Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 20): Emer de Vattel và Luật Của Các Quốc Gia
Trong văn bản của Hiến Pháp có những ý nghĩa mà hầu hết các chuyên gia Hiến Pháp không bao giờ chịu nhìn thấy. Họ không thấy được những ý nghĩa đó bởi vì họ không chịu khó tìm hiểu đầy đủ về môi trường hình thành Hiến Pháp.
Giả sử bạn đang đọc một cuốn tiểu thuyết trong đó một nhân vật nói, “Tôi đã đào bới cái đó.” Nếu cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm ngoái và trong bối cảnh đương đại, thì nhân vật này có thể muốn nói rằng anh ta đã đào một cái lỗ trên mặt đất. Nhưng nếu cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1973 hoặc mô tả các sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian đó — đặc biệt nếu nhân vật còn trẻ và sành điệu — thì rất có thể anh ta muốn nói, “Tôi thích điều đó” hoặc “Tôi hiểu điều đó”.
Hiến Pháp được viết cách đây 236 năm. Tiếng Anh lúc đó không phải là tiếng Anh của thế kỷ 21 mà là ngôn ngữ của năm 1787. Hơn nữa, các từ của văn bản đó không được đọc hiểu như thể chúng xuất hiện trong tiểu thuyết hay sách dạy nấu ăn. Chúng được đọc như một phần của văn bản pháp luật thế kỷ 18, “Luật tối cao trên Đất này”.
Quý vị có thể đã nghe ai đó nói rằng Hiến Pháp được viết ra để những người dân bình thường hiểu được. Điều đó gần như đúng — nhưng nó chỉ đúng trong ngữ cảnh. Hầu hết những người soạn thảo và những người phê chuẩn hàng đầu đều là luật sư, và “những thường dân” mà họ đề cập đến là thành viên của công chúng Mỹ vào cuối những năm 1780. Đó là thời kỳ mà công chúng thông thạo luật và chính sách hơn nhiều so với công chúng ngày nay.
Tôi không có ý nói rằng việc hiểu Hiến Pháp là một bài tập theo chủ nghĩa ngu dân, điều mà chỉ một số chuyên gia mới có thể hiểu được. Ngược lại, việc hiểu văn kiện nằm trong khả năng của một người Mỹ có trình độ học vấn trung bình. Nhưng cũng giống như bất kỳ bài viết chuyên ngành nào, quý vị phải có một số kiến thức căn bản.
Nhiều cách diễn đạt trong Hiến Pháp là “thuật ngữ nghệ thuật” bắt nguồn từ luật của thế kỷ 18. Nói cách khác, chúng mang những ý nghĩa pháp lý cụ thể. Đôi khi, như trong trường hợp của “Writ of Habeas Corpus” (Trát hầu Tòa án) nằm ở Điều I, Mục 9, Khoản 2 của Hiến Pháp, bản chất pháp lý của thuật ngữ này là hiển nhiên. Tuy nhiên, có những từ và cụm từ khác trông bình thường và vô hại nhưng lại nhằm truyền đạt những ý nghĩa đặc biệt. Hai minh họa là “cần thiết” là Điều khoản Cần thiết và Thích hợp (Điều I, Mục 8, Khoản 18) và “Quyền tự do ngôn luận” trong Tu chính án đầu tiên.
Các điều khoản pháp lý của Hiến Pháp được giải thích trong cuốn sách của tôi “The Original Constitution: What It Actually Said and Meant” (Bản Hiến Pháp Gốc: Những Gì Hiến Pháp Thực Sự Nói Và Hàm Nghĩa)
Luật của các quốc gia
Thuật ngữ pháp lý cũng xuất hiện trong đề mục mà các luật sư hiến pháp gọi là “Điều khoản Xác định và Trừng phạt” (Điều I, Mục 8, Khoản 10). Điều khoản này trao cho Quốc hội quyền “xác định và trừng phạt các Hành vi vi phạm … chống lại Luật Quốc gia.”
