Những ý tưởng hình thành Hiến Pháp (Phần 13): Sử gia Tacitus
Các tác giả được thảo luận trong loạt bài này đã có ảnh hưởng đến Hiến Pháp cả trực tiếp và gián tiếp. Những trích dẫn từ tác phẩm của các tác giả này bởi những người tham gia tranh biện về hiến pháp năm 1787–90 là bằng chứng về những ảnh hưởng trực tiếp.
Ảnh hưởng gián tiếp xảy ra theo ít nhất hai cách. Đầu tiên, trong suốt nhiều thế kỷ, những hiểu biết sâu sắc về những người như Aristotle, Cicero và Polybius đã thấm nhuần vào truyền thống chính trị và luật pháp của Anh quốc mà những Nhà Lập Quốc đã kế thừa. Thứ hai, những người tham gia tranh luận thường dựa vào những tác giả viết gần với [thời kỳ] của mình nhất, những người này lại đã xây dựng nền tảng dựa trên ý tưởng của những tác giả tiền bối. Trong thời cổ đại, Aristotle mượn Plato rất nhiều, Polybius mượn Aristotle, Cicero và Plutarch mượn hết tất cả những người đi trước.
Mô hình này cũng tiếp tục sau thời cổ đại. Ví dụ, trong các cuộc tranh luận về hiến pháp, cuốn sách của Nam tước Montesquieu, “The Spirit of the Laws” (Tinh thần của Luật pháp) viết vào năm 1748–50, là một trong những tác phẩm được thảo luận nhiều nhất. Các chú thích cuối trang của tác giả Montesquieu chứa đầy những trích dẫn của Aristotle, Plutarch và Livy. Montesquieu cũng dựa rất nhiều vào tác gia là chủ đề của bài tiểu luận này là: Tacitus.
Cuộc đời và Thời đại của Tacitus
Tacitus được xem là sử gia La Mã giỏi nhất và là một trong những tác giả có văn phong xuất sắc nhất trong ngôn ngữ Latinh. Tuy nhiên, chúng ta thậm chí còn không biết tên thật của ông.
Publius (hay Gaius) Cornelius Tacitus sinh năm 56 Công Nguyên (CN) và qua đời vào khoảng sau năm 120 CN. Ông sống vào thời kỳ đỉnh cao của Đế chế La Mã.
Cuộc đời của Tacitus cho thấy xã hội La Mã đã có biết bao sự dịch chuyển xã hội. Gia đình ông, mặc dù khá giả về tài chính, nhưng không đặc biệt nổi bật và sống xa thủ đô — ở miền bắc nước Ý hoặc đông nam xứ Gaul (Pháp). Tuy nhiên, Tacitus đã vươn lên trở thành chấp chính quan (năm 97 CN), chức vụ cao nhất bên cạnh hoàng đế. Ngoài ra, vào năm 112–113 CN, ông giữ chức thống đốc của tỉnh Asia (phía tây Thổ Nhĩ Kỳ), chức vụ cấp tỉnh quan trọng nhất trong vương quốc.
Tacitus là luật gia, nhà quản trị, chính trị gia, nhà viết tiểu sử, nhà hùng biện, nhà dân tộc học và nhà sử học. Một trong những cuốn sách trước đó của ông là tiểu sử về cha vợ, Gnaeus Julius Agrippa, người đã có một nhiệm kỳ làm thống đốc của La Mã tại Anh quốc. Tác phẩm “Germania” của Tacitus được sáng tác cùng thời điểm với tiểu sử về cha vợ Agrippa, là một nghiên cứu về các bộ lạc Teutonic sống ngay bên ngoài biên giới La Mã. “Germania” từ lâu đã được người Anh yêu thích, họ cho rằng tác phẩm cung cấp cái nhìn sâu sắc về tổ tiên Anglo-Saxon của họ. Tacitus cũng xuất bản một cuốn sách về hùng biện.
Hai tác phẩm lịch sử của ông là “Annals” (Biên Niên Sử) và “Histories.” (Lịch Sử). “Biên Niên Sử” thuật lại lịch sử La Mã kể từ cái chết của hoàng đế Augustus (năm 14 CN) đến cái chết của hoàng đế Nero năm 68 CN. Cuốn “Lịch Sử” tiếp nối những gì cuốn “Biên Niên Sử” bỏ dở, và tiếp tục câu chuyện cho đến năm 96 CN, khi Hoàng đế Domitian qua đời.
Khi Tacitus viết, quyền lực của hoàng đế — mà dưới thời Augustus bị kiềm chế bởi các truyền thống cộng hòa — đã trở nên gần như tuyệt đối. May mắn thay, Tacitus đã soạn “Biên Niên Sử” và “Lịch Sử” dưới triều đại của Nerva và Trajan, hai trong số những vị hoàng đế khoan dung nhất của La Mã. Điều này cho phép ông độc lập hơn với tư cách là một sử gia so với những gì ông ta có thể thực hiện vào thời của Nero hay Domitian.
Tôi nên nói một chút về văn phong tiếng Latinh của Tacitus. Điều này không dành cho người nghiệp dư. Tacitus là một trong những tác giả cổ điển khó tính hơn. Khi quý vị đọc tác phẩm của Cicero, những câu phức tạp và lặp đi lặp lại của ông ấy thường mang đến nhiều cơ hội để hiểu ý của ông ấy. Nhưng Tacitus thường viết theo cách ngắn gọn ngay cả đối với ngôn ngữ Latinh vốn rất ngắn gọn. Với Tacitus, quý vị có thể hiểu được ngay lần đọc đầu tiên hoặc hoàn toàn không hiểu gì.
Đây là ví dụ yêu thích của tôi về phong cách viết của ông ấy: Trong tiểu sử về bố vợ của mình, ông đã thuật lại một bài diễn thuyết của một thủ lĩnh người Anh, người đã thách thức sự cai trị của La Mã. Vị thủ lĩnh nói về người La Mã, “They make a desert and they call it peace.” [tạm dịch là: “Họ tạo ra một sa mạc và họ gọi đó là hòa bình.”] Câu gồm chín từ là cách được dịch sang tiếng Anh. Trong phiên bản của Tacitus, câu này là “solitudinem faciunt, pacem appellant”. Cùng ý nghĩa mà chỉ bốn từ thôi.
Ảnh hưởng đối với các Nhà Lập Hiến
Khi các cậu học sinh thời lập quốc học tiếng Latinh, họ không bắt đầu học với các tác phẩm Tacitus. Tuy nhiên, Tacitus là tác giả được yêu thích bởi một số Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ uyên bác — trong số đó có John Adams, John Dickinson, Thomas Jefferson, Benjamin Rush và George Wythe.
Tuy nhiên, những người tham gia các cuộc tranh luận về hiến pháp với trình độ học vấn thấp hơn cũng trích dẫn Tacitus. Nhóm đó bao gồm những người theo chủ nghĩa Liên bang, những người ủng hộ Hiến Pháp và những người theo chủ nghĩa Chống Liên bang, những người phản đối Hiến Pháp. Cả hai bên đều tìm thấy những bài học chính trị trong cuốn “Germania” của Tacitus. Dưới đây là một số ví dụ:
Một lý do khiến “Những người theo chủ nghĩa chống liên bang” phản đối Hiến Pháp là, trong khi Hiến Pháp bảo đảm việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn trong các vụ án hình sự, thì lại không bảo đảm điều đó trong các vụ án dân sự. (Tu chính án thứ bảy đã giải quyết vấn đề này.) Một bài viết của những người theo chủ nghĩa chống liên bang ở Pennsylvania dưới bút danh “By-Stander” (Người quan sát) đã trích dẫn Tacitus để chứng minh rằng ngay cả những người Đức cổ đại cũng chấp nhận việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn.
Trong một bài diễn văn ủng hộ Hiến Pháp, ông James Wilson đã trích dẫn quan điểm của Tacitus rằng chính phủ tốt nhất là sự kết hợp giữa các yếu tố quân chủ, quý tộc và dân chủ. Tuy nhiên, ông Wilson thừa nhận niềm tin của Tacitus rằng một chính phủ như vậy sẽ không tồn tại lâu. Trong một bài diễn văn chưa được diễn thuyết, ông Charles Carroll của Carrollton, một người theo chủ nghĩa Liên bang từ Maryland, đã nêu bật đoạn văn giống như ông Wilson trong tác phẩm của Tacitus.
Ông John Adams đề cập đến chủ đề này trong tập đầu tiên của bộ bách khoa toàn thư về các chính phủ cộng hòa của ông, được lưu hành tại Hội nghị Lập hiến. Ông cho biết lời kể của Tacitus về người Đức cho thấy họ có một chính phủ hỗn hợp, nhưng đã không hoạt động thật sự tốt vì các lợi ích của chế độ quân chủ, quý tộc và dân chủ đều được kết hợp trong cùng một hội đồng. Kết quả là giới quý tộc thống trị hai phần còn lại.
Ông Adams giải thích rằng mỗi nhóm trong số ba lợi ích nên tạo thành một nhánh riêng biệt trong chính phủ: một giám đốc điều hành với tư cách là đại diện cho lợi ích của chế độ quân chủ, một viện nguyên lão (thượng viện) đại diện cho tầng lớp quý tộc, và một hạ viện — viện của các đại diện để phục vụ người dân. Cần có sự kiểm tra và cân bằng giữa cả ba nhánh và mỗi nhánh nên có quyền phủ quyết đối với bất kỳ luật mới nào được đề nghị.
Người theo chủ nghĩa chống liên bang ở Maryland viết dưới bút danh là “A Farmer” (Người Nông Dân) đã phản đối tính liên quan của ví dụ từ Đức. Ông viết, Tacitus đã nói rõ rằng trong số các bộ lạc Teutonic, “cơ quan lập pháp” bao gồm toàn bộ công dân chứ không phải các đại diện được bầu.
Quyền lực tham nhũng
Cả hai bên trong cuộc tranh luận hiến pháp cũng tìm kiếm bài học trong “Biên Niên Sử” và “Lịch Sử” của Tacitus. Bài học từ “Biên Niên Sử” và “Lịch Sử” mà họ cho là quan trọng nhất — một bài học được xác nhận đầy đủ qua các tiểu sử về đế quốc của Gaius Suetonius — là quyền lực sẽ tạo tham nhũng. Ngay cả khi tham nhũng không hoàn toàn thể hiện, quyền lực vẫn tạo ra động lực cho sự lạm dụng và không trung thực.
Khi tôi ra tranh cử thống đốc Montana vào năm 1996, đối thủ của tôi, một người Cộng Hòa cấp tiến, thường bắt lỗi tôi vì đã không chấp nhận những tuyên bố về đức tin của ông ta và các quan chức khác. “Rob, anh không tin tưởng đầy đủ,” ông ấy nói.
Những Nhà Lập Quốc sẽ lập tức không đồng ý với ông ta. Trong các cuộc tranh luận phê chuẩn, một người viết tiểu luận với tên “A Farmer” đã tóm tắt những tác động của quyền lực không được kiểm soát:
“Bất cứ ai đọc những gì mà các ngòi bút của Suetonius và Tacitus đã mô tả, sẽ không khỏi ngưỡng mộ [tức là, kinh ngạc] trước sự độc ác nguyên bản và vượt trội sau đó mà La Mã đã tiến đến trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ. … Tacitus cho chúng ta biết rằng trong suốt cuộc đời của ông ấy — đức hạnh đã trở thành một bản án tử hình.”
Vào tháng 5 năm 1788, một người theo chủ nghĩa Chống Liên bang ở Virginia viết dưới bút danh “Brutus” (đừng nhầm với người theo chủ nghĩa Chống Liên bang ở New York nổi tiếng hơn với cùng bút danh) đã nhắc nhở độc giả của mình về lời kể của Tacitus về các hành vi lạm dụng của các hoàng đế Tiberius và Nero. Tương tự, “Cato trẻ”, một người theo chủ nghĩa chống liên bang ở Rhode Island, đã dựa vào Tacitus để chỉ ra rằng các chính phủ tham nhũng cố gắng làm hư hỏng người dân. Tôi nghĩ hoàn bối hiện tại ở Mỹ khiến những lời của “Cato trẻ” đáng được trích dẫn:
“Các chính phủ bệnh hoạn, tồn tại bằng thói xấu và cưỡng đoạt, ghen tị với đức hạnh cá nhân và là kẻ thù của tài sản tư nhân. … Do đó, việc vắt kiệt sức lực, tạo lo lắng và làm đồi trụy thần dân của họ, là những phương châm kiên định trong chính trị của họ, là nghệ thuật trị vì yêu thích của họ. Trong hoàn cảnh tồi tệ này, những người được an toàn, phải nghèo và đê tiện.
“Cato trẻ” lưu ý rằng sự lây lan là tương xứng cho cả hai bên. Người tham nhũng thần tượng các nhà lãnh đạo tham nhũng:
“Ngay cả hoàng đế Nero (con quái vật hoàng gia trong hình dạng con người) cũng được yêu mến bởi dân thường ở Rome. … Tacitus nói với chúng ta rằng những hạng người đó đã than khóc đưa đám hắn (Nero) rất lâu và lại vui mừng trước sự lựa chọn người kế vị giống như hắn.”
Charles Carroll đã trích dẫn Tacitus về một giải pháp cho tình trạng suy đồi như vậy: Không cho phép hoàn toàn khổ sai cũng như không cho phép tự do không hạn chế.
Phần tiếp theo
Trong bài tiểu luận tiếp theo, chúng ta rời khỏi thời cổ đại và du hành đến thời Phục Hưng để gặp một người tên là Niccolò Machiavelli.
Phần 14: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Machiavelli
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười, thứ mười một và thứ mười hai.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times