Những ý tưởng hình thành Hiến Pháp, Phần 17: Ngài Isaac Newton
Mặc dù mỗi bài tiểu luận trong loạt bài này được gắn với một hoặc nhiều cá nhân, nhưng về căn bản, loạt bài này không nói về các cá nhân mà là những ý tưởng họ đại diện.
Ngài Isaac Newton không phải là một nhà tư tưởng chính trị như Marcus Cicero hay John Locke. Ông là một nhà khoa học. Thật vậy, ông tiêu biểu cho cuộc Cách mạng Khoa học – một sự kiện không chỉ thay đổi cách con người nghĩ về vũ trụ vật chất mà còn cả cách họ nghĩ về chính trị và chính phủ. Bằng cách đó, Newton và các đồng nghiệp khoa học của ông đã ảnh hưởng lớn đến Hiến pháp Hoa Kỳ.
Newton và Cuộc cách mạng Khoa học
Các tác phẩm của Aristotle đã thống trị lý thuyết và thực hành khoa học trong suốt thời Cổ đại và thời Trung Cổ. Tuy nhiên, sự thống trị của Aristotle đã phai nhạt trong thời kỳ Phục Hưng và trong những năm tiếp theo. Nhà thiên văn học Nicolaus Copernicus đã cải tiến lý thuyết tồn tại trước đó rằng mặt trời, chứ không phải Trái đất, là trung tâm của hệ mặt trời. Nhà toán học kiêm thiên văn học Johannes Kepler đã mô tả bản chất của các quỹ đạo hành tinh. Triết gia Francis Bacon vạch ra phương pháp khoa học. Ông Galileo Galilei đã có những khám phá về vật lý và thiên văn học. Toán học của René Descartes đã tạo điều kiện cho việc tích hợp toán học và vật lý. Ông Gottfried Leibnitz đã nâng tầm các lĩnh vực toán học, vật lý, và triết học.
Ông Newton là tấm gương của thời đại khai sáng này.
Ông sinh năm 1643 (theo lịch hiện tại) ở Lincolnshire, Anh quốc. Ông có một tuổi thơ khốn khổ và tài năng của ông bộc lộ khá muộn. Chuỗi khám phá đáng kinh ngạc của ông bắt đầu sau khi ông nhập học tại Đại học Cambridge.
Newton đã phát minh ra môn toán giải tích (calculus) và tạo ra những bước đột phá trong quang học và định luật chuyển động. Thuật ngữ Latinh ông dùng cho lực hấp dẫn phổ quát – gravitas (lực hút), “heaviness’ (độ nặng) – đã cho chúng ta từ “gravity” (lực hấp dẫn). Bách khoa toàn thư của Vương Quốc Anh là Encyclopaedia Britannica đã mô tả quyển “Principia Mathematica” (Nguyên lý Toán học) của ông là “công trình nền tảng cho toàn bộ khoa học hiện đại”.
Sau này, ông Newton trở thành chủ tịch của Hiệp hội Hoàng gia và là người giám sát xưởng đúc tiền của Vương quốc Anh. Ông đã tham gia sâu vào các hoạt động của xưởng đúc tiền. Ông là nhà khoa học đầu tiên được phong tước hiệp sĩ, Sir Isaac qua đời năm 1727, hưởng thọ 84 tuổi.
Ảnh hưởng đến Tư tưởng Chính trị
Cuộc Cách mạng Khoa học, và đặc biệt là công trình của Newton, đã dạy loài người rằng vũ trụ không (tổ chức) tùy ý hay hỗn loạn, mà được điều chỉnh bởi các quy tắc có trật tự. Một khi bạn biết các quy tắc, vũ trụ vật lý trở nên có thể dự đoán được. Thế giới vật chất, theo cách nói của thế kỷ 18, là một nơi “máy móc”.
Sự nổi tiếng của Newton đã khuyến khích những người khác tìm hiểu về toán học, máy móc và các mô hình thiên văn. Quyển sách “Inventing America” (Phát minh ra nước Mỹ) của Garry Wills mô tả cả niềm đam mê của thế kỷ 18 với trật tự và sự cân bằng cơ học, cũng như những nỗ lực áp dụng “cơ học” vào chính trị. Ví dụ, ông Wills đã viết về Tuyên ngôn Độc lập: “Phần mở đầu của Tuyên ngôn là kiểu Newton. Nó đặt ra luật.” Ông Wills nói thêm rằng “Trật tự của Newton đối với vũ trụ vô tri vô giác đã khiến con người tìm kiếm một mẫu hình tương đương trong hoạt động của con người.”
