Những ý tưởng hình thành Hiến Pháp, phần 21: Coke, Blackstone, và Luật Anh
Các thể chế của Anh là những mô hình quan trọng (mặc dù không hoàn toàn bao trùm) đối với các nhà lập hiến Hoa Kỳ.
Ví dụ, Quốc hội liên bang lưỡng viện của Hiến Pháp có một số điểm tương đồng với Quốc hội Anh. Hiến Pháp được xây dựng dựa trên khái niệm về quyền cá nhân của Anh. Hệ thống bưu chính mới của Hoa Kỳ là sự tiếp nối của hệ thống tiền thân ở Anh, với Hiến Pháp mượn ngôn ngữ “Bưu điện và Đường Bưu điện” (Điều I, Mục 8, Khoản 7) từ đạo luật nghị viện năm 1767.
Hơn nữa, Hiến Pháp tạo ra sự cân bằng quyền lực giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang tương tự như sự cân bằng tồn tại trước năm 1764 giữa chính phủ đế quốc ở London và các thuộc địa ở Mỹ. Điều chắc chắn là Hiến Pháp đã trao thẩm quyền đánh thuế cho Quốc hội liên bang mới mặc dù người dân Mỹ đã từ chối trao thẩm quyền đó cho Nghị viện (vì họ đã không có đại diện).
Áp dụng Luật Anh
Vào thời điểm Tuyên ngôn Độc lập ra đời, hệ thống luật pháp thịnh hành ở Anh (dù không áp dụng ở Scotland) đã bén rễ ở hầu hết các thuộc địa của Anh ở Mỹ.
Có những trường hợp ngoại lệ: Một thuộc địa là Québec, áp dụng luật của Pháp. Và các thuộc địa khác đã từ chối các quy tắc về đặc quyền quý tộc của Anh và phần lớn luật đất đai và giáo hội của nước này. Tuy nhiên, các thẩm phán Mỹ thường du nhập và tuân theo các tiền án lệ của Anh, và các tòa án của họ được xây dựng theo kiểu các thể chế của Anh một cách lỏng lẻo.
Do đó, đến năm 1776, hệ thống pháp luật của Anh đã trở thành luật bao trùm Anh-Mỹ.
Người Mỹ tiếp tục áp dụng luật Anh-Mỹ
Sau khi giành được độc lập, một số người Mỹ đề nghị phá bỏ luật Anh-Mỹ. Tuy nhiên, nói chung, người Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng luật nó. Có một số lý do:
Đầu tiên, người Mỹ đã quen với hệ thống hiện có. Thay đổi hoàn toàn hệ thống đó sẽ gây rất nhiều rắc rối.
Thứ hai, luật học Anh-Mỹ kết hợp Đại Hiến Chương Magna Carta (được phê chuẩn lần đầu năm 1215; bản cuối cùng năm 1225). Magna Carta có lẽ là tài liệu hiến pháp thế tục quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Đại Hiến Chương từng là nền tảng cho nhiều quyền của người Anh và người Mỹ. Tương tự như vậy, luật học Anh-Mỹ đã kết hợp các tài liệu tuyệt vời khác củng cố quyền tự do cá nhân: Bản thỉnh cầu về Quyền (1628), Đạo luật Habeas Corpus (1679) [quyền được có trát hầu tòa ] và Đạo luật Nhân quyền của Anh (1689).
Một đặc điểm hấp dẫn khác của luật học Anh-Mỹ là nó dựa trên tiền lệ hiện hành — có sẵn miễn phí trong các sách luật đã xuất bản — và sự phát triển chậm chạp của tiền lệ đó. Điều này thường làm cho “câu trả lời đúng” trong các tranh chấp khá dễ đoán.
Mặt khác, luật học Anh-Mỹ có thể linh hoạt. Khi một bộ quy tắc cũ không phù hợp với một vụ việc, thì một bộ quy tắc mới đã được tạo ra. Đến năm 1776, luật học Anh-Mỹ bao gồm một số lĩnh vực riêng biệt—đáng chú ý nhất là:
- luật giáo hội (chỉ được sử dụng ở Mỹ cho một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như ly hôn);
- “Giá trị sở hữu” đối với các trường hợp liên quan đến người được ủy thác và đối với các biện pháp giải quyết chuyên biệt;
- “Luật thương mại” để điều chỉnh thương mại xuyên biên giới;
- và đáng chú ý nhất là “luật chung – còn gọi là thông luật” để giải quyết các tội phạm thông thường, thương tích, hợp đồng và tranh chấp tài sản. Các nguyên tắc của thông luật chủ yếu dựa trên tự do cá nhân và khả năng chống lại quyền lực độc đoán.
