Nợ phi tập trung gây ra vấn đề lớn cho Trung Quốc
Trong lúc Trung Quốc đối diện với áp lực nợ ngày càng tăng do người tiêu dùng, các doanh nghiệp nhà nước, và các chính quyền địa phương vay mượn quá nhiều trong nhiều năm để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của chính quyền trung ương, thì Bắc Kinh đang đứng trước một vấn đề hóc búa về việc chỉ có những công cụ tối thiểu để giải quyết các mức nợ này.
Cách thức mà Trung Quốc điều hành cấu trúc quản trị, vốn được đặc trưng bởi các chỉ thị tập trung do các cán bộ địa phương thực hiện, sẽ định hình chiến lược của họ không những trong việc giải quyết các khoản nợ tồn đọng mà còn cả trong cách ứng phó với mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và các tỉnh thành địa phương.
Nhận thức chung rằng Trung Quốc là một nhà nước tập quyền độc tài mới chỉ phản ánh được một phần thực tế. Những cơ chế cai quản dựa trên sự quan liêu, thu nhập, và chi tiêu của chính quyền tiết lộ một nhà nước tương đối phi tập trung. Như một thước đo đơn giản, hồi năm 2022, chính quyền liên bang ở Hoa Kỳ chiếm 74% tổng chi tiêu công. Ngược lại, ở Trung Quốc vào năm 2022, chính quyền trung ương đã thu 47% tổng doanh thu công và chỉ chịu trách nhiệm về 14% tổng chi tiêu chính quyền. Nói cách khác, bất chấp nhận thức về Trung Quốc trong vai trò một quốc gia tập quyền, việc thu thập các nguồn tài chính cho các nhu cầu cụ thể vẫn có sự phân cấp cao.
Tiền có thể được chi tiêu tại địa phương, nhưng Bắc Kinh mới là bên thiết lập hướng đi. Ví dụ, mục tiêu tăng trưởng hàng năm được đặt ra trong nhiều năm ở mức quá cao đã trở thành hướng dẫn chính thức trong những năm gần đây. Bắc Kinh sẽ công bố mục tiêu cho các tỉnh thành, dẫn đến những kết quả phi lý khi hầu hết các tỉnh đều báo cáo mức tăng trưởng gần bằng với tỷ lệ tăng trưởng quốc gia.
Kiểu trung ương ra lệnh và địa phương quyết định này kết hợp với chủ nghĩa độc đoán, xảy ra thậm chí ở cả cấp địa phương, đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Hàng năm, mỗi khi Bắc Kinh công bố các ngành công nghiệp trọng điểm, thì chính quyền địa phương và các ngân hàng quốc doanh lại vung tiền vào các lĩnh vực được các quan chức nêu ra. Hành động này dẫn đến tình trạng nguồn cung cấp tiền trở nên dư thừa nhanh chóng trong các lĩnh vực được ưa chuộng bất kể chất lượng sản phẩm hay chuyên môn như thế nào khi mỗi tỉnh thành và công ty theo đuổi trợ cấp đều cố gắng thâm nhập vào một ngành chưa từng biết đến trước đây. Chỉ riêng năm 2023 đã có gần 11,000 công ty bán dẫn bị đóng cửa, hầu hết đều nhận được sự trợ cấp to lớn từ chính quyền.
Sự phân cấp trong ra quyết định và việc tập trung hóa thất bại này đã tự biểu hiện ra theo những cách khác. Nghiên cứu gần đây của Đại học Thanh Hoa ước tính mức nợ thực sự của các chính quyền địa phương là gần 13 ngàn tỷ USD. Các nhà nghiên cứu đã gợi ý rằng một cách để Trung Quốc giải quyết mức nợ cao này của các chính quyền địa phương là chính quyền trung ương đảm nhận khoản nợ. Đây là một lĩnh vực mà việc tập trung hóa các mệnh lệnh dẫn đến sự kiểm soát khó khăn đối với thu và chi của địa phương.
