Những ý tưởng hình thành Hiến Pháp (Phần 18): Montesquieu
Montesquieu tên đầy đủ là Charles-Louis de Secondat, nam tước de LaBrède và de Montesquieu. Khi sinh ra ở vùng gần Bordeaux, Pháp, năm 1689, ông chỉ đơn thuần là Charles-Louis de Secondat. Ông nhận tước hiệu LaBrède (với vùng đất màu mỡ trồng nho làm rượu vang) từ mẹ mình. Ông ta nhận được tước vị nam tước Montesquieu từ người chú. Ông ta đã nhận được của hồi môn 100,000 livres từ vợ mình. Bà là người quản lý tài sản tài giỏi.
Ông Montesquieu là một người may mắn.
Ông nhận được nền giáo dục phổ thông tập trung vào các tác phẩm kinh điển Hy Lạp-La Mã, sau đó lấy bằng luật tại Đại học Bordeaux. Điều này là cần thiết đối với ông vì tài sản thừa kế từ chú bao gồm một vị trí được trả lương với các nhiệm vụ tư pháp quan trọng. Cuối cùng thì ông đã bán văn phòng này (quý vị có thể làm điều đó ở Pháp trước Cách mạng Pháp) để có thể tập trung vào nghiên cứu và viết sách.
Giống như rất nhiều nhân vật khác trong loạt bài này, ông Montesquieu là người rất tài ba. Ông là một nhà châm biếm, sử gia, bình luận gia chính trị và dường như là một người bạn rất tốt. Ngoài ra, giống như rất nhiều nhân vật khác trong loạt bài này, ông đã chu du nhiều nơi: Áo, Hungary, Ý, Đức và ở Anh trong 18 tháng. Việc ở lại Anh, cùng những người Anh mà ông gặp gỡ trong các chuyến du lịch, đã khiến ông ngưỡng mộ các thể chế chính trị của Anh.
Tác phẩm vĩ đại nhất của Montesquieu là “The Spirit of the Laws” (Tinh thần của Pháp luật). Cuốn sách được viết chủ yếu trong khoảng thời gian từ 1744 đến 1748, xuất bản vào năm sau đó và tái bản năm 1750. Cuốn sách này, với lời ca ngợi các tổ chức của Anh, đã không nổi tiếng ở Pháp, nhưng lại rất nổi tiếng ở Anh.
Trên thực tế, danh tiếng của “Tinh thần của Pháp luật” đã khiến người Anh mua nhiều rượu vang hơn từ điền trang LaBrède của Montesquieu. Điều này dẫn đến một bình luận đầy tự ti, “Sự thành công của cuốn sách ở đất nước đó đã góp phần vào sự thành công của rượu vang của tôi, mặc dù tôi nghĩ rằng thành công của rượu vang còn đóng góp nhiều hơn cho sự thành công của cuốn sách.”
Montesquieu có tư gia ở LaBrède và Paris. Vào cuối năm 1754, ông đến Paris để đóng cửa ngôi nhà của mình để có thể nghỉ hưu vĩnh viễn tại LaBrède. Tuy nhiên, ông bị sốt ở Paris và qua đời vào ngày 10/02/1755.
Làm theo lời khuyên của Montesquieu
Montesquieu chủ yếu dựa vào các tác giả đã thảo luận trước đó trong loạt bài này, bao gồm Plato, Xenophon, Aristotle, Polybius, Cicero, Livy, Plutarch và Tacitus. Ông đã có được những ý tưởng khác từ các tổ chức chính phủ của Anh. Tuy nhiên, ngoài những nguồn đó, tác phẩm của ông cho thấy rất nhiều điều độc đáo.
Những người tham gia các cuộc tranh luận về hiến pháp năm 1787–90 đã trích dẫn và dựa vào Montesquieu nhiều hơn bất kỳ bình luận gia chính trị nào khác. Khối lượng tài liệu tham khảo khổng lồ khiến tôi phải giới hạn cuộc thảo luận này ở một bản tóm tắt chung về cách những vị Tổ Phụ đã sử dụng các ý tưởng của ông.
Đầu tiên, chúng ta hãy xem xét một số đặc điểm chính của Hiến Pháp. Quan điểm đặc trưng của Montesquieu được trích dẫn thường xuyên nhất là về sự phân chia quyền lực thành ba nhánh – lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Mặc dù Montesquieu đấu tranh cho sự phân chia quyền lực, nhưng ông không tranh luận rằng chúng nên được tách biệt hoàn toàn. Ông chỉ lập luận rằng không nên để người nào hoặc những người dân nào được thực hiện hoàn toàn một quyền này cũng được thực hiện tất cả các quyền khác.
