Nhà lãnh đạo anh minh nên biết yêu thương cấp dưới của mình
Khi tôi còn là một cậu bé mới lớn, ông tôi – một đại úy trong Thủy quân lục chiến – đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một vị tướng mà ông gặp trong chiến tranh Việt Nam. Khi ông tôi đến gặp vị tướng này, ông ta đang điện đàm để giải cứu một nhóm lính thủy đánh bộ, một nhiệm vụ giải cứu mà sau đó đã biến thành một trận chiến tổng lực.
Thủy quân lục chiến có một tín điều là không bao giờ bỏ rơi đồng đội, dù còn sống hay đã tử vong. Một nhóm lính thủy đánh bộ bị phục kích trong khi đang cố gắng bảo toàn thi thể của những người lính thuộc đơn vị khác, và nhóm tiếp theo được phái đến làm quân tiếp viện cũng bị phục kích.
Vị tướng đã cố gắng hết sức để cứu những người lính trẻ. Ông quay sang ông tôi với những giọt nước mắt chảy dài trên má và nói: “Các con trai của tôi đang chết dần ở ngoài đó.”
Khi ông tôi nói về những nhà lãnh đạo giỏi, ông thường đề cập đến câu chuyện này.
Nhân tố cốt lõi làm nên một nhà lãnh đạo giỏi là yêu quý những người mà mình đang dẫn dắt. Thời nhà Hán, có câu nói nổi tiếng của Quỷ Cốc Tử rằng: “Người có tài nhưng không có đức, không thể chỉ huy một đạo quân.”
Nhà lãnh đạo xem trọng cấp dưới của mình là một trong những đặc điểm then chốt để nhận biết đó là một vị vua hiền hay một bạo chúa. Đó cũng là đức tính để nhận biết một tướng lĩnh có quan tâm quyết định của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vận mệnh của binh lính hay không, và người trị vì có quan tâm các chính sách của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân hay không.
Theo quan điểm này, một ông chủ có thể điều hành công ty một cách hiệu quả và quy củ nhưng vẫn bị nhân viên ghét bỏ. Một người đàn ông có thể có một gia đình nề nếp nhưng vẫn bị vợ khinh thường.
Lý do là vì một người có khả năng lãnh đạo không nhất thiết sẽ trở thành một lãnh đạo giỏi. Tính hiệu quả, quy củ và thậm chí cả những kết quả hữu hình không phải lúc nào cũng là thước đo của một nhà lãnh đạo anh minh. Lịch sử lưu lại rất nhiều nhà lãnh đạo vĩ đại, nhưng không phải tất cả trong số họ đều có đức hạnh, dù thành tích của họ có ảnh hưởng sâu rộng nhưng đó là những di sản bại hoại.
Lòng trắc ẩn của một nhà lãnh đạo
Vào đầu những năm 1700, Yamamoto Tsunetomo đã viết trong cuốn “Hagakure”, một cuốn sách hướng dẫn cho các Samurai, rằng “lý do tại sao mọi người vẫn tôn kính các nhà hiền triết của ba vương quốc cổ đại là vì tấm lòng nhân từ vô hạn của họ.”
Tsunetomo nói rằng ông ý thức được điều gì làm nên lòng dũng cảm và trí tuệ, nhưng về sau ông mới hiểu được lòng trắc ẩn là gì.
Ông trích dẫn lời của Tokugawa Ieyasu, người sáng lập Mạc phủ Tokugawa đầu tiên của Nhật Bản: “Nếu người cai trị yêu thuộc hạ và người dân của mình như con cái của họ, thì đáp lại, những người dân cũng sẽ coi người trị vì như cha mẹ của họ. Nguyên lý căn bản của việc điều hành một vương quốc hòa bình là tấm lòng trắc ẩn.”
