4 loại tội phạm sau: tội chia rẽ đất nước, tội lật đổ chính quyền nhà nước, tội hoạt động khủng bố và tội thông đồng với các thế lực nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, và đồng thời cũng đưa ra các hình phạt cực kỳ nghiêm khắc.
Nội dung gây tranh cãi của Đạo luật như sau:
- Luật An ninh Quốc gia được ưu tiên hơn luật pháp Hong Kong hiện hành. Điều 62 của dự luật quy định, “Nếu luật pháp và quy định địa phương của Đặc khu hành chính Hong Kong không phù hợp với Đạo luật này, các quy định của Đạo luật sẽ được áp dụng”.
- Định nghĩa 4 loại tội phạm (tội chia rẽ đất nước, tội lật đổ chính quyền nhà nước, tội hoạt động khủng bố và tội thông đồng với các thế lực nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia) bị phạt tù chung thân.
Điền Vân (Tian Yun), một tác gia chuyên viết các chuyên đề cho tờ Epoch Times, trước đó đã viết một bài báo với tiêu đề “Đại hội Nhân dân đã thông qua Luật An ninh Quốc gia Hong Kong với 4 tội danh quá vô lý”, giới thiệu chi tiết về 4 tội danh quen thuộc mà ĐCSTQ hay sử dụng. Ông nói rằng những tội danh thường dùng của ĐCSTQ “rất linh hoạt, có thể giảm nhẹ, có thể tăng nặng, có thể biến thành tội lớn mà cũng có thể biến thành tội nhỏ, ĐCSTQ muốn chụp tội lên ai thì đều không sợ không có ‘cơ sở pháp lý’”.
Axios, một trang web chính trị trực tuyến của Mỹ, nhận xét rằng Luật An ninh Quốc gia Hong Kong thể hiện phương thức cai trị của ĐCSTQ, đó là “pháp chế” chứ không phải là “pháp trị”.
- Các hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia mới được thiết lập ở Hong Kong và nhân viên của cơ quan này ở Hong Kong không chịu sự quản lý của chính quyền địa phương Hong Kong. Điều 60 của Đạo luật quy định rằng các hành động chấp hành nhiệm vụ của Cơ quan An ninh Quốc gia và nhân viên của nó có trụ sở tại Đặc khu hành chính Hong Kong căn cứ theo Luật này sẽ không thuộc thẩm quyền của Đặc khu hành chính Hong Kong.
- Chính quyền ĐCSTQ sẽ trực tiếp thực thi quyền tài phán trong các trường hợp được gọi là “phức tạp” để đối phó với các vụ việc liên quan đến nước ngoài hay còn gọi là các vụ án có “mối đe dọa thực sự lớn” đối với an ninh quốc gia.
Điều 55 của Đạo luật nêu rõ: “Chính phủ Đặc khu hành chính Hong Kong hoặc Cơ quan an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong sẽ đệ trình và báo cáo lên Chính phủ nhân dân trung ương phê duyệt, và sẽ do Cơ quan an ninh quốc gia tại Hong Kong thực thi quyền xét xử đối với các tội phạm gây nguy hại cho an ninh quốc gia được quy định trong Đạo luật khi xảy ra một trong các tình huống sau đây:
(1) Vụ việc phức tạp có sự can thiệp của các thế lực nước ngoài mà Đặc khu hành chính Hong Kong thực sự có những khó khăn trong việc xét xử;
(2) Xuất hiện tình huống nghiêm trọng mà Chính phủ Đặc khu hành chính Hong Kong không thể thực thi hiệu quả Đạo luật;
(3) Xuất hiện tình huống mà an ninh quốc gia phải đối mặt với mối đe dọa thực sự lớn”.