Hiến Pháp phản ánh quan điểm của ông: Hiến Pháp không duy trì sự phân chia chặt chẽ giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như tôi đã chỉ ra trong cuốn sách của mình là “The Original Constitution,” sự phân chia quyền lực không phải là điều quan trọng căn bản đối với Hiến Pháp, mà là sự độc lập của phán quyết.
Montesquieu đưa ra lời cố vấn về lúc nào thì một cơ quan chức năng chính phủ nên thực hiện quyền lực thường được trao cho cơ quan khác. Ông khuyến nghị rằng người điều hành được hưởng quyền phủ quyết luật mới. Các Tổ Phụ đã đưa điều đó vào Hiến Pháp. Ông khuyến nghị rằng, ngoài quyền phủ quyết của mình, tổng thống không nên được chia sẻ phần đáng kể nào trong quyền lập pháp. Điều này cũng đã được đề cập trong Hiến Pháp. Ông cũng đề nghị phương pháp luận tội và cách chức các quan chức liên bang trong Hiến Pháp.
Nhà thông thái người Pháp cũng khuyến cáo rằng cơ quan lập pháp phải bao gồm nhiều người và cơ quan hành pháp chỉ nên do một người đứng đầu.
Cho đến nay, quý vị có thể nghĩ rằng Montesquieu và những Nhà Lập Quốc chỉ đơn giản là áp dụng các thể chế của Anh quốc. Điều đó không hoàn toàn đúng. Về lý thuyết, người đội vương miện (vua, nữ hoàng) có quyền phủ quyết các dự luật của quốc hội, nhưng quyền đó đã không được sử dụng kể từ năm 1708; quyền phủ quyết không còn là một phần tích cực trong hệ thống của Anh quốc. Về lý thuyết, nhà vua là giám đốc điều hành, nhưng trên thực tế, Anh quốc có một cơ quan hành pháp lai, bao gồm nhà vua, nội các chính phủ và một số ủy ban thường trực, chẳng hạn như Hội đồng Thương mại. Mặt khác, Montesquieu đã đề nghị một cơ quan hành pháp đồng nhất thực sự, và những Nhà Soạn Thảo căn bản đã làm theo lời khuyên của ông.
Họ cũng làm theo lời khuyên của ông về một vấn đề khác. Montesquieu lập luận rằng chính phủ cộng hòa sẽ sụp đổ nếu mở rộng trên một lãnh thổ rộng lớn. Biện pháp giải quyết của ông là một “nước cộng hòa liên bang” — một liên minh của các tiểu bang trao một số quyền lực cho chính quyền trung ương nhưng vẫn giữ hầu hết quyền lực ở cấp tiểu bang.
Trong một liên minh như vậy, Montesquieu đã viết, nếu một tiểu bang bị xâm lược hoặc có nổi loạn, những tiểu bang khác có thể trợ giúp tiểu bang đó. Nhưng ông cảnh báo rằng liên minh của các tiểu bang cộng hòa không nên chấp nhận các loại hình tiểu bang khác, đặc biệt là các chế độ quân chủ. Các chế độ quân chủ quá hung hăng. Nếu quý vị kiểm tra Điều khoản Bảo đảm của Hiến Pháp (Điều IV, Mục 4), quý vị sẽ thấy những ý tưởng này.
Những người chống Liên bang phản đối
Những người phản đối Hiến Pháp — những người theo chủ nghĩa chống liên bang (Antifederalist) — cũng ngưỡng mộ ông Montesquieu. Trong các cuộc tranh luận về việc phê chuẩn Hiến Pháp, họ lập luận rằng văn kiện này đã vi phạm các nguyên tắc của Montesquieu. Họ đưa ra bốn điểm chính:
- Montesquieu khuyến nghị phân chia quyền lực, và Hiến Pháp phần nào làm lu mờ chúng.
- Montesquieu cho biết chính phủ cộng hòa chỉ thành công trong vùng lãnh thổ nhỏ nhưng nước Mỹ rất rộng lớn.
