Nhà đầu tư Carl Icahn đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về kinh tế Hoa Kỳ
Nhà đầu tư tỷ phú Carl Icahn nói rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở một thời điểm nguy kịch, quy trách nhiệm cho sự lãnh đạo “yếu kém hơn cả tầm thường” và cảnh báo rằng lạm phát tăng cao có nguy cơ lật đổ vị thế của Mỹ trên trường thế giới.
Ông Icahn đã đưa ra những nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Closing Bell” của đài CNBC hôm thứ Ba (14/03).
Ông Icahn đã nói với hãng thông tấn này, “Hệ thống này đang đổ vỡ, và hôm nay chúng ta hoàn toàn gặp phải một vấn đề lớn trong nền kinh tế của chúng ta,” trong khi gọi Hoa Kỳ là “một trong những quốc gia yếu kém nhất trên thế giới về quản trị doanh nghiệp.”
Tiếp đến, nhà đầu tư nổi tiếng này đã cảnh báo về những mối nguy hiểm của lạm phát cao liên tục ở Hoa Kỳ, mà lần cuối cùng được tính là 6% hồi tháng Hai, tính theo năm.
“Lạm phát là điều xấu nhất mà một nền kinh tế có thể gặp phải, và tôi nghĩ mọi người đã đánh giá thấp điều đó,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng, về mặt lịch sử, “mọi quyền lãnh đạo đều bị lạm phát phá hủy.”
Một số yếu tố góp phần gây ra lạm phát đang tăng cao hơn tốc độ toàn phần 6% trong tháng trước, trong đó có những yếu tố là các gia đình có thu nhập thấp chi một phần lớn tiền của họ vào, chẳng hạn như thực phẩm và chỗ ở. Giá lương thực tăng 9.5% so với năm trước và giá nhà ở tăng 8.1% hàng năm.
Ông Icahn cho biết, ngoài lạm phát, ông nhận ra “những vấn đề lớn khác trong nền kinh tế này ngay lúc này,” trong đó có khả năng lãnh đạo tại các tập đoàn và tại Điện Capitol.
“Tôi không định nói về chính trị, nhưng quý vị có cảm thấy rằng ở Hoa Thịnh Đốn không ai biết điều gì đang thực sự xảy ra,” ông nói trước khi chuyển sang vấn đề về sự yếu kém về quản trị.
Thừa nhận rằng có những trường hợp ngoại lệ, ông nói ở nhiều tập đoàn Hoa Kỳ “khả năng lãnh đạo còn kém hơn cả tầm thường.”
Ông Icahn nói thêm rằng, “Ngày nay, quý vị đến một công ty … những gì quý vị thấy thực sự kinh khủng.”
‘Quá nhiều tiền trôi nổi xung quanh’
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó trên hãng thông tấn Fox News, ông Icahn đã đề cập đến sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), nói rằng ông xem các chính sách tiền tệ vô cùng dễ dãi trong những năm qua là một phần của vấn đề này.
Ông nói, “Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng này là điều mà quý vị có thể dự đoán được ở ngân hàng Silicon Valley Bank. Có quá nhiều tiền trôi nổi trong hệ thống này.”
“Có quá nhiều tiền mặt. Theo đó, nếu quý vị tiếp tục in tiền … Nếu chúng ta có quá nhiều tiền trôi nổi trong hệ thống, thì theo đó, quý vị sẽ gặp phải lạm phát,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin rằng Cục Dự trữ Liên bang đã đúng khi tăng lãi suất để hạ áp lực về giá cả.
Trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát của mình, Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980. Một trong những tác động dây chuyền là một sự sụt giảm giá trị của các chứng khoán dài hạn mà các ngân hàng như SVB nắm giữ trong danh mục đầu tư của họ.
Sự sụp đổ nhanh như chớp của SVB hồi tuần trước (06-12/03) xảy ra sau khi ngân hàng này lỗ 1.8 tỷ USD do buộc phải thanh lý trái phiếu trị giá 21 tỷ USD và sau đó tuyên bố rằng đang tìm cách gọi vốn 2.25 tỷ USD để bù vào khoản lỗ này.
Những người gửi tiền hoảng hốt đã vội vã rút tiền của họ trong một cơn rút tiền hàng loạt kinh điển, khiến cổ phiếu SVB — và cổ phiếu của các ngân hàng khác — lao dốc.
Sự sụp đổ của ngân hàng SVB đánh dấu vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ.
