Cách Trung Quốc lợi dụng các đại công ty công nghệ tư nhân vào mục đích tình báo ở hải ngoại
Các chi bộ đảng được tích hợp và ‘cổ phần vàng’ tạo thuận lợi cho chế độ cộng sản thao túng các công ty công nghệ cao
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thắt chặt sự kiểm soát đối với các đại công ty công nghệ cao tư nhân bằng cách mua cổ phần có quyền biểu quyết hoặc sử dụng các chi bộ đảng bên trong những công ty này như một cánh tay trợ giúp tình báo cho quân đội. Hành động tiến hành tăng cường kiểm soát đối với các ngành công nghiệp tư nhân này đặt Hoa Kỳ và EU vào tư thế cảnh giác.
Hôm 11/03, thủ tướng Bỉ cho biết nước này đang cấm TikTok khỏi thiết bị di động của chính phủ do các mối lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư, và thông tin sai lệch. Bỉ đã tiếp nối Hoa Kỳ và EU trong việc cấm ứng dụng chia sẻ video do đại công ty công nghệ Internet Trung Quốc ByteDance phát triển.
Hôm 27/03, Tòa Bạch Ốc đã cho tất cả các cơ quan liên bang thời hạn 30 ngày để xóa TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ. Văn phòng Quản lý và Ngân sách cho biết hành động này là một “bước tiến quan trọng trong việc giải quyết những rủi ro mà ứng dụng này gây ra đối với dữ liệu nhạy cảm của chính phủ.” Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã ban hành một hạn chế tương tự.
Hôm 23/02, Ủy ban Âu Châu và Hội đồng EU — hai cơ quan hoạch định chính sách lớn nhất của EU — đã ban hành một lệnh cấm TikTok trên điện thoại và thiết bị làm việc và cá nhân của nhân viên có quyền truy cập vào các cơ quan của Hội đồng EU.
Tất cả những hành động đó đều nhắm mục tiêu trực tiếp vào nhà phát triển của TikTok là công ty mẹ ByteDance — một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh, từ lâu đã bị ĐCSTQ thao túng và được sử dụng như một công cụ của quân đội và cơ quan tình báo của đảng này để nhắm mục tiêu vào các quốc gia ở hải ngoại.
‘Cổ phần vàng’ của ĐCSTQ trong các công ty tư nhân
Một báo cáo hôm 13/01 trên tờ Thời báo Tài chính đã tiết lộ cách ĐCSTQ kiểm soát tập đoàn công nghệ cao ByteDance của nước này.
Hồi tháng 04/2021, một quỹ liên kết với Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), cùng với hai đơn vị thuộc sở hữu nhà nước khác, đã trả 2 triệu nhân dân tệ (290,000 USD) để mua 1% cổ phần của Công ty Dịch vụ Thông tin Douyin Bắc Kinh, một công ty con ByteDance. Thông qua việc mua lại này, CAC đã được trao quyền đề cử một trong ba giám đốc của ByteDance.
“Cổ phần vàng” 1% nói trên mang lại cho ĐCSTQ quyền biểu quyết và ảnh hưởng đối với các quyết định kinh doanh trong công ty công nghệ tư nhân này. “Cổ phần vàng” hay “cổ phần quản lý đặc biệt” trao cho chủ sở hữu của những cổ phần đó — thường là chính phủ — một mức độ kiểm soát nào đó đối với các công ty.
Sau đó, ông Ngô Thuật Cương (Wu Shugang), cựu giám sát viên của bộ phận giám sát bình luận trực tuyến thuộc CAC, đã được bổ nhiệm vào ban giám đốc của ByteDance.
Ngoài quyền quyết định trong chiến lược kinh doanh và kế hoạch đầu tư, sáp nhập và mua lại, chia sẻ lợi nhuận, và quyền biểu quyết đối với ba giám đốc điều hành hàng đầu của tập đoàn và thù lao của họ trong tập đoàn này, ông Ngô còn có quyền quyết định về nội dung của các nền tảng truyền thông Trung Quốc của ByteDance. Các nền tảng này bao gồm nền tảng tin tức “Today’s Headlines” và phiên bản Hoa ngữ của TikTok là Douyin. Hơn nữa, ông Ngô còn có thể bổ nhiệm người đứng đầu bộ phận kiểm duyệt của tập đoàn này, làm giám đốc của ban bảo mật nội dung, hoặc bổ nhiệm người đứng đầu của ủy ban này.
TikTok bị phanh phui vì làm rò rỉ dữ liệu của Hoa Kỳ
Năm 2022, một năm sau khi chế độ cộng sản này mua “cổ phần vàng” của ByteDance, TikTok đã bị phanh phui vì làm rò rỉ dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ.
