Nhà phân tích Trung Quốc: Bắc Kinh gây ảnh hưởng ở hải ngoại thông qua ba loại hãng truyền thông
Ông Hà Lương Mậu (Victor Ho) cho biết, nhiều cuộc họp giữa nhà ngoại giao Trung Quốc với các cơ quan truyền thông thân Bắc Kinh ở Canada làm dấy lên sự chú ý
Một nhà phân tích Trung Quốc cho biết Bắc Kinh chủ yếu sử dụng ba loại hãng truyền thông để gây ảnh hưởng ra hải ngoại và mở rộng quyền kiểm soát đối với cộng đồng Hoa kiều. Ông cũng nêu lên mối lo ngại về nhiều cuộc họp giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Canada với một số cơ quan truyền thông luôn miêu tả chế độ cộng sản này theo hướng có lợi trong các bản tin của họ.
Ông Hà Lương Mậu (Victor Ho), cựu tổng biên tập của tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily), đã phân định ba loại hãng truyền thông: các chi nhánh ở hải ngoại của truyền thông nhà nước Trung Quốc, các cơ quan truyền thông có nguồn gốc từ Hồng Kông chịu quỳ phục trước ảnh hưởng của Bắc Kinh, và các hãng truyền thông hải ngoại do các nhóm người Hoa thân Bắc Kinh tạo ra.
Ông Hà nói trong một cuộc phỏng vấn: “Việc mời các nhà lãnh đạo và các đại diện truyền thông đến lãnh sự quán này có nghĩa là [cuộc họp đang diễn ra ở] một khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”
“Khi ĐCSTQ mời [các đại diện trong ngành truyền thông] ‘trao đổi quan điểm’ hoặc ‘thảo luận’ trong lãnh sự quán của mình, vì địa điểm này được xem là địa bàn của Trung Quốc và ĐCSTQ, nên điều này cho thấy ý định gây ảnh hưởng đến các hãng truyền thông này cũng như lợi dụng họ để phổ biến những thông tin mà ĐCSTQ mong muốn. Do đó, điều này góp phần tạo thuận lợi cho ĐCSTQ xâm nhập và can thiệp vào lĩnh vực truyền thông của Canada.”
Ông Hà lấy sự kiện ngày 15/12/2022 làm ví dụ, trong đó ông Dương Thư (Yang Shu), tổng lãnh sự Trung Quốc tại Vancouver, đã mời đại diện của nhiều hãng truyền thông Hoa ngữ đến nơi ở chính thức của ông. Những hình ảnh cho thấy dòng chữ “họp mặt giới truyền thông” bằng tiếng Trung hiển thị trên một màn hình phía sau ông Dương.
Dawa News đưa tin, trong sự kiện này, ông Dương phủ nhận các cáo buộc về sự can thiệp của Bắc Kinh ở Canada, và nói rằng những cáo buộc đó “hoàn toàn là bịa đặt và vô lý” đồng thời kêu gọi “phía Canada ngừng theo đuổi những tin đồn, vu khống và bôi nhọ Trung Quốc, đồng thời ngừng lừa dối và gây hiểu lầm cho công chúng.”
Vào thời điểm đó, tin tức về các đồn công an chìm của Trung Quốc hoạt động trên đất Canada đang chiếm ưu thế trên mặt báo. Ngoài ra còn những cáo buộc khác như ĐCSTQ can thiệp vào các cuộc bầu cử liên bang của Canada.
Ông Dương cũng đề cập đến Chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương của Canada, được công bố hồi tháng 11/2022, trong đó xem Trung Quốc là một “cường quốc toàn cầu ngày càng gây hỗn loạn.” Theo Dawa News, ông nói rằng Canada đã làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc một cách bất công bằng cách phóng đại cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc.” Ông còn chỉ trích Canada vì đã cố gắng “gieo rắc mối bất hòa giữa giới lãnh đạo Trung Quốc và người dân” bằng cách đưa ra các vấn đề về Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông, và nhân quyền.
Rồi sau đó, một số cơ quan truyền thông đã đưa tin về sự kiện này bằng cách chủ yếu truyền tải những nhận xét của tổng lãnh sự Dương mà không đưa ra tiếng nói và quan điểm khác về những vấn đề này.
Một bài viết của tờ Dân Sinh Báo (Ming Sheng Bao), một công ty con của tờ Minh Báo (Ming Pao) ở Canada, đã sử dụng tiêu đề có thể tạm dịch là “Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Vancouver nói rằng Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada bắt nguồn từ sự hiểu lầm về định hướng hiện đại hóa của Trung Quốc.”
