Những ý tưởng hình thành Hiến Pháp (Phần 16): John Locke và Tu chính án thứ Chín
Ông John Locke (1632–1704) là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong nền học thuật Anh quốc. Ảnh hưởng của ông đối với sự thành lập nước Mỹ là rất lớn. Một số người gọi ông là “Tổ phụ lập quốc”.
Ông Locke có rất nhiều điểm tương đồng với nhiều nhân vật khác được mô tả trong loạt bài này: Ông là bậc thầy của nhiều lĩnh vực, bao gồm khoa học, một số ngành triết học và y học. (Ông là nhà nghiên cứu y học và là bác sĩ.) Ông là người của công việc: Ông phục vụ trong Hội đồng Thương mại của Anh, cơ quan chính điều hành các mối bang giao giữa Anh và các thuộc địa. Và ông đã dành thời gian đáng kể ở ngoại quốc.
Ảnh hưởng của ông Locke đối với tư tưởng chính trị thời kỳ lập quốc Hoa Kỳ chủ yếu dựa trên hai tác phẩm “Letter Concerning Toleration” (Luận Văn về Lòng Khoan Dung) đề cập đến quyền tự do tôn giáo và “Second Treatise on Government” (Luận Thuyết Thứ Hai về Chính Phủ), một nghiên cứu về nhân quyền, và nguồn gốc và quyền lực của các chính phủ.
Luận văn của Locke về lòng khoan dung
Ông James Wilson là một trong những người soạn thảo Hiến pháp và là người đứng đầu trong việc phê chuẩn. Trong một bài giảng tại nơi giờ đây là Đại học Pennsylvania, ông Wilson đã thừa nhận tác động của “Luận Văn về Lòng Khoan Dung” của Locke.
“Luận văn” này được xuất bản vào năm 1689, vào thời điểm nhiều người tin rằng chính phủ nên đàn áp các tôn giáo và giáo phái không được ưa chuộng. Nhưng ông Locke lập luận rằng chính phủ nên chấp nhận mọi tín ngưỡng chỉ với hai ngoại lệ: Công giáo, bởi vì Giáo hoàng là một quốc vương (sovereign) ngoại quốc; và chủ nghĩa vô thần, bởi vì những người vô thần cảm thấy không có trách nhiệm với Chúa.
Hiến Pháp, như được bổ sung bởi Tu chính án thứ Nhất, đã đưa quan điểm của Locke đi xa hơn cả Locke. Hiến Pháp công nhận sự lựa chọn tôn giáo là một quyền, không chỉ là một điều kiện để được dung thứ. Hiến Pháp cũng trao quyền bình đẳng hoàn toàn cho người Công giáo.
Hiến Pháp đã phản ánh một số hoài nghi của Locke đối với chủ nghĩa vô thần (một thực tế mà luật học của Tối cao Pháp viện hiện đại không biết). Hiến Pháp yêu cầu các viên chức của tiểu bang và liên bang phải tuyên thệ hoặc xác nhận, điều mà theo luật thời đó yêu cầu phải tin vào Chúa. Điều này khiến những người vô thần bị loại khỏi chức vụ chính trị, mặc dù điều khoản về Tự do ngôn luận của Tu chính án thứ Nhất đã bảo vệ quyền bày tỏ quan điểm của họ.
Luận thuyết thứ Hai của Locke về Chính phủ
Tôi đã phác thảo lý thuyết chính trị của Locke trong cuốn sách của mình, “The Original Constitution” (Bản Gốc Hiến Pháp). Đối với các mục đích hiện tại, các nội dung phù hợp nhất là:
- Đức Chúa Trời ban cho mỗi người một số quyền hoặc quyền hạn nhất định (trong thế kỷ 17 và 18, “quyền” và “quyền lực” thường đồng nghĩa với nhau), những quyền này có thể được thực hiện khi trưởng thành.
- Những người đứng đầu gia đình trao một số quyền/quyền hạn này cho chính phủ để chính phủ có thể bảo vệ những quyền hạn cần được bảo lưu.
- Chính phủ phải thực hiện các quyền/quyền hạn của mình với tư cách là bên được ủy thác, một cách công bằng và vì lợi ích của tất cả mọi người. (Những ai đã đọc các tiểu luận trước đó trong loạt bài này có thể nhận ra điều này là nhờ có Aristotle và Cicero.)
- Theo quy định, cả chính phủ và cá nhân đều không được xâm phạm quyền của người khác mà không có sự đồng ý của họ.
- Tuy nhiên, vi phạm đôi khi xảy ra. Điều này có thể là do hành vi sai trái, xung đột các quyền cá nhân hoặc nhu cầu của chính phủ trong việc thực hiện bổn phận của mình.
- Khi có hành vi xâm phạm, người được lợi từ hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Ba điều cuối cùng trong danh sách không chỉ ảnh hưởng đến Hiến Pháp của chúng ta mà còn được đưa vào luật dân sự Hoa Kỳ về hợp đồng và các mối quan hệ giữa các cá nhân khác (pdf).