Vào ngày 17/06/2022, Buzzfeed News đưa tin rằng các nhân viên Trung Quốc của ByteDance đã nhiều lần truy cập vào dữ liệu riêng tư của người dùng TikTok ở Hoa Kỳ. Theo một bản tin của Forbes hồi tháng 10/2022, ByteDance đã trù tính sử dụng TikTok để theo dõi vị trí cá nhân của một số công dân Hoa Kỳ.
The Washington Post đưa tin, điều đó là bất chấp các tuyên bố của các giám đốc điều hành TikTok rằng họ độc lập với chế độ Trung Quốc, chưa bao giờ bị chính quyền Trung Quốc yêu cầu cung cấp dữ liệu và sẽ từ chối làm như vậy nếu được yêu cầu.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ và EU hầu như không tin tưởng những tuyên bố đó, họ nhận ra một cách rõ ràng rằng các công ty công nghệ tư nhân ở Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền cộng sản này.
Hồi tháng Hai, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với CBS rằng “ở Trung Quốc, không có sự phân biệt giữa các công ty tư nhân và nhà nước.”
Chiến lược “cổ phần vàng” của ĐCSTQ cũng mở rộng sang các công ty công nghệ khác của Trung Quốc có sự hiện diện ở hải ngoại.
Hồi tháng Một, một tổ chức quỹ đầu tư thuộc CAC đã mua 1% cổ phần của Công ty Thông tin Quảng Châu Lộc Giác (Guangzhou Lujiao Information Technology), một công ty con của Alibaba, nhằm tăng cường kiểm soát đối với nền tảng phát video trực tuyến Youku và trình duyệt web UCWeb của đại công ty thương mại điện tử này. Theo một bản tin của CNN, CAC cũng đã bổ nhiệm một thành viên hội đồng quản trị mới.
Theo bản tin nói trên của CNN, các công ty được niêm yết tại Hoa Kỳ như trang tiểu blog Sina Weibo của Trung Quốc, hãng truyền thông 36 Kr, hãng truyền thông tài chính và công nghệ Qutoutiao, và công cụ tổng hợp nội dung di động và ứng dụng video dạng ngắn Kuaishou được niêm yết ở Hồng Kông, nằm trong số những công ty bị cổ đông vàng CAC kiểm soát.
Chính quyền ĐCSTQ cũng đã đàm phán với Tencent về việc mua cổ phần của một trong những công ty con của họ.
Chi bộ đảng cộng sản tại các công ty tư nhân
Ngoài việc mua cổ phần vàng, ĐCSTQ còn củng cố sự kiểm soát của mình đối với các công ty tư nhân bằng cách thành lập các chi bộ đảng trong cả các doanh nghiệp nhà nước lẫn các công ty tư nhân.
Đặc biệt, các công ty Internet là một mục tiêu chủ yếu trong nỗ lực xây dựng các chi bộ đảng. Các chi bộ phát triển mạnh hoạt động tại Alibaba, Tencent, Baidu, và các nền tảng mua sắm qua Internet là Temu và Jingdong. Chi bộ đảng của Jingdong có lẽ là chi bộ đảng lớn nhất, với số liệu được báo cáo là 10,730 đảng viên và 154 chi bộ đảng trên toàn quốc tính đến năm 2018. Tại Jingdong, các đảng viên có thể đóng đảng phí của họ trực tiếp trên ứng dụng nội bộ.
Hầu như tất cả những đại công ty Internet này đều được niêm yết tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, ByteDance có sự hiện diện rộng lớn ở Hoa Kỳ thông qua công ty con TikTok, với hơn 150 triệu người dùng Hoa Kỳ đang hoạt động.
Những công ty Internet có liên kết với ĐCSTQ này sẽ gây ra mối đe dọa gì cho Hoa Kỳ?
Mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan tình báo và các công ty tư nhân
Hồi tháng 12/2020, ông Zach Dorfman, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Carnegie về Đạo đức trong Các vấn đề Quốc tế, đã viết về mối liên hệ ngày càng sâu sắc giữa lực lượng tình báo ĐCSTQ và các công ty Trung Quốc.
Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc, được ban hành hồi năm 2017, quy định rằng các doanh nghiệp Trung Quốc phải làm việc với các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc khi được yêu cầu.
Vào thời điểm ông Dorfman đưa ra báo cáo này, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã thu được nhiều bằng chứng về sự hợp tác, bao gồm cả việc chuyển dữ liệu qua lại giữa cái gọi là các công ty tư nhân và lực lượng tình báo của ĐCSTQ, với việc một quan chức an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Trump đã nêu ra bằng chứng cho thấy mối liên hệ công-tư chặt chẽ này xảy ra “như cơm bữa.”
Ông William Evanina, Giám đốc đương thời của Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Hoa Kỳ, nói với ông Dorfman rằng khả năng ĐCSTQ truy cập và lấy dữ liệu từ các công ty tư nhân mang lại cho chế độ này “các cơ hội to lớn để nhắm mục tiêu vào những người trong chính phủ ngoại quốc, các ngành công nghiệp tư nhân, và các lĩnh vực khác trên khắp thế giới” nhằm thu thập nghiên cứu, kỹ thuật, các bí mật kinh doanh, và thông tin mật.
Ông Evanina cho biết các cơ quan tình báo của ĐCSTQ yêu cầu các công ty công nghệ Trung Quốc giúp đỡ họ xử lý lượng dữ liệu đồ sộ, chẳng hạn như dữ liệu thu được từ vụ tấn công mạng vào Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ. Sau đó, dữ liệu này đã nhanh chóng được chuyển đến các cơ quan của ĐCSTQ.
Ông Dorfman đã dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ nói rằng bằng cách sử dụng các khả năng xử lý dữ liệu của các công ty Trung Quốc, các cơ quan gián điệp của ĐCSTQ có thể nhanh chóng sàng lọc lượng lớn thông tin để tìm ra các chi tiết chính có giá trị tình báo. Ví dụ: họ có thể kiểm tra chéo thông tin tình báo về việc di chuyển trong thời gian thực với các thông tin khác do Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc thu thập để xác định được một điệp viên ngầm của CIA.
Các công ty Trung Quốc thường tránh đề cập đến mối liên hệ của họ với đảng này. Trước công chúng, đặc biệt là ở các nước phương Tây, họ phủ nhận mọi mối liên hệ với các cơ quan tình báo hoặc quân đội cộng sản. Ví dụ, Huawei tuyên bố rằng công ty này thuộc sở hữu của nhân viên. Tuy nhiên, ở trong nước, các công ty này đã nhiều lần thể hiện lòng trung thành với đảng này và trợ giúp cho các cơ quan an ninh của đảng.
Hồi tháng 01/2019, Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) khẳng định với các ký giả phương Tây rằng Huawei sẽ không bao giờ cho phép chế độ cộng sản Trung Quốc truy cập vào dữ liệu khách hàng, ngay cả khi Bắc Kinh yêu cầu, theo bản tin của CNBC. Ông tuyên bố rằng Huawei chưa bao giờ bàn giao dữ liệu cho chính quyền này.
Thế nhưng thông tin từ Huawei mà The Washington Post có được hồi tháng 12/2021 đã cho thấy công ty này thực sự đang tiếp thị nhiều dịch vụ liên quan đến giám sát cho các cơ quan chính phủ. Những bài thuyết trình PowerPoint đã mô tả các dịch vụ bao gồm công nghệ nhận dạng giọng nói, giám sát dựa trên nhận dạng khuôn mặt, giám sát các cơ sở giam giữ, theo dõi vị trí, công cụ theo dõi nơi làm việc, và giám sát của công an tại Tân Cương — nơi chế độ cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Những bài thuyết trình này trái ngược với việc Huawei phủ nhận họ đã giúp ĐCSTQ theo dõi công dân Trung Quốc.
Sự thất bại của các quy trình thị trường tự do
Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics đồng thời là nhà xuất bản Journal of Political Risk, nói với The Epoch Times hôm 11/03, “Việc Trung Quốc nắm giữ cổ phần vàng trong các công ty niêm yết tại Hoa Kỳ là hành vi đánh cắp giá trị cổ đông của Mỹ, là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, và sự thất bại của các quy trình thị trường tự do trước một chế độ toàn trị mà đáng lẽ ra là bất hợp pháp.”
“Ở Trung Quốc, các cá nhân và công ty không bảo vệ trước nhà nước này,” ông Corr, một nhà bình luận của Epoch Times, cho biết. Các công ty không có quyền truy đòi pháp lý chống lại các cơ quan tình báo vốn “đòi hỏi thông tin nhạy cảm để duy trì quyền tự do của một người hoặc sự hoạt động liên tục của doanh nghiệp.”
Ông Corr nhấn mạnh rằng, hành động khiến các công ty tư nhân liên kết chặt chẽ hơn với ĐCSTQ “thể hiện cường độ kiểm soát ngày càng tăng của ĐCSTQ đối với những gì còn lại của khu vực tư nhân ở Trung Quốc, khi ông Tập củng cố sự kiểm soát của ông ta đối với đảng này.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times