Ngay khi bài báo đó trình bày những nhận định của ông Dương mà không nêu lên bất kỳ nhận xét nào từ chính phủ Canada, thì tờ Tinh Đảo Nhật Báo cũng lặp lại tương tự lời chỉ trích của tổng lãnh sự đối với Canada mà không đưa ra quan điểm đối trọng từ phía Canada.
Theo thông cáo báo chí sau sự kiện do Lãnh sự quán Trung Quốc tại Vancouver đưa ra, ngoài Dawa News, các cơ quan truyền thông được mời tham dự cuộc họp báo hồi tháng 12/2022 còn có truyền thông nhà nước Trung Quốc Phoenix TV cũng như Minh Báo và Tinh Đảo Nhật Báo.
Ông Hồ cho biết một điểm chung của các hãng truyền thông này là lập trường không đối lập với Bắc Kinh. Ngược lại, ông cho biết các cơ quan truyền thông như The Epoch Times và Đài truyền hình NTD cùng hệ thống của hãng này, vốn thường xuyên đưa tin về các hành vi vi phạm nhân quyền và các hành vi sai trái khác của Bắc Kinh, đã không được mời tham dự sự kiện này.
Các cuộc họp với giới báo chí
Đại sứ Trung Quốc tại Canada Tùng Bồi Võ (Cong Peiwu), cùng với tổng lãnh sự quán Trung Quốc, đã tổ chức nhiều “cuộc họp trao đổi” với các nhân viên truyền thông, phần lớn từ các chi nhánh hải ngoại của truyền thông nhà nước Trung Quốc và từ các hãng truyền thông địa phương liên kết với Bắc Kinh.
Vào ngày 02/11/2022, sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 22/10, ông Tùng đã gặp đại diện của chín hãng truyền thông Hoa ngữ nổi tiếng ở Canada tại một hội nghị truyền thông chuyên đề. Theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán Trung Quốc, đại sứ “đã giới thiệu tinh thần của Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bài diễn văn khai mạc.”
Đại hội Toàn quốc của ĐCSTQ là một sự kiện quan trọng quy tụ các quan chức cao cấp của Đảng, được tổ chức năm năm một lần. Ông Tùng nhấn mạnh rằng ĐCSTQ “có một thông điệp quan trọng cần truyền tải khắp thế giới,” trong đó nhấn mạnh lập trường chính thức của Bắc Kinh về tham vọng được giữ các vai trò then chốt trong quản trị toàn cầu.
Hồi tháng 01/2021, ông Tùng đã tổ chức một cuộc họp báo tương tự thông qua hội nghị từ xa. Trong cuộc họp báo này, ông ca ngợi cách ĐCSTQ giải quyết đại dịch COVID-19 và kêu gọi Canada trả tự do cho giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Chu, người đã bị bắt ở Canada theo một yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ vì các cáo buộc gian lận tài chính.
Vào ngày 19/12/2017, bà Đồng Hiểu Linh (Tong Xiaoling), khi đó là tổng lãnh sự Trung Quốc tại Vancouver, đã tổ chức một cuộc họp mặt với đại diện của 17 hãng truyền thông, bao gồm các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã và Phoenix TV, cũng như Minh Báo và Tinh Đảo Nhật Báo. Tại cuộc họp, bà ca ngợi chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Justin Trudeau trước đó trong tháng và thông báo ngắn gọn về “tác động sâu sắc và ý nghĩa quan trọng” của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ĐCSTQ đối với Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Vào ngày 14/07/2016, vài ngày sau khi tòa trọng tài quốc tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, bà Lưu Phi (Liu Fei), tổng lãnh sự đương thời của Trung Quốc tại Vancouver, đã gặp gỡ 13 hãng truyền thông, bao gồm Tân Hoa Xã, Phoenix TV, Minh Báo, và Tinh Đảo Nhật Báo. Bà Lưu nhắc lại sự phản đối của Bắc Kinh đối với phán quyết của tòa án này và kêu gọi “người dân Trung Quốc hành động để bày tỏ quan điểm của mình một cách hợp lý, có lợi, và sáng suốt.”
Hồi năm 2021, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc công ty con của Tinh Đảo tại Hoa Kỳ phải ghi danh làm đại diện ngoại quốc. Hai hãng truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc, Tân Hoa Xã và Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, đã được đề nghị ghi danh hoạt động tại Hoa Kỳ với tư cách là đại diện của một cơ quan ngoại quốc vào năm 2018.
