Nhà kinh tế: Việc ông Tập chỉ thị ngân hàng trung ương khởi động lại việc mua trái phiếu chính phủ sẽ dẫn đến khủng hoảng cầm quyền
Sự can thiệp của ngân hàng trung ương Trung Quốc vào trái phiếu nhà nước sẽ dẫn đến siêu lạm phát
Một nhà kinh tế học ở Đài Loan cho rằng chỉ thị của lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu ngân hàng trung ương tiếp tục giao dịch trái phiếu kho bạc là tương đương với việc in thêm tiền để giải quyết tình trạng khó khăn kinh tế hiện tại, một hành động mà sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng cầm quyền đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), ngân hàng trung ương của Trung Quốc, đã không bắt đầu giao dịch ngay lập tức kể từ khi có chỉ thị của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương vào tháng 10/2023. Lãnh đạo cộng sản đã yêu cầu PBC làm phong phú bộ công cụ chính sách tiền tệ của mình bằng cách “tăng dần giao dịch trái phiếu chính phủ trong hoạt động thị trường mở.”
Việc lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh cho ngân hàng trung ương mua thêm trái phiếu chính phủ là một điều hiếm thấy và bất thường. Trong hai thập niên qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc ít khi sử dụng công cụ chính sách này. Ngân hàng thường dựa vào các phương pháp khác, chẳng hạn như tái cấp vốn và điều chỉnh tỷ lệ dự trữ tiền gửi bắt buộc đối với các ngân hàng để bơm thanh khoản vào thị trường.
Ông Ngô Gia Long (Wu Chia-lung), nhà kinh tế vĩ mô và nhà nghiên cứu kinh tế trưởng của AIA Capital Đài Loan cho biết: “Trong kinh tế học, biện pháp này được gọi là tiền tệ hóa trái phiếu.” Ông giải thích thêm rằng ĐCSTQ hiện đang thiếu tiền mặt nên đã thúc giục ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ các cấp. “Hành động này còn gọi là tiền tệ hóa nợ chính phủ, và thường dẫn đến lạm phát nghiêm trọng.”
Trong cuộc phỏng vấn hôm 03/04 với The Epoch Times, ông Ngô đã chỉ ra hai hình thức của thị trường trái phiếu: thị trường sơ cấp hay thị trường phát hành và thị trường thứ cấp hoặc thị trường thanh khoản.
Giả như tham gia giao dịch trên thị trường sơ cấp, thì ngân hàng trung ương sẽ chứng thực cho bao nhiêu trái phiếu mà Bộ Tài chính muốn bán, giống hệt như việc in tiền trực tiếp hay phát hành tiền tệ. Theo ông Ngô, hành động này không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng cầm quyền trong tương lai.
“Trong những trường hợp thông thường, ngân hàng trung ương có thể giao dịch trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp, tức là thị trường thanh khoản. Tuy nhiên, nếu các tổ chức tài chính hoặc nhà đầu tư không lạc quan về thị trường, thì trái phiếu sẽ không thể bán được.”
Ông Ngô lưu ý rằng ĐCSTQ đã đi đến một thời điểm quan trọng mà không còn cách nào thoát ra khỏi trạng thái hỗn loạn kinh tế của chính họ, do đó phải phát hành thêm trái phiếu và sau đó chỉ thị Ngân hàng Trung ương mua số trái phiếu đó hoặc in thêm tiền để tiêu hóa số trái phiếu đó bằng bất cứ giá nào. “Chính quyền của ông Tập đã chấp nhận rủi ro lớn đến mức đó và đi xa đến mức đó, điều này báo hiệu rằng họ đã không còn lựa chọn nào khác.”
Từ trung ương đến địa phương, chính quyền của ĐCSTQ từ lâu đã phải đối mặt với một lỗ hổng tài chính lớn. Vào cuối những năm 1990, Ủy ban Trung ương đã ban hành chính sách đất đai khuyến khích chính quyền địa phương bán đất để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt tài chính của họ.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của thị trường địa ốc đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính đất đai. Một lượng lớn các tòa nhà chưa bán được đã khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc bảo đảm các khoản vay ngân hàng để phát triển đất đai. Do đó, chính quyền địa phương đã bắt đầu phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt tài khóa.
Nêu lên một ví dụ khác, ông Ngô mô tả rằng trong một thị trường chứng khoán lâu đời, chẳng hạn như Fed, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, khi mua trái phiếu hoặc trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản thế chấp, “Fed sẽ giao dịch với các nhà môi giới chứng khoán, những người sau đó sẽ gửi chi phiếu do Fed phát hành vào trương mục ngân hàng đại lý của họ. Giả sử ngân hàng đại lý là Citibank. Sau khi Citibank nhận được chi phiếu, ngân hàng sẽ yêu cầu Fed chuyển tiền, và Fed sẽ gửi tiền vào trương mục của Citibank tại Fed.” Citibank là một ngân hàng thương mại và số tiền mà một ngân hàng thương mại nắm giữ trong trương mục của họ tại ngân hàng trung ương là tiền dự trữ.
“Sau khi ngân hàng thương mại có tiền trong trương mục này, tức là sau khi có tiền dự trữ, thì họ có thể tăng cường hoạt động tín dụng và cho vay của ngân hàng, đồng thời toàn bộ quá trình này phải trải qua sự giám sát thích hợp.” Hành vi giao dịch của Fed đều được công khai cho công chúng giám sát và chịu sự ràng buộc về mặt pháp lý, do đó, việc ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ là một biện pháp có thể sử dụng được.
Tuy nhiên, việc này không đúng đối với hệ thống của ĐCSTQ; sự can thiệp của ngân hàng trung ương Trung Quốc vào các khoản nợ nhà nước “có thể sẽ vượt quá tầm kiểm soát, dẫn đến siêu lạm phát và chấm dứt chế độ ĐCSTQ.”