Nhóm Dân biểu Cộng Hòa tại Hạ viện kêu gọi chính phủ mời Tổng thống Đài Loan dự hội nghị APEC
Một nhóm Dân biểu Cộng Hòa tại Hạ viện đang kêu gọi chính phủ Tổng thống (TT) Biden ủng hộ Đài Loan bằng cách mời tổng thống được bầu cử dân chủ của hòn đảo này tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC), sẽ được tổ chức tại San Francisco vào tháng Mười Một tới.
Dân biểu Lance Gooden (Cộng Hòa-Texas) đã đưa ra yêu cầu này trong hai bức thư gửi cho Tổng thống Joe Biden (pdf) và Ngoại trưởng Antony Blinken (pdf). Cả hai bức thư đều có chữ ký của 20 thành viên Đảng Cộng Hòa khác tại Hạ viện này nói rằng việc không cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tham gia cuộc họp này sẽ gửi đi thông điệp sai tới Trung Quốc.
“Việc không cho Đài Loan tham gia đầy đủ vào APEC theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ gửi đi một thông điệp sai lầm cũng như mâu thuẫn với cam kết của Hoa Kỳ là ủng hộ một Đài Loan tự do và bác bỏ Chính sách Một Trung Quốc đầy khiêu khích của Trung Quốc,” ông Gooden nói trong một tuyên bố hôm 19/04.
“Tôi kêu gọi Tổng thống Biden công nhận những đóng góp quan trọng của Đài Loan đối với sự ổn định của khu vực và toàn cầu và vai trò quan trọng của họ ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương,” ông Gooden nói thêm. “Bằng cách gửi lời mời chính thức tới Tổng thống Thái Anh Văn, Hoa Kỳ có thể thể hiện cam kết về một liên kết đối tác mạnh mẽ của mình với Đài Loan cũng như thể hiện sự quyết tâm của mình đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Trong các bức thư, các nhà lập pháp này đã cho thấy vai trò lãnh đạo của Đài Loan trong ngành công nghiệp bán dẫn, và những đóng góp của hòn đảo này quan trọng thế nào trong việc trở thành “một thành phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia và kinh tế của chính Hoa Kỳ.”
Hai bức thư nêu rõ, “Chúng tôi tin rằng Tổng thống Thái Anh Văn xứng đáng nhận được sự tôn trọng toàn diện của chúng ta cũng giống như Đài Loan xứng đáng được đối xử công bằng và bình đẳng ngang bằng với những nước được công nhận và có vị thế khác trong các quốc gia thành viên APEC.”
APEC
Được thành lập năm 1989, APEC là diễn đàn liên chính phủ của 21 nền kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm cả Canada, Hoa Kỳ, Mexico, Peru, Chile, Nga, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Papua New Guinea, và Úc. Bởi vì 21 thành viên này được xem là các nền kinh tế, nên Trung Quốc đã không ngăn chặn tư cách thành viên của Đài Loan khi hòn đảo này gia nhập nhóm này vào năm 1991.
Tuy nhiên, Đài Loan đã tham gia dưới danh xưng “Đài Bắc Trung Hoa” — từ đó đến nay vẫn là danh hiệu chính thức của họ tại diễn đàn.
Chế độ cộng sản Trung Quốc xem Đài Loan là một lãnh thổ cần được hợp nhất với đại lục — bằng vũ lực nếu cần thiết. Do đó, chính quyền Trung Quốc phản đối việc hòn đảo này tham gia vào các tổ chức quốc tế, bởi vì điều đó có thể cho thấy Đài Loan là một quốc gia trên thực tế.
Từ năm 1989 đến năm 1992, APEC họp như một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng và quan chức cấp cao không chính thức. Cuộc họp thường niên này đã được nâng lên cấp nguyên thủ quốc gia vào năm 1993, Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Bill Clinton đã triệu tập Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ nhất tại Seattle.
Do sự phản đối của Trung Quốc, nên bản thân các tổng thống Đài Loan chưa bao giờ được mời tham dự hội nghị cấp cao APEC. Thay vào đó, hòn đảo này được đại diện bởi một phái viên do tổng thống Đài Loan chỉ định để tham dự sự kiện thường niên.
Mỗi năm kể từ năm 2018, bà Thái đều chỉ định ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), người sáng lập tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), làm đại diện của bà tại hội nghị thượng đỉnh APEC.
Tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2018 ở Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea, ông Trương đã có cuộc hội đàm với Phó Tổng thống đương thời Mike Pence bên lề cuộc họp. Ông Pence đã tham gia hội nghị thượng đỉnh này thay mặt cho Tổng thống đương thời Donald Trump.
Phó Tổng thống Kamala Harris, người đại diện cho Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2022 ở Thái Lan, hồi tháng 11/2022 cho biết bà “rất mong được chào đón các Nhà lãnh đạo APEC đến San Francisco vào năm tới” sau khi thành phố này được chọn đăng cai sự kiện năm 2023.
Trung Quốc
Bắc Kinh có thể sẽ tức giận nếu chính phủ TT Biden mời bà Thái Anh Văn và chào đón Tổng thống Đài Loan tới San Francisco để tham dự hội nghị thượng đỉnh này.
Tháng trước, bà Thái đã ghé ngang New York trong một chặng dừng chân trước khi đến thăm các đồng minh ngoại giao của Đài Loan là Guatemala và Belize. Trên đường trở về, bà có một chặng dừng chân khác ở California, tại đây bà gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi.
Trong một hành động trả đũa, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, kéo dài ba ngày xung quanh đảo Đài Loan, bao gồm cả các cuộc tấn công mô phỏng chính xác và các cuộc phong tỏa.
“Cuộc gặp gỡ gần đây của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy với Tổng thống Thái Anh Văn là thể hiện sự ủng hộ vững chắc của chúng ta đối với người dân Đài Loan,” hai bức thư của ông Gooden viết. “Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định kết luận cuối cùng của chúng ta là ủng hộ một Đài Loan tự do.”
Các bức thư tiếp tục nói thêm rằng luật hiện hành của Hoa Kỳ, bao gồm cả Đạo luật Du lịch Đài Loan, quy định rằng Tổng thống Đài Loan được chào đón tại Hoa Kỳ.
TT Trump đã ký thành luật Đạo luật Du lịch Đài Loan vào tháng 03/2018 để thúc đẩy nhiều cuộc trao đổi chính thức cao cấp hơn giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Việc không cho Đài Loan “sự tham gia đầy đủ” vào APEC “đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ đang xin phép Trung Quốc để tiến hành mối bang giao song phương,” hai bức thư viết.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times