Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 8): Cicero (tiếp theo)
Phần trước của loạt bài này phác thảo cuộc đời và sự nghiệp của một chính khách La Mã Marcus Tullius Cicero. Bài viết cũng mô tả ông John Adams đã dựa vào tác phẩm của Cicero như thế nào trong lời nói đầu cho tập đầu tiên của cuộc khảo sát về các hiến pháp cộng hòa. Mặc dù ông Adams đang ở châu Âu khi Hội nghị Lập hiến họp, tập sách nghiên cứu của ông đã được lưu hành giữa các đại biểu.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, ông Adams đã trình bày sai về Cicero, và ông Alexander Hamilton cũng vậy. Bài tiểu luận này giải thích như thế nào và tại sao. Bài tiểu luận này cũng cho thấy những người tranh luận về bản Hiến Pháp dự thảo đã sử dụng các bài viết và danh tiếng của Cicero ra sao.
Lỗi của Adams-Hamilton
Cuốn sách của ông Adams đã tường thuật chính xác quan điểm của Cicero rằng hình thức chính phủ tốt nhất và ổn định nhất là sự pha trộn giữa các yếu tố của vương quyền (một giám đốc điều hành), tầng lớp quý tộc (một viện nguyên lão) và nền dân chủ (một viện dân biểu). Ông Adams suy luận rằng hình thức chính phủ hỗn hợp tốt nhất hiện có là của Vương quốc Anh: bao gồm một vị vua đóng vai trò là giám đốc điều hành, Viện của Quý tộc (House of Lords) đại diện cho tầng lớp quý tộc, Viện của Thường dân (House of Commons) đại diện cho người dân và một cơ quan tư pháp độc lập. Ông Adams thừa nhận rằng hệ thống của Anh đã bị hỏng, nhưng ông lập luận rằng “về lý thuyết” đó là “phát minh kỳ diệu nhất của con người …”
Không giống như ông Adams, ông Hamilton đã hiện diện tại Hội nghị Lập hiến. Trong một bài diễn văn dài tại hội nghị, ông dựa trên quan điểm của Cicero và các tác giả khác tuyên bố hình thức [tổ chức] của Anh quốc là chính phủ tốt nhất trên thế giới. Ông kêu gọi đại hội sử dụng hiến pháp Anh làm hình mẫu. Ông Hamilton nhận ra rằng người Mỹ sẽ không chấp nhận một vị vua hay một tầng lớp quý tộc, vì vậy ông đề nghị phương án tương đương gần giống nhất: một chính quyền trung ương toàn quyền với một giám đốc điều hành được bầu không trực tiếp làm việc đến hết đời, một thượng viện được bầu gián tiếp làm việc đến hết đời và một hội đồng được bầu trực tiếp bởi người dân cho nhiệm kỳ ba năm. Các tiểu bang sẽ chỉ có những thẩm quyền như chính phủ quốc gia trao cho họ.
Adams và Hamilton dựa trên sự hiểu biết của họ về quan điểm của Cicero trong những phần còn sót lại lúc đó của De Republica (“Về Nhà nước”). Nhưng vào năm 1820, nhiều phần khác của De Republica đã được tìm thấy. Trong các phần được khám phá lại, Cicero tuyên bố rằng giám đốc điều hành trong một chính phủ hỗn hợp chỉ nên được chọn với một nhiệm kỳ giới hạn. Cicero lo lắng rằng một vị vua hoặc người điều hành suốt đời sẽ có quyền lực quá lớn đến mức vượt trội so với các cơ quan khác của chính phủ: “Quyền lực của hoàng gia chắc chắn là tối cao,” Cicero viết. “Một chính phủ như vậy [sẽ] chắc chắn [trở thành] một chế độ quân chủ.”