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle cũng có quan điểm tương tự về việc lãnh đạo. Trong cuốn “Đạo đức Nicomachean” (Nicomachean Ethics) viết từ giữa những năm 300 TCN, ông gọi chính trị là “nghệ thuật tối cao và có quyền lực nhất” với khát vọng hướng tới cái thiện.
Tu dưỡng đức hạnh
Quan điểm của Aristotle dựa trên ý tưởng cho rằng đạo đức thiện lương và sự tu dưỡng phẩm hạnh là nguồn vui chân chính; và rằng trong bối cảnh chính trị, một nhà lãnh đạo thực sự sẽ biểu hiện những đặc điểm của lòng tốt và đức hạnh, đồng thời nuôi dưỡng những giá trị này trong con người mình. Chính trị là một lĩnh vực được thực hiện vì lợi ích của người khác, thông qua việc thực hành đạo đức.
“Biến tướng của chế độ quân chủ là chế độ chuyên chế, tuy cả hai đều là hình thức một người có quyền cai trị, nhưng có sự khác biệt lớn giữa hai chế độ này: Bạo chúa coi trọng lợi ích của mình; còn vua chăm lo cho thần dân của mình,” Aristotle viết.
“Một người đàn ông không phải là một vị vua trừ phi bản thân anh ta có đủ tố chất cần thiết và tấm lòng nhân hậu của anh ta vượt xa thần dân của mình, một người như vậy sẽ không cần gì thêm. Vì vậy, anh ta cũng sẽ không xem trọng lợi ích của mình mà xem trọng lợi ích của thần dân, một vị vua không đạt được phẩm hạnh như vậy sẽ chỉ là một vị vua trên danh nghĩa.”
Aristotle nói thêm rằng chế độ chuyên chế trái ngược với nguyên tắc này, vì “bạo chúa chỉ theo đuổi lợi ích của mình.”
Chúng ta hãy cùng điểm qua tác phẩm binh pháp kinh điển của Trung Quốc “Thái công lục thao” (Tai Gong Six Secret Teachings) do Khương Tử Nha sáng tác. Trong đó có đoạn vua Văn, người sáng lập nhà Chu, hỏi Khương Tử Nha làm thế nào để cai trị một đất nước mà vua được tôn vinh còn dân chúng thì hài lòng.
Khương Tử Nha trả lời: “Chỉ cần thương yêu thần dân.”
Vua Văn đáp lại bằng câu hỏi: điều này có nghĩa là gì trong thực tế. Ngài nhận được câu trả lời rằng đó là các nguyên tắc bao gồm bảo vệ công ăn việc làm cho người dân, giữ mức thuế thấp và tránh hành động vì tư lợi hay tham nhũng với cương vị lãnh đạo.
Khương Tử Nha nói: “Do vậy, một người xuất sắc trong việc điều hành đất nước sẽ cai trị người dân như cha mẹ nuôi nấng những đứa con yêu quý của mình hoặc như một người anh trai cư xử với đứa em trai yêu quý của mình. Khi thấy người dân bị đói và lạnh, phải cảm thấy lo lắng cho họ. Khi thấy người dân lao động và chịu đựng khó nhọc, phải cảm thấy thương xót cho họ.”
Vua Đường của Trung Quốc được cho là hội tụ đủ những phẩm chất này. Bộ sách cổ “Hoài Nam Tử” (Huainanzi) đã mô tả ông như sau: “Đức hạnh và lòng nhân ái của ông thấm đẫm khắp mọi nơi, do vậy những người bị áp bức và người nghèo cảm thấy như được an ủi. Ông xoa dịu những ai đang than khóc cho người đã khuất; ông hỏi thăm người mới ốm dậy và ban phát đồ ăn cho trẻ mồ côi và góa phụ. Người dân gắn bó với ông bằng tình cảm chân thật, họ sẵn sàng tuân thủ mệnh lệnh của ông.”
