Nhà văn Washington Irving và sự khai sinh của chủ nghĩa lãng mạn Hoa Kỳ
Bản tự sự ngắn của nhà văn Washington Irving có tên “The Author’s Account of Himself” (Tạm dịch: “Trách nhiệm của tác giả đối với tự thân”) mở đầu cho tập sách gồm rất nhiều truyện ngắn có tựa đề “The Sketch Book” (Tạm dịch: “Sách phác thảo”). Cuốn sách được phát hành lần đầu tiên ở London vào năm 1809, và bài giới thiệu mang hơi hướng châm biếm này đưa ra một cái nhìn cô đọng về sự ngưỡng mộ của Irving dành cho lục địa Hoa Kỳ huy hoàng của ông:
“Những hồ nước hùng vĩ của nàng, như biển khơi với làn nước sóng sánh ánh bạc; những ngọn núi với sắc thái rạng ngời hư ảo; những thung lũng tràn trề đất đai hoang sơ và màu mỡ mà nàng sở hữu; những thác nước của nàng ầm ào đổ trong cô tịch; những dải đồng hoang trải dài vô tận dập dìu màu xanh ngát của cơ man cây cối; những dòng sông sâu bát ngát của nàng cuồn cuộn chảy trong thinh lặng rồi hòa vào biển khơi… Không, người Mỹ chẳng cần bất cứ cái nhìn nào xa hơn biên giới nước mình để trông chờ những cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ vô ngần này.”
Nhà văn trở lại với những dòng miêu tả cảnh thôn quê của Hoa Kỳ thuở ban sơ trong hai câu chuyện nổi tiếng nhất tập sách: “Rip Van Winkle” (Tạm dịch: “[Lão nông] Rip Van Winkle”) và “The Legend of Sleepy Hollow” (Tạm dịch: “Huyền thoại về [làng] Sleepy Hollow”). Từ những trải nghiệm cá nhân khi ở nơi xa xứ, việc Irving sử dụng những phong tục tập quán của Đức Quốc hòa cùng niềm hướng vọng về một Hoa Kỳ Thuộc Địa có chút quê mùa và đơn giản hơn cho thấy tính đối ngẫu cổ điển giữa những truyền thống của Cựu Thế Giới và sự tiến bộ công nghiệp. Sự phổ biến và hấp dẫn của cuốn “The Sketch Book” đã tạo ảnh hưởng lớn đến những cây bút khác của Hoa Kỳ như Edgar Allan Poe và Nathaniel Hawthorne.
Thành tựu của Irving
Irving đã được biết đến một cách rộng rãi như một tác giả đầu tiên thành công về mặt thương mại của Hoa Kỳ trong thời hậu Cách mạng. Tuyển tập “The Sketch Book” của ông đã được chấp bút và xuất bản ở Âu Châu, vì sau khi Irving bắt đầu biểu hiện những triệu chứng của bệnh lao, người anh rể của ông đã đưa ông rời New York đến lục địa Âu Châu trong khoảng hai năm, từ năm 1804 đến năm 1807. Trong quãng thời gian này, Irving đã thảo những đường nét phác họa ngắn gọn về văn hóa, con người, cảnh sắc thiên nhiên và [các vấn đề] chính trị.
Trong giai đoạn này, Irving chịu ảnh hưởng rất ít từ phong cách của các tác giả Hoa Kỳ. Hầu hết các tác phẩm được đăng trong suốt thời kỳ Cách mạng đều là dưới dạng thức của những bài luận hay sách ngắn về chính trị và các bài tiểu luận có tính châm biếm. Tuy nhiên, trong suốt kỳ nghỉ của mình ở Âu Châu, những nhà văn thuộc trường phái Lãng mạn Anh đều được đón đọc rộng rãi và được giới văn nghệ Anh Quốc chấp thuận. Dường như danh tiếng của Irving hẳn đã có chút vượt qua những tên tuổi khác như Byron, Coleridge, và Shelley.
Sau đó, sách của Irving đã được xuất bản thành bốn phần bắt đầu từ năm 1819 khi ông một lần nữa quay trở lại sống tại Anh Quốc. Khoảng thời gian ngụ ở Âu Châu kéo dài gần hai thập kỷ – khi ông thành công với tác phẩm “The Sketch Book” và trở thành bậc thầy của những con chữ đến từ Hoa Kỳ. Sức hấp dẫn của ông đối với khán giả Anh Quốc đến từ những câu chuyện có tính quan sát, như “Westminster Abbey” hay “A Sunday in London” (Tạm dịch: “Một ngày chủ nhật ở London”). Tuy vậy, hai câu chuyện “Rip Van Winkle” và “The Legend of Sleepy Hollow” vẫn là điều đã duy trì tên tuổi của ông trong giới văn chương Hoa Kỳ qua nhiều thế hệ.