Phần Hiến Pháp của Locke
Luận thuyết của Locke chứa nhiều quan sát cụ thể hơn, một số trong đó đã được thể hiện trong Hiến Pháp. Lời nói đầu phản ánh quan điểm của ông rằng người dân nói chung tạo ra [chính phủ] và đồng thuận với chính phủ mới. Khái niệm “niềm tin của công chúng” của Locke được thể hiện trong các điều khoản xuyên suốt trong văn bản này (pdf). Quyền phủ quyết của tổng thống phù hợp với khuyến nghị của ông Locke rằng cơ quan hành pháp được hưởng một phần quyền lực lập pháp. Thẩm quyền của tổng thống trong việc ký kết các hiệp ước và tiến hành các hoạt động bang giao là những ví dụ về “quyền lực liên bang” của Locke, cách ông liên kết [những quyền lực này] với cơ quan hành pháp. Tu chính án thứ Năm yêu cầu [trách nhiệm] bồi thường khi chính phủ liên bang tịch biên tài sản. Tôi đã đề cập đến quan điểm của Locke đã bao phủ cách Hiến Pháp đối đãi với những người vô thần.
Điều khoản của Locke rõ ràng nhất trong Hiến Pháp là Tu chính án thứ Chín. Như thường được tuyên bố, Tu chính án này không phải là kho lưu trữ các quyền cụ thể không được liệt kê. Thay vào đó, nó được thiết kế để làm rõ quy tắc của Locke rằng bất kỳ quyền lực nào không được trao đều được bảo lưu. Bài viết trước đây của tôi về Tu chính án thứ Chín trên The Epoch Times đã mô tả vai trò đó chi tiết.
Locke trong các cuộc tranh biện về Hiến Pháp
Trong thời kỳ lập quốc, các nguyên tắc của Locke được biết đến và chấp nhận rất rộng rãi. Không cần phải mô tả chúng cho những người khác. Luther Martin ở Maryland đã giảng cho các đồng nghiệp của mình tại Hội nghị Lập hiến về quan điểm của Locke, nhưng điều đó chỉ làm tăng danh tiếng của Martin như một nhà mô phạm hào hoa.
Trong các cuộc tranh luận phê chuẩn, những người ủng hộ Hiến Pháp (“Những người theo chủ nghĩa liên bang”) và những người phản đối (“Những người theo chủ nghĩa chống liên bang”) đã tranh luận về việc liệu Hiến Pháp có đạt các tiêu chuẩn của Locke hay không. Ông Wilson, người khởi xướng chính của Hiến Pháp tại hội nghị phê chuẩn Pennsylvania, khẳng định rằng Locke đã lường trước được sự phân chia chủ quyền trong Hiến Pháp giữa chính quyền bang và liên bang. Đồng minh của ông Wilson, ông Thomas McKean, tuyên bố rằng việc thiếu tuyên ngôn nhân quyền phù hợp với quan điểm của Locke. Đối thủ của họ là ông William Finley khẳng định rằng Locke sẽ không tán thành quyết định thay thế hiến pháp tiểu bang bằng cách thông qua một hiến pháp liên bang mới.
Tại hội nghị phê chuẩn Virginia, ông Patrick Henry đã phản đối gay gắt việc phê chuẩn. Ông Edmund Pendleton — chủ tịch hội nghị và luật sư hàng đầu của tiểu bang — trả lời rằng quan điểm của ông Henry đã vi phạm sự ủng hộ của Locke đối với chính phủ hiệu quả.
Bên lề các hội nghị lập hiến. Ông Benjamin Rush ở Pennsylvania, một bác sĩ nổi tiếng và là người theo chủ nghĩa Liên bang, đã trao đổi thư từ với ông David Ramsey ở Nam Carolina, nhà sử học và đồng nghiệp là bác sĩ. Ông Rush nói với ông Ramsey rằng Hiến Pháp sẽ áp đặt pháp quyền, điều mà Locke ủng hộ. Một người ủng hộ Hiến Pháp ở New York tự gọi mình là “Người theo chủ nghĩa liên bang quốc gia” lặp lại lập luận này trên một bài bình luận trên báo.
Một người theo chủ nghĩa Liên bang ở Pennsylvania viết dưới bút danh “Margery” đã ca ngợi văn kiện này là tác phẩm có giá trị của Locke. Ông William Cushing của Massachusetts lưu ý rằng Hiến Pháp, phù hợp với quan điểm của Locke, đã dựng lên một hình thức chính phủ đại diện.
Những người chống liên bang khẳng định Hiến Pháp không tuân theo các nguyên tắc của Locke. Một tác gia ở Massachusetts tự gọi mình là “Người theo chủ nghĩa liên bang của Đảng Cộng Hòa” nói rằng Hội nghị Lập hiến đã chiếm đoạt quyền lực, theo định nghĩa của Locke về sự chiếm quyền. Ông cũng lập luận rằng việc trao cho nô lệ tỷ lệ 3/5 đại diện trong Hạ viện là không phù hợp, bởi vì Locke đã viết rằng nô lệ không có tư cách công dân.
