Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 6): Polybius
Các phần trước của loạt bài này đã đề cập đến bốn học giả Hy Lạp mà tư tưởng của họ trợ giúp cho việc hình thành Hiến Pháp Hoa Kỳ. (Để có liên kết đến các phần trước, vui lòng xem bài viết: mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm.) Phần này đề cập đến một học giả Hy Lạp sau thời đó: Polybius.
Sau khi Alexander Đại đế qua đời vào năm 323 TCN, các tướng lĩnh của Người Chinh Phục đã xây dựng nên những vương quốc rộng lớn cho mình ở châu Á, Ai Cập và đông nam châu Âu. Hy Lạp vẫn bị chia cắt và do đó, có thể bị xâm lấn. Để tự bảo vệ và thực hiện các chức năng chung khác, các chính quyền thành phố Hy Lạp đã thành lập các liên minh với nhau.
Hạ vào thế giới này — thế giới Hy Lạp — Polybius được sinh ra vào khoảng năm 200 TCN. Cha của ông từng là chánh án của thị trấn Megalopolis, nằm ở trung tâm Peloponnese. Megalopolis, cùng với các thị trấn Peloponnesian khác, là thành viên của liên minh được gọi là Liên minh Achaea.
Khi Polybius 30 tuổi, ông đã trở thành một quan chức quan trọng của thành phố. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông bị cắt ngắn khi Cộng hòa La Mã quyết tâm bảo đảm lòng trung thành của Liên minh Achaea, yêu cầu 1,000 người Achaea có dòng dõi quý tộc làm con tin. Polybius đã được đưa đến Rome.
May mắn thay, người La Mã đã đối xử tốt với các con tin, cho họ sự tự do đáng kể và cuối cùng thả họ. Trong thời gian bị giam cầm với chế độ tốt, Polybius đã trở thành người cố vấn và là bạn tốt của tướng quân Scipio Aemilianus Africanus ‘người Em’. Scipio là người ủng hộ học vấn, và thông qua ông, Polybius đã làm quen với một số học giả hàng đầu của Rome. Khi Scipio lãnh đạo đội quân tiêu diệt Carthage vào năm 146 TCN, Polybius đã đi cùng ông ta.
Trong những năm tiếp theo, Polybius đến thăm Ai Cập, Tây Ban Nha, miền nam Gaul (Pháp) và Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ), và ông đi theo lộ trình của Hannibal (một tướng lĩnh và nhà chiến thuật quân sự người Carthage) băng qua dãy Alps. Ông cũng từng là thuyền trưởng của một chuyến đi khám phá bằng thuyền buồm ra ngoài Địa Trung Hải và xuôi theo bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi. Thêm vào đó, Rome đã tuyển dụng ông như một nhà ngoại giao. Ông đã thương lượng các điều khoản dàn xếp cuối cùng giữa Rome và liên minh Achaean. Ông qua đời vào khoảng năm 118 TCN, hưởng thọ khoảng 82 tuổi.
Những người đàn ông (và phụ nữ) của những hoạt động thường trở thành những nhà sử học giỏi hơn những người thuộc loại học thuật thuần túy. Như quý vị có thể thấy, Polybius là một người của những hoạt động.
Tác phẩm ‘Lịch sử La Mã’ của Polybius
Sáng tác quan trọng nhất của Polybius là cuốn “Lịch sử”. Polybius viết tác phẩm này để giải thích cho đồng bào Hy Lạp của mình rằng, trong khoảng thời gian ngắn ngủi 53 năm, La Mã đã phát triển từ một cường quốc Ý đơn thuần trở thành quan tòa của thế giới Địa Trung Hải như thế nào. Tất nhiên, Polybius không chỉ liên quan đến lịch sử của Rome mà còn của một số quốc gia khác.
Do có địa vị trong giới thượng lưu Hy Lạp và La Mã, Polybius được quyền tiếp cận các thư viện và hồ sơ chính thức trên khắp Địa Trung Hải. Vị thế của ông đã khuyến khích những nhân chứng sự kiện trả lời các câu hỏi của ông về những gì mà họ đã thấy. Những ưu điểm này cùng với sự chăm chỉ, bền bỉ và đầu óc nhạy bén đã khiến cho công trình lịch sử của ông trở nên vô cùng quý giá. Viết hơn 60 năm sau cái chết của Polybius, chính khách và học giả La Mã Cicero gọi Polybius là người ghi sử chính xác nhất về mặt thời gian trong tất cả các nhà sử học.
Chỉ có 5 trong số 40 “cuốn sách” (cuộn) đầu tiên của Polybius còn tồn tại nguyên vẹn. Tuy nhiên, chúng tôi có những đoạn trích dài từ phần còn lại của tác phẩm của ông.
