Người Úc lên tiếng về các máy quay gián điệp của ĐCSTQ: ‘Không ai quan tâm cho đến khi họ nhận thấy hậu quả’
Câu chuyện một người Úc lên tiếng phản đối các camera gián điệp của ĐCSTQ
Một nhân viên chuỗi cung ứng người Úc sinh sống tại Melbourne sẽ quên mất một thư điện tử mà ông đã viết cách đây hai năm nếu không thấy tin tức về việc chính phủ liên bang Úc “tràn ngập các nhu liệu gián điệp của ĐCSTQ.”
Bức thư điện tử đó đã được gửi đến Câu lạc bộ Xe hơi Hoàng gia Victoria (RACV), một trong những câu lạc bộ xe hơn lớn nhất của Úc, nơi cung cấp nhiều dịch vụ, bao gồm bảo hiểm và trợ giúp bên đường.
Bức thư đó nói về việc RACV bán những camera an ninh của Honeywell, về căn bản là sản phẩm của Đại Hoa (Dahua), một công ty Trung Quốc bị chính phủ Hoa Kỳ cấm do các mối lo ngại về an ninh quốc gia và nhân quyền.
Bị cáo buộc đã gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia và có liên quan đến các hành vi tàn bạo về nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực phía tây Tân Cương, Công ty Công nghệ Chiết Giang Đại Hoa (Zhejiang Dahua Technology) đã bị Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cấm hồi tháng 11/2022.
Ông Brad đã lắp đặt camera này hồi năm 2018 và không biết thiết bị này có liên quan tới Đại Hoa cho đến hai năm sau đó, khi thiết bị ngừng hoạt động thì ông mới liên hệ với RACV để được giúp đỡ.
The Epoch Times đã đồng ý chỉ sử dụng tên của ông Brad trong bản tin này do lo ngại về vấn đề bảo mật của ông.
Công ty này nói với ông rằng ứng dụng Honeywell gốc mà ông đã sử dụng trên điện thoại của mình không còn được trợ giúp nữa và yêu cầu ông tải xuống một ứng dụng mới.
Ông Brad nói, “Họ gửi cho tôi một liên kết ứng dụng có thứ gì đó liên quan nhiều tới Trung Quốc, một thứ gì đó liên quan đến nước này, vì vậy đó là lúc tôi bắt đầu tìm kiếm trên mạng.”
“Tôi đã điều tra ứng dụng đó trên mạng. Honeywell mua [các sản phẩm của] Đại Hoa, dán logo của họ và bán sản phẩm đó cho công chúng Úc rộng lớn hơn những người không có ngờ vực điều gì.”
“Khi tôi phát hiện ra, tôi đã ngừng sử dụng ứng dụng đó và ngắt kết nối những camera đó khỏi modem.”
Các mối lo ngại anh ninh về ĐCSTQ
Ông Brad, người theo học Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần hiện đang bị bức hại ở Hoa lục từ năm 1999, có một nhận thức rõ ràng về các phương thức giám sát của ĐCSTQ.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện gồm năm bài công pháp thiền định cùng với các bài giảng dựa trên các giá trị cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn. Kể từ năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tìm cách xóa sổ môn tu luyện này bằng một chiến dịch trên toàn quốc liên quan đến các vụ bắt giữ tùy tiện, bỏ tù, tra tấn, thu hoạch nội tạng, và các thủ đoạn bạo lực khác.
Hàng triệu người đã bị giam giữ trong bộ máy cơ sở giam giữ rộng lớn của ĐCSTQ trên khắp Hoa lục.
Ông cho biết sau khi nghiên cứu, ông đã gửi một thư điện tử dài tới RACV. Trong đó, ông giải thích rõ các mối lo ngại của mình và yêu cầu họ xác nhận sự an toàn của camera của ông trước việc những thiết bị này bị ĐCSTQ sử dụng làm công cụ giám sát.
Ông viết trong một thư điện tử mà The Epoch Times đã xem, “Lên tiếng phản đối Trung Quốc cộng sản là một điều không dễ dàng gì và bị cấm kỵ, nhưng tôi sẽ không né tránh khi mọi chuyện đi theo hướng nghiêm trọng như các mối đe dọa về tình báo, quyền riêng tư, và an ninh.”
“ĐCSTQ không phải là một bằng hữu khi nói đến việc thu hoạch thông tin (hoặc hơn nữa là thu hoạch nội tạng người). ĐCSTQ độc tài, tương tự với tà giáo, và áp dụng một hệ thống chính trị hà khắc trong đó ‘nhà nước kiểm soát các cá nhân,’ kể cả các tư tưởng và niềm tin của họ.”
“Tóm lại, ĐCSTQ và bất cứ thứ gì liên quan đến đảng này đều là những mối đe dọa rất thực tế, không chỉ đối với Úc mà còn đối với thế giới.”
Ông Brad đã đề cập trong thư điện tử của mình rằng việc chính phủ liên bang cấm các công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc cung cấp thiết bị cho Mạng 5G theo kế hoạch của Úc là do các mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Ông viết, “Ở Trung Quốc cộng sản, những tổ chức thương mại này có vẻ độc lập, nhưng tất cả họ đều phải tuân theo ĐCSTQ, ví dụ: họ được yêu cầu tiết lộ thông tin riêng tư và tin mật, và chỉ thị đó đến từ ĐCSTQ hà khắc vốn đàn áp mọi hình thức tiếng nói bất đồng chính kiến khác nhau ở trong và ngoài nước.”
“Và một số tổ chức tưởng chừng như hoạt động về thương mại nhưng thực ra là bình phong cho ĐCSTQ, ví dụ: Huawei có liên quan đến PLA, tức là một quân chủng của ĐCSTQ.”
“Vì vậy, tôi thực sự thất vọng khi biết rằng RACV hiện đang sử dụng các ứng dụng và thiết bị của Đại Hoa, một công ty có trụ sở tại Chiết Giang (Trung Quốc cộng sản)”.
Ông đã nghi ngờ lợi nhuận là động cơ khiến RACV đưa ra quyết định này.
Ông viết, “Tôi thấy khó mà tin được rằng cấp quản lý của quý vị và bộ phận chịu trách nhiệm mua thiết bị và nhu liệu từ Trung Quốc cộng sản lại không biết đến những thông tin tôi viết ở trên. Tất cả những thông tin này đều có trên tất cả các công cụ tìm kiếm.”
“Tình huống này dường như chỉ là một vấn đề về sự mù quáng một cách tự nguyện, lợi nhuận được ưu tiên hơn quyền riêng tư và bảo mật, kèm theo đó là sự tự mãn.”
Ông đã kết thúc bức thư điện tử đó với việc lưu ý rằng nếu mà ông biết thông tin này hai năm trước, thì ông đã không cài đặt thiết bị bảo mật này.
RACV đã trả lời ông Brad qua một thư điện tử súc tích xác nhận rằng hệ thống CCTV của ông hoàn toàn độc lập với bất kỳ hệ thống phụ trợ nào của RACV nhưng không đề cập đến việc giải quyết bất kỳ mối lo ngại nào khác của ông.
The Epoch Times đã liên lạc với RACV và hỏi liệu công ty này vẫn còn sử dụng các sản phẩm của Honeywell hay không nhưng không nhận được phúc đáp vào thời điểm phát hành bản tin này.
Mặc dù có một bản tin về việc Honeywell lặng lẽ loại bỏ các sản phẩm Đại Hoa hồi năm 2022, nhưng công ty này cũng không trả lời yêu cầu xác nhận của The Epoch Times về bản tin này.
Bộ Quốc phòng Úc loại bỏ các camera do Trung Quốc sản xuất
Thông tin Bộ Quốc phòng Úc loại bỏ các camera do Trung Quốc sản xuất đã khiến ông Brad nhớ lại bức thư của ông hai năm trước.
Hôm 09/02, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles đã ra lệnh loại bỏ tất cả các camera do Hikvision và Đại Hoa sản xuất trong bộ của ông. Cả hai công ty này đều do ĐCSTQ sở hữu một phần.
Bước đi này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Đảng Đối lập về An ninh mạng & Chống lại Sự can thiệp của Ngoại quốc ông James Paterson công bố những kết quả của cuộc kiểm toán kéo dài sáu tháng đối với tất cả các bộ của khối thịnh vượng chung.
Những kết quả này đã tiết lộ rằng gần 1000 camera giám sát do Trung Quốc sản xuất đã được lắp đặt trên hơn 250 địa điểm của các bộ và cơ quan thuộc Khối thịnh vượng chung, bao gồm cả các địa điểm ngoại giao và quốc phòng.
Đáp lại mệnh lệnh của ông Marles, Bắc Kinh đã cáo buộc Úc “lạm dụng quyền lực chính phủ.”
“Chúng tôi phản đối những hành vi sai trái trong việc mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực chính phủ để phân biệt đối xử và đàn áp các công ty Trung Quốc,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) cho biết trong một cuộc họp báo hôm 10/02.
‘Không ai quan tâm cho đến khi họ nhận thấy hậu quả’
Mặc dù không ngạc nhiên trước sự phổ biến của các camera do Trung Quốc sản xuất tại Úc, nhưng ông Brad cho biết ông nghĩ chính phủ lẽ ra phải thực hiện hành động này từ lâu rồi.
“Tôi nhớ vào thời của [cựu Thủ tướng] Turnbull đã có tin tức rằng họ đã làm như vậy?”
Ông nói thêm rằng không có nhiều người lo ngại về an ninh đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất như ông khi ông dẫn chứng kinh nghiệm của bản thân sau khi trò chuyện với những người Úc bình thường.
Ông cho biết, “Tôi không nhận thấy điều đó ở bất kỳ ai. Không ai lo ngại gì cả.”
“Tôi nghĩ mọi người có thái độ chung là ‘không liên quan gì đến tôi nên tôi không quan tâm’ cho đến khi họ nhận thấy hậu quả. [Lối suy nghĩ] thông thường là như vậy.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times