Các thẩm phán Anh-Mỹ nhìn chung có phẩm chất cao. Ở một mức độ phi thường, họ quyết định các vụ án một cách độc lập với chính trị hoặc lợi ích cá nhân. Điều này không phải lúc nào cũng đúng, nhưng đến năm 1776 thì nó gần như đúng.
Trong hầu hết các trường hợp, luật học Anh-Mỹ đã trao cho ít nhất một bên quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn. Các bồi thẩm đoàn đã đưa ra lẽ thường phổ quát vào việc ra quyết định. Họ cũng bảo vệ phần nào việc chống lạm dụng quyền lực.
Vẫn còn một lý do khác để duy trì thông lệ luật Anh-Mỹ là luật này hầu như luôn luôn trao cho các bên không hài lòng quyền kháng cáo.
Quyết định duy trì luật học Anh-Mỹ của thế hệ các Nhà Sáng Lập là một quyết định có giá trị lâu dài. Thậm chí ngày nay, hầu hết các tiểu bang đều có quy tắc tiếp nhận. Các quy tắc này chỉ đạo các thẩm phán, trong trường hợp khác không có thẩm quyền, tuân theo luật chung của Anh.
Coke and Blackstone
Năm 1788, nhà xuất bản London John Worrell đã phát hành một thư mục liệt kê những cuốn sách luật của Anh được xuất bản sau đó. Tôi đã đưa thư mục đó lên internet (pdf). Đây chỉ đơn thuần là một danh sách các cuốn sách, nhưng tiêu tốn gần 300 trang.
Rõ ràng, không luật sư nào có thể sở hữu tất cả những cuốn sách đó. Nhưng nhiều sách thường có sẵn, ít nhất là ở các thành phố lớn.
Chúng bao gồm (pdf) bộ sưu tập các đạo luật, bộ sưu tập các vụ án, nhiều tập “tóm tắt” các vụ án đã phán quyết, từ điển luật, bộ sưu tập các biểu mẫu để viết văn bản pháp luật và chuyên luận pháp lý. Các chuyên luận hoặc tập trung vào các lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như luật thương mại hoặc tội phạm, hoặc tổng quát hơn — có mục đích thảo luận về luật bao gồm tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Ở cả Anh và Mỹ, có hai tác phẩm nổi bật so với phần còn lại. Cuốn sách xuất bản trước đó là “Institutes of the Lawes [nguyên văn] of England,” (Viện Luật pháp của Anh) được viết bởi thẩm phán và nghị sĩ vĩ đại thế kỷ 17 Edward Coke (phát âm là “cook”). Cuốn sách này rất khó đọc nhưng được dùng như một tài liệu hướng dẫn giảng dạy chính cho sinh viên luật. Các thành viên cao cấp của thế hệ lập quốc, chẳng hạn như ông Edmund Pendleton ở Virginia và ông John Dickinson ở Delaware và Pennsylvania, đã học luật từ ông Coke.
Chuyên luận nổi tiếng khác là “Những bình luận về các Luật của Anh” của ông William Blackstone. Ông Blackstone là một thẩm phán đã trở thành giáo sư đầu tiên dạy thông luật tại Đại học Oxford. “Những bài bình luận” của ông dựa trên các bài giảng ở trường đại học. Được xuất bản trong những năm 1766 đến 1769, tác phẩm của Blackstone vừa cập nhật hơn so với Coke vừa dễ hiểu hơn. Sau năm 1772 và trong suốt phần lớn thế kỷ 19, chuyên luận của Blackstone là xương sống của giáo dục pháp luật ở Mỹ.
Luật Anh-Mỹ và Hiến Pháp
Các nhà soạn thảo đã viết Hiến Pháp với tư tưởng luật học Anh-Mỹ. Trong một bài báo năm 2016, tôi đã liệt kê 68 từ và cụm từ trong Hiến Pháp bắt nguồn trực tiếp hoặc gián tiếp từ luật của Anh thế kỷ 18. (Phần lớn được giải thích trong cuốn sách của tôi “The Original Constitution.”
Nhiều người trong số những người soạn thảo có lẽ muốn Hiến Pháp được hiểu bởi những người có trình độ học vấn trung bình. Vậy tại sao họ lại chèn quá nhiều điều khoản pháp lý?