Mặc dù về mặt lý thuyết, việc chuyển nợ của chính quyền địa phương sang một chính quyền trung ương có ít nợ nghe có vẻ ổn, nhưng biện pháp này lại không tính đến các động lực của sự phân quyền ở Trung Quốc. Làm thế nào mà chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, nơi chỉ chi 500 tỷ USD mỗi năm, có thể trả được khoản nợ hơn 13 ngàn tỷ USD? Ngay cả khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chính thức của chính quyền Trung Quốc chỉ ở mức 2.5%, thì mức lãi nợ này cũng đã đòi hỏi chính quyền trung ương phải phân bổ gần ⅔ chi tiêu của họ chỉ để trang trải các khoản thanh toán lãi vay.
Về mặt lý thuyết, những thay đổi cần thiết để giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc là rất đơn giản. Trên thực tế, thì sự chuyển dịch đó lại rất sâu sắc, khó vượt qua, và gai góc.
Một chính quyền trung ương thiếu cơ sở thu và chi sẽ không có khả năng tiếp nhận bất kỳ khoản nợ thực tế nào từ cấp chính quyền địa phương, kể cả khi chính quyền này duy trì mức nợ thấp so với GDP. Chính quyền trung ương có thể muốn khuyến khích tài trợ cho các ngành công nghiệp mục tiêu. Tuy nhiên, khi các ngân hàng đều thuộc sở hữu nhà nước và được yêu cầu cho một số lĩnh vực nhất định vay vốn, thì đặc điểm đó sẽ tạo ra động lực sai lầm là cho vay không hạn chế và bỏ qua các nguyên tắc thị trường, chẳng hạn như liệu sản phẩm đó có tốt hay không. Các lãnh đạo địa phương muốn tìm kiếm sự ưu ái của chính quyền trung ương sẽ đổ nguồn lực vào các dự án chỉ đơn giản là để lấy lòng, dù cho các dự án đó có bất kỳ lợi thế hoặc chuyên môn nào hay không.
Về cốt lõi, sự phân cấp hóa tập trung được thực hiện ở Trung Quốc thể hiện sự thất bại của chủ nghĩa độc tài. Thiếu kinh phí và nhân lực, chính quyền trung ương phải phụ thuộc vào các chính quyền và lãnh đạo địa phương để thực hiện tầm nhìn của họ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo địa phương lại chỉ là những nhà độc tài trong phạm vi riêng của họ, thiếu các giới hạn của kỷ luật thị trường hoặc các rào cản pháp luật.
Một lãnh đạo địa phương với quyền lực gần như vô hạn trong vai trò là nhà độc tài địa phương trong khu vực địa phương của họ — nơi chính quyền sở hữu các ngân hàng và các công ty lớn vay vốn từ các ngân hàng đó — đồng thời là một người mong muốn giữ được vị trí của mình hoặc có khả năng được thăng chức về Bắc Kinh, thì sẽ không có lý do gì để tuân thủ các giới hạn về quyền lực do Bắc Kinh truyền xuống và có mọi động cơ để phá vỡ các quy tắc đó nhằm đạt được các mục tiêu do chính quyền trung ương đặt ra. Với những thành tựu được đo bằng việc tài trợ và các kết quả đầu ra như đã hoàn thành bao nhiêu cây cầu, các chính trị gia được khuyến khích xây dựng cơ sở hạ tầng bất kể năng lực tài chính ra sao. Với việc quyền lực tại địa phương của các quan chức trong việc thực thi các mục tiêu này chỉ chịu hạn chế tối thiểu khi họ vừa là bên cho vay lại vừa là người đi vay, Bắc Kinh khó có thể làm được gì nếu không có những cải tổ căn bản hơn mà họ không sẵn lòng theo đuổi.
Mô hình này đã ăn sâu vào chính trị Trung Quốc đến nỗi có một câu tục ngữ cổ mô tả hành vi này: “Núi thì cao, còn hoàng đế thì ở xa.” Với việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình thẳng tay trấn áp các phe phái và quan chức không theo ông ta, thì ngay cả một cỗ máy thông tin hoàn hảo cũng khiến ông ta khó lòng kiểm soát được các quan chức ương ngạnh.
Chừng nào Trung Quốc còn chưa giải quyết được các động cơ chính trị của chủ nghĩa độc tài, thì chứng đó nước này sẽ không thể giải quyết được câu hỏi hóc búa về sự phân cấp của mình. Các lãnh đạo địa phương sẽ học hỏi từ những nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất, tự trui rèn thành những nhà độc tài địa phương.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times