Người tị nạn Bắc Hàn, tác giả có sách bán chạy nhất: ‘Chỉ trong chủ nghĩa tư bản thì câu chuyện của tôi mới được kể ra’
Năm 2022, tôi có cơ hội tham dự một hội nghị kéo dài hai ngày ở Colorado do Viện Tiêu chuẩn Mục tiêu tổ chức.
Mặc dù có nhiều diễn giả quyền lực, nhưng người có câu chuyện thu hút tôi nhất là cô Yeonmi Park, một người đào tẩu Bắc Hàn mà hồi năm 2007 đã tìm cách trốn thoát khỏi đất nước độc tài của mình năm cô tuổi 13 sau khi cha cô bị kết án vào một trại lao động. (“Tội” của ông ấy ư? Ông ấy bán đường, muối, và các loại gia vị khác trái với pháp luật.)
Sau khi tìm đường đến được Trung Quốc, cô Park bị bán làm nô lệ nhưng đào thoát được, lần này là đến Mông Cổ. Cuối cùng, cô ấy đã đến được Nam Hàn, và sau đó — vào năm 2014 — cô đã đến được Hoa Kỳ.
Tôi ứa nước mắt khi nghe được những phiên tòa điều trần của cô Park. Điều đáng kinh ngạc là cách nhìn của cô ấy về cuộc sống tích cực như thế nào sau khi chịu đựng những khó khăn, mất mát cá nhân, và thiếu thốn như vậy.
Cô Park nói với khán giả: “Tôi đã phải liều mạng chỉ để có một chén cơm.”
‘Không còn ràng buộc với lịch sử, thoát khỏi thực tại’
Những vi phạm nhân quyền ở Bắc Hàn đã được nhiều người biết đến. Đất nước cộng sản này khét tiếng là đã sử dụng nạn đói như một vũ khí để nô dịch hóa người dân của mình trong nhiều thập niên và duy trì sự kiểm soát quyền lực. Hơn một thập niên trước, Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ đã trích dẫn các báo cáo (pdf) ước tính có tới 3 triệu người đã chết đói ở quốc gia đó trong những năm 1990.
Năm 2011, ông Kim Jong Un đã kế vị cha mình lên làm Lãnh đạo Tối cao của Bắc Hàn và trở thành người đứng đầu Đảng Lao Động Triều Tiên vào năm 2012. Ông ta đã sử dụng các phương pháp tương tự ở đất nước có khoảng 26 triệu dân này, và gây ra những hậu quả tương tự. Các báo cáo mới đây cho thấy ra rằng an ninh lương thực ở Bắc Hàn đang “ở mức yếu kém nhất kể từ nạn đói những năm 1990.”
Tuy nhiên, nghe nói về nạn đói và vi phạm nhân quyền về phương diện lý thuyết thì sẽ khác với nghe về trải nghiệm của cô Park, vốn là điều không chỉ khủng khiếp mà còn rất kỳ quặc. Trong cuốn sách xuất bản năm 2016 của mình có nhan đề “In Order to Live: A North Korean Girl’s Journey to Freedom” (Để Được Sống: Hành Trình Tìm Đến Tự Do Của Một Thiếu Nữ Bắc Hàn), tác giả trẻ này mô tả sự tuyên truyền của nhà nước mà cô phải chịu khi còn nhỏ.
“Ở trường, chúng tôi hát một bài hát về Kim Jong Il và ông ấy đã làm việc tận tụy như thế nào để chỉ dẫn tận nơi cho những người lao động chúng tôi khi ông ấy đi khắp đất nước, ngủ trong xe hơi và chỉ ăn những bữa ăn khiêm tốn với những nắm cơm,” cô viết. “‘Làm ơn, làm ơn, Lãnh tụ Kính yêu, hãy nghỉ ngơi vì chúng tôi!’ chúng tôi đã hát trong nước mắt. ‘Tất cả chúng tôi đều khóc vì Người.’”
Cuối cùng thì cô Park biết rằng tất cả những gì cô được dạy ở trường về công bằng, chủ nghĩa cộng sản, và “Lãnh tụ Kính yêu” của Bắc Hàn đều là dối trá. Sống ở Hoa Kỳ cũng đã mang lại cho cô một sự hiểu biết sâu sắc mới về những ưu điểm của tự do và chủ nghĩa tư bản.
“Chỉ trong Chủ nghĩa Tư bản, câu chuyện của tôi mới có thể được kể,” cô Park vừa viết trong một tweet. “Mỹ quốc thực sự là một vùng đất của cơ hội cho bất kỳ ai sẵn sàng làm việc chăm chỉ và nhẫn nại. Tôi đi khỏi Bắc Hàn không biết nói một từ tiếng Anh, không một xu dính túi, và ở đây tôi là một tác giả của hai cuốn sách bán chạy nhất.”