Ảnh hưởng đến Hiến Pháp
Những người tham gia các cuộc tranh luận năm 1787–1790 về việc xây dựng và phê chuẩn Hiến Pháp thường đưa ra những điểm tương đồng giữa định luật khoa học với các hệ thống chính trị và hiến pháp. Minh họa cho điều này là một số quan sát của ông John Dickinson trong Hội nghị Lập hiến. Đây là bối cảnh của họ:
Những ngày đầu tiên của đại hội bị chi phối bởi những lập luận ủng hộ một chính phủ quốc gia mạnh sẽ hạ thấp vai trò các tiểu bang xuống làm cấp dưới hoàn toàn. Ông James Wilson và ông James Madison nằm trong số những người đưa ra lập luận như vậy.
Ông Madison cũng ủng hộ một Thượng viện quý tộc nhỏ. Ông tuyên bố rằng một Thượng viện lớn sẽ không có đủ ảnh hưởng. Ông so sánh trường hợp này với trường hợp của các tòa án ở Cộng hòa La Mã: Khi số lượng [thành viên] của họ tăng lên, ông Madison nói, họ mất ảnh hưởng.
Vào ngày 07/06/1787, ông Dickinson quyết định rằng mình không thể chịu đựng thêm được điều này. Theo ghi chú riêng của ông Madison, đây là những gì ông Dickinson đã nói:
“Việc giữ các Tiểu Bang ở một mức độ nhất định như là chi nhánh [tức là hoạt động độc lập] là điều bắt buộc. Như vậy nó sẽ tạo ra sự xung đột giữa các cơ quan chức năng khác nhau, mà chúng ta muốn có, để kiểm tra lẫn nhau. Dự định xóa bỏ hoàn toàn các tiểu bang sẽ làm hạ cấp các Hội đồng của Quốc gia của chúng ta, sẽ là điều không thực tế, sẽ rất tai hại.” Ông đã so sánh Hệ thống Quốc gia được đề nghị với Hệ Mặt trời, trong đó các Tiểu Bang là các hành tinh và phải được để tự do di chuyển theo quỹ đạo thích hợp của chúng.
“Quý ông từ Pennsylvania [Ông Wilson] ước rằng ông ấy nói dập tắt những hành tinh này. Nếu các Chính phủ tiểu bang bị loại khỏi tất cả các cơ quan trong chính phủ quốc gia cùng tất cả quyền lực được lấy từ người dân nói chung, thì hậu quả sẽ là Chính phủ Quốc gia sẽ đi theo cùng một hướng với Chính phủ của các tiểu bang hiện đang làm, và sẽ gặp phải tất cả những sai lầm tương tự. Cải cách sẽ chỉ hợp nhất 13 dòng nhỏ thành một dòng lớn theo cùng một hướng mà không có bất kỳ sự phản kháng nào.
“Ông ấy tán thành quan điểm rằng Thượng viện phải bao gồm một số lượng lớn, và do đó ảnh hưởng của họ từ sức nặng gia đình và các nguyên nhân khác sẽ được tăng lên. Ông ấy không thừa nhận rằng Tribune (Toà án La Mã) đã giảm trọng lượng (ảnh hưởng) tương xứng với số lượng [thành viên] tăng lên của họ, và cho chúng ta một bản phác thảo lịch sử của tổ chức này. Nếu lý luận của [Ông Madison] là đúng, nó sẽ chứng minh rằng số lượng Thượng nghị sĩ phải giảm xuống dưới mười, số lượng cao nhất của quan tòa trong “công ty Tribunitial”.
Hãy chú ý cách ông Dickinson biến lập luận của ông Madison về tòa án La Mã thành một điều phi lý. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đối với các mục đích hiện tại là các phương thức diễn đạt kiểu cơ học của ông Dickinson: “sự va chạm giữa… các cơ quan chức năng”, hệ mặt trời, dòng chảy của một con sông lớn, tham chiếu đến “trọng lượng”.
Những phép so sánh tương tự như thế này xảy ra trong suốt các cuộc tranh luận về hiến pháp. Những người tham gia ngoài ông Dickinson đã tranh thủ nói riêng về hệ mặt trời. Một tác giả sử dụng bút danh “Marcus” đã khẳng định rằng theo Hiến Pháp, “Cơ quan Tư pháp Nhà nước sẽ là một vệ tinh chờ đợi trên hành tinh thích hợp của nó: Hành tinh của Liên minh giống như mặt trời, nâng niu và bảo tồn toàn bộ hệ thống hành tinh.”