Ông Hà cho biết các hãng truyền thông được các phái bộ ngoại giao Trung Quốc mời tham dự những sự kiện như vậy thường đối mặt với áp lực phải truyền tải luận điệu của Bắc Kinh hoặc “kể hay câu chuyện về Trung Quốc.” Cụm từ này ám chỉ khẩu hiệu tuyên truyền ở hải ngoại của ĐCSTQ nhằm nâng tầm hình ảnh của chế độ này trên toàn thế giới, đồng thời ủng hộ các mục tiêu chính trị của chế độ này trên quy mô quốc tế.
“Thay vì đưa ra thông tin thay thế đối trọng với nội dung tuyên truyền của ĐCSTQ, [các hãng truyền thông này] có xu hướng khuếch đại việc quảng bá nội dung này,” ông Hồ nói. “Vì vậy, những cái gọi là trao đổi, thảo luận này chỉ phục vụ mục đích thúc đẩy nghị trình của ĐCSTQ.”
Ông cho biết, ngược lại, nếu một cơ quan truyền thông được mời không đáp ứng được mong đợi của ĐCSTQ, thì về sau cơ quan đó sẽ không được mời tham dự các sự kiện khác nữa và cũng sẽ trở thành một mục tiêu tấn công của ĐCSTQ.
Mở rộng hoạt động ‘tẩy não’ của ĐCSTQ ở hải ngoại
Ông Hồ cho biết ba loại hãng truyền thông Hoa ngữ chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ đã đóng một vai trò đáng chú ý trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động truyền bá “tuyên truyền nhồi sọ” của chế độ này.
Ông cho biết, ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt ở những người không thông thạo các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Quan Thoại. Sự phụ thuộc của họ vào các nền tảng truyền thông xã hội được phát triển bằng Hoa ngữ do ĐCSTQ giám sát, như WeChat và Weibo, càng khiến ảnh hưởng này gia tăng.
“Nhiều Hoa kiều, bao gồm cả thế hệ lớn tuổi và thậm chí cả người nhập cư từ Hoa lục, ghi danh cùng một nội dung từ các nguồn truyền thông tuân thủ chặt chẽ khuôn khổ tuyên truyền ngoại giao của ĐCSTQ,” ông Hồ nói. “Do đó, những thế hệ sau cũng đều chịu ảnh hưởng từ luận điệu này.”
Bằng cách này, ĐCSTQ đã thành công trong việc bảo đảm rằng những người Hoa sinh sống ở hải ngoại “nhận được những tin tức giống nhau và trải qua quá trình tẩy não chính trị giống như những người ở Hoa lục.” Ông cho biết, thông lệ tồn tại từ lâu này đã góp phần làm giảm bớt những lời chỉ trích chống lại ĐCSTQ.
Ông Hồ kêu gọi Canada áp dụng các dự luật tương tự như ở Hoa Kỳ, yêu cầu các công ty con của các hãng truyền thông thân Bắc Kinh phải ghi danh làm đại diện ngoại quốc. Ông nhấn mạnh rằng việc ghi danh như vậy sẽ giúp bảo đảm các cơ quan truyền thông như vậy được xác định rõ ràng.
Trong những tháng gần đây, Canada đã tham gia vào các cuộc thảo luận về khả năng thiết lập một đạo luật ghi danh minh bạch ảnh hưởng của ngoại quốc, trong khi một số nhóm Hoa kiều ở Canada có lịch sử liên kết với Bắc Kinh đã phản đối đề nghị này. Một số người đã trích dẫn sự phân biệt chủng tộc, trong khi những người khác đã liên kết dự luật này với Đạo luật Nhập cư Trung Quốc năm 1923 không còn hiệu lực của Canada vốn dĩ cấm hầu như tất cả người nhập cư gốc Hoa trong 24 năm.
Ông Hồ bác bỏ những lập luận này, cho rằng điều đó là “ngớ ngẩn và vô lý.”
Ông nói: “Với một quy định về ghi danh đại diện ngoại quốc, việc vạch trần [ý định thực sự của] một số hãng truyền thông sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Mặc dù những hãng này bề ngoài thì như đang cung cấp tin tức bằng tiếng Trung nhưng trên thực tế, họ đang phục vụ lợi ích của ĐCSTQ.”
“Một quy định ghi danh đại diện ngoại quốc sẽ vạch trần cả những tuyên bố và động cơ ẩn giấu của họ, từ đó thông báo cho công chúng, đặc biệt là cộng đồng người Hoa. Có thể biết liệu một hãng thông tấn đó thực sự là hãng truyền thông độc lập hay cơ quan quảng bá tuyên truyền của ĐCSTQ.”