- Montesquieu đã viết rằng “sự vĩ đại của sức mạnh phải được bù đắp bằng hạn chế ngắn ngủi của thời gian.” Ông ủng hộ nhiệm kỳ một năm và do đó, nên có các cuộc bầu cử hàng năm. Hiến Pháp quy định các nhiệm kỳ dài hơn.
- Montesquieu nói rằng ở một nước cộng hòa, các quy tắc bỏ phiếu và bầu cử nên được quy định trong luật căn bản, nhưng Hiến Pháp cho phép Quốc hội bác bỏ các luật của tiểu bang quy định về các cuộc bầu cử của chính họ (Điều I, Mục 4). Xung đột lợi ích này sẽ cho phép các thành viên của Quốc hội thao túng các cuộc bầu cử của chính họ để có lợi cho họ.
Đáp trả của những người theo chủ nghĩa liên bang
Những người ủng hộ Hiến Pháp — những người theo chủ nghĩa liên bang — không gặp khó khăn gì khi hồi đáp ba lập luận đầu tiên:
- Họ giải thích rằng Montesquieu không ủng hộ sự phân chia hoàn toàn các quyền lực, chỉ là không một cá nhân hay một nhóm nào nắm giữ toàn bộ một quyền lực này được nắm giữ toàn bộ các quyền lực của bất kỳ quyền lực nào khác. Montesquieu ca ngợi hệ thống của Anh quốc, hệ thống làm lu mờ quyền lực thậm chí còn hơn cả bản Hiến Pháp đang được đệ trình. Và Montesquieu khuyến nghị rằng người đứng đầu cơ quan hành pháp có quyền phủ quyết đối với các luật mới.
- Chống lại ý kiến phản đối rằng nước Mỹ quá rộng lớn đối với một chính phủ cộng hòa duy nhất, những người theo chủ nghĩa Liên bang chỉ ra rằng họ không tạo ra một nền cộng hòa đơn nhất mà là một liên bang gồm các tiểu bang — chính là giải pháp mà Montesquieu đã đề nghị để mở rộng chính phủ cộng hòa trên một lãnh thổ rộng lớn.
- Đối với các cuộc bầu cử hàng năm: Những người theo chủ nghĩa Liên bang nhận thấy rằng hệ thống của Anh mà Montesquieu rất ngưỡng mộ lại không có chúng. Họ lưu ý rằng khuyến nghị của Montesquieu về các cuộc bầu cử hàng năm áp dụng cho các hệ thống đơn nhất, không phải cho các liên minh. Quyền lực của chính phủ liên bang sẽ bị hạn chế đủ để đảm bảo an toàn cho các nhiệm kỳ dài hơn.
Phản đối thứ tư của những người Chống Liên bang có lý lẽ vững chắc hơn, và những người ủng hộ Liên bang gặp nhiều khó khăn hơn khi trả lời điểm này. Tại sao Quốc hội lại có thể thao túng các cuộc bầu cử của chính mình? Ngay cả một số người theo chủ nghĩa Liên bang cũng nghi ngờ về điều này. Họ ủng hộ việc phê chuẩn Hiến Pháp nhưng sửa đổi để loại bỏ đặc quyền này khỏi Quốc hội. Những người theo chủ nghĩa Liên bang khác lập luận rằng thẩm quyền của Quốc hội trong việc quy định về các cuộc bầu cử của chính họ là cần thiết vì một tiểu bang có thể từ chối thông qua luật bầu cử của quốc hội đưa ra. Hoặc một tiểu bang có thể đang bị ngoại bang chiếm đóng và không thể làm như vậy. Họ đảm bảo với công chúng rằng quyền lực sẽ được thực thi một cách vừa đủ (pdf).
Về điểm này, lịch sử phần lớn đã minh chứng cho Montesquieu và những người Chống Liên bang. Sự can thiệp của Quốc hội được thiết kế để “chữa trị” các vấn đề bầu cử thường khiến chúng trở nên tồi tệ hơn. Hơn nữa, quyền lực này là lời mời thường trực đối với các chính trị gia muốn thao túng hệ thống bỏ phiếu để có lợi cho riêng họ. Một trường hợp điển hình là dự luật đã được Hạ viện thông qua vào năm 2022 dưới tên Orwellian là “Đạo luật vì người dân” (H.R. 1).
Phần 19: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Jean-Louis DeLolme: ‘Chúng ta, những người dân …’
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai, thứ mười ba, thứ mười bốn, thứ mười lăm, thứ mười sáu, và thứ mười bảy.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times