“Luật của các quốc gia” là thuật ngữ thông thường của thế kỷ 18 dành cho luật quốc tế. “Các quốc gia” không chỉ bao gồm các quốc gia có chủ quyền mà còn bao gồm cả các nhóm dân tộc ngoại quốc, không phải là công dân trong các lãnh thổ có chủ quyền. “Luật của các quốc gia” bao gồm các chuẩn mực điều chỉnh hành vi quốc tế. Để “xác định và trừng phạt các hành vi phạm tội” có nghĩa là thực thi các chuẩn mực đó đối với những người vi phạm chúng. Điều khoản xác định và trừng phạt trao quyền cho Quốc hội phê chuẩn luật trừng phạt những người vi phạm hiệp ước, tấn công đại sứ, vượt qua biên giới quốc tế mà không được phép, v.v.
Điều khoản xác định và trừng phạt là một trong các thẩm quyền của Hiến Pháp về chính sách ngoại giao và quan hệ quốc tế. Bài tiểu luận này cho quý vị biết thêm về những điều đó.
Nguồn tài liệu của các Nhà Lập Quốc về Luật quốc tế
Trong thế kỷ 17 và 18, năm học giả vĩ đại đã đúc kết ra luật quốc tế thành hình hài như hiện tại. Năm 1783, Hội nghị Hợp bang trao quyền cho một ủy ban bao gồm ông James Madison của Virginia, ông Thomas Mifflin của Pennsylvania và ông Hugh Williamson của North Carolina—tất cả đều làm việc để phục vụ tại Hội nghị Lập hiến năm 1787. Ủy ban này đề nghị Quốc hội mua các tác phẩm của cả năm học giả về luật quốc tế.
Học giả đầu tiên trong số này là ông Huigh DeGroot (1583–1645), thường được biết đến với tên Latinh là Hugo Grotius. Ông xuất bản cuốn “Law of Nature and Nations” (Quy luật tự nhiên và luật cho các quốc gia) vào năm 1625.
Trong vài năm, ông Grotius đã giữ chức vụ cao ở Hà Lan. Nhưng giống như ông Jean-Louis DeLolme, chủ đề của phần cuối cùng của loạt bài viết, ông ấy đã đụng chạm đến cấu trúc quyền lực. Ông bị cầm tù, rồi vượt ngục và chuyển đến Pháp. Ông tiếp tục sự nghiệp viết sách và ngoại giao. Ngày nay, ông Grotius được công nhận là cha đẻ của luật quốc tế hiện đại.
Bốn tác giả khác là Samuel von Pufendorf (1632–1694) và Christian Wolff (1679–1754), đều là người Đức; Jean-Jacques Burlamaqui (1694–1748), giáo sư tại Đại học Geneva; và học trò nổi tiếng nhất của học giả Burlamaqui là ông Emer de Vattel (1714–1767). (Tên Vattel đôi khi bị viết sai thành “Emmerich”).
Đối với những Nhà Lập Quốc, những người này lập nên chuẩn mực cho luật pháp quốc tế. Các luật sư và thẩm phán Mỹ thường dựa vào Grotius, Pufendorf, Burlamaqui, Vattel, và đôi khi dựa vào Wolff. Hầu hết năm tác giả này đều xuất hiện trong các cuộc tranh luận về hiến pháp 1787–90.
Emer de Vattel
Trong số năm người, người mà các Nhà Lập Quốc thường xuyên biện dẫn nhất là ông Vattel. Giống như Grotius, ông Vattel vừa là một học giả vừa là nhà ngoại giao. Tác phẩm chính của ông, “Le Droit des Gens” (Luật của các quốc gia), được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1758 và được dịch sang Anh ngữ hai năm sau đó. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời của ông Vattel tại Thư viện Tự do Trực tuyến (Online Library of Liberty).
