Nhà phân tích: Cơn bão kinh tế hoàn hảo của Trung Quốc làm tăng tốc quá trình tách khỏi Hoa Kỳ, nhưng không phải theo ý ông Tập
Theo ông Christopher Balding, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh, dòng tiền sẽ tiếp tục chảy ra khi lợi tức đầu tư vào Trung Quốc không còn tương xứng với rủi ro khi giao dịch với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Và kết quả là sự tách rời giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tăng tốc, ông nói thêm.
Ông dự báo lãi suất của Hoa Kỳ sẽ cao hơn lãi suất của Trung Quốc trong một “khoảng thời gian lâu dài,” ít nhất là đến năm 2025. Trong vài tháng qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nhiều lần hạ lãi suất cơ bản để kiểm soát giảm phát và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất để giảm lạm phát.
Trong thế giới kinh doanh nơi lợi tức trái phiếu chính phủ cho biết tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI) của công ty, tỷ lệ này thường cao hơn do rủi ro lớn hơn, các nhà đầu tư liên tục so sánh ROI giữa các lựa chọn khác nhau.
Hiện tại, lãi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm của Hoa Kỳ là khoảng 5% và lãi suất trái phiếu chính quyền trung ương Trung Quốc kỳ hạn 2 năm là khoảng 2%. Mức chênh lệch 3% đó cho thấy sự khác biệt về ROI của doanh nghiệp ở cùng quy mô.
“Điều đó sẽ thực sự gây áp lực khiến tiền rút khỏi Trung Quốc bởi vì những thắc mắc đại loại như ‘Tại sao tôi lại đâm đầu vào rắc rối khi giao dịch với Trung Quốc trong khi tôi có thể nhận được lợi nhuận tương tự khi đầu tư ở nơi khác? Đầu tư ở đây để làm gì? Tôi không cần phải chịu rắc rối của việc làm ăn với ĐCSTQ,’” ông nói với The Epoch Times.
Cơn bão hoàn hảo
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã gặp khó khăn trong nhiều tháng và không đạt được sự bùng nổ sau đại dịch như nhiều người mong đợi. Bản công bố dữ liệu mới nhất vào tháng Bảy cho thấy xuất cảng giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái kể từ trước đại dịch và nhập cảng giảm trong năm tháng liên tiếp. Giá xuất xưởng giảm tháng thứ mười liên tiếp, trong khi doanh số bán nhà mới cho thấy mức giảm hàng tháng đáng kể nhất kể từ tháng 07/2022.
Nhiều người đã mô tả Trung Quốc đang ở giữa cơn bão hoàn hảo về kinh tế dựa trên dữ liệu vĩ mô đó, cùng với việc các chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản mắc nợ nặng nề và dân số già với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên trên 20%, con số mà ĐCSTQ đã quyết định ngừng báo cáo vào tháng Tám.
Tuy nhiên, đối với ông Balding, cơn bão hoàn hảo này còn có một động lực khác: những khó khăn trong việc ứng phó với ĐCSTQ khiến lợi nhuận bị giảm sút. Ông nói thêm rằng hiệu ứng “làm phức tạp thêm” này khiến việc đầu tư vào Trung Quốc trở nên rủi ro hơn và ít hấp dẫn hơn. Ông nói, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tìm cách đầu tư vào những nơi khác không có rủi ro cao như những gì mà ĐCSTQ đang áp đặt lên môi trường ở Trung Quốc.
Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc (FDI) vào Trung Quốc đã tăng 4.9 tỷ USD trong quý 2, giảm 87% so với tháng 07/2022 và là mức giảm đáng kể nhất so với cùng thời kỳ năm ngoái kể từ năm 1998.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lĩnh vực bất động sản, một lĩnh vực từng chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc, đã giảm gần 18% lượng đầu tư tính theo năm trong tháng Bảy.
Theo ông Bert Hofman, người đứng đầu Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore và là cựu giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, lợi nhuận trên tài sản của doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã giảm xuống 3.9% vào năm 2022 từ mức 9.3% của năm năm trước, đồng thời lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước giảm từ 4.3% xuống 2.8% trong cùng thời kỳ.
Tách rời không theo các điều khoản của ông Tập
Theo ông Balding, kiểu tách rời trong tương lai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không giúp ích gì cho ông Tập Cận Bình, lãnh đạo đương thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi vì “đó là tách rời theo những điều khoản của người khác.” Ông nói thêm rằng tách rời theo các điều khoản của ông Tập có nghĩa là có được các khoản đầu tư mang theo bí quyết của các công ty Hoa Kỳ rồi sau đó đuổi các công ty này ra khỏi Trung Quốc ngay khi ông ấy có mọi thứ mình cần.
Việc tách rời hiện tại là theo các điều khoản của Hoa Kỳ, ông Balding cho biết, lấy sắc lệnh gần đây của Tổng thống Joe Biden làm ví dụ.
Vào ngày 09/08, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh nhằm hạn chế các khoản đầu tư có nguồn gốc từ Hoa Kỳ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, và chất bán dẫn. Những ngành này là những ngành chiến lược đã được ông Tập xác định là nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai và thúc đẩy hướng tới các mục tiêu của ông Tập về “giấc mơ Trung Hoa” — giấc mơ thống trị toàn cầu.
Đáp lại hành động này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và gọi sắc lệnh là “sự cưỡng ép kinh tế và chèn ép công nghệ một cách trắng trợn.”
Bốn ngày sau, ĐCSTQ ban hành bản hướng dẫn mới gồm 24 điểm nhằm “cải thiện môi trường đầu tư ngoại quốc và tăng cường các nỗ lực thu hút đầu tư ngoại quốc.” Tài liệu này kêu gọi đầu tư nghiên cứu và phát triển từ ngoại quốc vào các dự án khoa học quan trọng như công nghệ sinh học và năng lượng xanh.
Tại một cuộc họp báo hôm 14/08, ông Diêu Quân (Yao Jun), trưởng bộ phận kế hoạch của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, cho biết ĐCSTQ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư FDI vào các ngành “sản xuất tân tiến” và “bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường” ở trung tâm phía Tây và phía Đông Bắc Trung Quốc.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times