Plato và Aristotle đã phân loại các hiến pháp “tốt” thành chế độ quân chủ, chế độ quý tộc hoặc chính quyền bình dân. Họ đã mô tả cách các hệ thống này có xu hướng suy thoái thành những “sự biến dạng” tồi tệ — các chế độ chuyên chế, chế độ đầu sỏ chính trị và các chế độ dân chủ cực đoan (sự cai trị của đám đông). Tuy nhiên, Aristotle dự đoán rằng một hiến pháp kết hợp đúng đắn chế độ quân chủ, quý tộc và dân chủ có thể tránh được sự suy thoái.
Polybius đã thấy bằng chứng về lý thuyết của Aristotle trong các bản hiến pháp tồn tại lâu bền của Sparta và Rome. Trong một đoạn văn nổi tiếng về hiến pháp La Mã, ông đã mô tả cách nó chứa đựng các yếu tố (1) quân chủ (quan chấp chính), (2) quý tộc (thượng nghị viện) và (3) dân chủ (các hội đồng nhân dân). Ông ta mô tả thêm cách mỗi bộ phận kiểm tra những bộ phận khác.
Polybius cũng mô tả chính phủ của các liên minh Hy Lạp. Những Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ, trong nỗ lực tạo ra một nước cộng hòa liên bang đã nhận thấy những mô tả này đặc biệt hữu ích.
Polybius tại Hội nghị Lập hiến
Những người hiểu biết trong thế hệ những Nhà Lập Quốc đã đồng ý với quan điểm đánh giá cao về Polybius của Cicero. Ông James Madison đã dựa vào Polybius trong việc chuẩn bị bài nghiên cứu cho Hội nghị Lập hiến có nhan đề “Ghi chép về các Liên minh Cổ đại và Hiện đại”. Ngoài ra, như tôi đã đề cập trong các bài viết trước của loạt bài này, tập đầu tiên của cuốn “Bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ” của ông John Adams được lưu hành tại Hội nghị Lập hiến, và ông Adams đã nhấn mạnh nhận xét của Polybius về tầm quan trọng của một hiến pháp “hỗn hợp”. Ông Adams cũng trích dẫn những quan sát của nhà sử học về các chính phủ của Carthage, La Mã cổ đại, các chính quyền thành phố và các liên minh Hy Lạp.
Mặc dù các hồ sơ từ các đại hội còn lại hiện nay không đề cập rõ ràng đến Polybius, nhưng những ảnh hưởng của ông có thể thấy trong các cuộc thảo luận của các đại hội về các liên minh Hy Lạp. Trong số các đại biểu đề cập đến các liên minh đó có Madison, Alexander Hamilton, Luther Martin, Roger Sherman và James Wilson. Một đại biểu khác, John Francis Mercer của Maryland, sau đó đã viết trong một bài tiểu luận khẳng định rằng Polybius là một nhà sử học vượt trội.
Polybius trong các cuộc ‘Tranh luận Phê chuẩn’
Sau khi hội nghị soạn thảo {Hiến pháp} kết thúc công việc vào ngày 17/09/1787, chủ tịch của hội nghị là ông George Washington đã chuyển bản Hiến Pháp được đề nghị tới Quốc hội Hợp bang. Tiếp theo, Quốc hội đã gửi bản Hiến Pháp tới chính quyền các tiểu bang, yêu cầu họ tổ chức bầu cử tại đại hội của tiểu bang. Đại hội của mỗi tiểu bang sẽ quyết định có phê chuẩn văn kiện đó hay không.
Trong cuộc tranh luận công khai sau đó, cả hai bên đều tìm đến tác phẩm “Lịch sử” của Polybius để tìm vũ khí bảo vệ cho mình. Do đó, những người Chống Liên Bang — những người phản đối Hiến Pháp — đã lập luận rằng nếu văn kiện này được phê chuẩn, thì hệ thống kiểm tra và cân bằng sẽ sụp đổ, và chính phủ sẽ suy thoái thành một tầng lớp quý tộc hoặc đầu sỏ chính trị. Để hỗ trợ cho dự đoán này, một đối thủ viết dưới bút danh “Sidney” đã trích dẫn Polybius về cách các hệ thống chính trị suy tàn. Và ông James Monroe — sau này là tổng thống nhưng khi đó là một người ôn hòa theo chủ nghĩa chống liên bang — đã dựa vào Polybius để lập luận rằng hệ thống “hỗn hợp” của Rome đã hoạt động tốt là nhờ các cuộc chiến tranh ở ngoại quốc. Ông Monroe nói, nếu không có những cuộc chiến đó, chính phủ Rome đã bị mất cân bằng.
Về phía ủng hộ Hiến Pháp, ông Alexander White — một luật sư nổi tiếng của Virginia, người phê chuẩn và (sau này) là thành viên của Quốc hội — đã báo trước rằng người Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do của mình chừng nào họ còn có thể bầu chọn các quan chức của mình. Ông dựa vào mô tả của Polybius về nền cộng hòa La Mã.