Năm nhóm mục tiêu
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), từng là nhà ngoại giao Trung Quốc tại Úc đã đào thoát năm 2005, trong chuyến thăm Canada trước đó đã tiết lộ các chiến lược của ĐCSTQ nhằm gây ảnh hưởng đối với các hãng truyền thông Hoa ngữ ở ngoại quốc. Ông cho biết mục tiêu chính của họ là làm mất uy tín và đe dọa các thành viên của năm nhóm người cụ thể: người Tây Tạng lưu vong, người Đài Loan, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các nhà hoạt động dân chủ, và nổi bật nhất là các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
ĐCSTQ đã theo đuổi một cuộc đàn áp không ngừng nghỉ đối với các học viên Pháp Luân Công kể từ tháng 07/1999. Ông Trần, với tư cách là bí thư thứ nhất của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney trước khi đào tẩu, là thành viên của Nhóm Công tác Đặc biệt Chống Pháp Luân Công của lãnh sự quán này. Nhóm này bao gồm người đứng đầu các phòng ban khác nhau tại lãnh sự quán, bao gồm cả tổng lãnh sự.
Trích dẫn một biên bản cuộc họp của nhóm, ông Trần đã mô tả chi tiết cụ thể về “các hoạt động chống Pháp Luân Công” của nhóm này. Một vụ việc liên quan đến một tờ báo địa phương bằng tiếng Trung đã bị khiển trách vì đăng quảng cáo về Pháp Luân Công. Theo biên bản được cung cấp cho The Epoch Times vào thời điểm đó, tổng biên tập và tổng giám đốc của tờ Australian Chinese Daily (Tin tức Úc Châu) đã hứa sẽ không in bất kỳ bài viết hay quảng cáo nào về Pháp Luân Công nữa mà thay vào đó sẽ in các bài viết bài xích Pháp Luân Công vì đó là những gì mà lãnh sự quán đã “khuyến nghị.”
Các kế hoạch hợp tác
The Epoch Times trước đó cũng đưa tin về các trường hợp trong đó một số tờ báo Hoa ngữ ở Canada được cho là đã bị gây áp lực để thực hiện các hành động thuận theo lợi ích của Bắc Kinh.
Hồi năm 2015, Chinese Canadian Post có trụ sở tại Toronto, lúc đó được biết đến với việc phân phối một phụ trang của tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, đã sa thải tổng biên tập của tờ này, cô Helen Wang.
Theo Globe and Mail, vụ việc xảy ra sau khi cô Wang xuất bản một bài báo chỉ trích ông Trần Quốc Trị (Michael Chan), một bộ trưởng nội các Ontario từ năm 2007 đến năm 2018, người từng là đối tượng bị Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) cảnh báo tới chính phủ Ontario vào năm 2010 vì mối liên hệ chặt chẽ của ông với Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto. Ông Trần, người chưa phúc đáp các yêu cầu bình luận của The Epoch Times, đã khởi kiện tờ The Globe and Mail vì các bản tin của họ.
Vào thời điểm đó, cô Wang cho biết cấp trên của cô đã nói với cô rằng bài báo đã làm dấy lên nhiều lời phàn nàn, bao gồm từ Lãnh sự quán Trung Quốc và chủ sở hữu tờ báo, ông Ngụy Thành Nghĩa (Wei Chengyi). Khi đó, ông Ngụy cũng là chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức người Canada gốc Hoa ở Toronto (CTCCO), một nhóm thường có các quan điểm liên kết với Bắc Kinh. Ông Ngụy chưa phúc đáp các yêu cầu bình luận của Epoch Times.
Trong khi bà Wang cho biết tờ báo này đã sa thải bà do áp lực từ Lãnh sự quán Trung Quốc sau khi bà đăng bài báo chỉ trích ông Trần, thì tờ Chinese Canadian Post lại đưa ra tuyên bố phủ nhận cáo buộc của bà rằng tờ báo này chịu ảnh hưởng chính trị của lãnh sự quán.
Global News đưa tin vào tháng 11/2022 rằng sau đó ông Ngụy đã bị điều tra trong hai cuộc điều tra riêng biệt của CSIS liên quan đến sự can thiệp của ngoại quốc.
Tương tự như tờ Chinese Canadian Post, vốn có một phụ trang dành cho truyền thông nhà nước Trung Quốc, ấn bản Minh Báo ở Toronto cũng đôi khi in nội dung từ Nhật Báo Quảng Châu, tờ báo chính thức của Ủy ban thành phố Quảng Châu (GMC) của ĐCSTQ. Theo một bài báo hồi tháng 04/2005 được đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Sina.com, hai tờ báo này đã đạt được thỏa thuận tạo ra một ấn bản đặc biệt ở Bắc Mỹ. The Epoch Times chưa xác nhận độc lập liệu những dự án hợp tác này còn tiếp tục diễn ra hay không.
Bản tin có sự đóng góp của Kathy Han và Madalina Hubert
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times