Nhu cầu khí đốt gia tăng của Âu Châu đem lại lợi nhuận cho các nhà xuất cảng LNG của Úc
Các nhà xuất cảng khí đốt của Úc được dự đoán sẽ hưởng lợi từ giá khí đốt cao do chiến tranh gia tăng ở Ukraine và sự sụt giảm xuất cảng khí đốt của Nga sang Âu Châu sau sự kiện hai đường ống Nord Stream bị phá hủy gần đây.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS đã nâng dự báo giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Úc tại thị trường Á Châu lên 40% và 50% đối với thị trường Âu Châu.
Nhà phân tích Tom Allen của UBS cho biết Âu Châu có thể mất 7 tỷ mét khối nguồn cung cấp khí đốt vào tháng 03/2023 do việc ngừng hoạt động đường ống dẫn khí đốt đến Đức và việc gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine.
Ngân hàng này cho biết Âu Châu đã tăng đáng kể nhập cảng LNG để bù đắp cho nguồn cung khí đốt bị thất thoát này.
Đây có thể là một lợi ích cho các công ty khí đốt của Úc vì quốc gia này là một trong những nhà xuất cảng LNG hàng đầu thế giới.
Nhiều dự án LNG quan trọng nằm ở Tây Úc và các vùng biển xa bờ của họ, chẳng hạn như North West Shelf, Pluto, Gorgon, Wheatstone, và Prelude. Đồng thời, bờ biển phía đông của quốc gia này cũng đóng vai trò chủ chốt trong thị trường khí đốt.
“Chúng tôi kỳ vọng thị trường khí đốt sẽ tiếp tục thắt chặt cho đến khi giá cả bình thường hóa vào năm 2026 khi đợt tiếp theo của các dự án LNG đi vào hoạt động,” ông Allen cho biết trong một thông báo tới khách hàng.
Trung tâm khí đốt mới sẽ được xây dựng ở Âu Châu
Trong khi đó, nhà điều hành mạng lưới khí đốt của Hà Lan Gasunie đã ký các thỏa thuận với các bên liên quan để xây dựng một trạm LNG mới ở Brunsbuettel nhằm tăng nhập cảng khí đốt và giảm sự phụ thuộc của Âu Châu vào Nga.
Hồi tháng Chín, Woodside, công ty dầu khí độc lập lớn nhất của Úc, đã ký một thỏa thuận cung cấp có thời hạn 16 năm với đại tập đoàn công nghiệp Uniper của Đức để cung cấp tới 12 chuyến hàng (tương đương một tỷ mét khối) LNG mỗi năm.
Khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng đến châu lục này, các gia đình Âu Châu buộc phải cắt giảm tiêu thụ năng lượng do thiếu điện và giá cả tăng cao.
Nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, đang kêu gọi công dân của họ sử dụng năng lượng tiết kiệm để tránh việc phân phối và cắt giảm năng lượng trong mùa đông.
Mặc dù giá than đã tăng đáng kể nhưng khí đốt vẫn đắt hơn, điều mà UBS cho biết có thể khiến một số quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào than để sản xuất điện.
Ngân hàng cho biết: “Điều này hỗ trợ thêm việc chuyển đổi từ khí đốt sang than trong ngành điện, đặc biệt là ở các nước phụ thuộc vào than.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times