“Có một câu ngạn ngữ cổ nói rằng Fed thắt chặt cho đến khi có thứ gì đó vỡ ra,” ông Jurrien Timmer, giám đốc vĩ mô toàn cầu tại Fidelity, nhận định. “Có vẻ như chúng ta cảm nhận được những gì đang đổ vỡ trong chu kỳ này của Fed.”
Can thiệp khẩn cấp
Sự sụp đổ của ngân hàng SVB và, vài ngày sau đó là Signature Bank, đã làm dấy lên những lo ngại về sự bất ổn về hệ thống và sự lây lan về tài chính.
Điều này đã khiến các cơ quan tài chính Hoa Kỳ áp dụng một “sự miễn trừ rủi ro hệ thống” và mở rộng bảo đảm tiền gửi của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) để chi trả đầy đủ cho tất cả những người gửi tiền và tiền tiết kiệm của họ tại hai ngân hàng này.
Thông thường, FDIC giới hạn mức bảo hiểm tiền gửi của mình ở mức 250,000 USD cho mỗi người gửi tiền cho mỗi loại tài khoản, với mọi số tiền nào vượt quá giới hạn đó thì tùy thuộc vào kỷ luật thị trường và mức chấp nhận thua lỗ khi một ngân hàng sụp đổ.
Việc mở rộng hạn mức tiền gửi cho các khách hàng của các ngân hàng SVB và Signature Bank đã được một số người khen ngợi và những người khác chỉ trích.
Một số người, như nhà đầu tư tỷ phú Bill Ackman, đã kêu gọi một sự mở rộng hơn nữa đối với bảo đảm tiền gửi cho toàn bộ khu vực ngân hàng Hoa Kỳ để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng của quốc gia và ngăn chặn một cuộc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng.
Mặt khác, cựu chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair, đã viết một bài xã luận trên Financial Times lập luận rằng hành động cung cấp bảo hiểm tiền gửi toàn bộ cho các khách hàng của hai ngân hàng bị sụp đổ này đã tạo ra một “tiền lệ nguy hiểm” bằng cổ súy những kỳ vọng về “các gói cứu trợ trong tương lai.”
Bà Bair tin chắc rằng những người gửi tiền của hai ngân hàng bị sụp đổ này, nguyên có tổng tài sản khoảng 300 tỷ USD và là một phần rất nhỏ trong hệ thống ngân hàng 23 ngàn tỷ USD, có thể đủ khả năng để chịu mất một số phần tiền gửi không được bảo hiểm của họ.
Bà viết, “Người gửi tiền không được bảo hiểm của ngân hàng SVB không phải là một nhóm nghèo túng. Họ là người có địa vị trong các nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu và các công ty trong danh mục đầu tư của họ. Về mặt trình độ tài chính tinh vi, thì họ rõ ràng đã bỏ lỡ những thông tin công bố nổi bật trên các trang web của ngân hàng và hệ thống cung cấp thông tin cho khách hàng rằng bảo hiểm FDIC được giới hạn ở mức 250,000 USD.”
Bà Bair cũng lập luận rằng bằng cách vội vã giải cứu hai ngân hàng hạng trung này, các cơ quan tài chính Hoa Kỳ đang gửi đi tín hiệu sai khi ngụ ý rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ rất mong manh.
Bà Bair lập luận rằng, “Bản năng của tôi nói với tôi rằng hầu hết các ngân hàng khu vực và cộng đồng về căn bản là lành mạnh. Điều chính mà chúng ta phải lo sợ là chính nỗi sợ hãi sẽ dẫn đến tình trạng rút tiền hàng loạt vốn buộc các ngân hàng lành mạnh phải sụp đổ.”
Bà nói thêm: “Chính phủ cần phải rất cẩn thận trong cách truyền đạt của mình, vì sợ rằng phản ứng thái quá của chính họ sẽ gây ra tình trạng rút tiền gửi mà họ muốn tránh.”
Khi bà Bair còn làm chủ tịch FDIC trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009, cơ quan này đã áp dụng một sự bảo đảm tiền gửi toàn bộ tạm thời cho các tài khoản doanh nghiệp được sử dụng để trả lương và các chi phí hoạt động khác.
Bà cho biết chương trình đó đã thành công trong việc chấm dứt hoạt động rút tiền hàng loạt ở các ngân hàng cộng đồng, nhưng Quốc hội đã phạm một sai lầm khi cấm loại trợ giúp này, mặc dù các nhà lập pháp bảo lưu khả năng của các cơ quan quản lý thực hiện các gói cứu trợ một lần bằng các ngoại lệ do có rủi ro hệ thống.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times