Cô Park đang đề cập đến cuốn sách mới nhất của mình, “While Time Remains: A North Korean Defector’s Search for Freedom in America” (Trong Khi Vẫn Còn Thời Gian: Hành Trình Tìm Kiếm Tự Do Ở Mỹ Quốc Của Một Người Đào Tẩu Bắc Hàn), trong đó có một lời tựa của tác giả nổi tiếng Jordan B. Peterson. Cuốn sách này, đã vươn lên vị trí số một trên Amazon trong mục tự do chính trị, cảnh báo người Mỹ không nên xem tự do là điều hiển nhiên và kêu gọi họ học hỏi từ lịch sử.
“Khi một dân tộc trở nên không còn ràng buộc với lịch sử, khi họ trở nên thoát khỏi thực tại, khi họ mất đi khả năng hiểu được quan hệ nhân quả, thì họ trở nên dễ dàng để cho những kẻ nắm thực quyền bóc lột,” người đào tẩu Bắc Hàn này viết.
‘Mê mờ trước sự thịnh vượng xung quanh chúng ta’
Cuốn sách của cô Park xuất hiện rất kịp thời. Mặc dù chủ nghĩa tư bản đã mở ra sự thịnh vượng chưa từng có của nhân loại, nhưng có một thực tế là nhiều người Mỹ đang mê mờ trước sự thịnh vượng đó, đặc biệt là những người Mỹ trẻ tuổi.
“Tôi thấy mọi người nói chuyện thoải mái, làm việc trên chiếc MacBook của họ, gọi đồ ăn giao ngay lập tức, nhìn thấy những chiếc xe hơi chạy ngang qua ngoài kia, và tôi chợt nhận ra điều đó,” cô Alyssa Ahlgren viết trong một bài báo nổi tiếng năm 2019 có nhan đề “Thế hệ của tôi mê mờ trước sự thịnh vượng xung quanh chúng ta.”
“Chúng ta sống trong thời kỳ đặc quyền nhất ở một quốc gia thịnh vượng nhất và chúng ta trở nên hoàn toàn mê mờ trước điều đó. Xe cộ, thực phẩm, công nghệ, quyền tự do liên kết với những người chúng ta lựa chọn. … Những điều này đã ăn sâu vào lối sống Mỹ của chúng ta đến mức chúng ta không chút nghĩ ngợi về điều đó nữa. Ở Hoa Kỳ chúng ta sung túc đến mức tiêu chuẩn nghèo của chúng ta bắt đầu cao hơn 31 lần so với mức trung bình toàn cầu.”
Nếu quý vị cho rằng cô Ahlgren đã phóng đại, thì hãy xem những quan sát gần đây từ cây viết công nghệ Taylor Lorenz của tờ Washington Post trên Twitter:
“Mọi người nói, ‘tại sao trẻ em lại bị chán nản như vậy, chắc hẳn đó là do ĐIỆN THOẠI của chúng!’ nhưng không bao giờ đề cập đến thực tế là khi thế giới đang trở nên nóng hơn do biến đổi khí hậu thì chúng ta vẫn đang sống ở trong địa ngục của chủ nghĩa tư bản giai đoạn cuối suốt một trận đại dịch đầy tang thương với sự bất bình đẳng giàu nghèo kỷ lục, [không có] mạng lưới an toàn xã hội/bảo đảm việc làm… [quý vị] đã phải ảo tưởng khi nhìn vào cuộc sống ở đất nước chúng ta hiện nay và phải có chút nào đó hy vọng hoặc lạc quan.”
Cần lưu ý rằng không giống như cô Park, cô Lorenz được sinh ra trong đặc quyền chủ nghĩa tư bản. Cô lớn lên ở Greenwich, Connecticut, theo học tại một trường nội trú danh tiếng (và đắt đỏ) của Thụy Sĩ, và nhận một bằng cấp khoa học chính trị của các trường Đại học Hobart và William Smith (với mức học phí là 61,000 USD). Trước khi gia nhập hãng thông tấn Washington Post của ông Jeff Bezos, cô đã có thời gian làm việc tại các ấn phẩm truyền thông uy tín nhất, bao gồm The New York Times, The Daily Beast, và Business Insider.
Bất kể đặc quyền và sự thành công này, cô Lorenz vẫn phàn nàn về chế độ mà ở đó cô nhận được đặc quyền và sự thành công đó. Sự thật đáng buồn là có lẽ cô ấy thực sự tin rằng mình sống trong “địa ngục chủ nghĩa tư bản.” Giống như rất nhiều người, cô ấy dường như mê mờ trước những ưu điểm của chủ nghĩa tư bản và tất cả những thứ xa xỉ và tiện nghi mà cô ấy trở nên quen thuộc khi lớn lên.
Cô Yeonmi Park không mê mờ trước những thực tế này. Cô ấy đã nhìn thấy cận cảnh địa ngục.
Nếu mọi người thực sự muốn hiểu địa ngục trông như thế nào, thì họ nên mua một cuốn sách mới bán chạy nhất của cô Park. Quyển sách này có thể sẽ cho thấy một số viễn cảnh rất cần được biết.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times