Ông John Dickinson ở Delaware đã viết một loạt bài tiểu luận bảo vệ bản Hiến Pháp được đề nghị (pdf) với bút danh “Fabius”, tên của một vị tướng vĩ đại của La Mã đã chiến đấu với tướng lĩnh Hannibal của Carthage. Ông Dickinson lập luận rằng phân tích của Polybius về các liên minh Hy Lạp đã chứng minh rằng các liên minh không gây nguy hiểm cho tự do. Về vấn đề của liên minh đó, ông nói rằng lịch sử cho thấy chính quyền trung ương của họ thường không đủ mạnh.
Ông Madison lập luận rằng Hiến Pháp sẽ không tạo ra chính quyền quý tộc bởi vì trong các chính phủ hỗn hợp, các nhánh dân chủ thường chiếm ưu thế. Ông dẫn chiếu Carthage cổ đại, “nguyên lão viện của họ, theo lời thuật của Polybius, thay vì thu hút toàn bộ quyền lực vào vòng xoáy của mình, đã… mất gần như toàn bộ những gì có được từ ban đầu.” Ông Madison cũng đã viết một lá thư gửi cho ông Thomas Jefferson than thở rằng Hiến Pháp đã không trao cho chính phủ liên bang nhiều quyền hơn — cụ thể là quyền của quốc hội để phủ quyết các luật của tiểu bang. Dựa vào vị trí của mình “với thẩm quyền của Polybius,” ông Madison đã ám chỉ đến hai liên minh Hy Lạp để cho thấy rằng chính quyền trung ương của họ không có đủ quyền lực để giữ các chính phủ-thành phố của họ liên kết lại với nhau.
Thông tin thêm về Polybius và James Monroe
Ông Madison và ông Monroe sau này trở thành đồng minh chính trị, nhưng vào năm 1788, họ ở hai phe đối lập trong cuộc tranh luận về việc phê chuẩn Hiến Pháp được đề nghị. Trong một bài diễn văn của mình trước hội nghị phê chuẩn Virginia, ông Monroe cho rằng, với một số thay đổi, văn kiện Điều lệ Liên Bang (Articles of Confederation) sẽ đủ cho quốc gia mới. Bài diễn văn của ông ấy minh họa thêm cách những người tham gia trong các cuộc tranh biện phê chuẩn đã dựa vào Polybius như thế nào. Đây là một phần bài diễn văn của ông Monroe do phóng viên tốc ký của hội nghị Virginia ghi lại:
“‘Liên minh Achæan [có] nhiều điểm tương đồng với liên minh của chúng ta [tức là, Điều lệ Liên bang], và mang đến cho tôi nhiều hy vọng rằng sự e ngại của các Quý ông đối với Liên bang của chúng ta là không có căn cứ. Họ đều là những người Dân chủ và đoàn kết chặt chẽ. Hiệu quả đã là như thế nào? sự hòa hợp hoàn hảo nhất và tình bạn đã tồn tại giữa các thành viên, và họ rất tích cực bảo vệ quyền tự do của mình. Lịch sử của liên minh đó không cho chúng ta thấy những bối rối và xung đột nội bộ mà các Quý ông gán cho tất cả các Chính phủ thuộc loại liên minh. Các nhà sử học đáng kính nhất chứng minh liên minh này đã được miễn trừ khỏi những khiếm khuyết đó.’ — (Ở đây, ông [Monroe] đã đọc một số đoạn trong Polybius, mục đích làm sáng tỏ và chứng minh cấu trúc tuyệt vời của liên minh Achaan, và những tác dụng đáng mừng của điều tuyệt vời này). Sau đó, ông ta tiếp tục rằng “Liên minh này được thành lập dựa trên các nguyên tắc Dân chủ, và từ sự khôn ngoan trong cấu trúc của nó, liên minh đó đã tiếp tục tồn tại trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều so với bất kỳ liên minh nào khác. Các thành viên của liên minh, như các Tiểu Bang của chúng ta, bởi Liên minh của chúng ta, đã giữ lại chủ quyền cá nhân của họ và được hưởng sự bình đẳng hoàn hảo.’”
Giới thiệu về phần tiếp theo
Như đã gợi ý trong bài tiểu luận mở đầu của loạt bài này, tôi đã suy xét dành một bài cho chính khách La Mã Cato ‘Già’ (234–149 trước Công Nguyên) và chắt của ông là Cato ‘Trẻ (95–46). Tôi đã quyết định không làm điều này, một phần vì rất ít bài viết của họ còn tồn tại.
Theo đó, hai bài tiểu luận tiếp theo sẽ tập trung vào một nhân vật khác, vĩ đại hơn nhiều — một trong những người có ảnh hưởng nhất trong toàn bộ nền văn minh phương Tây: Marcus Tullius Cicero.
Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Cicero
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times