Một phần, điều đó là không thể tránh khỏi: Hiến Pháp là một văn bản pháp lý, và nếu những người soạn thảo đã cố gắng giải thích mọi thứ bằng ngôn ngữ thông thường, thì Hiến Pháp sẽ dài từ đây đến Cincinnati. (Nếu bạn sống ở Cincinnati, hãy đọc “từ đây tới Denver”). Sẽ rất là dài.
Nhưng lý do khác là–như tôi đã lưu ý trong bài tiểu luận trước của loạt bài này–những người Mỹ thuộc thế hệ lập quốc hiểu biết về luật pháp hơn hầu hết người Mỹ ngày nay. Trong một bài phát biểu ngày 22/03/1775, ông Edmund Burke, có lẽ là nghị sĩ Anh vĩ đại nhất trong thời đại của ông, đã nói về các thuộc địa của Mỹ:
“Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới lại nghiên cứu luật một cách rộng rãi như vậy. Bản thân nghề này có rất nhiều người làm việc và rất quyền lực; và ở hầu hết các tỉnh đều là lãnh đạo. Số lượng lớn các đại biểu được cử đến kỳ họp Quốc hội [Lục địa lần thứ nhất] là luật sư. Nhưng tất cả những ai đọc sách, và hầu hết mọi người đều đọc, đều cố gắng đạt được một số kiến thức căn bản về môn khoa học đó. Tôi đã được một người bán sách nổi tiếng cho biết rằng không có chi nhánh kinh doanh nào của ông ấy, sau những cuốn sách về tín ngưỡng đại chúng [tức là sách tôn giáo], lại có nhiều sách về luật được xuất cảng đến các Đồn điền [tức là các thuộc địa]. … Tôi nghe nói rằng họ đã bán được số lượng sách Bình luận của ông Blackstone ở Mỹ gần bằng ở Anh. Tướng Gage [chỉ huy người Anh ở Boston] … tuyên bố rằng tất cả những người trong chính phủ của ông đều là luật sư, hoặc những người thông thạo về luật …”.
Vấn đề với ‘Luật Hiến Pháp’ hiện đại
Hầu hết các luật sư và nhà giáo dục pháp luật không biết rằng rất nhiều từ và cụm từ trong Hiến Pháp bắt nguồn từ thực tiễn của luật Anh. Sinh viên hiếm khi tìm hiểu về chúng ở trường luật – một đặc điểm bị bỏ quên mà Alan Watson, học giả nổi tiếng người Scotland, gọi là “Nỗi hổ thẹn của nền giáo dục pháp luật ở Hoa Kỳ”.
Nói chuyện với bất kỳ sinh viên luật năm thứ ba nào, và người đó sẽ nói về bài tập chỉ định bởi giáo sư về ý kiến luận tội của Chánh án vĩ đại John Marshall. Nhưng hãy kiểm tra các phiên bản được chỉ định, và bạn sẽ thấy chúng bỏ qua các tham chiếu của Marshall đối với các vụ kiện và nguồn pháp lý trước đây của Anh và Mỹ.
Một lý do cho những thiếu sót này là sự thiếu hiểu biết của người làm biên tập. Nhưng tôi nghĩ, một điều nữa là hầu hết các giáo sư luật đều là những người ủng hộ tư pháp tự do cấp tiến, và việc bỏ qua các nguồn của Marshall sẽ sản sinh ảo tưởng rằng bản thân Marshall là một nhà ủng hộ tư pháp tự do cấp tiến. Dù lý do là gì, kết quả là các luật sư và thẩm phán không biết gì về kiến thức căn bản đối với phần lớn ngôn ngữ của Hiến Pháp.
Những người soạn thảo Hiến Pháp đã viết ra văn kiện này để các thẩm phán hiểu các tiền lệ Anh-Mỹ và tuân thủ các tiêu chuẩn tư pháp kiểu Anh về tính độc lập và trung thực. Khi các thẩm phán không tuân theo các tiêu chuẩn đó, họ thực chất phá vỡ cấu trúc hiến pháp của chúng ta.
Phần 22 (phần kết thúc): Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Giáo dục Đại chúng
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai, thứ mười ba, thứ mười bốn, thứ mười lăm, thứ mười sáu, thứ mười bảy, thứ mười tám, thứ mười chín, và thứ hai mươi.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times