Người mẹ Virginia sống sót sau cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông chứng kiến những điều tương tự tại Hoa Kỳ
Phong trào chính trị cộng sản đã tàn phá Trung Quốc nhiều thập niên trước hiện đang diễn ra ở Hoa kỳ, theo lời cảnh báo của bà Xi Van Fleet, một người mẹ trở thành nhà hoạt động, người đã gây chú ý trên toàn quốc sau khi chỉ trích thuyết sắc tộc trọng yếu (CRT) tại một cuộc họp của hội đồng trường học.
“Khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, thì tôi vẫn đang là một học sinh lớp một,” người mẹ Virginia này nói trong chương trình “Các nhà Lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ” của EpochTV. Bà nói rằng tất cả các lớp học đều bị dừng lại ở trong các trường học và đại học khi các sinh viên lớn tuổi hơn bà đều tự xưng là Hồng Vệ binh của ông Mao Trạch Đông.
Được khuyến khích bởi khẩu hiệu của ông Mao “Phiến loạn là chính đáng”, các Hồng Vệ binh đã không ngần ngại kích động bạo lực và tàn phá mọi thứ và mọi người mà họ coi là “phản cách mạng”.
“Với sự chấp thuận của ông Mao, không ai có thể ngăn cản họ,” bà Van Fleet nói, bà nhớ lại một câu chuyện mà bà đã từng nghe được từ một người chứng kiến Hồng Vệ binh đánh thương vong một người đàn ông, người bị coi là một “kẻ áp bức” và “kẻ bóc lột” chỉ vì lý do đơn giản là ông có thể rút một khoản tiền lớn từ ngân hàng của mình. Những thủ phạm đó đã không phải đối mặt với hậu quả của vụ sát hại, vì hệ thống tư pháp hình sự đã bị tê liệt.
Một đặc điểm cốt lõi khác của phong trào Hồng Vệ binh này chính là phong trào “Phá Tứ cựu”, tức là phá bỏ “những tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và tập quán cũ”. Để thực thi điều mà bà Van Fleet mô tả là một phong trào “xóa sổ văn hóa”, Hồng Vệ binh sẽ đi từng nhà để tìm kiếm và phá hủy bất kỳ vật dụng nào có liên quan đến thời kỳ trước khi cộng sản tiếp quản Trung Quốc.
“Tôi nhớ cả con phố này chỉ là một mớ hỗn độn của những thứ bị phá hủy, và những người dân, những chủ nhà đó đã gào thét và khóc lóc,” bà cho hay.
Trong khi sự điên cuồng và phi pháp của Cách mạng Văn hóa dưới thời ông Mao nghe có vẻ cực đoan đối với người Mỹ, thì bà Van Fleet lại đưa ra cảnh báo rằng Hoa Kỳ hiện cũng đang đi theo một con đường tương tự như vậy.
Bà cho biết, “Một trong những điều mà tôi nhận thấy là mọi người đều đang sợ hãi. Có một cách nói đúng. Có những tư tưởng đúng đắn và những người không chia sẻ về điều đó đều đang cảm thấy rằng nếu họ nói ra ý kiến của riêng mình, thì họ có thể có nguy cơ bị coi là phân biệt chủng tộc — một cụm từ giống như cụm từ ‘phản cách mạng’ của Trung Quốc vậy.”
Theo bà Van Fleet, thuật ngữ “phân biệt chủng tộc”, cũng giống như “phản cách mạng” được định nghĩa một cách mơ hồ, thuật ngữ đó không còn có ý nghĩa gì nữa thế mà vẫn đang được dùng như một thứ vũ khí chính trị. “Trong một quãng thời gian lâu dài, tôi hiểu về phân biệt chủng tộc chính là một người phân biệt đối xử với người khác dựa trên chủng tộc của người đó,” bà nói. “Nhưng trong vài năm gần đây, thuật ngữ này đã bắt đầu thay đổi ý nghĩa. Bất cứ ai không đồng ý với hệ tư tưởng cánh tả đều sẽ trở thành kẻ phân biệt chủng tộc.”
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, thuật ngữ “phản cách mạng lịch sử” được sử dụng để hình sự hóa người dân bởi những gì mà họ đã làm hoặc đã nói trong quá khứ. Bà Van Fleet cho biết hiện cũng có một phiên bản kiểu Mỹ y như vậy.
“Ở Virginia, Thống đốc [Ralph] Northam ngày nay bị gọi là một kẻ phân biệt chủng tộc, bởi vì trước đây, khi còn học đại học, ông đã bôi đen mặt,” bà nói. “Điều đó cũng tương đương với hành động phản cách mạng lịch sử của Trung Quốc.”
Ở Trung Quốc dưới thời Mao, các công dân được xếp vào “Năm hạng đỏ” được hưởng ân huệ và “Năm hạng đen” không ai mong muốn dựa trên danh tính chính trị của họ. Con cháu của các thành viên trong nhóm thứ hai, bao gồm những nông dân giàu có và những “kẻ thù giai cấp” khác, thường xuyên bị sỉ nhục và buộc phải tham dự các “phiên đấu tố”, nơi mà họ bị bắt phải thú nhận địa vị đặc quyền của mình. Bà Van Fleet cho biết điều này giống với những gì mà những người ủng hộ CRT đang truyền rộng ra cho người Mỹ và con em của họ.
“Điều đó có gợi nhớ cho chúng ta về CRT không?” bà nói. “[Theo quan điểm của CRT] nếu quý vị sinh ra là người da trắng, quý vị chính là kẻ đàn áp; nếu quý vị sinh ra là người da đen, quý vị sẽ bị áp bức và khi bị áp bức rồi, thì quý vị sẽ không còn có hy vọng nào trong xã hội đầy áp bức này nữa.”
“Đó chính là cách hiệu quả nhất để gây chia rẽ mọi người và đó là từ bộ quy tắc của chủ nghĩa Mác xít gây chia rẽ”, bà tiếp tục, chỉ ra rằng CRT là luận điệu đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác xít đã được khoác lên một lớp áo mới nhằm tập trung vào vấn đề chủng tộc để nó hoạt động tốt hơn trong xã hội Hoa Kỳ. “Và sau đó họ chuyển qua giới tính, tình dục và liên tầng định kiến — tất cả những thứ này đều là công cụ chia rẽ và chúng bắt nguồn từ văn hóa Mác xít. Ông Mao đã sử dụng chính điều đó, cho nên bây giờ [người Mỹ] cánh tả đang bắt đầu dùng các công cụ này.”
Bà nói, “Những gì đã xảy ra ở Hoa Kỳ gần đây không có gì mới cả. Mà điều đó đã từng xảy ra ở Trung Quốc, đã từng xảy ra với chính tôi. Nếu chúng ta bỏ qua việc này, và không ngăn nó lại, thì [chúng ta] sẽ có một kết quả tương tự. Kết quả của Cách mạng Văn hóa chính là sự hủy diệt hoàn toàn xã hội này và đó là điều đang chờ đợi chúng ta nếu chúng ta không ngăn chặn nó lại.”
Ông Jan Jekielek là biên tập viên cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ”. Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng biên tập trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu Holocaust từng đoạt giải thưởng “Đi tìm Manny”.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: