Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 7): Cicero
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu trong loạt bài này đề cập đến những ảnh hưởng tới Hiến Pháp của bốn nhà tư tưởng hàng đầu của Hy Lạp. Có thêm một người Hy Lạp trong danh sách của chúng ta, nhà viết tiểu sử Plutarch. Tuy nhiên, ông sống ở thời kỳ muộn hơn nhiều, vì vậy để giữ trình tự thời gian, bây giờ chúng ta chuyển sang nói về người La Mã đầu tiên.
Marcus Tullius Cicero là một nhân vật quan trọng trong truyền thống văn học phương Tây. Các bài viết của ông là trung tâm của nền giáo dục thời lập quốc. Những luân lý của ông, cho dù bắt nguồn trực tiếp từ các sáng tác của ông hay từ các tác giả dựa trên những sáng tác đó, đã thấm vào tư tưởng chính trị và đạo đức thế kỷ 18.
Cicero sinh ngày 03/01/106 trước Công nguyên (TCN) ở Arpinum (nay là Arpino), Ý. Gia đình ông thuộc tầng lớp quý tộc địa phương. “Marcus” là tên riêng của ông, “Tullius” là tên gia tộc của ông và “Cicero” là nhánh cụ thể của gia tộc của ông. Các thành viên của thế hệ các Nhà Lập Quốc thường gọi ông là “Tully”, một cách Anh ngữ hóa của “Tullius”.
Cicero là một thanh niên trưởng thành sớm. Plutarch kể rằng trong những năm Cicero còn đi học, “tài năng thiên bẩm của ông đã bộc lộ rất rõ và ông đã gây dựng được tên tuổi và danh tiếng trong đám con trai, đến nỗi cha của họ thường đến thăm trường để tận mắt nhìn thấy Cicero và quan sát sự nhanh nhẹn và thông minh… điều mà Cicero thường được khen ngợi.
Cha mẹ ông đã nhận ra tài năng của ông và cho ông theo học ở một nền giáo dục tốt, một phần ở Rome và một phần ở Athens. Sau năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc, ông trở lại Rome để phát triển sự nghiệp của mình. Ông trở thành người đầu tiên trong gia đình giành được chức vụ cao ở thủ đô. Như người La Mã đã nói, Cicero là một “novus homo” tức là một “người mới”.
Vào năm 81 TCN, Cicero bắt đầu tranh tụng luật pháp tại tòa án. Vào năm 76 TCN, ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên—với tư cách là người quaestor (quan chức tài chính) cho năm tiếp theo. Viện Nguyên Lão (Senate) giao cho ông trợ giúp quản lý ngân quỹ nhà nước ở tỉnh Sicily.
Ở Sicily, ông nổi tiếng là người có năng lực và trung thực. Vài năm sau, danh tiếng này đã giúp thuyết phục các nhà lãnh đạo Sicilia phong ông làm chánh biện lý (chief prosecutor) trong vụ kiện chống lại Gaius Verres, kẻ bị cáo buộc tội biển thủ tại hòn đảo đó khi ông ta còn là thống đốc. Cicero đã thắng kiện Verres, và chiến thắng đã khiến ông trở nên nổi tiếng. Các bài phát biểu tranh biện của ông, được gọi là bài diễn văn In Verrem (“chống lại Verres”) đã trở thành những bài giảng chính của nền giáo dục châu Âu và Mỹ.
Vào năm 64TCN, sau khi phục vụ trong các văn phòng khác, Cicero được bầu làm một trong hai quan chấp chính (consuls) của năm 63 TCN. Các quan chấp chính là giám đốc điều hành của nước cộng hòa.
Khi còn là quan chấp chính, Cicero đã phát hiện và dập tắt một cuộc nổi dậy do chính trị gia vô đạo đức tên là Lucius Sergius Catalina (được biết đến trong tiếng Anh là “Cataline”) dẫn đầu. Những lời tuyên bố của Cicero chống lại Cataline cũng trở thành một phần kinh điển cho giáo dục Âu-Mỹ.
Trong khoảng thời gian 51–50 TCN, Cicero từng là thống đốc của Cilicia, một tỉnh ở miền nam Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ). Ngoài ra, ông đã không giữ thêm chức vụ điều hành sau thời gian làm quan chấp chính. Ông thích lãnh đạo Viện Nguyên Lão bằng uy tín và sự thuyết phục.
Vào năm 46 TCN, Julius Caesar trở thành chủ nhân của thế giới La Mã, nhưng bị ám sát vào năm 44 TCN. Cicero không có vai trò gì trong vụ ám sát, nhưng ngay sau đó ông ta đã có một loạt bài phát biểu nổi tiếng (“Philippics”) cảnh báo các nguyên lão về tham vọng của người cộng sự của Caesar, là Marc Antony. Những bài phát biểu này là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Cicero. Khi đàm phán một thỏa thuận với người thừa kế của Caesar, Octavian (sau này được gọi là Hoàng đế Augustus), Antony nhất quyết yêu cầu Cicero phải bị xử tử. Những người lính do Antony cử đến đã sát hại ông vào ngày 07/12/43 TCN.
Tác phẩm của Cicero
Cicero đã hoàn thiện và xuất bản từng bài diễn thuyết sau khi ông thuyết trình. Năm mươi hai trong những số bài viết đó còn sống sót. Ngoài ra, ông còn viết một loạt sách và luận văn học thuật. Những bài này đề cập đến thần học, tài hùng biện, nghĩa vụ, đạo đức, tuổi già, khoa học chính trị và các chủ đề khác. Mặc dù tác phẩm của ông thể hiện khá nhiều nét độc đáo, nhưng mục tiêu chính của Cicero là dịch các khái niệm triết học Hy Lạp sang tiếng Latinh vì lợi ích của độc giả La Mã.
