Người Mỹ có trình độ giáo dục vượt trội trước khi trường công lập ra đời
Hoa Kỳ thời đầu có trình độ học tập được phổ cập rộng rãi và nền văn hóa học tập sôi động
Cách đây chín tháng, các bậc phụ huynh trên toàn thế giới đã phải đối mặt với những điều chỉnh lớn trong việc giáo dục con cái mà họ không thể lường trước được. Kerry McDonald, chuyên viên giáo dục cao cấp của FEE đã dự đoán từ nhiều tháng trước rằng việc đóng cửa trường học do đại dịch [virus Trung Cộng] đang tạo ra “hàng loạt lớp học tại gia” ở mức độ này hoặc mức độ khác. Biết đâu với hàng triệu trẻ em vắng mặt trong các lớp học của trường công lập, nền giáo dục có thể sẽ trở nên tốt đẹp hơn trước thời điểm chính phủ vào cuộc.
“Chuyện gì?” quý vị thốt lên! “Chẳng phải nền giáo dục tệ hại, có cũng như không này tồn tại trước khi chính phủ đảm nhiệm, cung cấp và trợ cấp cho nó? Đó là điều mà các giáo viên trường công lập bảo đảm với tôi, vì vậy nó phải là sự thật.”
Thực tế, ít nhất là vào thời kỳ đầu của Hoa Kỳ, nền giáo dục đã tốt hơn và phổ biến hơn những gì mà hầu hết mọi người ngày nay nhận ra hoặc từng được nghe nói đến. Đôi khi, nó không phải là “học qua sách vở”, nhưng nó thiết thực hiệu quả và xây dựng một thế giới cho hầu hết người trẻ tuổi phải đương đầu vào thời điểm đó. Ngay cả khi không có máy tính xách tay và bể bơi, và chỉ tốn một phần tiền nhỏ so với số tiền mà các trường công lập chi tiêu ngày nay, người dân Hoa Kỳ vẫn là những người có học thức đáng kinh ngạc trong một trăm năm đầu của chúng ta.
Cách đây vài ngày, tôi đã được nhắc về những thành tựu đáng kinh ngạc của nền giáo dục thuở đầu của Hoa Kỳ khi đang đọc một cuốn sách bán chạy nhất của tác giả Stephen Mansfield, “Cuộc chiến với Chúa của Lincoln: Cuộc đấu tranh của vị Tổng thống với Đức tin và Ý nghĩa của nó đối với Hoa Kỳ”. Nó ghi dấu cuộc hành trình tâm linh của vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ — từ một người vô thần sốc nổi đến một người có những lời nói cuối cùng với vợ vào buổi tối bi thảm tại Nhà hát Ford, vốn là một lời hứa “đến thăm miền Đất Thánh và nhìn thấy những nơi có dấu chân của Đấng Cứu Rỗi”.
Chốc nữa đây, tôi sẽ trích dẫn một đoạn mở rộng, tiết lộ từ cuốn sách của Mansfield, nhưng trước tiên tôi muốn dẫn chứng một số tác phẩm xuất sắc có liên quan, chủ yếu đến từ các kho lưu trữ của FEE.
Năm 1983, cuốn “Giáo dục ở thuộc địa Hoa Kỳ” của Robert A. Peterson đã tiết lộ một số sự kiện và con số đáng kinh ngạc. “Luận Cương Liên Bang là tài liệu vốn hiếm khi được đọc hoặc được hiểu ngày nay ngay cả trong các trường đại học của chúng ta, lại được viết cho một người bình thường đọc. Tỷ lệ biết chữ cao hoặc cao hơn chúng ta ngày nay”, ông Peterson nói. Thật đáng kinh ngạc, “Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1800 bởi DuPont de Nemours tiết lộ rằng chỉ có bốn trong một nghìn người dân Hoa Kỳ là không thể đọc và viết trôi chảy.”