Ngay cả khi không có lợi ích từ phần tái phát hiện của De Republica, hội nghị đã từ chối các đề xướng kiểu quân chủ của ông Hamilton. Thay vào đó, họ đưa ra một bản Hiến Pháp trong đó giám đốc điều hành, giống như quan chấp chính La Mã (Roman consul), sẽ chỉ được bầu cho một nhiệm kỳ nhất định. Hơn nữa, không giống như nhiệm kỳ “có hành vi tốt” của các lãnh chúa Anh và những nguyên lão (thượng nghị sĩ) La Mã, Hiến Pháp quy định rằng các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ sẽ được chọn cho nhiệm kỳ sáu năm.
Cicero trong các cuộc tranh biện phê chuẩn
Cicero là nhân vật nổi bật trong các cuộc tranh biện về việc có nên phê chuẩn Hiến pháp hay không. Cả những người theo chủ nghĩa Liên bang (những người ủng hộ Hiến pháp) và những người theo chủ nghĩa Chống Liên bang (những người phản đối) đều đề cập đến ông theo những cách hiểu thích hợp, hơi quan trọng hoặc rất quan trọng.
Về khía cạnh không quan trọng, những người tham gia tranh biện đôi khi sử dụng những cái tên “Cicero” và “Demosthenes” [một chính khách và nhà hùng biện người Athens thời Hy Lạp cổ đại] như những từ đồng nghĩa với “nhà hùng biện vĩ đại”. Một ví dụ xuất hiện trong bức thư của ông Francis Hopkinson, một người theo chủ nghĩa Liên bang Pennsylvania. Sau khi ông James Wilson có bài diễn văn ủng hộ Hiến pháp, ông Hopkinson đã viết, “Ông Wilson đã nỗ lực hết mình trước sự kinh ngạc của tất cả những người nghe. Quyền năng của Demosthenes và Cicero dường như được hợp nhất trong nhà hùng biện tài ba này.”
Ngược lại, một người theo chủ nghĩa Chống Liên bang đã sáng tác một bài thơ với một đoạn ngụ ý rằng Cicero vẫn là nhà hùng biện giỏi hơn ông Wilson — ngay cả là Cicero đã qua đời rồi! Nhà lập pháp Virginia Spencer Roane (sau này là một thẩm phán nổi tiếng) tuyên bố rằng các bài diễn văn của ông Patrick Henry xứng đáng như Cicero.
Đôi khi những người tham gia sử dụng tên của Cicero một cách mỉa mai. Do đó, những người theo chủ nghĩa Liên bang thỉnh thoảng gọi những người diễn văn chống Hiến Pháp là “ciceroes”. Những người chống liên bang đã đáp trả lời nhận xét bằng hành động.
Trong một số trường hợp khác, những người tham gia coi Cicero là hình mẫu của một chính khách đạo đức, trong khi Cataline (tiếng Latinh: Catalina), những người có âm mưu nổi loạn khiến Cicero bị sát hại, tượng trưng cho kẻ bất lương chính trị. Một người theo chủ nghĩa chống Liên bang ở Pennsylvania viết dưới bút danh “Cicero” tuyên bố rằng ông ta sẽ đáp trả những “Cataline” theo chủ nghĩa Liên bang. Một người theo chủ nghĩa Liên bang ở Massachusetts đã gọi đối thủ của mình là “CATALINE HIỆN ĐẠI”.
Một cách xây dựng hơn, những người tranh chấp đã khai thác các bài viết của Cicero để tìm kiếm sự khôn ngoan chính trị, cả về Hiến Pháp và các chủ đề khác. William Samuel Johnson — người đại diện cho Connecticut tại Hội nghị Lập hiến — đã thúc giục một người bạn vừa có bài diễn văn “hãy tận dụng cơ hội đầu tiên (như Cicero và nhiều diễn giả giỏi nhất đã làm) để viết ra bài diễn văn của mình.” Cũng đến từ Connecticut là ông Noah Webster, người sau này nổi tiếng với cuốn từ điển của mình. Là một người ủng hộ nhiệt thành Hiến Pháp, ông Webster là tác giả của một cuốn sách nhỏ trong đó ông dựa vào Cicero để tuyên bố rằng viện nguyên lão La Mã, giống như Thượng viện ở Mỹ được đề nghị là phải được bầu ra. (Trên thực tế, viện nguyên lão La Mã chỉ mang tính tự chọn theo nghĩa phụ; nếu một người đàn ông được bầu vào một cơ quan hành pháp lớn, thì người đó sẽ trở thành thành viên của viện nguyên lão La Mã.)
