Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp, Phần 19: Jean-Louis DeLolme: ‘Chúng tôi, những Người dân …’
Những người viết về Hiến Pháp hiếm khi nhắc đến tên của ông Jean-Louis DeLolme. Điều này thật đáng tiếc, vì cuốn sách của DeLolme về hệ thống chính trị Anh đã ảnh hưởng đáng kể đến những người tham gia vào các cuộc tranh luận về Hiến Pháp giai đoạn 1787–90. Những người phản đối Hiến Pháp — những người chống liên bang — đã dựa vào cuốn sách đó. Như nhà sử học hàng đầu Gordon Wood đã nhận xét, cuốn sách của DeLolme “cũng có ảnh hưởng phi thường đến suy nghĩ của những người ủng hộ Liên bang vào cuối những năm 1780.”
Giống như hai trong số các quan chức luật pháp quốc tế của những Nhà Lập Quốc (được thảo luận trong phần tiếp theo), ông DeLolme đến từ Geneva, Thụy Sĩ. Sinh năm 1740, khi ông đang trong giai đoạn đầu hành nghề luật và một trong những cuốn sách nhỏ về chính trị của ông đã làm tổn thương các quan chức địa phương. Ông nghĩ tốt nhất là nên đi hưởng một kỳ nghỉ dài. Ông đã đến Anh quốc.
Ông DeLolme không khá giả về tài chính. Ở Anh, ông kiếm sống bằng cách viết bài cho các tạp chí. Sau đó, vào năm 1771, ông xuất bản cuốn “Constitution de l’Angleterre.” (Hiến Pháp Anh quốc). Tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Anh với nhan đề “The Constitution of England” (Hiến Pháp Anh Quốc); hay là “Ghi chép về Chính phủ Anh quốc.” Tác phẩm đã trải qua 10 lần tái bản liên tiếp.
Cuốn sách của DeLolme đã xem xét hệ thống chính trị nước Anh với cái nhìn ngưỡng mộ. Giống như ông Montesquieu, ông tán dương sự phân chia quyền lực, cơ quan hành pháp đơn nhất (có chủ đích), và sự tôn trọng pháp quyền của Anh quốc.
Trong những năm tiếp theo, DeLolme đã cập nhật các ấn bản mới của cuốn “The Constitution of England” và viết thêm một số cuốn sách khác. Cuối cùng ông trở về Thụy Sĩ và qua đời năm 1806.
DeLolme và John Adams
Trong tập đầu tiên của ông John Adams “Bảo vệ Hiến Pháp [Tiểu Bang] của Hoa Kỳ” (một nguồn tài liệu dành cho nhiều người soạn thảo và phê chuẩn Hiến Pháp Hoa Kỳ), ông Adams đã viết, “Ai có thể nghĩ đến việc viết về chủ đề này sau DeLolme, cuốn sách của ông là sự bảo vệ tốt nhất cho sự cân bằng chính trị của ba quyền [lập pháp, hành pháp và tư pháp] từng được viết ra.”
Hơn nữa, ông Adams trích dẫn những quan sát của DeLolme về sự cám dỗ của quyền lực, ngay cả giữa những người có thiện chí:
“Kinh nghiệm chứng minh rằng những dàn xếp ổn thỏa nhất không phải là bằng chứng chống lại sự quyến rũ của quyền lực, thứ không hề đẹp đẽ chút nào vì nó dẫn đến những bước tiến mới (của việc chiếm quyền lực). Quyền lực tồn tại không phải là ý tưởng kiềm chế; nó cũng không ngừng đấu tranh, cho đến khi nó đánh bại mọi ranh giới.”
Khi Hiến Pháp được đệ trình, hầu hết các tiểu bang đều có hội đồng hành pháp để kiểm tra các tổng thống và thống đốc bang của họ. Trong các cuộc tranh luận về việc phê chuẩn, một số người theo chủ nghĩa chống liên bang đã phàn nàn về việc Hiến Pháp thiếu một hội đồng điều hành. Tuy nhiên, trong số 70 của tập san “Người ủng hộ liên bang”, ông Alexander Hamilton đã bảo vệ quan điểm về một cơ quan hành pháp đơn nhất, trích dẫn DeLolme:
“Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này của [DeLolme]… rằng ‘quyền hành pháp dễ bị hạn chế hơn khi nó thuộc về một (chủ thể)’; Rằng sẽ an toàn hơn nhiều nếu chỉ có một đối tượng duy nhất cho sự ghen tị và đề phòng của mọi người; và ở một thế giới có số cơ quan hành pháp tăng lên sẽ là điều nguy hiểm hơn là thân thiện với tự do.”
Bất chấp cấu trúc phân tán của chính phủ Anh, Nghị viện cuối cùng vẫn là tối cao: Nếu có đủ thời gian và quyết tâm, Nghị viện luôn có thể đạt được những gì mình muốn. Như DeLolme đã viết, “Đó là nguyên tắc căn bản với các Luật sư Anh, rằng Nghị viện có thể làm mọi việc, ngoại trừ biến Phụ nữ thành Đàn ông hoặc Đàn ông thành Phụ nữ.” (Tuy nhiên, trong một số khu vực hiện nay, hạn chế đó bị xem là sự thất bại của trí tưởng tượng).
Ngoài ông Hamilton, một số người tham gia khác trong các cuộc tranh luận phê chuẩn đã đề cập đến những quan sát của DeLolme về cấu trúc tốt nhất cho một chính phủ. Tuy nhiên, tác động lớn nhất của luật gia Thụy Sĩ không phải là vấn đề cấu trúc mà là bốn khía cạnh khác của trường phái phù hợp hiến pháp Mỹ liên quan đến “quyền lực kiểm duyệt”, quyền tự do báo chí, xét xử bởi bồi thẩm đoàn và những lời giới thiệu của Hiến Pháp.
Quyền kiểm duyệt
Tại Cộng hòa La Mã (509–27 trước Công Nguyên), cứ 5 năm, người dân lại bầu ra hai “người kiểm duyệt”. Cơ quan kiểm duyệt được tôn trọng hơn cả quan chấp chính (consulate), và những người kiểm duyệt được bầu thường là những chính khách cao cấp trước đây từng giữ chức vụ quan chấp chính.
Động từ tiếng Latinh đằng sau từ “kiểm duyệt” (censēre) có nghĩa là tính toán, ước tính hoặc đánh giá. Vào thời La Mã cũng như trong thời kỳ Lập quốc, từ “kiểm duyệt” không nhất thiết phải mang ý nghĩa tiêu cực mà chúng ta liên tưởng đến ngày nay. Những người được giao nhiệm vụ kiểm duyệt tiến hành các cuộc điều tra đối với công dân La Mã. Nhưng họ cũng được giao nhiệm vụ sửa chữa những sai lệch có hại trong việc thực thi chính trị. Ví dụ, họ có thể loại bỏ khỏi Viện Nguyên lão (Thượng viện) những thành viên đã không còn khả năng hoặc những người vô đạo đức.
Rõ ràng, đây là một vị trí vô cùng quyền lực, và để ghi nhận điều đó, nhiệm kỳ của các nhà kiểm duyệt chỉ được giới hạn trong sáu tháng. Do đó, trong 4 năm rưỡi của mỗi chu kỳ 5 năm, nền cộng hòa không có cơ quan kiểm duyệt nào cả.
Ông DeLolme tin rằng các chính phủ dân sự khác nên thiết lập quyền kiểm duyệt để sửa chữa những sai lệch có hại, như một loại ‘con quay duy trì phương hướng’ trong hiến pháp. Những người thực thi quyền kiểm duyệt nhất thiết phải là những người nằm ngoài các quy trình thông thường của chính phủ. Họ không thể bị ảnh hưởng bởi tham nhũng hoặc rối loạn chức năng hệ thống.
DeLolme tin rằng nước Anh có một thể chế kiểm duyệt: nền báo chí tự do. Các tờ báo và tạp chí của Anh đã rất thành công trong việc vạch trần nạn tham nhũng, rối loạn chức năng và yêu cầu thay đổi chính trị.
Sau khi độc lập, người Mỹ đã làm theo lời khuyên của DeLolme về việc tạo ra một cơ quan có quyền lực kiểm duyệt. Hiến Pháp năm 1776 của Pennsylvania quy định việc bầu chọn một “Hội đồng kiểm duyệt” cứ bảy năm một lần để xem xét các hoạt động và tài chính của chính phủ và, nếu cần, đề nghị thay đổi hiến pháp. Vermont độc lập đã thông qua một hệ thống tương tự trong hiến pháp năm 1777 và tái khẳng định trong bản sửa đổi năm 1786. Hiến Pháp năm 1777 của Georgia đã trao quyền cho các quận nếu chiếm đa số, buộc hội nghị toàn tiểu bang thông qua các sửa đổi hiến pháp theo nội dung đã được đồng thuận. Hiến Pháp năm 1780 của Massachusetts (chủ yếu do chính ông Adams soạn thảo) bao gồm quyền tương tự, có thể được thực hiện bởi 2/3 cử tri của tiểu bang sau 15 năm, buộc phải tổ chức một hội nghị sửa đổi.