Vào thế kỷ 19, Susan Alder viết trong cuốn “Giáo dục ở Hoa Kỳ” rằng: “Các bậc cha mẹ thậm chí không nghĩ rằng chính phủ dân sự phải có trách nhiệm hoặc phải đảm nhận trách nhiệm cung cấp giáo dục cho trẻ em theo bất kỳ cách nào.” Trước cuộc Nội chiến, thậm chí chỉ có duy nhất một tiểu bang (Massachusetts) có luật bắt buộc đến trường, nhưng tỷ lệ biết chữ vẫn thuộc hàng cao nhất trong lịch sử của chúng ta.
Anh Quốc cũng đã trải qua xu hướng tương tự. Năm 1996, Edwin West viết trong cuốn sách “Sự phổ cập giáo dục trước khi có cưỡng chế [giáo dục] ở Anh Quốc và Hoa Kỳ trong thế kỷ 19” rằng: “Khi chế độ cưỡng chế quốc gia được ban hành [vào năm 1880], hơn 95% thanh niên độ tuổi 15 đã biết chữ.” Hơn một thế kỷ sau, “40% thanh niên độ tuổi 21 ở Vương quốc Anh thừa nhận gặp khó khăn trong việc viết và đánh vần.”
Các luật chống lại việc giáo dục nô lệ da đen có từ đầu năm 1740, nhưng khao khát đọc sách quá mạnh mẽ đã chống lại sự phát triển ổn định của luật định, ngay cả dưới tình trạng bị nô lệ. Vì mục đích truyền giáo, không hiếm những nô lệ được dạy đọc nhưng không biết viết. Nhiều người đã tự học cách viết, hoặc học cách làm như vậy với sự giúp đỡ của những người sẵn lòng lách luật. Những nỗ lực của chính phủ nhằm cấm giáo dục người da đen ở miền Nam Cũ có thể cũng không hiệu quả gì hơn so với luật ma túy ngày nay. Nếu quý vị muốn, quý vị có thể tìm cách tự học.
Ước tính tỷ lệ biết chữ của các nô lệ vào đêm trước Nội chiến nằm trong khoảng từ 10% đến 20%. Đến năm 1880, gần 40% người da đen miền nam biết chữ. Năm 1910, nửa thế kỷ trước khi chính phủ liên bang tự tài trợ cho chương trình giáo dục từ lớp mẫu giáo đến lớp 12, tỷ lệ biết chữ của người da đen vượt quá 70% và có thể so sánh với tỷ lệ người da trắng.
Trong một bài báo năm 2016 có tiêu đề “Các trường công lập có thực sự cải thiện khả năng đọc viết của người dân Hoa Kỳ?”, Daniel Lattier đã nói rằng hệ thống trường học của chính phủ không bảo đảm những người trẻ tuổi sẽ thực sự biết đọc và viết tốt. Ông trích dẫn những phát hiện gây chấn động của một nghiên cứu do Bộ Giáo dục Hoa Kỳ thực hiện: “32 triệu người dân Hoa Kỳ trưởng thành không biết chữ, 21% đọc dưới trình độ lớp 5 và 19% học sinh tốt nghiệp trung học mù chữ về mặt chức năng, có nghĩa là họ không thể đọc đủ tốt để tự lo cuộc sống hàng ngày và thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu công việc.”
Các trường học bắt buộc của chính phủ không được thành lập ở Hoa Kỳ vì một số thất bại của giáo dục tư thục được người ta nhận thức rộng rãi. Điều này khiến cho việc thành lập trường học của chính phủ trở nên sai lầm và tự tuyên truyền huyễn hoặc rằng người dân Hoa Kỳ sẽ mù chữ nếu không có nó.
Như Kerry McDonald đã viết trong cuốn “Các trường công lập được thiết kế cho những người nhập cư tự do”, động cơ chính cho việc đi học các trường chính phủ là một cái gì đó kém lành tính hơn nhiều so với nỗi sợ mù chữ. Cuốn sách đáng chú ý năm 2019 của bà có tựa đề “Không đi học: Trẻ em được phát triển tính tò mò và được giáo dục tốt ngoài lớp học truyền thống” đã giải thích các lựa chọn thay thế khả thi, tự định hướng, vượt xa cách học của chính phủ vốn đã được tiêu chuẩn hóa, chú trọng bài kiểm tra, tốn kém và chính trị hóa ngày nay.
Nếu quý vị đang tìm kiếm một lịch sử tốt đẹp về cách Hoa Kỳ đã trải qua từ con đường trình độ học vấn tốt cho đến khủng hoảng giáo dục quốc gia, quý vị có thể tìm thấy nó trong một cuốn sách gần đây, được ghi chép đầy đủ của Justin Spears và các cộng sự, có tiêu đề “Thất bại: Lịch sử và Kết quả của Hệ thống Trường học của Hoa Kỳ.” Cách thức mà chính phủ thay đổi ngắn hạn đối với phụ huynh, giáo viên và học sinh là điều rất đau lòng.
Tôi đã hứa sẽ chia sẻ một đoạn trong cuốn sách của Stephen Mansfield, vì vậy bây giờ tôi rất vui khi được trích dẫn. Hãy đọc kỹ và ngẫm nghĩ:
“Chúng ta nên nhớ rằng những người Anh di cư đầu tiên ở Tân Thế giới đã rời bỏ nước Anh kèm theo nỗi lo sợ rằng họ sẽ theo đuổi ‘việc mưu sinh ở nơi hoang dã’ và trở thành những kẻ man rợ tại đây. Những người thân yêu ở quê nhà tự hỏi làm thế nào một dân tộc có thể vượt đại dương và sống trong thiên nhiên hoang dã mà không đánh mất khả năng đọc viết, học thức và niềm tin trong ý thức của họ. Những người di dân đầu tiên đã quyết tâm đánh bại nỗi sợ hãi này. Họ mang theo sách, báo in, giáo viên và coi việc thành lập trường học là ưu tiên hàng đầu. Những người Thanh giáo thành lập Boston vào năm 1630 và thành lập Đại học Harvard trong vòng sáu năm. Sau mười năm, họ đã in cuốn sách đầu tiên ở các thuộc địa, Sách Bay Psalm. Nhiều người cũng đã theo bước họ. Những người định cư Hoa Kỳ rất tận tụy với việc giáo dục. Họ được truyền cảm hứng từ những người theo đạo Tin lành, vốn nhấn mạnh vào khả năng đọc viết trong Kinh thánh và bằng hy vọng cải đạo và giáo dục người bản xứ, họ đã tạo ra một nền văn hóa học tập gần như thần kỳ.
Điều này đạt được thông qua một môi trường giáo dục miễn phí. Xã hội thuộc địa cung cấp ‘trường Công giáo’, trường dạy ngữ pháp tiếng Latin, cho thuê gia sư, cái mà ngày nay được gọi là ‘trường học tại gia’, trường nhà thờ, trường học cho người nghèo và trường đại học cho những người có năng khiếu và người giàu. Bao trùm các cơ sở học tập này là một nền văn hóa rộng lớn lấy việc coi trọng kiến thức như một phương tiện cho sự sùng đạo.
Sách được trân trọng và được đọc hàng ngày. Một vị mục sư đáng kính có thể có hàng nghìn quyển sách. Họ học những bài thuyết giáo dài. Báo chí được đọc ngấu nghiến, và các cuộc thảo luận về ý tưởng tràn ngập khắp các quán rượu và văn phòng. Công dân lập nên các cuộc tụ họp để ‘cải thiện trí óc’. Đó là các hội tranh luận và câu lạc bộ đọc sách và ngay cả các nhóm kết nối để đọc những cuốn sách mới nhất của nước Anh.
Những thành tựu trí tuệ của thuộc địa Hoa Kỳ thật đáng kinh ngạc. Lawrence Cremin, người đứng đầu trong các nhà sử học giáo dục của Hoa Kỳ, ước tính tỷ lệ biết chữ trong thời kỳ này là từ 80 đến 90%. Benjamin Franklin đã tự học năm thứ tiếng và đó không phải là ngoại lệ. Jefferson đã tự học nửa tá [ngôn ngữ], bao gồm cả tiếng Ả Rập. George Washington luôn không ngừng xấu hổ vì không được học hành bài bản, nhưng độc giả của các tạp chí ngày nay vẫn ngạc nhiên về trí tuệ của ông và tự hỏi tại sao ông lại luôn cảm thấy bất an.