Ví dụ yêu thích của tôi về thể loại này đến từ hội nghị phê chuẩn Massachusetts, được tổ chức vào đầu năm 1788. Những người phản đối Hiến Pháp đã tranh luận về các cuộc bầu cử hàng năm, mà như họ nói là được đề nghị một cách đương nhiên.
Ông William Hershel đã phát hiện ra hành tinh Uranus mới chỉ bảy năm trước đó (năm 1781). Một người ủng hộ Hiến Pháp, ông James Bowdoin, đã tận dụng phát hiện này để đưa ra quan điểm khiến đối thủ phải trả giá:
“Nếu cuộc cách mạng của các thiên thể là nguyên tắc điều chỉnh các cuộc bầu cử, thì nó không cố định vào bất kỳ thời kỳ nào, vì trong một số hệ thống, nó sẽ rất ngắn; và ở hành tinh được khám phá gần đây nhất thì sẽ bằng tám mươi năm của chúng ta.”
Ông Charles Turner đứng dậy đáp:
“Trả lời cho Ông Bowdoin đáng kính, … Ông nói, ông rất ủng hộ các cuộc bầu cử hàng năm, và ông nghĩ… sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm nếu áp dụng sự thay đổi; vì… nguyên tắc có thể vận hành như vậy, vì theo thời gian, các cuộc bầu cử của chúng ta sẽ hiếm khi xảy ra như vòng quay tự nhiên của ngôi sao mà quý ông đáng kính nói đến.”
Ảnh hưởng đến cấu trúc của Hiến Pháp
Phần lớn bản Hiến Pháp cuối cùng giống như một cỗ máy được lồng vào nhau và tinh chỉnh. Như ông Charles Carroll của Carrollton đã viết:
“Ba quyền riêng biệt của Chính phủ liên bang được kết hợp một cách khéo léo để cân bằng lẫn nhau, bằng cách kiểm tra đối ứng & đối trọng, mà các cây viết được đánh giá cao nhất về Chính phủ coi đó là sự hoàn hảo chính của nó… các Chính phủ tiểu bang sẽ luôn giữ nó [ba quyền riêng biệt] trong phạm vi hành động thích hợp và riêng của mình: do đó trong khi các quyền này kiềm chế các Chính phủ tiểu bang trong quỹ đạo của họ, thì chính họ cũng giữ nó trong quỹ đạo của mình; hành động, & tuân thủ theo nó sẽ tạo ra trật tự đó, sự ổn định đó trong dân sự, mà chúng ta thấy tồn tại trong thế giới vật chất, nơi tôi có thể so sánh những thứ vĩ đại với những thứ nhỏ bé, mọi hành tinh, mọi trung tâm của mỗi hệ thống có lực hút & bị hút, lực đẩy & bị đẩy, để giữ hệ thống đó ổn định, & xoay bên trong những quả cầu đó, thứ mà Sáng Thế Chủ vĩ đại của tất cả chúng sinh đã quy định cho mỗi thành viên.
Minh họa thêm cho cấu trúc phức tạp và cân đối là Điều V của Hiến Pháp, quy định quy trình tu chính. Ông Madison là người soạn thảo chính của quy định và cho thấy rằng ông đã chia sẻ cách suy nghĩ “cơ học” của thế hệ mình:
- Điều V quy định hai cách đề nghị sửa đổi – phương pháp dựa trên cơ sở dân chủ hơn là phương pháp qua quốc hội, và phương pháp thông thường là dựa trên chính quyền tiểu bang.
- Để Quốc hội xem xét đề nghị, chỉ cần đa số biểu quyết đồng ý; nhưng để đề nghị thực sự thì phải được 2/3 mỗi Viện đồng ý.
- Ngược lại, để một hội nghị xem xét sửa đổi, hai phần ba số tiểu bang phải đồng ý; nhưng để hội nghị đề nghị chỉ cần đa số biểu quyết của các tiểu bang đồng ý.
- Song song với hai cách đề nghị là hai cách phê chuẩn: thông qua đại hội tiểu bang do dân bầu (được xem là phương thức dân chủ hơn) hoặc thông qua cơ quan lập pháp tiểu bang (dựa trên chính quyền tiểu bang hơn).
- Cả hai phương pháp phê chuẩn đều cần có sự chấp thuận của ba phần tư số tiểu bang, một tỷ lệ khác biệt đảm bảo cả sự đồng ý rộng rãi của các tiểu bang và sự đồng ý rộng rãi của quần chúng.
Cân bằng và trật tự. Tất cả đều mang tính chất Newton.
Phần 18: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Montesquieu
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai, thứ mười ba, thứ mười bốn; thứ mười lăm và thứ mười sáu.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times