Những cáo buộc của Bắc Kinh nhằm vào Ấn Độ có thể là ‘cái cớ’ để tấn công trong tương lai
Đã hai năm kể từ khi binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ nhau tại những đỉnh cao không thể sinh sống của Thung lũng Galwan xuyên qua dãy Himalaya ở Ladakh hồi tháng 06/2020.
Trong khi sự bế tắc quân sự tiếp tục kéo dài giữa hai bên, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc một lần nữa đưa ra những cáo buộc nhằm vào Ấn Độ mà các chuyên gia cho rằng có thể là một cái cớ cho một cuộc tấn công vào quốc gia dân chủ rộng lớn nhất thế giới này.
Chỉ ba ngày trước lễ kỷ niệm thứ hai của cuộc xung đột đẫm máu ở Galwan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã đổ lỗi cho Ấn Độ về sự bế tắc này tại một hội nghị thượng đỉnh an ninh lớn — Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 của Viện Nghiên cứu Chiến lược — ở Singapore.
Ông Ngụy tuyên bố rằng Trung Quốc không chịu trách nhiệm về sự bế tắc đó và nói rằng vũ khí của Ấn Độ đã bị phát hiện trên lãnh thổ Trung Quốc.
Ông Ngụy nói khi trả lời các câu hỏi của một ký giả hôm 12/06, “Mối lợi của các cuộc xung đột biên giới Trung Quốc-Ấn Độ là rất rõ ràng, và trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc.”
“Rất nhiều vũ khí do phía Ấn Độ sở hữu. Họ cũng đã cử người đến lãnh thổ Trung Quốc.”
Sự hung hăng của Trung Quốc
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có tiếng về việc đơn phương thay đổi tuyên bố chủ quyền biên giới với Ấn Độ kể từ năm 1952. Ông Frank Lehberger, nhà Hán học và chuyên gia về Đại Trung Hoa đang sống ở Âu Châu, nói với The Epoch Times rằng bài diễn văn của ông Ngụy ở Singapore được thực hiện theo chỉ thị của giới lãnh đạo cộng sản và rằng những tuyên bố của ông ấy có thể là cái cớ cho các hoạt động nhằm vào Ấn Độ ở biên giới tranh chấp trong tương lai.
Ông Lehberger nói: “Bắt chước ông Putin ở Ukraine, ông Tập cũng có thể bị cám dỗ sử dụng những cáo buộc không có thật làm cái cớ cho một ‘chiến dịch đặc biệt’ của quân đội Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Ladakh hoặc bất kỳ nơi nào khác trên biên giới Trung-Ấn.”
Ấn Độ và Trung Quốc đã giao chiến vào năm 1962, và rồi binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc xung đột đẫm máu ở Thung lũng Galwan hồi tháng 06/2020, sau đó cả hai bên bắt đầu nhanh chóng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình. Trong khi đó, 15 vòng đàm phán quân sự đã đạt được rất ít tiến triển.
Vòng đàm phán cuối cùng không thành công đã diễn ra vào ngày 31/05. Tuy nhiên, hai bên đã quyết định tổ chức vòng đàm phán quân sự thứ 16 trong tương lai gần để đạt được sự tháo gỡ tại tất cả các điểm xung đột trong khu vực biên giới tranh chấp.
Ông Claude Arpi, một nhà Hán học được sinh ra ở Pháp, nói với The Epoch Times rằng tuyên bố của ông Ngụy có thể là cái cớ cho một chiến dịch quân sự trong tương lai, tuy nhiên Ấn Độ đang chuẩn bị để đối mặt với bất kỳ cuộc tấn công nào.
Ông Arpi cho biết, “Đó không phải là trường hợp kiểu như hồi tháng 05/2020. Ngay cả khi họ [ĐCSTQ] đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng về phía họ, đặc biệt là ở khu vực Aksai Chin, hiện tại họ không thể mong đợi một chiến thắng nhanh chóng và quyết định ở phía đông Ladakh.”
Aksai Chin là một sa mạc lạnh giá không có người sinh sống dưới chân dãy núi Côn Lôn. Ngày nay, nó nằm ở ngã ba của Ấn Độ, Trung Quốc, và các vùng lãnh thổ do Pakistan kiểm soát. Ban đầu được Ấn Độ tuyên bố là một phần của khu vực Ladakh lớn hơn của mình, ĐCSTQ bắt đầu cuộc chinh phục Aksai Chin vào năm 1952 bằng cách xây dựng đường cao tốc G219 nối Tân Cương và Tây Tạng.
Ông Arpi là tác giả của hai cuốn sách về chiến tranh Ấn Độ-Trung Quốc năm 1962 và những cuốn sách khác về Tây Tạng và tranh chấp lãnh thổ Trung-Ấn.
Thông qua việc tiếp tục các chiến thuật “cắt lát salami”, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn cứ tiến về phía nam từ con đường nơi có biên giới tranh chấp ngày nay.
Ông Ngụy làm theo mệnh lệnh của ông Tập
Theo các nhà quan sát Trung Quốc, các cáo buộc của ông Ngụy rằng vũ khí của Ấn Độ nằm trên lãnh thổ Trung Quốc và rằng Ấn Độ chịu trách nhiệm về cuộc xung đột ở Galwan được đưa ra theo lệnh của Quân ủy Trung ương của ĐCSTQ (CMC).
