Những ý tưởng hình thành Hiến Pháp (Phần 14): Machiavelli
Tác giả cuối cùng của chúng ta, nhà sử học La Mã Tacitus (qua đời khoảng năm 120 Công Nguyên) cách biệt hơn một ngàn năm với ông Niccolò Machiavelli. Quý vị có thể thắc mắc: Chẳng lẽ không có ai trong khoảng thời gian đó đáng để nghiên cứu hay sao? Và, tại sao lại là Machiavelli? Chẳng phải ông ta là người ủng hộ nền chính trị tàn ác mà những Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ đã không chấp nhận hay sao?
Câu trả lời cho những câu hỏi trên bắt đầu bằng việc hiểu rằng những Nhà Lập Quốc đã sống trong thời kỳ lịch sử cổ điển. Một thời đại là “cổ điển” nếu môi trường tri thức thịnh hành là một thời đại ngưỡng mộ khoa học và lý trí, trân trọng vẻ đẹp khuôn mẫu và sự cân đối, đồng thời chú trọng đến quyền cá nhân và tiềm năng cá nhân.
Điều đó không có nghĩa là những người theo trường phái cổ điển là phi tôn giáo hoặc họ phớt lờ nhu cầu xã hội của con người. Hầu hết các Nhà Lập Quốc đều là những người có đức tin và công nhận rằng nhân loại mưu cầu hạnh phúc trong xã hội. Nhưng họ coi trọng các giá trị cổ điển ở mức độ lớn hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo văn hóa trong một số thời điểm khác.
Do đó, có thể hiểu được rằng những Nhà Lập Quốc trước tiên sẽ xem xét các thời đại cổ điển khác để tìm ý tưởng và mô hình lịch sử. Điều này giải thích sự quan tâm của họ đối với Hy Lạp và La Mã cổ đại và sự tái sinh của nền văn hóa cổ điển được gọi là thời kỳ Phục Hưng. Machiavelli là người của thời kỳ Phục Hưng.
Hầu hết các nhà sử học đánh dấu sự kết thúc của thời cổ đại cổ điển vào khoảng năm 200 sau Công nguyên (CN). Mặc dù Đế chế La Mã ở phương Tây tồn tại thêm 250 năm nữa, nhưng trong thế kỷ thứ ba, đế chế này đã rơi vào thời kỳ khó khăn mà từ đó không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Nền văn hóa đã thay đổi cùng với vận may của đế chế. Một hiệu ứng là sự chuyển đổi từ các loại hình nghệ thuật cổ điển (classical art forms) sang những sáng tác thô thiển hơn (rougher creations). Ngoài một số thời điểm và địa điểm biệt lập (chẳng hạn như triều đình Charlemagne), văn hóa cổ điển không phát triển trở lại cho đến khi thời kỳ Phục Hưng bắt đầu ở Ý trong những năm 1300.
Tất nhiên, giai đoạn giữa thời cổ đại và thời Phục Hưng đã sản sinh ra những nhân vật vĩ đại. Thế hệ các Nhà Lập Quốc đã tham khảo ý tưởng của một số nhân vật này—chẳng hạn như Thánh Augustine, Thánh Thomas Aquinas và giáo sĩ kiêm luật gia Henry de Bracton—nhưng vì các mục đích khác không phải chính trị và hiến pháp.
Tại sao lại là Machiavelli?
Chúng ta sử dụng tính từ “Machiavellian” để chỉ sự hoài nghi và thao túng về mặt chính trị. Tính ngữ bắt nguồn từ tính cách hoài nghi và thao túng trong cuốn sách nổi tiếng nhất của Machiavelli, “The Prince” (Hoàng Tử). Các thành viên của thế hệ các Nhà Lập Quốc đã sử dụng tính ngữ này theo cách tương tự.
Tuy nhiên, những thành viên có học vấn của thế hệ các Nhà Lập Quốc biết rằng Machiavelli đã viết nhiều hơn cuốn “Hoàng Tử”, một cuốn sách mà những Nhà Lập Quốc trích dẫn rất ít. Họ quan tâm nhiều hơn đến các tác phẩm khác của Machiavelli, đặc biệt là “Discourses on Livy” (Các diễn ngôn về Livy) của ông. “Các diễn ngôn” phân tích bản chất và các thành phần của chính phủ cộng hòa, đồng thời đưa ra lời khuyên về cách các nền cộng hòa có thể tồn tại.
Hầu hết những người có học vấn trong thế hệ lập quốc đồng ý với nhà lý luận chính trị James Harrington, một tác giả được đánh giá cao ở thế kỷ 17, người đã gán cho Machiavelli là “chính trị gia duy nhất của các Thời đại sau cổ đại ” – tức là nhà phân tích chính trị quan trọng duy nhất từ thời cổ đại cho đến thời của chính ông Harrington. May mắn thay, có những người khác giữa thời của Harrington và thời soạn thảo khung Hiến Pháp. Một số trong những người này sẽ là chủ đề của các phần sau.
Cuộc đời của Machiavelli
Một lý do khiến thời kỳ Phục Hưng bắt đầu ở Ý cũng vì cùng lý do khiến kỷ nguyên cổ điển bắt đầu ở Hy Lạp: Ý có tính phân cấp cao và bị chia cắt về mặt chính trị. Điều này buộc các thành phố phải cạnh tranh để tìm kiếm những người tài năng. Điều này cũng cho phép những người tài năng thoát khỏi các chính phủ và hệ thống xã hội áp bức và di cư đến nơi họ được đánh giá cao và trợ giúp. Hơn nữa, người Ý có lợi thế khi sống trong một môi trường mà các tượng đài của vinh quang cổ điển quá khứ tồn tại sừng sững xung quanh họ.
Một số thành phố của Ý có thể tự hào về những thành tựu ấn tượng tựa như Athens của Hy Lạp là Florence.
Machiavelli là một trong những người phi thường của nhiều lĩnh vực — giống như Xenophon, Cicero, Polybius, Plutarch và Tacitus — những người đã áp dụng kinh nghiệm của mình để viết lịch sử và bình luận chính trị. Machiavelli sinh năm 1469 sau Công Nguyên trong nhánh nghèo nhất của một gia đình Florence nổi tiếng. Khi 29 tuổi, ông đã trở thành người đứng đầu “Hội đồng Thứ hai” của thành phố, nơi giải quyết các vấn đề ngoại giao ở các vùng lãnh thổ xung quanh Florence. Sau đó, ông phục vụ thành phố trong một số chức vụ, trong đó có nhiều cơ quan ngoại giao. Vì trách nhiệm ngoại giao của mình, Machiavelli (như Xenophon, Polybius và Plutarch) đã chu du khắp nơi.
Thật không may, lưu vong là một bản án mà nền chính trị hỗn loạn của Florence áp đặt lên nhiều công dân hàng đầu của mình (ví dụ như nhà thơ Dante), và Machiavelli đã bị lưu đày trong vài năm.
Tác phẩm văn học của Machiavelli là rất ấn tượng. Ngoài cuốn “Hoàng Tử” và “Các diễn ngôn của Livy” (cả hai đều được sáng tác khi ông sống lưu vong), trong số các tác phẩm khác, ông còn viết lịch sử của Florence, một tiểu sử, một cuốn sách về nghệ thuật chiến tranh và ba vở kịch. Ông qua đời vì bệnh vào năm 1527 sau Công Nguyên ở tuổi 58. Ông được chôn cất tại Nhà thờ Santa Croce của Florence, nơi vẫn còn có thể nhìn thấy ngôi mộ của ông cho đến ngày nay.
Ảnh hưởng đối với những Nhà Lập Quốc
Một số khía cạnh trong “Các diễn ngôn của Livy” của Machiavelli đã được thế hệ các Nhà Lập Quốc quan tâm. Đầu tiên, những Nhà Lập Quốc đã lớn lên dưới chế độ quân chủ, vì vậy họ tìm kiếm hướng dẫn để xây dựng một chính phủ cộng hòa. Thứ hai, Machiavelli xác nhận, trình bày lại và cập nhật các quan điểm của triết gia Plato, Aristotle, Polybius và Cicero về “chính phủ hỗn hợp” – quan điểm cho rằng các nước cộng hòa tồn tại lâu nhất nếu họ có các thể chế quân chủ, quý tộc và dân chủ cân bằng và kiểm soát lẫn nhau.
Thứ ba, Machiavelli khẳng định một bài học mà các Nhà Lập Quốc đã học được từ kinh nghiệm: quyền lực luật pháp mạnh mẽ là cần thiết để bảo vệ tự do.
Thứ tư, ông đồng cảm với việc đại chúng tham gia chính phủ hơn hầu hết các tác giả trước đó. Ví dụ, trong một phần của “Diễn ngôn”, ông lập luận rằng khi mọi người nói chung tuân theo pháp quyền (nghĩa là không hành động như một đám đông đơn thuần), họ thực sự đưa ra quyết định tốt hơn và có nhiều khả năng bảo vệ quyền tự do hơn là các “chuyên gia” quý tộc.
