Những siêu anh hùng trong lịch sử Pháp quốc
Hòa mình vào lịch sử của Pháp quốc khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên. Quả là khó mà cưỡng lại được lại những câu chuyện phong phú của các nhân vật đã làm nên lịch sử nước Pháp. Pháp là quốc gia đặc biệt độc đáo trên thế giới về việc gìn giữ lịch sử, nghệ thuật và văn học tốt nhất trên thế giới. Vì vậy, bất cứ ai quan tâm đều có thể tìm thấy kho báu văn hóa và nhân loại ở đó. Những câu chuyện về vô số vị anh hùng vượt ra ngoài những kịch bản [điện ảnh] của các tác phẩm vĩ đại nhất của Mỹ, những câu chuyện của họ vẫn tiếp tục làm say mê nhiều thế hệ sau nhiều thế kỷ.
Chủ nghĩa anh hùng của Pháp qua các thời đại
Hình mẫu các anh hùng nước Pháp nối tiếp nhau từ thời cổ đại cho đến tận ngày nay. Nhờ những tác phẩm mà nước Pháp đã lưu giữ đáng kể, chúng ta có thể dõi theo những khát vọng anh hùng của họ, từ những vị anh hùng huyền thoại thời Cổ đại đến nhà thám hiểm của thế kỷ 19, từ hiệp sĩ thời Trung cổ đến người lương thiện của thế kỷ 17, từ hình tượng của vị thánh ở thế kỷ thứ 3 đến người lính bảo vệ quê hương bằng tính mạng của mình trong chiến hào thời Đệ nhất Thế chiến. Điểm chung của những vị anh hùng này: hy sinh bản thân mình, tin tưởng vào lý tưởng cao đẹp hơn và đứng lên vì cái thiện chống lại thế lực của cái ác. Lời hứa ngàn năm có từ hơn 1,500 năm trước và gắn liền với văn hóa Pháp.
Trong thời cổ đại, anh hùng gần như những vị á thần với siêu năng lực hoặc là những chiến binh xuất thân từ các dân tộc thần thoại cổ đại chiến đấu với các sinh vật huyền thoại. Từ thế kỷ thứ 3 trở đi, những câu chuyện thần thoại cũ nhường chỗ cho những niềm tin mới và người anh hùng mang những nét đặc trưng của một vị thánh có khả năng đánh đuổi các thế lực tà ác bằng niềm tin duy nhất vào thần. Những lời chứng về những phép lạ và chiến công của những vị anh hùng này, mặc dù đã được ghi lại trong nhiều tài liệu, nhưng ngày nay người ta lại cảm thấy khó có thể tin được.
Từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15 xuất hiện các hiệp sĩ anh hùng. Họ bảo vệ chính nghĩa và sự thiêng liêng của Thần bằng thanh gươm, áo giáp và chiến mã của mình. Lý tưởng của họ được đại diện bởi Chín vị Anh Hùng (Neuf preux*), cũng có thể tạm gọi là Chín “Avengers” thực sự của thời trung cổ, những người có phẩm chất đạo đức cao nhất kết hợp với năng lực thiện chiến cao nhất. Những hiệp sĩ này bảo vệ kẻ yếu trước sự bất công, bảo vệ đức hạnh chống lại đồi bại, bảo vệ cái thiện và chống lại cái ác. Họ tuân theo quy tắc đạo đức trong đó các đức tính căn bản là điềm tĩnh, mạnh mẽ, công bằng và cẩn trọng. Hình tượng hiệp sĩ đã tồn tại ở Pháp hơn một ngàn năm cho đến thời kỳ Phục hưng với sự xuất hiện của quân đội chuyên nghiệp và pháo binh.
Từ thời Phục hưng đến cuối thời Khai sáng, anh hùng cổ điển thay thế anh hùng hiệp sĩ. Điều này được phân biệt trước tiên bởi sự trở lại với những câu chuyện ngụ ngôn về thời cổ đại Hy Lạp-La Mã, sau đó là cảm hứng tuyệt vời của trường phái cổ điển Pháp thế kỷ 17 với lý tưởng về người lương thiện và nhân cách hóa sự thần thánh của nhà vua. Vào thế kỷ 18, anh hùng trở thành “nhà nhân văn” được ban tặng cho những khát vọng cao nhất của con người, nhưng đã bị cắt đứt khỏi nguồn cảm hứng thần truyền và thần thoại đã tạo ra những anh hùng trong quá khứ.
Vào cuối thế kỷ 18, trong cuộc Cách mạng Pháp, các anh hùng hoàn toàn thay đổi diện mạo và tỏa sáng nhờ sự nổi tiếng thoáng qua của họ. Họ được sinh ra trong niềm đam mê nhân thế trong một thời đại hỗn loạn, ví dụ như chúng ta nhìn thấy tro cốt của Marat [một nhà khoa học người Pháp; ông cũng là ký giả và chính trị gia trong cách mạng Pháp], bị ném xuống cống chỉ vài tuần sau khi ông ta được chôn cất như một anh hùng dân tộc. Sẽ cần một chiến lược gia và một bộ óc phi thường, như Napoléon, để đưa mọi thứ vào trật tự trong sự hỗn loạn này, khôi phục lại hình ảnh của một anh hùng vĩnh cửu, một lần nữa lấy cảm hứng từ những anh hùng thời La Mã cổ đại.
Tuy nhiên, ý tưởng về một anh hùng oai phong lẫm liệt và cổ xưa lại một lần nữa biến mất vào thế kỷ 19. Nền cộng hòa đệ Tam (1870-1940) bị tàn phá bởi thất trận trước quân Phổ và bởi thảm họa của Công xã, đã khiến cho anh hùng theo kiểu “nhân văn” giành vũ đài, do đó những nhân vật vĩ đại của quốc gia như các vị anh hùng cổ đại, các vị thánh, các hiệp sĩ và các vị vua … đã bị loại bỏ. Trong suốt thế kỷ 20, với nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới, chủ nghĩa xã hội quốc gia và các trại tập trung, tạo ra một hình mẫu mới về người anh hùng, người chống lại chủ nghĩa toàn trị, đôi khi phải trả giá bằng mạng sống của mình, để bảo vệ tổ quốc và tự do.
Khát vọng lớn hơn của người dân Pháp
Càng nhìn vào 1,500 năm lịch sử của Pháp, chúng ta càng thấy rằng những tấm gương về những vị anh hùng, thánh nhân, hiệp sĩ, vua, v.v. đều vượt trên sự mong đợi của một thời kỳ và đem lại ý nghĩa cao hơn cho quan niệm của chúng ta về con người và nền văn minh Pháp.
Những anh hùng này có một đặc tính chung, đặc trưng của tâm hồn người Pháp qua nhiều thế kỷ: bảo vệ kẻ yếu và bảo vệ sự thiêng liêng của Thần, chống lại bạo chúa. Họ truyền cảm hứng cho chúng ta và nhắc nhở chúng ta về lòng trung thành, sự can đảm cũng như sự chính trực, và duy trì niềm hy vọng.Những anh hùng này đã không biến mất, họ là một phần di sản hữu hình và vô hình của chúng ta và đem đến cho chúng ta ngày nay những khát vọng sâu sắc hơn để hiểu về vị trí của con người trong vũ trụ.
Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả loạt bài về những nhân vật anh hùng Pháp quốc để tìm hiểu thêm những giá trị và bề dày lịch sử của dân tộc Pháp. Hiểu hơn về chiều sâu lịch sử, hiểu thêm về mối liên hệ ngàn năm với những gì vượt ra ngoài bản thân chúng ta, chúng ta sẽ tìm thấy những giải pháp thay thế sâu sắc cho sự hỗn loạn của thời kỳ này.
Chú thích:
Chín vị anh hùng: Hector (Troy), Alexandre le Grand (Hy Lạp), Jules César (Rome); Josué; Vua David; Judas Maccabée; Godefroi de Bouillon.
Ngọc Quỳnh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Pháp ngữ