Một cây viết là “Republicus” đã sử dụng Locke để tấn công Hiến Pháp quy định lưỡng viện thay vì Quốc hội đơn viện. (Tôi không thể tìm thấy bằng chứng cho thấy Locke thực sự ủng hộ trường phái đơn viện.) Một số người phản đối Hiến Pháp đã dựa vào Locke trong khi chỉ trích việc ban đầu không có Tuyên ngôn Nhân quyền.
Có phải ông Locke đã được đánh giá quá cao không?
Bất chấp việc Locke xuất hiện nhiều trong các diễn ngôn về thời kỳ lập quốc, một số tác giả đã cố gắng giảm thiểu tác động của ông. Từ cánh tả, ông Garry Wills, viết trong ấn bản đầu tiên của một cuốn sách, nếu không vì vấn đề này thì đã là cuốn sách xuất sắc, khẳng định rằng một số triết gia Khai sáng Scotland tạo ảnh hưởng lớn đối với Thomas Jefferson và Tuyên ngôn Độc lập, hơn là Locke. Tuy nhiên, sau đó ông Wills đã thừa nhận sai lầm của mình.
Từ cánh hữu, ông Yoram Hazony thừa nhận ảnh hưởng của nhà triết học đối với Tuyên ngôn, nhưng tuyên bố rằng Hiến Pháp được soạn thảo và phê chuẩn bởi “những người bảo thủ” chống Locke như Alexander Hamilton và George Washington. Nhưng lập luận này là không chính xác về mặt lịch sử. Hiến Pháp không phải là sản phẩm của bất kỳ phe phái cụ thể nào, bảo tồn truyền thống hay phe nào khác: Hiến Pháp đã hình thành nhờ đàm phán và thỏa hiệp giữa nhiều người dân Mỹ — một quá trình được trung gian chủ yếu bởi những người ôn hòa như John Dickinson, Roger Sherman, Benjamin Franklin và Edmund Randolph. Và trên thực tế, ông Hamilton và ông Washington cũng rất ngưỡng mộ Locke.
Trong 30 năm nghiên cứu về hiến pháp của mình, tôi chỉ xác định được một Nhà Lập Quốc dường như không chấp nhận các nguyên tắc căn bản của Locke: Noah Webster, một người không có vai trò gì trong việc hình thành Hiến Pháp và chỉ có một vai trò nhỏ trong việc phê chuẩn.
Hiểu sai và những chỉ trích đối với ông Locke
Như ông Forrest McDonald, nhà sử học lập hiến vĩ đại nhất thế kỷ 20, từng chỉ ra rằng Locke thường “bị hiểu sai một cách đáng kinh ngạc”. Ví dụ, mặc dù các bài viết của Locke khá tự do, những người theo chủ nghĩa Marx và những người theo chủ nghĩa tập thể khác đã coi ông là một trong những người của họ. Và một số người theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống đánh giá thấp mức độ phù hợp của quan điểm Locke với các truyền thống văn hóa khác.
Ông Locke thường bị chỉ trích vì nói rằng các chính phủ được tạo ra bởi sự thỏa hiệp. Các nhà phê bình lập luận rằng chính phủ thường được tạo ra từ gia đình, truyền thống và các cuộc chinh phục. Tuy nhiên, Locke đã lường trước và đáp lại những phản đối đó. Ông đưa ra các ví dụ về các khối thịnh vượng chung, trên thực tế, phát sinh từ sự thỏa hiệp. Hơn nữa, khi ông Locke nói “đàn ông” đồng ý với các chính phủ, ông đang đề cập đến chủ gia đình; ông thừa nhận đầy đủ vai trò của gia đình.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, câu chuyện của Locke về cách các chính phủ hình thành có đúng theo nghĩa trên bề mặt hay không thực sự không quan trọng. Câu chuyện này truyền đạt một sự thật về đạo đức rộng lớn hơn.
Để giải thích: Hầu hết các tôn giáo dạy những chuyện thần thoại mà mọi người đều biết là không đúng theo nghĩa trên bề mặt. Những câu chuyện này được kể bởi vì chúng đưa ra những bài học đạo đức hoặc những hiểu biết khác. Tương tự như vậy, hệ thống pháp luật của chúng ta sử dụng các biện pháp giả định rằng các bên đã ký kết một ủy thác hoặc hợp đồng, mặc dù họ chưa bao giờ làm như vậy. Các biện pháp sửa sai được sử dụng không phải vì chúng mô tả sự thật theo nghĩa trên bề mặt, mà vì trong những tình huống thích hợp, chúng thực hiện công lý.
Thật vậy, chúng ta thường sử dụng những câu chuyện hư cấu hoặc phản thực tế trong cuộc sống hàng ngày vì mục đích lớn hơn của chúng: “Xoay người qua bóng” [trong đánh golf] giúp người đánh bóng hiểu cách đánh bóng. “Cư xử như thể bạn rất quan tâm” thể hiện một bài học về hành vi đạo đức. Và tương tự.
Giá trị trong câu chuyện thành lập chính phủ của ông Locke là cung cấp hướng dẫn đạo đức về cách chính phủ nên đối xử với công dân và cách công dân nên đối xử với nhau.
Phần 17: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Sir Isaac Newton
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai, thứ mười ba, thứ mười bốn, và thứ mười lăm.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times