Những người soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ cũng tạo ra cơ quan có quyền lực kiểm duyệt. Theo Điều V, hai phần ba cơ quan lập pháp của tiểu bang có thể yêu cầu triệu tập “Hội nghị đề nghị thay đổi”, như những người ủng hộ Hiến Pháp đã giải thích trong các cuộc tranh luận phê chuẩn, điều này đã trao quyền cho các tiểu bang — thông qua một hội nghị mà họ kiểm soát và không có sự can thiệp của liên bang — để đệ trình các sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng rối loạn chức năng của liên bang.
Ngày nay, ở nhiều tiểu bang, ý kiến cử tri được sử dụng như một quyền lực kiểm duyệt. (Ở một số tiểu bang, ý kiến của cử tri bị lạm dụng, nhưng đó là một chủ đề khác.) Ở cấp liên bang, quyền kiểm duyệt chưa bao giờ được thực thi, tất nhiên, điều này giải thích rất nhiều về tình trạng hiện nay của chính trị liên bang.
Tự do báo chí
Một phản đối chính đối với việc phê chuẩn Hiến Pháp là Hiến Pháp không đảm bảo quyền tự do báo chí. Một trong những tác giả chống liên bang được kính trọng nhất là “The Federal Farmer” (Người Nông dân Liên bang) đã đưa ra trường hợp này, và khi làm như vậy đã trích dẫn DeLolme như nội dung trung tâm của quyền tự do báo chí.
Nhu cầu rộng lớn về những sửa đổi để bảo vệ báo chí là rất mạnh khiến những người ủng hộ Hiến Pháp không thể bỏ qua. Điều này dẫn đến việc đưa quyền tự do báo chí vào Tu chính án thứ nhất của Đạo luật Nhân quyền được đệ trình năm 1789 và được phê chuẩn đầy đủ vào ngày 15/12/1791. (Thực ra, trong đệ trình của Quốc hội, Tu chính án thứ Nhất là Tu chính án thứ Ba, nhưng vì bản gốc của văn kiện số một chưa bao giờ được phê chuẩn và văn kiện gốc số hai không trở thành một phần của Hiến Pháp cho đến khi được phê chuẩn vào năm 1992, với tên gọi Tu chính án thứ 27.)
Xét xử bởi bồi thẩm đoàn
Hiến Pháp chưa tu chính bảo đảm xét xử bởi bồi thẩm đoàn chỉ trong các vụ án hình sự, không phải vụ án dân sự. Hơn nữa, Hiến Pháp đã cho Tối cao Pháp viện nhiều cách hơn để bỏ qua những phát hiện thực tế của bồi thẩm đoàn so với truyền thống trong thông luật.
Những người chống liên bang, bao gồm cả “Người Nông dân Liên bang”, phản đối những hạn chế này đối với việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn. Người Nông dân Liên bang cũng trích dẫn DeLolme về chủ đề này. Tương tự như vậy, một nhà viết tiểu luận – người theo chủ nghĩa chống liên bang ở Maryland viết với bút danh “A Farmer” (Người nông dân) đã dựa vào DeLolme để tranh biện về một phiên tòa mở rộng với sự bảo đảm của bồi thẩm đoàn.
Yêu cầu của những người chống liên bang về một phiên tòa mở rộng với sự bảo đảm của bồi thẩm đoàn đã được Tu chính án thứ Bảy thực thi. Tu chính án này đảm bảo một phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn trong hầu hết các vụ án dân sự tại tòa án liên bang và giới hạn mức độ mà các tòa phúc thẩm liên bang có thể bác bỏ kết luận thực tế của bồi thẩm đoàn.
Chúng tôi, những Người dân
Ông Gouverneur Morris, một người New York đại diện cho Pennsylvania tại hội nghị năm 1787, được giao nhiệm vụ viết bản dự thảo cuối cùng của Hiến Pháp, và ông đã chèn cụm từ mở đầu “Chúng tôi những Người dân …”
Nguồn gốc của cụm từ đó rất có thể là từ DeLolme. Ở gần cuối cuốn sách của DeLolme về hiến pháp Anh, ông suy đoán về điều gì sẽ xảy ra nếu một nhà làm luật (lawgiver) đã thiết kế tạo ra hiến pháp Anh. Để biện minh cho Hạ viện, DeLolme đã dùng một nhà làm luật hư cấu nói, “Chúng tôi, những Người dân, nên có ảnh hưởng đến Chính phủ …”
Phần 20: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Emer de Vattel và Lật của Quốc gia
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai, thứ mười ba, thứ mười bốn, thứ mười lăm, thứ mười sáu, thứ mười bảy và thứ mười tám.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times