Mở rộng tâm trí
Các nhà lãnh đạo nhân đức luôn sở hữu một tâm trí rộng mở và khoáng đạt – họ có khả năng nhìn thấu bức tranh toàn cảnh rộng lớn và dẫn dắt mọi người đi trên con đường đến kết quả tốt nhất. Điều này đòi hỏi việc tiếp nhận và cân nhắc nhiều quan điểm khác nhau, không nên đi trên con đường dễ dàng và thoải mái và còn phải suy xét đến nhu cầu và mong muốn của người khác.
Lòng nhân từ gắn liền với việc quản trị là một chủ đề phổ biến ở nhiều nền văn hóa. Cẩm nang để đạt được điều này có trong nhiều tác phẩm kinh điển dành cho các nhà lãnh đạo. Cuốn “Quy tắc của chiến binh” (The Warrior’s Rule) của Tsugaru Kodo-shi có viết: “Quản trị dân sự chỉ bao gồm hai điều: nhân từ và quản trị. Đức tính nhân từ sẽ ban tặng lợi ích; việc quản trị sẽ thiết lập các quy định. Như vậy, chính phủ mới hoạt động hiệu quả.”
Quản lý vi mô
Cổ nhân cũng đã cảnh báo không nên áp dụng hình thức quản lý vi mô, kiểm soát chuyên chế các cá nhân đến từng hành động. Ở Trung Quốc cổ đại, quyền lực của nhà nước không trải dài đến dưới cấp quận, nhà lãnh đạo giỏi trông cậy vào trí tuệ và hiểu biết sâu sắc của những người xung quanh mình để phát triển một tầm nhìn khoáng đạt và rộng mở.
Văn bản Nho giáo “Khổng Tử Gia Ngôn” (Những câu danh ngôn của Khổng Tử) nói rằng “Nước quá trong thì không có cá, người xét nét quá thì không ai gần”. Cũng theo quan điểm này, nhà quản lý vi mô hay phán xét những sai sót nhỏ của người khác sẽ không có được lòng trung thành và sự tôn trọng của người cấp dưới.
Tổng thống Hoa Kỳ và cũng là cựu Đại tướng Liên minh Ulysses S. Grant đã thể hiện sự thấu hiểu của ông về binh lính của mình cũng như biệt tài ứng biến chiến lược của họ khi tình thế yêu cầu. Ông từng nói: “Tôi không đặt ra cho các bạn một kế hoạch tác chiến, mà chỉ đơn giản là đưa ra công việc cần phải hoàn thành và để các bạn tự do thực hiện nó theo cách riêng của riêng mình.”
Cố vấn uyên bác
Để thu hút được những cố vấn uyên bác, các nhà lãnh đạo cần phải thực hành các giá trị tốt đẹp và yêu thương người dân của họ. Tác phẩm “Ba chiến lược” (Three Strategies) của Huang Shigong viết: “Nếu lòng nhân từ của bạn rộng mở với mọi người, thì những nhà thông thái sẽ đến với bạn; nếu lòng nhân từ của bạn đến với vạn vật, thì các nhà hiền triết sẽ đến với bạn. Nếu những nhà thông thái đến với bạn, đất nước của bạn sẽ hùng mạnh; nếu các nhà hiền triết đến giúp đỡ bạn, cả thế giới sẽ được thống nhất.”
Tuy nhiên, những lời cố vấn uyên bác không phải dành cho những mục đích ích kỷ. “Ba chiến lược” lưu ý rằng mục tiêu cần phải hướng tới chính là sự tốt đẹp của xã hội.
“Ba chiến lược” còn viết: “Những người giúp đỡ thế giới khi gặp nguy hiểm mới có thể thiết lập hòa bình trên thế giới. Những người loại bỏ những mối lo của thế giới mới có thể trải nghiệm niềm vui của thế giới. Những người cứu thế giới khỏi tai họa mới có thể nhận được phước lành của thế giới.”
Tác giả: Joshua Philipp, là phóng viên điều tra cấp cao của The Epoch Times.
Joshua Philipp
Minh Vi biên dịch
Xem thêm: