Nhà cung cấp trò chơi lớn nhất thế giới mất 60 tỷ USD sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin bất lợi
Giá cổ phiếu của nhà cung cấp trò chơi lớn nhất thế giới Tencent đã biến động mạnh hôm 03/08. Giá trị của hãng này đã giảm hơn 10% sau khi các phương tiện truyền thông nhà nước gán cho các sản phẩm của hãng là “thuốc phiện tinh thần” trong một bài báo.
“Một ‘loại thuốc phiện tinh thần” đã phát triển thành một ngành kinh doanh trị giá vài trăm tỷ,” Nhật báo Thông tin Kinh tế trực thuộc Tân Hoa Xã của nhà nước đưa tin vào sáng sớm ngày 03/08.
Thuốc phiện tinh thần dùng để chỉ những sản phẩm mà ban đầu có thể khiến người ta nghiện về mặt tinh thần, sau đó gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
Bài báo nói rằng trẻ vị thành niên Trung Quốc mắc chứng nghiện trò chơi điện tử rất phổ biến, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các em, và nhà cung cấp lớn nhất, Tencent, đã kiếm được hơn 24 tỷ USD từ thị trường này vào năm ngoái.
Bài báo nhanh chóng được các cổng thông tin điện tử, các hãng thông tấn và các nền tảng tin tức trực tuyến của Trung Quốc đăng lại. Một trong những hậu quả là giá cổ phiếu của Tencent và các nhà cung cấp trò chơi điện tử khác của Trung Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng khi thị trường mở cửa.
Trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, giá cổ phiếu của Tencent đã giảm hơn 10% trong vòng một tiếng rưỡi sau khi thị trường mở cửa, khiến giá trị vốn hóa thị trường của công ty trò chơi điện tử này bị mất gần 60 tỷ USD.
Các nhà phân tích thị trường chứng khoán Hồng Kông chia sẻ ý kiến rằng bài báo là một khúc dạo đầu, và rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ sớm trấn áp các doanh nghiệp trò chơi điện tử.
Vào buổi trưa, giờ địa phương, Nhật báo Thông tin Kinh tế đã gỡ bỏ phiên bản trực tuyến của bài báo, nhưng vẫn giữ một trang in bản scan của bài báo trên trang web của mình. Không rõ lý do tại sao tờ nhật báo này lại gỡ bỏ phiên bản trực tuyến nhưng các nhà phân tích thị trường chứng khoán Hồng Kông tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy Trung Cộng có thể đã không nhằm mục đích tìm cách đàn áp hoạt động kinh doanh.
Vào buổi chiều, giá cổ phiếu của Tencent và các nhà cung cấp trò chơi điện tử khác đã tăng nhưng giá đóng cửa vẫn thấp hơn giá mở cửa trong ngày.
Giá cổ phiếu lên và xuống
Tencent, công ty truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc sở hữu nền tảng WeChat và QQ, sở hữu khoảng một nửa thị trường trò chơi điện tử ở nước này. Đây cũng là công ty duy nhất mà Nhật báo Thông tin Kinh tế nêu tên trong bài báo của mình.
Tencent được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Hôm 03/08, giá mở cửa của nó là 468.8 HKD (60.27 USD) và nhanh chóng xuống mức thấp nhất là 423.6 HKD (54.46 USD), thấp hơn 10.82% so với giá đóng cửa 475 HKD (61.07 USD) vào ngày 02/08. Cuối cùng, giá cổ phiếu đóng cửa ở mức 446 HKD (57.34 USD), thấp hơn 6.1% so với ngày hôm trước.
NetEase là một nhà cung cấp trò chơi điện tử khác của Trung Quốc cũng như một cổng web chính. Hôm 03/08, giá cổ phiếu của NetEase trên sàn chứng khoán Hồng Kông giảm 12.3% xuống 145.9 HKD (18.76 USD). Giá cổ phiếu của hãng này trên Nasdaq giảm 11.41% xuống 93.06 USD.
Các công ty trò chơi điện tử khác của Trung Quốc cũng gặp phải tình trạng tương tự như Tencent và NetEase. Cổ phiếu của CMGE đã mất 13.59% giá trị hôm 03/08 trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Giá cổ phiếu của XD đã giảm 8.12% trong cùng ngày.
Trẻ vị thành niên nghiện trò chơi điện tử
Nhật báo Thông tin Kinh tế có thể có những ý định chính trị và tài chính không xác định đằng sau bản tin về trò chơi điện tử. Nhưng bản tin đã tiết lộ những thiệt hại to lớn mà trò chơi điện tử mang lại cho trẻ em Trung Quốc.
Báo cáo cho biết: “Một số học sinh dành khoảng tám giờ mỗi ngày cho trò chơi ‘Honor of Kings,’” trích dẫn một cuộc khảo sát mà họ đã thực hiện trên 1,929 học sinh từ trường trung học Lantian ở thành phố Luzhou, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc gần đây. Báo cáo cho thấy “2.28% học sinh tham gia cuộc khảo sát chơi trò chơi điện tử hơn 5 giờ mỗi ngày.”
Báo cáo đã phỏng vấn một số bậc cha mẹ có con nghiện Internet, họ coi đó là một vấn đề nan giải.
“Điểm số của con trai tôi đã giảm mạnh kể từ khi nó bắt đầu chơi trò chơi điện tử. Nó chỉ nhận được 30/100 trong bài kiểm tra toán gần đây nhất, ”một người cha họ Xia cho biết.
“Tôi đã đập vỡ năm hoặc sáu chiếc điện thoại di động của cháu,” anh ấy nói.
“[Bởi vì tôi đã ngăn cháu chơi trò chơi điện tử,] nên cháu đã nhảy ra khỏi ban công trên tầng hai, và không về nhà cả đêm. Từ đó đến nay, tôi không dám phạt cháu nữa.”
Nghiên cứu do Trung Cộng tài trợ đã báo cáo hôm 20/07 rằng 94.9% trẻ vị thành niên Trung Quốc sử dụng Internet vào năm 2020 và hầu hết trong số họ sử dụng Internet để chơi trò chơi điện tử.
Nhật báo Thông tin Kinh tế dẫn lời các quan chức Trung Quốc cho biết, việc dành một thời gian dài cho trò chơi điện tử đã gây ra hàng loạt vấn đề cho một số trẻ vị thành niên, bao gồm trầm cảm, bạo lực, không chịu đi học, cận thị, mất ngủ và thậm chí tự tử.
Một nghiên cứu khác do Trung Cộng tài trợ được công bố hôm 05/03 cho thấy khoảng 10% học sinh tiểu học được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Tỷ lệ này tăng lên 30% ở học sinh trung học cơ sở và gần 40% ở học sinh trung học.
Do Nicole Hao thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: