Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp (Phần 15): James Harrington, Với Những Bình Luận Về Algernon Sidney
Vào thế kỷ 17, nước Anh, vốn luôn theo chế độ quân chủ, đã có ‘cuộc dạo chơi’ chóng vánh với chủ nghĩa cộng hòa. Từ năm 1649 đến năm 1660, nước Anh thực sự là một nước cộng hòa, ít nhất là trên lý thuyết: Vua Charles I đã bị hành quyết, và đất nước này trở thành một “xứ bảo hộ” dưới thời [huân tước] Oliver Cromwell. Tuy nhiên, không lâu sau cái chết của Cromwell, “Nghị viện hiệp thương” đã mời con trai của vị vua quá cố, Charles II, lên ngôi, và quá trình thử nghiệm nền cộng hòa của nước Anh đã kết thúc.
Thời kỳ này đã sản sinh ra một số người có quan điểm muốn nước Anh trở thành một nước cộng hòa (hay “khối thịnh vượng chung”) vĩnh viễn. Nhà sử học Caroline Robbins đã gọi họ một cách nổi tiếng là “Những người đàn ông của thịnh vượng chung”. Trong số những người bà xếp vào hạng mục đó, những người nổi tiếng nhất đối với thế hệ các vị lập quốc là James Harrington, Algernon Sidney, John Locke và Isaac Newton.
Harrington và Sidney là hai người phát ngôn thẳng thắn hơn trong số bốn người, và họ phải trả giá vì niềm tin của mình. Nếu Locke và Newton thực sự là những người cộng hòa, thì họ đã không nói nhiều về điều đó — nhưng họ đã ảnh hưởng đến tư tưởng chính trị theo những cách khác. Bài tiểu luận này thảo luận về Harrington và Sidney; những bài sau đó sẽ đề cập đến Locke và Newton.
James Harrington
James Harrington sinh ngày 07/01/1611 tại Northamptonshire, Anh quốc. Ông thể hiện trí tuệ siêu đẳng từ sớm. Ông theo học Đại học Oxford trong hai năm nhưng không lấy được bằng cấp. Sau đó, giống như nhiều nhân vật khác được mô tả trong loạt bài này, ông đã chu du nhiều nơi, đến thăm Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Sĩ và Ý.
Tại một thời điểm nào đó, ông đã gặp Vua Charles I. Nhà vua có năng lực trí tuệ, và bất chấp việc Harrington theo xu hướng cộng hòa, nhà vua rất thích bầu bạn với ông. Hai người trở thành bằng hữu. Tình bạn này đã khiến Harrington bị cầm tù một thời gian ngắn trước khi vua Charles bị hành quyết vào năm 1649.
Chế độ của Oliver Cromwell kế nhiệm không ưa ông Harrington, và điều đó gần như ngăn cản việc xuất bản tác phẩm chính của ông là “Oceana”. Ông Harrington lại bị cầm tù vào đầu những năm 1660, sức khỏe của ông suy giảm và ông qua đời ở Westminster (nay là một phần của London) vào năm 1677.
Oceana
Mặc dù ông Harrington đã viết những truyện khác ngoài “Oceana”, nhưng cuốn sách đó khiến ông nổi tiếng. Tác phẩm liên quan đến câu chuyện về cách mà vùng đất không tưởng Oceana (một câu chuyện ngụ ngôn được ngụy trang mỏng manh cho nước Anh) đã áp dụng thứ mà Harrington xem là một hình thức chính phủ lý tưởng.
Tôi không giới thiệu “Oceana” cho độc giả: Tác phẩm rất nặng nề, khó theo dõi và đôi khi nực cười. Đây là ý chính về những gì quan trọng đối với các Nhà Lập Quốc:
Oceana đã sử dụng một “đế chế của luật pháp, không phải của người dân.” Đế chế này bảo đảm rằng luật pháp phản ánh lợi ích công cộng hơn là lợi ích của một vị vua hay tầng lớp quý tộc. Theo quan điểm của ông Harrington, một chính phủ thượng tôn pháp luật vì lợi ích công cộng là cần thiết để một quốc gia trở thành một khối thịnh vượng chung.
Oceana chấp thuận một chính phủ hỗn hợp, với cơ quan lập pháp lưỡng viện, quan tòa và thẩm phán. Bởi vì Harrington tin rằng quyền lực đi sau quyền sở hữu đất đai, nên luật pháp của Oceana bảo đảm rằng đất đai được sở hữu rộng rãi — rằng không một cá nhân hay nhóm nào sở hữu quá nhiều đất đai.
Ông Harrington đã viết rằng một phần ba dân số có trí thông minh trên mức trung bình tạo nên tầng lớp quý tộc dòng dõi. Ở Oceana, những người như vậy bao trùm Thượng viện, mặc dù họ đã được bầu chọn bởi đại cử tri. Cơ quan lập pháp thấp hơn, quốc hội, được bầu để phản ánh quan điểm của người dân nói chung.
Một số độc giả có thể biết quy tắc rằng khi mọi người chia bánh, người cắt bánh không được là người chọn miếng bánh. (Khi các con gái của chúng tôi còn nhỏ, vợ tôi đã áp đặt quy tắc này đối với chúng.) Một trong những đoạn nổi tiếng nhất trong “Oceana” đã áp dụng tiêu chuẩn tương tự cho cơ quan lập pháp: ông Harrington tin rằng nếu cơ quan lập pháp là đơn viện, thì sẽ trở nên chuyên chế. Vì vậy, Oceana đã áp dụng cấu trúc lưỡng viện. Thượng viện tranh luận và đề xướng các luật (nghĩa là được “phân chia”), nhưng quốc hội được “chọn” nên phê chuẩn hay bác bỏ các đề xướng của thượng viện.
Các thẩm phán được cho quyền thi hành luật. Có các thẩm phán, nhưng tòa án cao nhất là hội đồng quốc gia luật pháp. Điều này đã thay đổi thông lệ Anh, theo đó thượng viện (chứ không phải Hạ viện) của Quốc hội đóng vai trò là tòa án cao nhất.
Ông Harrington trong các cuộc tranh luận về Hiến Pháp
Ông Harrington khá nổi tiếng đối với thế hệ các Nhà Lập Quốc, nhưng không có cuộc thảo luận nào về quan điểm của ông tại Hội nghị Lập hiến và tương đối ít trong các cuộc tranh luận sau đó về việc có nên phê chuẩn Hiến Pháp được đệ trình hay không. Hầu hết các câu chuyện về Harrington đều đáng tôn trọng: Ngay trước khi Hội nghị Lập hiến họp, một tác giả Pennsylvania tự gọi mình là “Foreign Spectator” (Khán giả ngoại quốc) đã khuyến khích các đại biểu tham khảo ý kiến của ông Harrington với một số người khác. Và sau khi đại hội kết thúc, một cây viết của Pennsylvania là “Margery” đã khen ngợi các đại biểu vì đã soạn thảo một tài liệu xứng đáng với Harrington và Sidney.
Ngược lại, luật sư cao cấp của Virginia, ông Edmund Pendleton (người chủ trì hội nghị phê chuẩn của tiểu bang), đã viết hai lá thư khẳng định rằng các tác phẩm của Harrington có sai sót. Và “Americanus”, một nhà viết tiểu luận ở New York, đã gộp ông Harrington với Plato và Sir Thomas More như những tác giả “thích thú với việc tạo lập các kế hoạch có tầm nhìn xa trông rộng về các Chính phủ hoàn hảo, nhưng, vì thiếu kiến thức thực tế, các kế hoạch của họ chỉ là những chuyện tình lãng mạn, lời chào xa hoa của một trí tưởng tượng phong phú.
Cách ông John Adams trích dẫn từ ông Harrington
Những điều đã nói ở trên cho thấy rằng ông Harrington có ít tác động đến các cuộc tranh luận về hiến pháp. Thật vậy, ông ấy sẽ không có mặt trong loạt tiểu luận này nếu không có ông John Adams. Ông Adams đã giới thiệu ông Harrington trong tập đầu tiên của bộ bách khoa toàn thư về các chính phủ cộng hòa, như tôi đã lưu ý trong các bài trước, tài liệu đã được lưu hành tại hội nghị và được đề cập nhiều trong các cuộc tranh luận.
Ông Adams đã dành khoảng 10 trang trong cuốn sách của mình để trích dẫn trực tiếp từ Harrington, và ông cũng đã thêm các trích dẫn khác. Trong số các chủ đề có (1) nhu cầu về pháp quyền, (2) quan điểm cho rằng quyền lực chính trị đi sau quyền sở hữu đất đai, và (3) quan điểm cho rằng một quốc gia bao gồm nhiều địa chủ khó chinh phục hơn một quốc gia mà quyền làm chủ đất đai bị hạn chế hơn. Nhưng công dụng quan trọng nhất của ông Adams đối với ông Harrington là nội dung về cơ quan lập pháp lưỡng viện.
Khi Adams viết, vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ liệu cơ quan lập pháp liên bang sẽ có một hay hai viện. Quốc hội theo các Điều khoản Hợp bang là đơn viện. Ba tiểu bang có cơ quan lập pháp đơn viện: Pennsylvania, Georgia và Vermont (vẫn độc lập khi đó). Ông Benjamin Franklin, người khi đó giữ chức tổng thống (thống đốc) Pennsylvania, được cho là ủng hộ chế độ đơn viện, và tất nhiên, uy tín của ông rất lớn. Khi Thống đốc Virginia là Edmund Randolph đưa ra kế hoạch thành lập cơ quan lập pháp quốc gia gồm hai viện, thì ông William Paterson của New Jersey đã phản đối và đề nghị đơn viện.
Ông Adams cho rằng điều quan trọng là phải nhấn mạnh những ưu điểm của chế độ lưỡng viện, và ông đã ứng dụng “Oceana” rất nhiều cho mục đích đó. Ông trích dẫn tình huống tương tự như “cắt và chọn từng miếng bánh” của ông Harrington và những lời cảnh báo của ông Harrington về sự nguy hiểm của chế độ chuyên chế đơn viện.
Algernon Sidney
Ông Algernon Sidney sinh năm 1622 và mặc dù quan tâm đến chính trị nhưng lại gặp khó khăn trong việc hòa đồng với mọi người. Ông ấy đã dành nhiều thời gian ở châu Âu, thực tế là sống lưu vong. Năm 1683, ông bị dính líu, dù công bằng hay không, trong Âm mưu Nhà Rye sát hại Vua Charles II, bị xét xử vì tội phản quốc và bị xử trảm.
Để làm bằng chứng trong phiên tòa xét xử tội phản quốc, bên công tố đã trích dẫn cuốn “Discourses on Government” (Diễn Ngôn về Chính Phủ) chưa xuất bản của ông. Tác phẩm không được xuất bản cho đến năm 1698, nhưng đã trở thành một trong hai tác phẩm làm nên sự nổi tiếng của ông. (Tác phẩm kia của ông chính là dòng chữ Latinh được rút ngắn để trở thành phương châm của Khối thịnh vượng chung Massachusetts: Ense petit placidam sub libertate silenceem — “Với thanh kiếm của mình ông ấy tìm kiếm sự an nghỉ yên bình dưới tự do”).
“Diễn Ngôn về Chính Phủ” là một câu trả lời rất dài đối với lý thuyết “quyền thiêng liêng của các vị vua” do Robert Filmer (khoảng 1588–1653) đề nghị.
Việc ông Sidney ủng hộ cuộc cách mạng chống lại bạo chúa đã khiến ông được nhiều người trong thế hệ Nhà Lập Quốc ngưỡng mộ. Ông John Adams đã trích dẫn cuộc thảo luận của ông Sidney về nền dân chủ tuyệt đối hay “thuần túy” (một khái niệm mượn từ Aristotle) và sự ủng hộ của ông đối với chính phủ hỗn hợp (mượn từ Aristotle, Polybius và Cicero, cùng những người khác). Cũng đáng chú ý là định nghĩa của Sidney về tự do: “Tự do chỉ bao gồm sự độc lập đối với [tức là: từ] ý chí của người khác.”
Tôi đưa Sidney vào bài tiểu luận này vì ông ấy thường được đồng nhất với Harrington. Tuy nhiên, trên thực tế, quan điểm của Sidney ít ảnh hưởng đến Hiến Pháp. Ông đã được nhắc đến trong các cuộc tranh luận phê chuẩn, nhưng chủ yếu là thoáng qua. Những ý tưởng của ông hầu như chỉ được sử dụng bởi những người phản đối Hiến Pháp, những người đã tấn công văn kiện này vì đã không tuân theo các khuyến nghị của Sidney về các cuộc bầu cử hàng năm và cơ quan lập pháp đơn viện. Ngoài ra, một số nhà viết tiểu luận — một lần nữa, hầu như chỉ là những người phản đối Hiến Pháp — đã sử dụng các bút danh “Sidney” hoặc “Algernon Sidney”.
Phần 16: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: John Locke và Tu chính án thứ Chín
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai, thứ mười ba và thứ mười bốn.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times