Những ý tưởng hình thành Hiến pháp (Phần 11): Livy
Hai bài tiểu luận trước (thứ chín và thứ mười) đã cho thấy rằng những năm cuối cùng của Cộng hòa La Mã và những năm đầu tiên của Đế chế La Mã đã sản sinh ra một số nhà thơ kiệt xuất. Thời kỳ này cũng sản sinh ra một số nhà sử học lỗi lạc. Người có ảnh hưởng lớn nhất đối với các nhà lập hiến Mỹ là Titius Livius, những người nói tiếng Anh gọi ông là “Livy”.
Giống như triết gia Cicero và nhà thơ Virgil, Livy đến từ một thị trấn tỉnh lỵ của Ý. Ông sinh năm 59 trước Công Nguyên (TCN) hoặc 64 TCN ở Patavium (Padua), khoảng 25 dặm về phía đông của Venice. Không giống như Cicero — nhưng giống như Virgil — Livy không theo đuổi sự nghiệp quân sự hay chính trị. Ông đã dành cả cuộc đời của mình cho học thuật.
Tác phẩm để đời của Livy là lịch sử về Rome, mang tên “Ab Urbe Condita” (Từ lúc xây dựng thành phố). Trong phần lớn sự nghiệp của mình, ông sống ở thủ đô để có thể ở gần các thư viện có ghi chép lịch sử. Tuy nhiên, khi qua đời vào năm 17 Công Nguyên (CN), ông đã trở về quê nhà.
“Ab Urbe Condita” kể về khoảng thời gian hơn 700 năm và trải dài trên 142 “cuốn sách” (cuộn giấy cói). Chỉ các cuốn 1–10 và 21–45 còn tồn tại nguyên vẹn. Đối với các phần còn lại, chúng tôi chỉ có bản tóm tắt của các tác giả khác và các phần của tác phẩm gốc.
Là một nhà sử học, Livy có hai điểm yếu. Đầu tiên, ông ta không có quan hệ kết nối chính trị như sử gia người Hy Lạp là Polybius đã từng có. Điều đó có nghĩa là quyền truy cập vào kho lưu trữ, tài liệu và nhân chứng của Livy không được tốt. Thứ hai, không giống như Xenophon và Polybius, Livy không trực tiếp tham gia vào chính trị hay chiến tranh. Vì vậy, khi mô tả các sự kiện quân sự hoặc chính trị, đôi khi ông mắc phải những sai lầm mà các nhà sử học có kinh nghiệm hơn không mắc phải. Tất nhiên, hầu hết các nhà sử học hàn lâm hiện đại đều có chung nhược điểm.
Nhưng lịch sử của Livy cũng cho thấy một số điểm mạnh thực sự: phạm vi rộng, sự cẩn trọng và vẻ đẹp của văn xuôi. Hơn nữa, không giống như hầu hết các nhà sử học hàn lâm hiện đại, Livy không trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào nguồn tài trợ của chính phủ, vì vậy ông không có thành kiến hệ thống giống như các nhà sử học hàn lâm hiện đại. Ngược lại, phần lớn tác phẩm của Livy là rất quan trọng đối với chế độ đế quốc mới của Rome. Vì lý do thận trọng, ông đã trì hoãn xuất bản một số phần, nhưng cuối cùng, ông đã xuất bản tất cả.
Livy và thế hệ các Nhà Lập Quốc
Trong thời kỳ của các nhà lập quốc, người ta thường đọc các sách lịch sử của Livy ở trường học. Ông Patrick Henry, người được cha mình giáo dục theo kiểu kinh điển, đã đọc ít nhất một phần sách lịch sử của Livy bằng tiếng Latinh ở tuổi 15.
Khi trưởng thành, nhiều nhà lập quốc vẫn trung thành với Livy. Ông Henry đọc lại “Ab Urbe Condita” (bản dịch) hàng năm. Ông John Jay đã tham gia vào cuộc tranh luận chính thức về một vấn đề bắt nguồn từ cuốn sách lịch sử của Livy: “Liệu Virginius có hợp lý về mặt đạo đức khi sát hại con gái Virginia của mình không?” (Ông Jay được chỉ định tranh luận từ luận điểm khẳng định). Ông John Dickinson đã dựa vào Livy để tranh luận về trường hợp của những thuộc địa chống lại chính phủ ở London. Và trong cuộc tranh luận về việc phê chuẩn Hiến Pháp, một nhà viết tiểu luận ẩn danh — có lẽ là ông John Francis Mercer ở Maryland — đã cho rằng “Thucydides [sử gia người Hy Lạp], Polybius và Livy vượt trội hơn tất cả những người thế hệ sau họ trong lịch sử.”