Ông Charles Carroll của Carrollton, một người theo chủ nghĩa Liên bang ở Maryland, chỉ ra rằng Cicero ủng hộ một chính phủ hỗn hợp phục vụ hạnh phúc của người dân. Tất nhiên, ông Carroll nghĩ rằng Hiến Pháp sẽ tạo ra một chính phủ như vậy.
Một người theo chủ nghĩa Liên bang Virginia đã viện dẫn Cicero để ủng hộ (1) Hiến pháp trao quyền ân xá cho tổng thống và (2) Hiến pháp cấm các luật hồi tố (ex post facto).
Về phía phe đối lập, một vị bảo vệ người theo chủ nghĩa Chống liên bang mới đến Philadelphia đã cáo buộc rằng Cicero đã phá tan âm mưu của Cataline khi Cicero mới sống ở Rome ba năm. (Thực ra, Cicero đã sống ở đó khoảng 25 năm.)
Cuối cùng, một người chỉ trích ở New York tự phong cho mình “P. Valerius Agricola” đề nghị mọi người bắt chước Cicero đặt câu hỏi cho mỗi đề xướng chính trị mới, “Cui bono?” — Ai được lợi?
Một số người tranh luận đã sử dụng các sự kiện trong cuộc đời của nhà hùng biện làm nguồn tham chiếu cho các bài học. Một sự kiện như vậy là việc đàn áp âm mưu của Cataline. Dưới đây là một thứ khác:
Vào năm 52 TCN, Cicero ra tòa bào chữa cho một tên côn đồ tên là Titus Annius Milo. Tuy nhiên, các đội quân thù địch đã bao vây khu vực đó và Cicero, bị đe dọa bởi sự phô trương lực lượng quân sự, ông chỉ trình bày bảo vệ thân chủ rất yếu ớt. Tại hội nghị phê chuẩn ở Virginia, nhà lập pháp chống liên bang George Mason đã lợi dụng tình tiết này để tấn công việc Hiến Pháp lựa chọn Thượng viện làm tòa án để xét xử các luận tội tổng thống:
“Tổng thống [sẽ] bị xét xử bởi các cố vấn của ông ấy,” ông Mason nói. “Ông ấy không bị cách chức trong thời gian xét xử. Khi bị buộc tội phản quốc, ông ta có quyền chỉ huy quân đội và hải quân, đồng thời có thể bao vây Thượng viện với 30,000 quân. Điều này khiến tôi nhớ lại phiên tòa đáng chú ý của Milo tại Rome.
Trích dẫn từ Cicero
Những người tham gia tranh luận thường sử dụng một câu trích dẫn kiểu ‘ciceronian’ để đưa ra quan điểm. Thực tế là hầu hết những người có học đều đã đọc Cicero giúp đảm bảo rằng những trích dẫn này được sử dụng một cách công bằng. Các tác giả, mặc dù không phải lúc nào cũng vậy, thường sao chép các đoạn đã chọn của họ bằng tiếng Latinh mà không cần dịch. Như một tác giả đã nhận xét, điều này mang lại không khí học tập cho những độc giả không biết tiếng Latinh và cung cấp một số cách “giải thích” (dịch thuật) thú vị cho những người đã biết.
Tuy nhiên, đối với bài tiểu luận này, tôi đã làm mất tất cả sự thú vị bằng cách dịch các trích dẫn được thảo luận dưới đây.
Hãy nhớ lại tác giả theo phái chống liên bang đã bảo vệ một tác giả mới đến Philadelphia bằng cách tuyên bố Cicero chỉ là một người mới đến khi anh ta đàn áp Cataline. Người được bảo vệ là ông Benjamin Workman, một giáo sư tại Đại học Pennsylvania ngày nay. (Xem bản pdf này để biết câu chuyện này.) Trong một trong những bài bình luận của chính mình, ông Workman đã tự bảo vệ mình. Ông ấy lưu ý rằng ông là một giáo viên và trích dẫn lời khen ngợi của Cicero về những giáo viên giỏi: “Chúng ta có thể mang lại lợi ích gì lớn hơn hoặc tốt hơn cho nền cộng hòa hơn là dạy tốt cho giới trẻ?”
Những người theo chủ nghĩa chống liên bang đã thất vọng trước điều mà họ coi là sự vội vàng điên rồ để thông qua Hiến Pháp. Một người theo chủ nghĩa chống liên bang ở New York đã so sánh sự điên cuồng với mô tả của Cicero về Rome trong âm mưu của Cataline: “Có sự phản bội bên trong, nguy hiểm bên trong, kẻ thù bên trong; chúng ta phải đấu tranh chống lại sự phóng đãng, điên rồ và tội ác!” Trong một bài tiểu luận sau đó, cũng chính tác giả đó đã mô tả những người ủng hộ Hiến Pháp bằng một đoạn khác trong cùng bài diễn văn: “Vì đây không chỉ là những ham muốn vừa phải, mà là sự táo bạo trên mức con người và không thể dung thứ!”
Một người phản đối Hiến Pháp ở Maryland, theo dõi Cicero, đã hỏi liệu bài tiểu luận của tác giả theo chủ nghĩa Liên bang là “kế hoạch của một người tỉnh táo hay giấc mơ của một kẻ say rượu? những suy nghĩ của những người đàn ông khôn ngoan hay những tác phẩm của sự điên rồ? Một người theo chủ nghĩa chống liên bang ở South Carolina đã cảnh báo, như Cicero đã nói: “Chúng ta đã đi đến cuộc khủng hoảng cuối cùng! Nếu bây giờ chúng ta trượt ngã, chúng ta sẽ không có cách nào phục hồi hay kháng cự được.”
Một đối thủ ở New Hampshire, dường như đã cam chịu hơn, đã nhắc nhở Elbridge Gerry, người giống như George Mason, từng là người xây dựng Hiến Pháp nhưng không thích phiên bản cuối cùng: “hãy chấp nhận ý tưởng của Cicero … rằng nền Cộng hòa sẽ không gây hại gì.”
Những người ủng hộ cũng như những người phản đối Hiến Pháp đã sử dụng trích dẫn của Cicero. Một nhà viết tiểu luận ở Massachusetts đã phản ánh về sự chia rẽ giữa những người Mỹ theo cách này: “khi chúng ta nhìn xung quanh mình và xem các đảng phái khác nhau tồn tại trong tiểu Bang, theo đuổi nhiệt tình như nhau các mục tiêu khác nhau với những động cơ khác nhau, chúng ta sẵn sàng nói với Cicero, ‘Chúa muốn, nhưng con người không sẵn lòng để có ích cho nhau.’”
Hơn nữa, tại hội nghị phê chuẩn ở North Carolina, ông James Iredell (sau này là thẩm phán của Tối cao Pháp viện) đã thúc giục việc thông qua Hiến Pháp bằng cách diễn giải Cicero: “Nguyên tắc quan trọng là,” ông Iredell nói, “Sự an toàn của người dân là luật tối cao.”
Kết luận
Có lẽ việc sử dụng Cicero trong trò chơi đẩy đi và đẩy lại này sẽ đặt thế hệ các nhà sáng lập vào một ánh sáng không mấy tốt đẹp. Nếu vậy, thì một trích dẫn nữa có thể cung cấp quan điểm. Đó là một dòng thơ mà một người theo chủ nghĩa chống liên bang ở New York gán cho Ovid [một thi sĩ La Mã], nhưng Cicero lại ghi nhận là của thi sĩ thời sớm hơn nhiều, Quintus Ennius. Viết là:
“Simia quam similis turpissima bestia nobis.”
Có nghĩa là, “Con khỉ giống chúng ta biết bao, con vật đáng ghét nhất!”
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ 7
Phần 9: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Virgil và Các Thi sĩ khác
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times