Có bốn lý do tại sao ông Vattel rất hợp với các Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ: Thứ nhất, trong số năm vị luật gia vĩ đại, ông là người sống gần thời kỳ các Nhà Lập Quốc nhất. Thứ hai, cuốn sách của ông rất toàn diện và dễ đọc. Thứ ba, ông là người ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do cá nhân. Và thứ tư, ông đã thảo luận về các vấn đề, mặc dù không phải lúc nào cũng là một phần của “luật của các quốc gia”, nhưng lại rất quan trọng đối với những Nhà Lập Quốc: bản chất của các liên minh, tính ưu việt của hiến pháp so với cơ quan lập pháp, nhu cầu có một và chỉ một người giám sát các cơ quan lập pháp, cơ quan điều hành, v.v.
Ông Vattel đã được tham chiếu đến tại Hội nghị Lập hiến, chủ yếu trong một bài diễn văn của ông Luther Martin ở Maryland. Tên của ông cũng xuất hiện trong các cuộc tranh luận phê chuẩn. Ví dụ, tại hội nghị phê chuẩn Pennsylvania, James Wilson đã tranh luận về Vattel với một đại biểu theo chủ nghĩa chống liên bang. Tại cơ quan lập pháp South Carolina, ông Charles Cotesworth Pinckney cũng đã tranh luận về Vattel với một người theo chủ nghĩa chống Liên bang. Tại New York, Thống đốc George Clinton đã dựa vào Vattel trong một bài diễn văn trước hội nghị phê chuẩn của tiểu bang mình.
Tại sao 5 người quyền lực vĩ đại này lại quan trọng
Chúng ta phải tham khảo quan điểm của những quý ông quyền lực về luật pháp quốc tế của các Nhà Lập Quốc để hiểu đầy đủ các điều khoản luật pháp quốc tế trong Hiến Pháp. Dưới đây là một vài ví dụ:
- Hiến Pháp nói rằng một tiểu bang không thể tham gia vào một hiệp ước. Nhưng với sự đồng ý của quốc hội, một tiểu bang có thể tham gia vào một thỏa thuận giữa các tiểu bang. Có gì khác biệt?
- Hiến Pháp đề cập đến “Đại sứ, các Bộ trưởng và Lãnh sự”. Chính xác những quan chức này làm gì, và chúng khác nhau như thế nào?
- Một số tác giả tự hỏi Quốc hội lấy quyền lực từ đâu để điều chỉnh việc nhập cư. Các cơ quan luật pháp quốc tế của những Nhà Lập Quốc nói với chúng ta rằng đó là một phần của quyền lực để “xác định và trừng phạt các Hành vi phạm tội… chống lại Luật pháp của các Quốc gia.” (Xem thêm bài viết của tôi trên Epoch Times để biết thêm thông tin.)
- Hiến Pháp cũng trao cho Quốc hội quyền “tuyên bố chiến tranh, ban hành ‘thư Marque và Reprisal …” [thư Gán tội và Trả thù]. Khi nào Quốc hội phải tuyên chiến, và khi nào tuyên bố như vậy là không cần thiết? “Thư Marque và Reprisal” là gì? Các quý ông quyền lực về luật pháp quốc tế của các Nhà Lập Quốc cũng đã trả lời những câu hỏi này.
- Tổng thống là nhà lãnh đạo quốc gia về các vấn đề chính sách đối ngoại. Các nhà bình luận đôi khi phàn nàn rằng danh sách các quyền đối ngoại của tổng thống trong Hiến Pháp có vẻ sơ sài. Nhưng các tác giả quyền lực về luật pháp quốc tế của các Nhà Lập Quốc nói với chúng ta rằng danh sách này đầy đủ hơn nhiều so với lần đầu tiên xuất hiện. Ví dụ, quyền “tiếp nhận các Đại sứ” cũng bao gồm đặc quyền từ chối gặp họ và trao cho, hoặc từ chối, công nhận các chính phủ ngoại quốc.
Các tác phẩm của các tác giả này có sẵn trên internet. Đặc biệt, tác giả Vattel rất hữu ích cho bất kỳ ai muốn biết thêm về Hiến Pháp của chúng ta.
Phần 21: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Coke, Blackstone, và Luật của Anh quốc
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai, thứ mười ba, thứ mười bốn, thứ mười lăm, thứ mười sáu, thứ mười bảy, thứ mười tám, và thứ mười chín.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times