Những trường học ‘Big Brother’ sử dụng Big Data để thao túng và theo dõi học sinh
Bài viết này là phần 12 trong loạt bài nghiên cứu nguồn gốc của nền giáo dục công lập ở Hoa Kỳ.
Mời quý vị xem trọn bộ loạt bài này tại đây:
1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13.1,13.2,14,15,16.1,16.2
Sử dụng dữ liệu chủ yếu được thu thập thông qua hệ thống giáo dục công lập, những kẻ độc tài (Big Brother) và những người theo chủ nghĩa tập thể hiểu rõ về trẻ em Hoa Kỳ còn hơn cả cha mẹ chúng. Sức mạnh tuyệt vời do “Dữ liệu lớn” (Big Data) mang lại sẽ khiến quý vị sửng sốt.
Trên thực tế, các nhà chức trách đã thu thập rất nhiều thông tin cá nhân của thanh thiếu niên Hoa Kỳ, đến nỗi theo báo cáo của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, giờ đây họ có thể dự đoán “hành vi và sở thích trong tương lai” của trẻ em. Nó cũng cho phép chính phủ thao túng suy nghĩ và thái độ của trẻ em hơn bao giờ hết.
Việc thu thập dữ liệu đã bị lạm dụng và cực đoan đến mức một số nhà phê bình thậm chí còn gọi nó là “vụ xâm hại dữ liệu” đối với trẻ em Hoa Kỳ. Và đây mới chỉ là khởi đầu.
Từ dữ liệu sinh trắc học và thông tin chăm sóc sức khỏe cá nhân đến hồ sơ học tập, thói quen duyệt web trực tuyến và dữ liệu sức khỏe tâm thần, các trường học của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách kỹ trị (technocratic policymakers – một bộ máy quan liêu được điều hành bởi các nhà công nghệ) trên khắp Hoa Kỳ đều muốn có tất cả thông tin – từ “cái nôi cho đến sự nghiệp” và hơn thế nữa. Nhờ các khoản trợ cấp của liên bang, họ có được dữ liệu và chia sẻ nó.
Hàng trăm điểm dữ liệu về mỗi đứa trẻ hiện đang được thu thập và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu; chính quyền tiểu bang và liên bang có thể truy cập. Đã có luật và quy định về quyền riêng tư, cấm tạo cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin của sinh viên, nhưng chúng bị gạt sang một bên kể từ thời chính quyền Obama, và thậm chí trước đó.
Thông qua sự kết hợp phức tạp của các trường công lập, cơ quan chính phủ, công ty truyền thông xã hội, nhà thầu liên kết, công ty thử nghiệm, tổ chức vô vụ lợi, v.v., giờ đây, có nhiều dữ liệu về trẻ em hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng được so với vài năm trước đây. Nhiều lần, bọn trẻ thậm chí không biết rằng chúng đang trao dữ liệu cá nhân của mình cho Big Brother mãi mãi.
Đôi khi chúng ta dễ dàng nhìn thấy phần đỉnh của tảng băng. Ví dụ, ngay bây giờ, đang có một vụ kiện chống lại tổ chức vô vụ lợi College Board, hiện do người kiến tạo ra Common Core David Coleman đứng đầu, vì bị cáo buộc thu thập và bán dữ liệu riêng tư của học sinh cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý của trẻ em hoặc cha mẹ của chúng. Theo các nguyên đơn, nhiều điều luật đã bị phá vỡ.
Tất nhiên đó là một vấn đề lớn. Và nó sai. Nhưng nó thật mờ nhạt so với sự nguy hiểm của những gì chính phủ toàn quyền và các đại tập đoàn đang làm – và những gì họ đã lên kế hoạch cho tương lai.
Các tiêu chuẩn quốc gia Common Core do chính phủ Obama áp đặt lên Hoa Kỳ, được đề cập trong phần gần đây nhất của loạt bài này, đã cho phép chính phủ thực hiện các hoạt động thu thập dữ liệu và khai thác dữ liệu. Sau đó, Đạo luật Mọi Học Sinh Đều Thành Công (ESSA), mà ông Obama gọi là “Phép màu Giáng sinh”, đã đưa nó đi xa hơn.
Nó đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Hãy xem xét “Bản Tóm Tắt Vấn Đề” (Issue Brief) năm 2012 có tiêu đề “Nâng Cao Việc Dạy Và Học Thông Qua Khai Thác Dữ Liệu Giáo Dục Và Phân Tích Học Tập” (Enhancing Teaching and Learning Through Educational Data Mining and Learning Analytics). Trong báo cáo, Văn phòng Công nghệ Giáo dục của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã công bố những thông tin “bom tấn” về việc tất cả dữ liệu này sẽ được sử dụng để làm gì: Về cơ bản, các trường công liên bang muốn dự đoán con của quý vị.