Phong tục dân gian, tính lãng mạn và Hoa Kỳ Thuộc Địa
Lịch sử kể rằng, đầu những năm 1800 là thời đại của sự bành trướng chóng mặt và sự đột phá trong công nghệ ở cả Hoa Kỳ và Anh Quốc. Với sự ra đời của công nghệ hơi nước và khai thác than, cuộc sống của những người dân Hoa Kỳ đã bắt đầu phát triển như vũ bão. Thành phố New York có dân số 123,000 người vào năm 1820 và đã tăng lên đến 813,000 người vào năm 1850. Nhà văn Irving đã chứng kiến sự biến đổi to lớn về văn hóa và dân số này trong khi viết nên quyển “The Sketch Book.”
Cùng lúc đó, đất đai của Hoa Kỳ cũng tăng lên do [tổng thống] Jefferson đã mua Lãnh thổ Louisiana vào năm 1803 và nhanh chóng kéo theo sự mở rộng lãnh thổ về phía tây. Cả dải Thuộc Địa lớn được dưỡng thành từ vùng New York thưa thớt dân cư của Irving, và những chuyến đi dọc Âu Châu đang trong tiến trình công nghiệp hóa của ông đã in hằn trong ông một kỷ nguyên của sự thay đổi.
Những biến đổi trong chính trị, văn hóa văn nghệ và khoa học đang lướt qua một Âu Châu đang trong tiến trình công nghiệp hóa, và tư tưởng thời hậu Khai Sáng đã trái ngược hoàn toàn với Chủ nghĩa Lãng mạn đang thâm nhập vào [Âu Châu], khi mà chủ nghĩa này chủ yếu xoay quanh tinh thần hiệp sĩ và các thời đại quá vãng. “The Sketch Book” với những mô tả về cảnh sắc thôn quê, con người và các tín ngưỡng văn hóa tương đồng, đã được chuyền tay nhau trên khắp Hoa Kỳ thuở ban sơ trong những năm 1820, đồng thời cũng mang tải những nhân tố của Chủ nghĩa Lãng mạn.
Những mô tả của Irving về nét quê mùa của những người Hà Lan sống tại New York cho thấy sự quyến luyến của ông với thuở bình minh của lục địa này, [điều này được tìm thấy] trong cả hai tác phẩm “Rip Van Winkle” và “The Legend of Sleepy Hollow.” Điển hình như việc lão Rip đã trèo lên những ngọn núi gần đó và bị thu hút bởi vẻ đẹp của khung cảnh hiện lên trước mắt ông:
“[Rip] đã trông thấy vùng Hudson đáng kính ấy ở một nơi xa, xa phía dưới chân mình, trở mình trong cái thinh lặng và hùng vĩ ấy là bóng ảnh phản chiếu của một đụn mây tím, hay là một chiếc buồm từ vỏ cây lớn chầm chậm đây đó ngủ vùi trên mặt hồ trong như thủy tinh, và cuối cùng lạc mất chính mình trong màu xanh thẫm của miền cao nguyên.”
Hãy cân nhắc thêm đoạn văn trong truyện “Sleepy Hollow” (Tạm dịch: “Thung lũng ngủ quên”) mô tả vị trí của ngôi làng cổ ẩn náu bóng ma kỵ sĩ không đầu dưới đây:
“Con suối nhỏ khẽ lướt qua [thung lũng], cùng tiếng rì rầm đủ để vỗ về giấc say; và thi thoảng vang khẽ đâu đó tiếng chim cút hót, hay tiếng gõ cồm cộp của chim gõ kiến, đó gần như là những thanh âm duy nhất làm đánh động sự tĩnh tại luôn ngự trị.”
Nhà văn Irving xây dựng những câu chuyện về Hoa Kỳ thuở sơ khai với nội hàm sâu sắc bằng [lối văn] an bình và tĩnh lặng của thời quá vãng trước khi thêm vào đó những phong tục dân gian của Âu Châu. Sự kết hợp này tạo ra tính đối ngẫu rất dễ thấy trong văn chương của trường phái Gothic và trường phái Lãng mạn, như tác phẩm “Fall of the House of Usher” (Tạm dịch: “Căn nhà của Usher sụp đổ”) và “Ligeia” của Poe.
Những huyền thoại và phong tục tập quán
Tác phẩm của Irving đã hòa điệu nhuần nhị những huyền thoại của Đức Quốc với những phong tục và nét văn hóa của Hoa Kỳ thuở sơ khai, điều này được tìm thấy trong tác phẩm “Rip Van Winkle” và “Sleepy Hollow.” Các câu chuyện về ma quỷ, phù thủy và nét hoài cảm với thời đại tiền công nghiệp đã được các nhà văn trường phái Lãng mạn ủng hộ bằng tất cả sự chân thành đến tận cuối thế kỷ 18.