Machiavelli trong các cuộc tranh luận về Hiến Pháp
Những người tham gia các cuộc tranh luận về hiến pháp năm 1787–90 thường buộc tội đối thủ của họ là phái “Machiavellian”. Nhưng một số người trích dẫn lịch sử Florence vì những lý do chắc chắn hơn.
Như đã đề cập trong các phần trước, tập đầu tiên trong bộ bách khoa toàn thư của ông John Adams về các chính phủ cộng hòa được xuất bản năm 1787 và được lưu hành tại Hội nghị Lập hiến. Cuốn sách của Adams cũng đã được thảo luận rộng rãi trong các cuộc tranh luận tiếp theo về việc phê chuẩn. Ông Adams dành bảy trang để kể lại nguyên văn cuộc thảo luận của Machiavelli về các nền cộng hòa quân chủ, quý tộc, bình dân và hỗn hợp trong “Các diễn ngôn về Livy”.
Cuốn sách của ông Adams trích dẫn thêm Machiavelli về quy tắc mà các nhà lập hiến phải “giải định rằng tất cả mọi người đều xấu về bản chất.” Nói cách khác, các quy tắc hiến pháp phải được soạn thảo dựa trên giả định rằng mọi người sẽ hành động theo hướng xấu. Tuyên bố này của Adams là một sự điều chỉnh hữu ích đối với tuyên bố phổ biến rằng Adams nghĩ Hiến Pháp chỉ có thể phục vụ “những người có đạo đức”. Sự thật là Adams đã đầu tư rất nhiều thời gian để thảo luận về cách soạn thảo hiến pháp sao cho khi các sự kiện diễn ra sẽ đều có kết thúc ổn thỏa ngay cả nếu mọi người là vô đạo đức.
Mercy Otis Warren sau này là một nhà sử học nổi tiếng, nhưng trong cuộc chiến giành quyền phê chuẩn, bà đã viết các bài luận phản đối Hiến Pháp. Bà sử dụng bút danh “A Columbian Patriot” (Người Columbia yêu nước). Bà chia sẻ sự thiên vị của Machiavelli đối với đại chúng nói chung. Bà Warren trích dẫn quan điểm của mình rằng “không có nền cộng hòa nào có thể đứng trên một nền tảng ổn định mà không làm hài lòng những người dân thường.”
Một lập luận thường xuyên ủng hộ Hiến Pháp là Hiến Pháp chỉ đại diện cho sự thay đổi khiêm tốn so với các Điều khoản Hợp bang. Một đối thủ ở Pennsylvania là “Centinel” nghĩ rằng lập luận đó đang được sử dụng với mục đích xấu. Ông chỉ ra rằng Macchiavelli đã khuyến nghị các nhà lập hiến nên tước vũ khí phản đối của công chúng bằng cách giữ nguyên các hình thức cũ, ngay cả khi chúng thực hiện những thay đổi lớn về nội dung.
Ông John Francis Mercer đại diện cho Maryland tại Hội nghị Lập hiến, nhưng ông đã rời đi sớm và phản đối bản dự thảo cuối cùng. Trong một loạt bài xã luận ký tên “A Farmer” (Người Nông Dân), ông đã tận dụng tốt sự khôn ngoan của Machiavelli. Ông đã dẫn chiếu tính quỷ quyệt của người Florence về cách tầng lớp quý tộc gắn liền với sự giàu có hơn là với các danh hiệu quý tộc. Ông cũng trích dẫn Machiavelli về chính phủ của các bộ lạc Đức được Tacitus mô tả. Và ông trích dẫn “ý kiến có chủ ý của Machiavelli ủng hộ chính thể của nhân dân, như là nơi bảo quản an toàn duy nhất của tự do và quyền lực.”
Ông Mercer đã mượn một quan sát khác từ Machiavelli mà dường như hoàn toàn có thể áp dụng cho đám đông “thức tỉnh” ngày nay:
“Chúng ta là những người khôn ngoan nhất dưới mặt trời, dường như không còn phải bàn cãi, và những người mà sự phù phiếm của tuổi trẻ đã được tâng bốc bởi một tràng pháo tay nhất thời của công chúng, nghĩ rằng vì họ đến thế giới này sau, do đó họ có tất cả sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người đi trước – đây là ý kiến của người Mỹ ngày nay. – Như Machiavelli cho chúng ta biết, điều đó đã là sự thuyết phục vững chắc của người Florence, những người đồng hương của ông, vào thời của ông. … Có lẽ phần lớn nhất là sự tự tin, không thể tách rời với phần lớn không kém là sự thiếu hiểu biết.”
Lạy Chúa – Amen!
Phần 15: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: James Harrington
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai và thứ mười ba.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times