Tại sao những Nhà Lập Quốc ngưỡng mộ Livy? Nhiều lý do. Một là Livy, giống như rất nhiều Nhà Lập Quốc, lý tưởng hóa cuộc sống nông nghiệp và chính phủ cộng hòa.
Một điều nữa là chất lượng hùng biện của ông ấy. Giống như tất cả các nhà sử học cổ đại, ông đã đưa những bài diễn văn hư cấu vào tác phẩm của mình và một số Nhà Lập Quốc, chẳng hạn như ông Thomas Jefferson, đã tham khảo những bài diễn văn đó để cải thiện bài viết của chính mình.
Hơn nữa, lịch sử của Livy chứa đầy những câu chuyện về các anh hùng cộng hòa: những người đàn ông và phụ nữ thể hiện lòng dũng cảm và đức hạnh khi đối mặt với áp bức, nguy hiểm và những thử thách khác. Những câu chuyện này đã khuyến khích các Nhà Lập Quốc vượt qua những khó khăn của chính họ. Các nhân vật anh hùng của Livy là hình mẫu để họ noi theo.
Ví dụ, Livy kể về việc chính khách Cincinnatus đã bỏ cày ruộng để cứu nước cộng hòa La Mã khỏi thất bại quân sự. Ông ta kể câu chuyện về cách nhà quân sự người La Mã là Fabius tiến hành chiến tranh du kích thành công chống lại Hannibal [một vị tướng người Carthage]. Vì vậy, khi một số người Mỹ gán cho George Washington là “Cincinnatus của Mỹ” và những người khác gọi ông là “Fabius của Mỹ”, đó thực sự là những lời khen ngợi hết lời.
Những tổ phụ lập quốc cũng bị Livy thu hút vì ông ấy giải thích lịch sử bằng các thuật ngữ đạo đức. Trong câu chuyện của ông, các sự kiện diễn ra như chúng đã diễn ra phần lớn là do phẩm chất đạo đức của các nhân vật trung tâm. Đây không phải là một cách hoàn toàn chính xác để tiếp cận lịch sử, nhưng lại hấp dẫn những người thấm nhuần đạo đức trong Kinh Thánh.
Livy trong các cuộc thảo luận về hiến pháp
Một số người tham gia các cuộc tranh luận về hiến pháp năm 1787–1790 đã dựa vào tác phẩm “Ab Urbe Condita” của Livy để học các bài học về chính trị và hiến pháp.
Trong tập đầu tiên của cuộc khảo sát về các chính phủ cộng hòa — được lưu hành tại Hội nghị Lập hiến — ông John Adams đã dựa vào đó để trợ giúp lập trường của mình về nhà nước pháp quyền. Tương tự, ông cũng dựa vào nó khi tranh luận về một bản “hiến pháp hỗn hợp” phân bổ quyền lực cho các thể chế quân chủ, quý tộc và dân chủ, sau đó cân bằng giữa các thể chế này với các thể chế khác.
Trong các cuộc tranh luận về việc phê chuẩn, chàng trai trẻ Noah Webster ở Connecticut — sau này nổi tiếng với cuốn từ điển của mình — đã xuất bản một bản quảng cáo tóm tắt dài ủng hộ Hiến Pháp. Bản đó có nhan đề là “Kiểm tra các nguyên tắc hàng đầu của Hiến pháp liên bang do Hội nghị cuối cùng đề xướng.” Ông Webster lập luận rằng Hiến Pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản, do đó, sẽ khuyến khích sự ổn định. Nó sẽ khuyến khích sự ổn định vì quyền lực chính trị có xu hướng tuân theo quyền sở hữu tài sản. Ông Webster đã dựa vào công trình của Livy để hỗ trợ cho bản đề nghị cuối cùng của mình.
Mặt khác, một người theo chủ nghĩa chống liên bang ở New York viết dưới cái tên “Rusticus” đã sử dụng một tình tiết trong “Ab Urbe Condita” để đưa ra trường hợp chống lại việc phê chuẩn Hiến Pháp. Đây là bối cảnh:
Vào thời điểm đó, hầu hết các cơ quan lập pháp của tiểu bang đều được bầu hàng năm. Một câu nói phổ biến là, “Khi cuộc bầu cử hàng năm kết thúc, chế độ chuyên chế bắt đầu.” Nhưng Hiến Pháp không quy định về bầu cử hàng năm. Đây là một lý do khiến những người Chống Liên bang phản đối Hiến Pháp.
Hơn nữa, một số người theo chủ nghĩa Chống Liên bang — đặc biệt là ở Massachusetts và New York — cho rằng Hội nghị Lập hiến đã phản bội lòng tin của các cử tri khi đề nghị một hình thức chính phủ mới thay vì chỉ đưa ra các sửa đổi đối với các Điều khoản Hợp bang. (Lời buộc tội này thực sự không đúng sự thật.)
Tác giả Rusticus trích dẫn theo phiên bản của Livy về bài diễn thuyết của một thành viên Viện nguyên lão La Mã là Marcus Horatius Barbatus. Bài diễn văn tấn công những kẻ lừa dối khét tiếng thuộc hội đồng decemviri — là một hội đồng gồm 10 người được chỉ định để soạn thảo luật, nhưng chính họ lại nắm quyền độc tài. Bản dịch của “Rusticus” vụng về, vì vậy đây là bản dịch một phần bài diễn thuyết của Barbatus do ông Aubrey de Sélincourt dịch:
“Cuộc chiến thực sự mà người dân Rome phải chiến đấu … là cuộc chiến chống lại những người, được bổ nhiệm vào chức vụ để ban hành luật cho chúng ta, nhưng đã để mặc đất nước không chút xót thương do những thay đổi thất thường mà chính họ tạo ra; điều này chống lại những người đã bãi bỏ các cuộc bầu cử tự do, cơ quan tư pháp hàng năm, bằng cách bảo đảm việc chuyển giao quyền lực thường xuyên, là sự bảo đảm duy nhất cho tự do cho tất cả mọi người, và không có bất kỳ sự ủy thác nào từ người dân, phô trương phù hiệu và thực thi quyền lực, của các vị vua.”
Có thể tưởng tượng ra những cậu học sinh thời Lập quốc tuyên bố những dòng này bằng tiếng Latinh đầy nhiệt huyết. “Rusticus” đã sử dụng chúng để cáo buộc Hội nghị Lập hiến cố gắng bãi bỏ các cuộc bầu cử hàng năm, vượt quá quyền hạn của mình và “[phô trương] phù hiệu … của các vị vua!”
Phần tiếp theo
Trong các cuộc tranh luận về hiến pháp, nhiều nhà viết tiểu luận đã viết dưới các bút danh cổ điển như “Publius”, “Cato” và “Timoleon” thay vì bằng tên của họ. Quý vị có thắc mắc tại sao họ lại chọn những cái tên như vậy không? Phần tiếp theo trả lời câu hỏi đó.
Trả lời các câu hỏi khác…
Hai câu hỏi nữa đã được đặt ra trong loạt bài này, cả hai đều chứa đựng sự chỉ trích ngầm: Thứ nhất, tại sao tôi lại đề cập đến ảnh hưởng đối với Hiến Pháp của rất nhiều tác giả mà không phải là ảnh hưởng của tôn giáo và Kinh Thánh? Và thứ hai, tại sao tôi lại sử dụng ký hiệu niên đại theo kiểu của các trường học “B.C.E.” và “C.E.” thay vì những người theo đạo Cơ đốc (“B.C.” và “A.D.”)?
Những câu hỏi đó đã được trả lời trong phần đầu tiên và phần thứ hai. Các phần trước có thể được truy cập thông qua các liên kết ở cuối mỗi bài tiểu luận.
Các bài tiểu luận mở đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín và thứ mười
Phần 12: Những Ý Tưởng Hình Thành Hiến Pháp: Plutard
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times