Nhà thờ chính tòa, một ngọn núi, và mặt trăng thẳng hàng hoàn hảo trong một bức ảnh kỳ diệu: Thật ngoạn mục!
Bức ảnh ngoạn mục của nhiếp ảnh gia Valerio Minato chụp lại một nhà thờ chính tòa của Ý, mặt trăng, và những ngọn núi thẳng hàng hoàn hảo — đòi hỏi sự lên kế hoạch tỉ mỉ. Bằng cách sáng tạo ra một hình ảnh mới lạ, đột phá và thu hút sự chú ý, nhiếp ảnh gia Minato không chỉ mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới về một biểu tượng của thành phố, mà tác phẩm của ông còn giúp lưu giữ mãi khoảnh khắc huy hoàng của nhà thờ chính tòa được yêu mến này của Ý.
Với tựa đề “Nhà thờ chính tòa, ngọn núi, mặt trăng,” bức ảnh này chụp lại hình ảnh Vương cung thánh đường Superga ở Turin, thủ phủ của vùng Piedmont ở miền Bắc nước Ý, với dãy núi Monviso làm nền. Điểm nhấn chính là cảnh mặt trăng lặn, được chụp bằng kỹ thuật phơi sáng lâu để ghi lại phần tối của mặt trăng được chiếu sáng nhờ ánh sáng hắt từ trái đất, xuất hiện cạnh phần lưỡi liềm sáng chói.
Cách đây sáu năm, ông Minato, 42 tuổi, bị thu hút trước ý tưởng tạo ra bức ảnh kiệt tác này khi ông nhìn thấy cảnh tượng ba yếu tố này xếp thành đường thẳng. Những năm tiếp theo, ông nhiều lần nỗ lực để có được điều kiện chính xác nhất nhằm tạo ra bức ảnh mơ ước, nhưng ông đã nhiều phen không thành công.
“Vào năm 2017, tôi bắt đầu đánh dấu trên lịch những ngày mặt trăng lặn ở đúng pha, với góc vô cùng chính xác,” ông Minato chia sẻ với The Epoch Times. Để đạt được kết quả mong muốn, tính toán của ông phải chính xác đến trong khoản một phần mười độ. Chỉ cần sai lệch nhỏ nhất — lệch một chút sang trái hoặc phải — cũng sẽ dẫn đến thất bại.
Từ năm 2017, nhiếp ảnh gia người Ý kiên trì này đã phải trải qua nhiều lần thử nghiệm không thành công — cho đến đêm 15/12/2023. Một lần nữa, ông có mặt giữa các khu tự trị Castagneto Po và San Raffaele Cimena thuộc thành phố Turin, với tu viện phong cách Gothic-Romanesque (Gothic-châu Âu trung đại) trong tầm mắt. Trang bị máy ảnh Canon R5 và ống kính tele, cuối cùng, ông Minato cũng có được bức ảnh kỳ diệu mà mình đã mong đợi bấy lâu.
Ông cảm nhận được niềm hạnh phúc vỡ oà.
“Khi bạn chụp các yếu tố cách rất xa nhau,” ông nói, đề cập đến nhà thờ chính tòa, ngọn núi, và mặt trăng, “chúng ta cần điều kiện khí quyển và không khí lý tưởng — không khí rất trong lành. Có rất nhiều biến số khiến việc đạt được kết quả khó khăn hơn nhiều.”
Đối với ông Minato, người đã mua chiếc máy ảnh đầu tiên “cho vui” vào năm 2012 và sau đó trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, bức ảnh của ông chất chứa tinh thần chăm chỉ, kiên nhẫn, và không bao giờ từ bỏ.
Chia sẻ những hình ảnh ấn tượng của mình trực tuyến trên Instagram và Facebook, ông Minato đã nhận phải những lời chỉ trích cho rằng tác phẩm của ông ắt hẳn là giả. Để phản bác những người hoài nghi, ông đã thực hiện các “video hậu trường” trong khi tác nghiệp để chứng minh tính chân thực của những gì mình đang làm.
“Tôi sử dụng nó (video hậu trường) như một vũ khí để tự vệ,” ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng trong bức ảnh cụ thể này, không có gì được phóng đại. Việc sử dụng ống kính tiêu cự dài không làm thay đổi bất kỳ tỷ lệ nào mà chỉ đơn giản cho phép ông chụp lại các chi tiết nhỏ trong một vùng trời rất nhỏ.
Trong bức ảnh “Nhà thờ chính tòa, ngọn núi, mặt trăng,” mặt trăng có vẻ có kích thước cự đại do khoảng cách giữa các chủ thể được chụp.
“Kích thước biểu kiến của mặt trăng càng có vẻ lớn hơn khi chúng ta càng di chuyển xa khỏi chủ thể, trong trường hợp này là Vương cung thánh đường Superga. Nhưng thực tế, mặt trăng luôn có cùng kích thước, trong khi chủ thể trên mặt đất — Vương cung thánh đường — lại nhỏ dần khi chúng ta di chuyển ra xa,” ông nói.
Công đoạn hậu kỳ chỉ giúp điều chỉnh nhẹ về bóng đổ và ánh sáng, nhưng mọi thứ khác, như kích thước và tỷ lệ, đều hoàn toàn tự nhiên.
Ông Minato là một nhiếp ảnh gia tự học. Ông tốt nghiệp ngành hóa học và từng làm việc trong lĩnh vực hóa học dệt may ngay từ đầu sự nghiệp, nhưng nhanh chóng nhận ra đây không phải sở trường của mình. Xuất thân từ tỉnh Biella của vùng Piedmont, năm 24 tuổi, ông chuyển đến Turin để theo học ngành khoa học lâm nghiệp và khoa học; một bước ngoặt hoàn toàn so với [ngành học] ban đầu. Cuối cùng, ông Minato quyết định không theo đuổi công việc khoa học lâm nghiệp và môi trường mà thay vào đó, ông đã tìm thấy niềm đam mê với nhiếp ảnh.
“Làm việc trong bốn bức tường, trong phòng thí nghiệm, khiến tôi ngột ngạt,” ông nói. “Tôi cảm thấy khó chịu và không thể hình dung ra việc phải sống cả cuộc đời như vậy. Tôi chọn con đường học vấn đó vì nghĩ nó sẽ đưa tôi ra ngoài trời, hòa mình với thiên nhiên.”
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times