Những Hoa kiều Bắc Hàn đào tẩu phải đối mặt với gian khổ ở Nam Hàn
GWANGYANG, Nam Hàn — Cảm thấy bị ba quốc gia bỏ rơi, ông Cho Guk-gyeong đưa cho một du khách xem thẻ đăng ký người ngoại quốc ở Nam Hàn của mình, trong đó mô tả ông là người “không có quốc tịch”. Đó là một mô tả phù hợp về cuộc sống của ông ở Nam Hàn, 15 năm sau khi ông chạy trốn khỏi Bắc Hàn.
Hầu hết những người Bắc Hàn đào tẩu sang miền Nam là người dân tộc Hàn, nhưng ông Cho, 53 tuổi, là một người nhập cư Trung Quốc thế hệ thứ ba. Mặc dù theo luật, những người đào tẩu là người dân tộc Hàn được hưởng một gói lợi ích có mục đích giúp họ tái định cư ở Nam Hàn, nhưng ông Cho không thể nhận được sự hỗ trợ đó vì ông vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc, dù gia đình ông đã sống ở Bắc Hàn qua nhiều thế hệ.
“Tôi không cần trợ cấp của nhà nước hoặc hỗ trợ khác. Tôi chỉ muốn nhập quốc tịch Nam Hàn để có thể làm việc siêng năng cho đến khi nhắm mắt”, ông Cho nói trong một cuộc phỏng vấn tại thành phố cảng phía nam Gwangyang, nơi gần đây ông làm lao động chân tay tạm thời – công việc đầu tiên của ông trong tám năm.
Không rõ có bao nhiêu Hoa kiều Bắc Hàn đã đến Nam Hàn trong những năm qua. Các nhà hoạt động cho biết khoảng 30 người đã được chỉ định là “không có quốc tịch”, sau những nỗ lực nhằm giả dạng công dân Bắc Hàn không thành công đã khiến họ bị tống vào tù hoặc cơ sở giam giữ ở Nam Hàn.
Việc chỉ định “không quốc tịch” đó khiến họ rất khó tìm việc làm và hưởng các quyền và dịch vụ căn bản ở miền Nam, và mặc dù số lượng những người này có thể tương đối ít, nhưng chiến dịch đòi đối xử tốt hơn của họ đã làm sáng tỏ một vấn đề nhân quyền ít được biết đến nhưng lại quan trọng.
Ông Yi Junghee, một giáo sư tại Học viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Incheon cho biết, “Họ có lẽ là những Hoa kiều đáng thương nhất trên thế giới, vì họ đã bị Bắc Hàn, Trung Quốc và Nam Hàn bỏ rơi. Họ không nhận được sự giúp đỡ từ bất kỳ quốc gia nào”.
Quay trở lại Bắc Hàn có nghĩa là sẽ bị giam cầm trong thời gian dài, hoặc tệ hơn. Định cư ở Trung Quốc thường là một vấn đề vì nhiều người không nói được tiếng Hoa và mất liên lạc với người thân ở đó. Có thể mất nhiều năm để có được thẻ cư trú địa phương ở Trung Quốc.
Hồi năm 2019, ông Cho và ba người khác đã nộp đơn xin tình trạng tị nạn trong nỗ lực chung đầu tiên được biết đến như vậy của người gốc Hoa từ Bắc Hàn. Họ đã có các cuộc phỏng vấn đầu tiên được chờ đợi từ lâu với các quan chức nhập cư hồi tháng Sáu này. Triển vọng nhận được sự chấp thuận là không cao. Tỷ lệ chấp nhận các đơn xin tình trạng tị nạn của Nam Hàn chưa đến 2% trong những năm gần đây.
Trả lời câu hỏi của hãng tin AP, Bộ Tư pháp cho biết họ sẽ đánh giá khả năng ông Cho và ba người Bắc Hàn gốc Hoa khác phải đối mặt với sự ngược đãi nếu họ rời Nam Hàn, tính nhất quán của lời khai của họ và các tài liệu họ đã nộp, trước khi quyết định có cấp tình trạng tị nạn hay không. Bộ từ chối tiết lộ nội dung các cuộc phỏng vấn hồi tháng Sáu nhưng cho biết việc đánh giá này có thể mất nhiều thời gian.
Bộ cho biết bốn người này và một số người Bắc Hàn khác, vẫn có thể là người Trung Quốc hợp pháp nhưng không thể chứng minh quốc tịch của họ. Họ cho biết chính quyền coi họ là những người “không có quốc tịch trên thực tế” và đang cho phép họ ở lại Nam Hàn.
Khu định cư lớn của Trung Quốc trên Bán đảo Triều Tiên có từ đầu thế kỷ 19. Ước tính có khoảng 3,000 đến 5,000 người gốc Hoa hiện sống ở Bắc Hàn. Các nhà phân tích cho biết họ là những người ngoại quốc duy nhất có quyền thường trú nhân trong số 26 triệu người Bắc Hàn.
Họ có thể duy trì quốc tịch Trung Quốc, đến thăm Trung Quốc một hoặc hai lần mỗi năm và tham gia vào các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Nam giới được miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 10 năm. Nhưng tình trạng dân tộc của họ cũng thường khiến họ trở thành đối tượng bị nhà nước giám sát nhiều hơn, cấm họ gia nhập Đảng Công nhân cầm quyền và hạn chế các cơ hội chính trị của họ.
Nhìn chung, họ coi mình là người Bắc Hàn.
Ông Cho nói rằng khi còn trẻ, ông cùng với những người bạn Bắc Hàn của mình ở trường đã được dạy tôn thờ gia đình thống trị Kim. Ông đã làm việc cho một nhà máy quốc doanh và sống như một công dân Bắc Hàn nhập tịch trong vòng hai năm.
“Nguồn gốc tổ tiên của tôi đã mất, và thành thật mà nói, tôi cảm thấy Bắc Hàn là quê hương của mình vậy”, ông Cho cho biết, ông nội của ông đã chuyển đến thành phố Chongjin phía đông bắc của nước này vào giữa những năm 1920.
Khoảng 34,000 người Bắc Hàn đã chạy sang Nam Hàn để tránh khó khăn về kinh tế và đàn áp chính trị kể từ cuối những năm 1990. Trong đó có một số Hoa kiều Bắc Hàn như ông Cho. Nếu không có các hộ chiếu do Bắc Kinh cấp, họ thường thuê những người môi giới hướng dẫn họ đến Nam Hàn qua các nước Đông Nam Á như Thái Lan, con đường tương tự mà người Bắc Hàn vận dụng.
Đến Nam Hàn vào năm 2008, khi bị các quan chức tình báo thẩm vấn, ông Cho đã đóng giả là một người bạn thân cũ ở Bắc Hàn đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Ông nói rằng ông muốn tạo ra một khởi đầu mới bằng cách che giấu nguồn gốc Trung Quốc của mình, điều mà ông coi là bất lợi ở cả hai miền Triều Tiên. Ông Cho nói rằng ông không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi gian dối của mình.
Ông đã được cấp quyền công dân Nam Hàn, một căn hộ và các hỗ trợ tài chính khác theo luật bảo vệ những người đào tẩu Bắc Hàn vì Nam Hàn coi Bắc Hàn là một phần lãnh thổ của mình một cách hợp pháp. Nhưng vào năm 2012, hành vi nói dối của ông đã bị giới chức trách phát hiện, những người ban đầu nghĩ rằng ông là điệp viên Bắc Hàn. Ông Cho đã được xóa tội làm gián điệp, nhưng bị tước quyền công dân và các quyền lợi khác và bị kết án một năm tù vì tội nhập cư và các tội khác.
Một người tị nạn Hoa kiều Bắc Hàn khác, họ Yoon, cho biết ông đã bị giam trong một cơ sở của chính phủ trong khoảng 20 tháng vì một nỗ lực tương tự đóng giả là một công dân Bắc Hàn. Người đàn ông 60 tuổi này tránh được bị kết án do việc ông nói dối bị phát hiện ngay sau khi ông ta đến và trước khi được quay lại xã hội.
“Đôi khi tôi nghĩ rằng tôi đáng lẽ không nên đến đây. Tôi không biết mình sẽ sống được bao nhiêu năm nữa. Nhưng tôi muốn ra đi sau khi có quốc tịch”, người đàn ông chỉ mong được xác định tên họ của mình vì lo an toàn cho người thân ở miền Bắc.
Trong các cuộc phỏng vấn hồi tháng Sáu, bốn Hoa kiều Bắc Hàn nói với các quan chức rằng việc quay trở lại Bắc Hàn sẽ khiến họ bị trừng phạt và họ có thể gặp khó khăn ở Trung Quốc vì thiếu thẻ cư trú, không có người thân thích và bất đồng ngôn ngữ, theo ông Kim Yong-hwa, một người Bắc Hàn đào tẩu trở thành nhà hoạt động đã giúp họ làm đơn xin tị nạn.
Đối với Nam Hàn, việc ủng hộ Hoa kiều Bắc Hàn là một vấn đề tế nhị vì nó có thể thúc đẩy những người Hoa Kiều khác ở miền Bắc đến Nam Hàn, điều này sẽ khiến giới lãnh đạo của Bình Nhưỡng tức giận và làm phức tạp thêm nỗ lực của Seoul nhằm tìm kiếm hòa giải, ông Kim cho hay.
Ông Noh Hyun-jeong, một người đào tẩu Bắc Hàn ở Seoul, người có bạn bè Hoa kiều Bắc Hàn tới Nam Hàn, nói, “Chúng tôi đã sống và chịu đựng cùng nhau ở Bắc Hàn… vì vậy không có lý khi cho rằng họ không phải là người đào tẩu Bắc Hàn”.
Không giống như ông Noh, nhiều người đào tẩu Bắc Hàn khác thường phớt lờ những người Hoa kiều Bắc Hàn “không quốc tịch”, những người cũng thường không hòa thuận với những Hoa kiều khác đã sống ở Nam Hàn qua nhiều thế hệ, ông Kim nói.
Ông Yoon cho biết ông dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ ông Kim và từ một nhà thờ. Ông Cho, sống với một phụ nữ Bắc Hàn đào tẩu, cho biết ông chưa nói với những người bạn đào tẩu ở Nam Hàn về nguồn gốc dân tộc và tình trạng pháp lý của mình.
Ông Cho nói, “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ bị ghẻ lạnh, nhưng tôi e rằng những người không thân thiết với tôi biết về lý lịch và tình trạng của tôi. Tôi chỉ không biết họ sẽ phản ứng như thế nào”.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: