Những người chiến thắng đang bị thua trong các cuộc bầu cử ở Mỹ như thế nào
Chính xác thì ai là những người chiến thắng trong hệ thống bầu cử mới và khó hiểu được gọi là bỏ phiếu lựa chọn theo thứ hạng (ranked-choice voting-RCV) này? Không phải hàng ngàn cử tri đến các điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử theo hệ thống RCV chỉ để phiếu bầu của họ bị loại bỏ. Những người chiến thắng trong hệ thống RCV là những người theo đảng phái chính trị và những nhóm lợi ích đặc biệt, những người lợi dụng mục đích của hệ thống này để thao túng kết quả bầu cử và phá hoại nỗ lực bảo vệ tính liêm chính bầu cử của các tiểu bang.
Đơn cử như tại Maine. Trong cuộc bầu cử Địa hạt Quốc hội số 2 hồi năm 2018, ông Jared Golden, một thành viên Đảng Dân Chủ, đã được tuyên bố là người chiến thắng mặc dù đã thua trong vòng kiểm phiếu đầu tiên với 45.58% số phiếu so với 46.33% của ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Bruce Poliquin. Để tuyên bố ông Golden là người thắng cuộc, thì hơn 8,000 phiếu bầu đã bị loại bỏ một cách có hệ thống.
Lấy ví dụ gần đây nhất là Alaska. Trong cuộc bầu cử đặc biệt năm 2022 cho vị trí của Nghị sĩ Don Young quá cố, gần 15,000 phiếu bầu của người dân Alaska đã bị loại bỏ trước khi bà Mary Peltola thuộc Đảng Dân Chủ được tuyên bố là người chiến thắng. Trên thực tế, có đến 60% cử tri đã bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Cộng Hòa trong vòng đầu tiên, nhưng đến lần kiểm phiếu cuối cùng, bà Peltola đã dẫn trước chỉ với 5,129 phiếu. Thuận lợi cho Đảng Dân Chủ là hơn 11,000 lá phiếu đã bị loại — hoặc bị bỏ đi — trong vòng thứ hai vì đơn giản họ chỉ bầu chọn cho ứng cử viên khác của Đảng Cộng Hòa thay vì xếp hạng tất cả những ứng cử viên này.
Nếu điều này nghe có vẻ không công bằng, thì bởi nó là như vậy.
Trong toàn bộ lịch sử bầu cử của chúng ta, các ứng cử viên đã được bầu chọn bởi đa số phiếu (nhỏ hơn 50% tổng số phiếu). Tuy nhiên, hiện RCV yêu cầu một ứng cử viên phải nhận được đa số phiếu (đa số quá bán – lớn hơn 50% tổng số phiếu) để được tuyên bố là người chiến thắng. Nhưng cách duy nhất để tạo ra đa số quá bán đó là loại bỏ các lá phiếu khỏi cuộc kiểm phiếu cuối cùng một cách có hệ thống. Nếu cử tri không xếp hạng tất cả ứng cử viên — kể cả những ứng cử viên mà họ hoàn toàn chưa bao giờ ủng hộ — thì có nguy cơ phiếu bầu của họ sẽ bị loại bỏ khỏi lần kiểm phiếu cuối cùng. Điều này là do ngay cả khi lựa chọn đầu tiên của một cử tri đạt được nhiều phiếu bầu nhất trong vòng đầu tiên, thì đến vòng thứ hai, thứ ba, thứ tư và các vòng tiếp theo, ứng cử viên đó — và cả lá phiếu của cử tri — có thể bị loại, như thể cử tri đó chưa từng xuất hiện tại điểm bỏ phiếu này. Ngay cả trong một cuộc bầu cử bổ sung, vốn là điều mà RCV tìm cách ngăn chặn, các cử tri vẫn có cơ hội khác để lựa chọn giữa các ứng cử viên.
Do đó hệ thống RCV tạo ra một đa số quá bán giả chứ không phải một đa số quá bán xác thực. Điều này không chỉ trái ngược với các nguyên tắc của người Mỹ về “một người, một phiếu bầu,” hệ thống RCV này cho phép các ứng cử viên “đi tiếp dù thua cuộc” hoàn toàn có thể đánh bại ứng cử viên có nhiều phiếu bầu nhất trong vòng đầu tiên.
Nếu điều này nghe có vẻ phức tạp, thì bởi nó là như thế.
Liệu có hợp lý không khi nghĩ rằng các cử tri có được hiểu biết đầy đủ về từng ứng cử viên để xếp hạng từng người trong số họ? Tuy nhiên, đây là gánh nặng đặt lên vai các cử tri theo hệ thống RCV. Và các cử tri phải tuân thủ nó, hoặc có nguy cơ phiếu bầu của họ sẽ bị loại bỏ.
Càng tồi tệ hơn là hệ thống RCV còn đe dọa đến việc kiểm phiếu nhanh chóng và chính xác. Kết quả cuộc bầu cử đặc biệt của tiểu bang Alaska đã không được công bố chính thức trong hơn hai tuần, khiến người dân Alaska không có dân biểu đại diện trong Quốc hội, thậm chí lâu hơn mức cần thiết. Các kết quả phức tạp và chậm trễ tiếp tục làm suy yếu lòng tin của cử tri và dẫn đến các cáo buộc gian lận cử tri. Và khi bản thân hệ thống này thúc đẩy các kết quả bị trì hoãn, như RCV đã làm, thì hệ thống đó nên bị khước từ. Cả Florida và Tennessee đã trở thành những tiểu bang đầu tiên thông qua luật cấm hệ thống RCV đối với tất cả các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và địa phương, và nhiều tiểu bang hơn sẽ làm theo họ.
Hệ thống RCV không chỉ là một giải pháp không giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Bản thân hệ thống này là một vấn đề khó hiểu và không công bằng. Và trong lịch sử của chúng ta, hệ thống bầu cử đa số đơn giản hơn hoạt động rất hiệu quả. Chỉ cần nhìn vào lịch sử của chúng ta. Hệ thống đa số đã mang lại cho chúng ta những nhà lãnh đạo như Tổng thống (TT) Abraham Lincoln, người chỉ nhận được 39.8% số phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1860. Và như những người khác đã chỉ ra một cách đúng đắn, dưới một hệ thống RCV, TT Lincoln có thể đã thua cuộc.
Người Mỹ giành chiến thắng khi phiếu bầu của họ được kiểm đếm. Một người, một phiếu bầu, và chúng ta nên tiếp tục theo cách đó.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times