Ông Ngụy là một thành viên của CMC, và theo ông Lehberger, vị Bộ trưởng Quốc phòng này chỉ đóng vai trò thứ yếu trong các vấn đề quân sự quan trọng — CMC là hệ thống trung tâm của quân đội Trung Quốc.
Ông Lehberger cho biết, phó chủ tịch cao cấp của CMC, Tướng Hứa Kì Lượng, người có quyền lực cao hơn ông Ngụy, đã chính thức gặp Bộ trưởng Quốc phòng tiền nhiệm của Hoa Kỳ cho một cuộc đàm thoại “quan trọng và nghiêm túc” vào năm 2018.
Ông Lehberger nói: “Ngày nay ông Hứa hẳn là không được gặp gỡ người ngoại quốc ở trong và ngoài nước và phải tuyên truyền những điều vô nghĩa … đó là nhiệm vụ chính của ông Ngụy hiện nay. Trong các chuyến công du ngoại quốc, ông Ngụy được giao nhiệm vụ hoạt động như một kiểu ‘tuyên truyền viên quân sự ngoại giao’ cho [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình và CMC của ông ấy.”
Ông nói thêm rằng ông Ngụy được ông Tập giao nhiệm vụ thách thức luật pháp và trật tự quốc tế đã được thiết lập và gây hoang mang dư luận toàn cầu thông qua các cuộc đàm phán của ông tại Đối thoại Shangri-La.
Ông Lehberger cho biết: “Bây giờ ông Ngụy đang cáo buộc thành viên Ấn Độ của Bộ Tứ làm bất cứ điều gì [họ đang làm] ở bên phía Trung Quốc của ranh giới kiểm soát thực tế … một phần không thể thiếu trong chiến lược dài hạn của ông Tập ở Á Châu.”
“Mục tiêu Chiến lược của ông Tập là xóa bỏ chủ quyền của các quốc gia trên toàn Á Châu, bằng quân sự hoặc các phương tiện lật đổ khác.”
Ông Arpi cho biết các tuyên bố của ông Ngụy tại hội nghị thượng đỉnh an ninh nhằm hỗ trợ câu chuyện trong nước của ĐCSTQ trước Đại hội 20, sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm nay.
Ông Arpi nói: “Họ muốn người dân Trung Quốc tin rằng Ấn Độ đã tấn công Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở phía đông Ladakh. Vòng 16 của các cuộc đàm phán cấp tư lệnh giữa hai nước sẽ sớm được tổ chức. Theo quan điểm của tôi, sẽ không có nhiều sự kiện [về mặt quân sự] xảy ra trước Đại hội 20.”
Ông Lehberger nói rằng bình luận của ông Ngụy tại Đối thoại Shangri-La có thể làm sáng tỏ cách giới lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc nhìn nhận xung đột biên giới Ấn Độ-Trung Quốc cũng như bối cảnh địa chính trị và trong nước mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang xác định các phản ứng chiến thuật của họ về vấn đề này.
Ở trong nước, những bình luận của ông Ngụy có mục đích truyền tải thông điệp của ông Tập tới những đám đông theo chủ nghĩa dân tộc của “người Trung Quốc chán nản COVID, tự coi nước mình là số một,” những người hài lòng khi thấy rõ Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu ở Á Châu và sẽ chắc chắn ủng hộ ông Tập nồng nhiệt hơn, ông Lehberger cho biết.
Trên bình diện quốc tế, ông Tập có ý định khiến Hoa Kỳ trông yếu đuối và không đủ năng lực bảo vệ lợi ích của các nước đồng minh Á Châu, ông nói thêm.
Hiểu về ‘Đại Kế hoạch’ của Trung Quốc
Ông Pooran Pandey, một nhà phân tích quan hệ quốc tế hiện đang cố vấn và viết cho các nhóm tư vấn ở Phi Châu, Âu Châu, và Hoa Kỳ, bao gồm Diễn đàn Chính trị Công nghệ Toàn cầu có trụ sở tại California, nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng Ấn Độ không nên suy tư nhiều về nhận xét của ông Ngụy bởi vì chúng giống như một sự bác bỏ các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin tại Đối thoại Shangri-La.
Trong một diễn văn hôm 11/06, một ngày trước khi ông Ngụy đưa ra lời nhận xét, ông Austin đã lên án Trung Quốc vì đưa ra lập trường “cứng rắn” hơn về vấn đề biên giới tranh chấp với Ấn Độ.
Ông Pandey tin rằng New Delhi nên tập trung vào việc hiểu các nghị trình toàn cầu giữa thế kỷ của Bắc Kinh vốn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến Ấn Độ. Ông cho biết trọng tâm chính của Trung Quốc là “đại kế hoạch” liên quan đến việc vượt qua Hoa Kỳ — về quân sự và kinh tế — vào năm 2045.
Ông nói thêm rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì có hại cho nghị trình của họ, bao gồm cả việc tiến hành thêm hành động có thể làm xấu đi tình hình ở Galwan hoặc Ladakh.
Ông Pandey nói, “[Người] Trung Quốc đang thực hiện đại kế hoạch của họ, và trong đó, có thể có nhiều kế hoạch nhỏ. Và đây là nơi tôi nghĩ rằng Ấn Độ thực sự cần phải làm công việc của riêng mình và tham gia với thế giới nói chung.”
Về vấn đề hợp tác song phương lâu dài, ông nhấn mạnh rằng Ấn Độ không những cần phải không trông cậy vào chính quyền Trung Quốc mà phải đương đầu trực diện với họ.
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.