Trong báo cáo, các nhà chức trách nói rằng “hệ thống học tập trực tuyến” cho phép chính phủ “nắm bắt các luồng hành vi chi tiết của người học.” Các hệ thống này gửi đến cơ sở dữ liệu “đầu vào của học sinh theo thời gian và các hành vi được ghi lại khi học sinh làm việc trong hệ thống,” tài liệu giải thích.
Theo báo cáo, các nhà chức trách sau đó kết hợp dữ liệu hành vi đó với các nguồn thông tin bên ngoài khác, bao gồm dữ liệu cá nhân nhạy cảm do trường học, khu học chánh hoặc tiểu bang nắm giữ. Sau đó, thông tin được đưa vào sử dụng để dự đoán và định hình “các biện pháp can thiệp”.
“Một mô hình dự đoán kết hợp dữ liệu nhân khẩu học (từ hệ thống thông tin học sinh bên ngoài) và dữ liệu học tập/hành vi từ cơ sở dữ liệu học tập của học sinh để theo dõi sự tiến bộ của học sinh và đưa ra dự đoán về các hành vi hoặc hiệu suất làm việc trong tương lai của chúng,” báo cáo giải thích (nhấn mạnh thêm).
Dữ liệu được thu thập cũng có thể cho phép chính phủ xem xét suy nghĩ của học sinh. Báo cáo cho biết thêm: “Big Data được thu thập từ các hành vi trực tuyến của người dùng cho phép các thuật toán suy ra kiến thức, ý định và sở thích của người dùng và tạo ra các mô hình để dự đoán hành vi và sở thích trong tương lai”.
Sử dụng “các cuộc khảo sát” do liên bang tài trợ dưới chiêu bài “sức khỏe”, các trường công lập trên khắp Hoa Kỳ đã thu thập một số dữ liệu riêng tư nhất như: Quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo, hành vi tình dục, thông tin nhạy cảm về cha mẹ hoặc gia đình, thông tin y tế cá nhân, và nhiều hơn nữa.
Một trong các yếu tố đáng sợ nhất của cỗ máy thu thập dữ liệu và khai thác dữ liệu là khả năng đọc được những suy nghĩ và cảm xúc sâu thẳm nhất của học sinh. Với quyền truy cập vào dữ liệu này và khả năng xử lý tất cả thông tin, chính phủ và những người liên quan có thể nắm giữ quyền lực khủng khiếp. Và nếu không làm gì để ngăn chặn nó, học sinh sẽ giống như người dân Trung Quốc bị giám sát theo hệ thống “tín dụng xã hội”.
Hãy xem xét một bài phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục của Hoa Kỳ Arne Duncan năm 2010 trước Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), cũng là chủ đề của phần 9 trong loạt bài này. Trong đó, phe cực đoan ở Chicago đã ngợi ca sự mở rộng nhanh chóng của khối dữ liệu khổng lồ và những sức mạnh mới nó sẽ khai phóng.
“Các hệ thống dữ liệu mạnh hơn và cách đánh giá mới có thể hỗ trợ giáo viên và hiệu trưởng cải thiện các phương pháp thực hành và giảng dạy mà trước đây không thể tưởng tượng được,” ông Duncan, người thường xuyên khoa trương về việc tuyên truyền “tính bền vững” trong trường học để tẩy não trẻ em. “Chúng tôi có hệ thống dữ liệu tiên tiến không ngừng được nâng cấp.”
Kể từ thập kỷ này, “hệ thống dữ liệu tiên tiến” đó ngày càng trở nên tinh vi hơn, cho phép các chính phủ xây dựng hồ sơ cá nhân bí mật đối với mọi học sinh trường công lập ở Hoa Kỳ. Ngay cả học sinh ở các trường tư thục và trường học tại gia cũng nằm trong tầm ngắm của cỗ máy khai thác dữ liệu.
Một số công cụ công nghệ được chính phủ liên bang sử dụng trong lĩnh vực này đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư. Vào năm 2013, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã phát hành một báo cáo có tiêu đề “Thúc Đẩy Sự Gan Dạ, Kiên Trì Và Bền Bỉ: Các Yếu Tố Quan Trọng Để Thành Công Trong Thế Kỷ 21” (Promoting Grit, Tenacity, and Perseverance: Critical Factors for Success in the 21st Century) đã trở thành trung tâm của những lời chỉ trích.
Báo cáo cũng tiết lộ về các loại công nghệ đang được sử dụng trong một số chương trình liên bang để thu thập dữ liệu trẻ em. Ví dụ, một trong những công cụ được mô tả là “máy ảnh biểu cảm khuôn mặt”. Báo cáo cho biết điều này được sử dụng để “phát hiện cảm xúc” và “ghi lại biểu cảm khuôn mặt”, dữ liệu sau đó được phần mềm xử lý và đưa vào cơ sở dữ liệu.
Các công cụ khác trong báo cáo đã được gỡ bỏ khỏi trang web của Bộ Giáo dục, bao gồm “ghế phân tích tư thế”, “chuột ấn” và “cảm biến không dây về độ dẫn điện của da”. Tất cả các công nghệ hiện có này được sử dụng để theo dõi và thu thập “dữ liệu phản ứng sinh lý”, từ đó có thể “phân tích sự thất vọng của học sinh”.
Báo cáo giải thích: “Các nhà nghiên cứu đang khám phá cách thu thập dữ liệu tình cảm phức tạp và tạo ra những thông tin có ý nghĩa, có thể sử dụng để phản hồi lại cho người học, giáo viên, nhà nghiên cứu và cho chính công nghệ đó”. Dữ liệu “tình cảm” liên quan đến thái độ và cảm xúc của sinh viên, thay vì dữ liệu về khả năng học tập hoặc giáo dục. “Các kết nối với khoa học thần kinh cũng bắt đầu xuất hiện.”
Gần đây hơn, một công ty của Hoa Kỳ có tên là BrainCo đã phát triển một băng đô đo lường và thu thập dữ liệu về “sóng não” của sinh viên. BrainCo, một phần được tài trợ bởi các công ty nhà nước Trung Quốc, đã thử nghiệm thiết bị này trên 10.000 sinh viên ở Trung Quốc. Quay trở lại năm 2017, vị CEO đã nói về việc xây dựng “cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới”, có thể phân tích được bằng trí tuệ nhân tạo và nhận diện những cảm xúc tốt hơn. Một số trường học ở Hoa Kỳ cũng đã thử nghiệm các thiết bị này.
Theo National Science Foundation, vào năm 2017, chính phủ liên bang đã tài trợ cho một dự án xây dựng một “robot xã hội thân thiện” để thu thập dữ liệu tâm lý rất nhạy cảm về trẻ em. Được gọi là “EMAR,” hoặc Robot Đánh Giá Thời Điểm Sinh Thái (Ecological Momentary Assessment), robot này “thu thập dữ liệu sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên trong môi trường trung học công lập”.
Một trong những mối quan tâm chính xung quanh tất cả công nghệ thu thập dữ liệu xâm phạm quyền riêng tư này là nó đang được các trường học chính phủ và cơ sở giáo dục sử dụng để thao túng suy nghĩ, thái độ, niềm tin và hành vi của trẻ em. Khi công nghệ tiến bộ, nó sẽ cho phép các quan chức và nhà kỹ trị thực hiện nhiều hơn nữa trong tương lai.
Theo các chương trình “Học Tập Xã Hội Và Cảm Xúc” (SEL) mới, hiện đang là cơn sốt trong giới giáo dục, các nhà chức trách đặt ra các mục tiêu về thái độ và giá trị khác nhau phải có ở trẻ em. Bằng cách kiểm tra các đặc điểm “cảm xúc”, công nghệ này có thể giúp xác định xem trẻ em có ôm giữ loại thái độ mà chính phủ yêu cầu hay không. Nếu không, các chương trình sẽ giúp phát triển “các biện pháp can thiệp” để khắc sâu thái độ mong muốn vào đứa trẻ.
Từ năm 2016, Tuần lễ Giáo dục đã tiết lộ rằng, dưới chiêu bài cung cấp “trải nghiệm học tập được cá nhân hóa”, công nghệ mới đã nhắm đến “cảm xúc cá nhân, quá trình nhận thức, ‘tư duy’, các đặc điểm tính khí và tính cách của học sinh.” Cái gọi là “năng lực phi nhận thức” cũng là mục tiêu đó.
Cùng năm đó, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã phát hành “Kế hoạch Công nghệ Giáo dục Quốc gia”. Bộ tuyên truyền “những bài đánh giá” đo lường “các năng lực phi nhận thức”, bao gồm “thái độ giúp thể hiện tốt ở trường học, công việc và cuộc sống”. Làm thế nào để Feds xác định “thái độ” chính xác đối với trẻ em đã không được nêu rõ.
Rõ ràng, dữ liệu bị lạm dụng ở mức độ cao. Điều gì sẽ xảy ra nếu những công cụ này lọt vào tay những kẻ xấu xa? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng đã nằm trong tay của những kẻ tà ác rồi? Người Hoa Kỳ có thực sự muốn các quan chức không được bầu chọn ở một Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cực tả – nơi dành 99.7% số tiền quyên góp năm 2016 cho các chiến dịch tranh cử tổng thống cho bà Hillary Clinton? Điều này phải chăng đã xác định trước thái độ và nhân sinh quan của trẻ em trước các vấn đề gây tranh cãi như hôn nhân đồng giới, nhập cư và phá thai?
Khi người ta nhận ra rằng hệ thống giáo dục công lập được tạo ra bởi những người theo chủ nghĩa tập thể Utopia để biến đổi cơ bản Hoa Kỳ, như loạt bài này đã trích dẫn nhiều tài liệu kể từ phần đầu tiên, thì mối nguy hiểm là rất rõ ràng.
Thật vậy, các nhà kiến tạo và các nhà lãnh đạo hiện tại của bộ máy chính phủ-trường học từ lâu đã công khai về mong muốn khiến Hoa Kỳ rời bỏ xã hội Cơ Đốc Giáo có tư tưởng tự do, và hướng tới chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa nhân văn. Với những công cụ mạnh mẽ, những đứa trẻ bị hệ thống này giam giữ sẽ ngày càng khó phản kháng, nếu không muốn nói là phản kháng cũng vô ích.
Một mối quan tâm lớn khác là tất cả dữ liệu này do các trường thu thập đang được hợp nhất với dữ liệu lao động và nghề nghiệp. Trong nhiều năm, các nhà chức trách đã công khai kết hợp các cơ sở dữ liệu “giáo dục” khác nhau, cùng các thông tin thu thập về người dân Hoa Kỳ của các trường học với thông tin do các cơ quan chính phủ khác thu thập.
Các quan chức hy vọng rằng lượng dữ liệu khổng lồ này, tất cả được tập hợp lại ở một nơi, sẽ giúp họ làm được điều mà những nỗ lực tập trung hoá trước đây không làm được, đó là hiểu chính xác nhu cầu của nền kinh tế và sau đó điều chỉnh sản xuất, việc làm, tiêu dùng, đào tạo và giáo dục cho phù hợp.
Sau đó, chúng ta hãy tưởng tượng việc kết hợp tất cả những điều đó với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính có những khả năng chưa từng thấy, cộng với tất cả dữ liệu về người Hoa Kỳ do các cơ quan như Sở Thuế Vụ, Cơ quan An ninh Quốc gia, v.v. thu thập. Big Brother sẽ biết mọi thứ về người dân, theo đúng nghĩa đen của từ “cái nôi”, như chính những người Utopia thường nói.
Đó là công thức cho thảm họa – hoặc thậm chí là một thảm họa chưa từng có.
Trên khắp thế giới, Liên Hiệp Quốc cũng dựa nhiều vào các chính phủ để thu thập, chia sẻ, phân tích, sử dụng và vũ khí hóa tất cả các loại dữ liệu về trẻ em thông qua trường học. Hơn thế, trong số các chính phủ nước ngoài, Trung Cộng và một số chính phủ Tây Âu đã rất vui khi nhảy vào cuộc chiến.
Nhân loại phải chống lại. Đặc biệt, người Hoa Kỳ có đủ các phương tiện để chống lại kế hoạch này một cách hiệu quả, chỉ cần họ có thể nuôi dưỡng được ý chí.
Quyền riêng tư là vô cùng quan trọng đối với một xã hội tự do. Đó là lý do tại sao các Tổ Phụ Lập Quốc của Hoa Kỳ đã đề cập đến nó trong Hiến pháp. Không có quyền riêng tư, tự do không thể tồn tại. Và nếu không có tự do, sự thịnh vượng và các phước lành khác mà người dân Hoa Kỳ được hưởng cũng sẽ kết thúc.
Người dân Hoa Kỳ phải yêu cầu chấm dứt bộ máy thu thập dữ liệu Orwellian này và bảo vệ con họ khỏi nó trước khi quá muộn.
(*“Orwellian” có nghĩa là gợi nhớ đến xã hội toàn trị hư cấu của Châu Đại Dương được mô tả trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell)
Ông Alex Newman là một cộng tác viên tự do. Ông Newman là một ký giả, nhà giáo dục, tác giả, và nhà tư vấn quốc tế từng đạt giải thưởng, người đã đồng sáng tác cuốn sách “Tội Ác của Các Nhà Giáo Dục: Cách Những Người Theo Chủ Nghĩa Bình Quân đang Sử Dụng Trường Học của Chính Phủ để Hủy Hoại Trẻ Em Mỹ” (“Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children”). Ông là giám đốc điều hành của Public School Exit cũng như của Liberty Sentinel Media, và viết cho các ấn phẩm đa dạng ở Hoa Kỳ và ngoại quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.