Sau sự sụp đổ của chế độ La Mã ở Tây Âu (niên đại truyền thống: 476 SCN), tiếng Latinh vẫn là ngôn ngữ học tập và giáo dục phổ quát—tình trạng này được duy trì cho đến thế kỷ 18. Khi các sách Hy Lạp cổ đại dần bị quên lãng và sách Tây Âu chiếm lĩnh, các tác phẩm của Cicero đã giúp duy trì tiếp tục việc học sách Latinh.
Ba cuốn sách của ông đặc biệt hữu ích cho những người soạn thảo và tranh luận về Hiến Pháp: De Legibus (“Về luật”), De Officiis (“Về nghĩa vụ”) và De Republica (“Về Nhà nước”—hay, theo nghĩa đen là, “Về công việc của nhân dân”). Thật không may, những Nhà Lập Quốc nước Mỹ chỉ có những mảnh rời rạc của De Republica: Hầu hết cuốn sách đã bị thất lạc theo thời gian. Các đoạn trích dẫn hoặc các đoạn diễn giải được tìm thấy trong tác phẩm của các tác giả sau này, nhất là của Thánh Augustine ở Hippo (354–430 SCN).
Một phần lớn của De Republica đã được phát hiện ra vào năm 1820. Nhưng tất nhiên, điều đó diễn ra quá muộn để ảnh hưởng đến Hiến Pháp.
John Adams dẫn nguồn từ Cicero
Tập đầu tiên trong sách nghiên cứu của John Adams về các chính phủ cộng hòa được lưu hành tại Hội nghị Lập hiến, và đã trích dẫn nhiều từ các phần của De Republica. Trong những đoạn đó, Cicero đưa ra các nguyên tắc như sau:
- Luật pháp được xây dựng trên công lý; nơi không có công lý, không có luật pháp.
- Một quốc gia (populus) không chỉ là một tập hợp các cá nhân, mà là một hiệp hội dựa trên sự đồng thuận.
- Hiến pháp tốt nhất pha trộn các yếu tố của chế độ quân chủ, quý tộc và dân chủ.
- Sự hòa hợp của các tầng lớp thượng lưu, trung lưu và hạ lưu tương tự như sự hòa trộn của các nhạc cụ trong một buổi hòa nhạc.
- Các chính phủ thuần túy (không có sự pha trộn) sẽ thoái hóa thành các hình thức tham nhũng, đặc biệt là thành chế độ chuyên chế. Một chế độ chuyên chế không phải là một nền cộng hòa thực sự bởi vì nền cộng hòa là tài sản của người dân trong khi ở chế độ chuyên chế, mọi thứ đều thuộc về kẻ thống trị.
Sau đó trong bài “Bảo vệ Hiến Pháp”, ông Adams đã dẫn chiếu đến triết gia Cicero để ủng hộ quan điểm của ông rằng trong một chính phủ hỗn hợp, quyền lợi của giới quý tộc nên được đại diện bởi thượng viện (senate).
Hầu hết những đề nghị đó là những những giả định căn bản (basic assumptions) của những Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ.
Những điều khoản trong Hiến Pháp có nguồn gốc từ Cicero
Quan điểm của Cicero không chỉ ảnh hưởng đến các giả định căn bản của những Nhà Lập Quốc. Quan điểm của ông cũng được phản ánh trong một số điều khoản cụ thể của Hiến Pháp. Những quy định đó bao gồm:
- Sự phân chia chính phủ thành các nhánh quân chủ, quý tộc và dân chủ, với sự kiểm tra lẫn nhau giữa các nhánh (Điều I và II).
- Quyền của quốc hội để “tuyên bố chiến tranh”, mà Cicero coi là điều kiện tiên quyết cần thiết cho hầu hết các cuộc xung đột vũ trang (Điều I, Mục 8, Khoản 11).
- Quy định cấm áp dụng luật hồi tố tại Điều I (Mục 9 Khoản 3 và Mục 10 Khoản 1).
- Giới hạn về phân phối lại của cải và xóa nợ, đặc biệt là tại Điều I, Mục 10.
- Các điều khoản thúc đẩy lý tưởng “niềm tin của công chúng” (pdf) rằng các quan chức chính phủ phục vụ người dân chứ không phải phục vụ chính họ, chẳng hạn như Điều I, Mục 8, Khoản 1—có mục đích chỉ cho phép các loại thuế được áp dụng vì “Phúc lợi chung” chứ không phải vì lợi ích lợi ích đặc biệt (pdf)(pdf).
- Các điều khoản thúc đẩy lý tưởng “niềm tin của công chúng” rằng chính phủ hành động một cách không thiên vị (ví dụ: Điều I, Mục 9, Khoản 6).
- Tu chính án thứ Tám, cấm trừng phạt nhiều hơn mức độ phạm tội tương xứng.
Phần tiếp theo
Phần tiếp theo của loạt bài này sẽ nêu ra sai lầm mà ông Adams và ông Alexander Hamilton mắc phải khi giải thích về Cicero. Tuy nhiên, hầu hết bài tiểu luận sẽ tập trung vào cách những người tham gia trong các cuộc tranh luận phê chuẩn [Hiến Pháp] khi sử dụng tên tác giả và các tác phẩm của Cicero.
Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Cicero (tiếp theo)
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times