Những bức ảnh thư viện tráng lệ trên khắp thế giới
Nhiếp ảnh gia Richard Silver, 60 tuổi, đã du lịch đến 101 quốc gia để chụp những kỳ quan kiến trúc vượt thời gian. Chủ đề nhiếp ảnh yêu thích nhất của ông là các thư viện. Ông có bộ sưu tập hình chụp tuyệt đẹp thể hiện vẻ tráng lệ của các thư viện trên khắp thế giới.
Nhiếp ảnh gia Silver chia sẻ với The Epoch Times, “Với tôi, thư viện đem đến hình ảnh đối xứng. Những quyển sách được xếp thẳng hàng, những lối đi, những bàn đọc sách, tất cả đều sạch sẽ và đối xứng, tạo nên những đường thẳng tắp, ngay ngắn.”
Các tác phẩm của ông xoay quanh chủ đề về các loại hình thư viện, với khoảng 40 thư viện và con số này đang tiếp tục tăng lên. Tất cả các thư viện này đều có điểm chung là toát lên sự thanh bình và vẻ đẹp quyến rũ. Người xem có thể cảm thấy choáng ngợp trước những thư viện mang vẻ đẹp vượt thời gian như thư viện Saint Genevieve ở Paris và thư viện Công cộng New York, hoặc nội thất trang trí lộng lẫy của thư viện Strahov ở Praha, và thư viện Quốc gia Áo ở Vienna.
“Tôi ngưỡng mộ những thư viện lâu đời được xây dựng bằng loại gỗ cổ điển. Tuy nhiên, những thư viện hiện đại, sạch sẽ cũng mang đến cho tôi một cách mới để ngắm nhìn các quyển sách, cũng như cách sắp xếp những quyển sách đầy màu sắc,” ông nói.
Nhiếp ảnh gia Silver cho biết ông rất yêu thích thư viện Strahov ở Praha vì kiến trúc của thư viện gợi nhớ đến một nhà thờ được trang trí theo kiểu rococo* và là “một trong những thư viện được trang hoàng lộng lẫy nhất trên thế giới.”
Một thư viện khác mà ông yêu mến là thư viện thành phố Stuttgart ở Đức: “Thư viện nhìn giống như một chiếc hộp trắng sạch sẽ, bao gồm một căn phòng có nhiều tầng. Thư viện được sơn toàn màu trắng, khiến ta cảm thấy như đang ở một nơi được vô trùng, nhưng kiểu kiến trúc với các kệ sách ngăn nắp được xếp thẳng hàng kết hợp với ánh sáng tuyệt vời tạo nên một kỳ quan hiện đại trước mắt tôi.”
Nhiếp ảnh gia Silver từng theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học. Ông bắt đầu chụp ảnh như một sở thích cá nhân khi học trung học phổ thông tại thành phố New York quê hương mình. Sinh sống ở Brooklyn, ông ấn tượng bởi các tòa nhà chọc trời, đặc biệt là đường chân trời ở New York.
Khi đêm xuống, sau giờ làm việc, ông Silver thường lái xe đến Manhattan chỉ để chụp ảnh những tòa nhà trong thành phố. Một trong những đặc tính của kiến trúc mà ông đánh giá cao là sự bền vững.
“Tòa nhà tồn tại ở đó để bạn sử dụng, đứng vững, chờ đợi bạn đến ngắm nhìn và mời đón bạn chụp ảnh,” ông nói. ”Kiến trúc sẽ luôn luôn là tình yêu đầu đời của tôi, và vài năm trở lại đây, phong cảnh là chủ đề nhiếp ảnh yêu thích thứ hai của tôi.”
Khi đang trong kỳ nghỉ, ông Silver thường mang theo máy ảnh, thậm chí trước khi máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại có chức năng chụp hình thịnh hành. Sau này, ông đã mua một máy ảnh SLR, trở nên nghiêm túc hơn trong việc nhiếp ảnh. “Nguồn cảm hứng bất biến” của ông là các tòa nhà chọc trời trong thành phố. Ông đã đầu tư nhiều thời gian và công sức để nâng cao kỹ năng và niềm đam mê nhiếp ảnh của mình.
“Tôi đã trở nên nghiêm túc hơn khi học thêm về phần mềm chỉnh sửa đồ họa. Đó là một công cụ thay đổi cuộc sống. Lúc ấy, tôi đang là nhân viên kinh doanh bất động sản ở Manhattan được hơn một thập kỷ từ năm 2001 đến năm 2013, và cảm thấy mình cần thay đổi,” ông hồi tưởng.
Và ông quyết định dành thời gian cho nhiếp ảnh khi đi du lịch.
Ông Silver dự định chuyển nơi cư trú từ New York đến Miami, tiểu bang Florida vào mùa thu, trong khi vẫn tiếp tục những chuyến phiêu lưu vòng quanh các thư viện để chụp ảnh. Đôi khi, ông phải xin phép Ban quản lý thư viện, như trong trường hợp của thư viện Saint Genevieve là một “tòa nhà cổ điển, tráng lệ” trước khi nó mở cửa cho công chúng. Thông thường, các thư viện không cho phép chụp ảnh khi có người đang hiện diện, hoặc thu một mức phí “cao quá mức” cho việc chụp ảnh, ông Silver chia sẻ.
Nếu gặp may mắn, Silver có thể sử dụng giá ba chân khi chụp ảnh. “Điều đó tạo ra sự khác biệt lớn về chất lượng hình ảnh cho mục đích in ấn,” ông nói.
Trong khi một vài thư viện dường như đặt ra quy tắc hơi cứng nhắc, một số nơi khác quy định dễ dàng hơn.
“Thư viện Chữ thập đỏ ở Lisbon, Bồ Đào Nha là một trong những nơi tôi gặp may mắn vì khi tôi đến, thư viện mở cửa,” ông Silver hồi tưởng. “Người phụ nữ làm việc ở đó đánh giá cao mong muốn chụp ảnh của tôi.”
Và rồi đến Phòng đọc hoàng gia Bồ Đào Nha ở Rio de Janeiro, Brazil: “Thư viện này nằm trong một khu vực dân cư khá cơ hàn và giống như một viên ngọc quý tiềm ẩn.”
Trong một thế giới trực tuyến nhanh chóng nơi số lượng thường lấn át chất lượng, bộ sưu tập các bức ảnh thư viện của Silver nổi lên như một trang sức quý hiếm giữa bãi cát.
Bạn có thể thưởng lãm thêm nhiều bức ảnh thư viện tráng lệ của ông bên dưới:
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại [email protected] và tiếp tục đọc các bài viết truyền cảm hứng bằng cách đăng ký nhận Inspired newsletter tại TheEpochTimes.com/newsletter.
Tác giả Anna Mason sống ở Anh. Cô có bằng về văn chương, thích tìm hiểu con người và những nơi chốn mà nền giáo dục chính thống không làm cô hài lòng. Cô Anna yêu thích kể chuyện, các chuyến phiêu lưu, nắng Balearic và mưa Yorkshire.
Ghi chú của dịch giả:
*Phong cách nội thất Rococo được phát triển dựa theo trường phái nghệ thuật Baroque, đi sâu vào đường nét hoa văn tinh tế trong thiết kế nội thất, các chi tiết và màu sắc được lấy cảm hứng từ thiên nhiên và được cường điệu hoá thành những tác phẩm mềm mại và vô cùng cầu kỳ, sang trọng.