Việc học đại số, hình học, điều hướng, khoa học, logic, ngữ pháp và lịch sử hoàn toàn thông qua tự giáo dục chẳng là gì đối với một người đàn ông, hoặc trong một số trường hợp là phụ nữ. Một hướng đạo sinh thường được yêu cầu biết tiếng Hy Lạp, tiếng Do Thái, tiếng Latin, tiếng Pháp và tiếng Đức chỉ để bắt đầu việc học của mình, việc giảng dạy có thể diễn ra trong một lớp học bằng gỗ và trên nền đất.
Văn hóa học tập này đã tràn sang biên giới Hoa Kỳ. Ngay khi những tòa nhà đầu tiên của thị trấn được dựng lên, mặc dù những người tiên phong thường vượt ra ngoài tầm của giáo dục cơ bản, nhưng họ cũng là những tình nguyện viên xã hội để nâng cao đời sống trí thức. Ngoài các trường học dành cho người trẻ, còn có các hội tranh luận, các nhóm thảo luận, các hội quán, các hiệp hội diễn thuyết, các câu lạc bộ chính trị, và luôn luôn có các hội Kinh thánh. Mức độ học tập mà các nhóm này thúc đẩy rất đáng kinh ngạc.
Ngôn ngữ của Shakespeare và văn học cổ điển, ít nhất là Virgil, Plutarch, Cicero và Homer, thấm nhuần vào các bức thư và nhật ký của những người dân Hoa Kỳ vùng biên giới đến nỗi độc giả hiện đại khó hiểu được những ẩn dụ văn học của thế hệ đó. Điều này có nghĩa là ngay cả một vùng định cư mộc mạc ở phương Tây cũng có thể phục vụ như một loại trường đại học biên giới không chính thức cho những người có nguyện vọng. Chính di sản này và niềm đam mê học hỏi đã hình thành nên Abraham Lincoln trẻ tuổi trong suốt sáu năm ở New Salem.”
Thật không tồi đối với một xã hội thậm chí hầu như không biết đến trường học chính phủ là gì trong nhiều thế hệ, quý vị sẽ nói vậy phải không? Tại sao ngày nay chúng ta lại giả định một cách mù quáng rằng chúng ta không thể tiến lên nếu không có các trường học chính phủ? Thay vào đó, chúng ta nên nghiên cứu xem chúng ta đã làm tốt như thế nào mà không có nó.
Khi tôi nghĩ về nhiều cách mà chính phủ đã lừa dối chúng ta vào khuôn khổ của họ, một điều đặc biệt thực sự nổi bật là: Họ tìm cách thuyết phục chúng ta rằng chúng ta sẽ bất lực như thế nào nếu không có nó. Họ nói với chúng ta rằng chúng ta không thể làm điều này, chúng ta không thể làm điều kia, rằng chính phủ sở hữu sức mạnh ma thuật vượt xa sức mạnh của những người bình thường và rằng, vâng, chúng ta sẽ ngốc nghếch như bùn đất và nghèo túng như những kẻ cơ nhỡ nếu chúng ta không để họ phụ trách việc này hay việc khác.
Khi nói đến giáo dục, người dân Hoa Kỳ thực sự nên biết rõ hơn. Có thể một kết quả tích cực của đại dịch virus là họ sẽ nhận ra rằng họ không cần trường học của chính phủ nhiều như chính phủ đã bảo họ. Trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ cần nó.
Lawrence W. Reed là chủ tịch danh dự, Thành viên cao cấp của Gia đình Humphreys, và đại sứ Ron Manners cho Global Liberty tại Foundation for Economic Education. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Những Anh hùng Đích thực: Những câu chuyện có thật đáng kinh ngạc về lòng dũng cảm, nhân cách và niềm tin” và cuốn sách “Xin lỗi, Giáo sư: Thách thức những huyền thoại của chủ nghĩa tiến bộ”. Theo dõi trên Twitter và Like trên Facebook. Ban đầu bài viết này được công bố trên FEE.org