Như học giả văn học George Philip Krapp đã viết trong lời giới thiệu của quyển “The Sketch Book,” bản hiệu chỉnh năm 1906, thì cho đến tận thời điểm đó, vẫn chưa có tác phẩm nào bì được với hai câu chuyện giả tưởng kiểu Mỹ ấy. Hơn nữa, Irving đã cố gắng để sử dụng những phong tục dân gian Đức từ thời Cựu Thế Giới và trao cho chúng hơi thở để đến với cuộc sống của một Hoa Kỳ Thuộc Địa đương ngủ say. Ta có thể thấy điều này rất rõ trên những bước chân tiến lên đồi của lão Rip Van Winkle với những bóng ma của quỷ lùn Hendrick Hudson và nhóm của hắn ta, cùng những cú chuốc rượu say mèm đã đưa Winkle vào giấc ngủ li bì hơn hai thập kỷ. Để rồi khi thức dậy, ông thấy ngôi làng dáng dấp Hà Lan đậm chất làng quê và cổ kính của mình đã được thay thế bởi một Hoa Kỳ thời kỳ hậu Cách mạng, và những hoạt động chính trị địa phương đã tiếp quản quảng trường làng đầy thân ái của ông.
“Sleepy Hollow” cũng đồng thời lật tẩy những thứ ma quỷ mê tín của Cựu Thế Giới ẩn náu dưới thung lũng lặng im. Bản thân Kỵ sĩ Không đầu được mô tả như một viên lính Hessian của Đức Quốc trong Chiến tranh Cách mạng, và gã đã bước từng bước oai vệ trên những con đường và những bãi tha ma cô tịch của vùng thôn quê đương chìm trong đêm tối. Mô tả của Irving về sự bấu víu vào lề thói mê tín và phong tục dân gian của người dân địa phương đã vẽ nên một bức tranh đậm truyền thống Âu Châu hơn hẳn các miền đất khác trong kỷ nguyên Thuộc Địa, vốn chỉ chú trọng vào tính logic, duy lý, và phủi tay với những ý tưởng [ma quái] đại loại như thế:
“Cả khu vực này nhan nhản những câu chuyện kể của dân địa phương, những địa điểm âm ám, và những điều mê tín lúc chạng vạng, sao rơi và sao băng chớp sáng nhiều hơn những vùng khác trên đất nước…”
Thậm chí đến cả Ichabod Crane, người đàn ông được biết đến như một người học rộng hiểu nhiều, đã được gửi đến để giảng dạy cho trẻ em trong làng, cũng là người dễ bị tác động nhất bởi những câu chuyện vùng miền và những truyện huyền thoại vốn đã có ảnh hưởng mạnh mẽ. Nỗi sợ hãi này lại chính là thứ mà Brom Bones đang nuôi dưỡng trong cuộc chiến giành tình yêu của Katrina Van Tassel và là điều dẫn đến kết cục bi thảm của Crane khi ông đối diện với Kỵ sĩ Không đầu tại hồi cao trào của câu chuyện.
Hai câu chuyện trên đây đã thành công trong việc xây dựng tầm ảnh hưởng ban sơ của phong cách Lãng mạn Âu Châu đến nền văn học Hoa Kỳ vẫn còn chưa chớm nở. Cả truyện “Rip Van Winkle” và “The Legend of Sleepy Hollow” đều mang đến một cái nhìn Lãng mạn cho Hoa Kỳ Thuộc Địa với các cảnh sắc thôn quê và những ngôi làng say ngủ mà vẫn tôn lên những phong tục dân gian và huyền thoại đã du nhập từ lục địa Âu Châu. Phong cách kể chuyện này đã giúp lan tỏa ảnh hưởng làn sóng của các nhà văn Lãng mạn đến tầng lớp thượng lưu Hoa Kỳ, từ các nhà tư tưởng của Thuyết siêu việt như Thoreau và Emerson cho đến thời Lãng mạn đen tối của phong cách Gothic Hoa Kỳ như Hawthorne và Poe.
Cái nhìn dí dỏm, trào phúng và lắm lúc mỉa mai đối với con người, văn hóa và địa phương trong “The Sketch Book” cũng có ảnh hưởng đến phong cách văn chương của Mark Twain giai đoạn nửa sau thế kỷ 19.
Nếu chúng ta nhìn một lượt về những tác giả vĩ đại của Hoa Kỳ ở thế kỷ 19, chúng ta đều sẽ thấy những ảnh hưởng ban sơ của Irving như một nhà văn thành công về mặt thương mại. Chúng ta sẽ dành thời giờ để quay trở lại với công trình của ông và thưởng thức những hình dung về Thung lũng Hudson bình yên và tĩnh tại với đầy những truyền thống và phong tục dân gian âm ám từ Âu châu.
Dustin Fisher là một nhà văn và một nhà giáo dục. Ông đã đặt bút viết rất nhiều bài báo về phim ảnh và văn hóa đại chúng, đồng thời thực hiện nhiều buổi giảng dạy và thuyết giảng tại nhiều trường đại học ở cả Hoa Kỳ và Anh Quốc. Hiện nay, ông đang giảng dạy tại trường Đại học Edison State, song song đó, ông đang hoàn thành chương trình học tiến sĩ về nghiên cứu phim ảnh và văn học Mỹ tại trường Đại học Cincinnati.