Người mẹ ‘Á Thánh’ Mạnh Tử dạy con như thế nào
Mạnh Tử tên là Mạnh Kha, tự là Tử Dư, là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục lớn Trung Quốc, là người kế thừa và phát huy tư tưởng Nho gia của Khổng Tử, được người đời tôn sư là “Á Thánh”.
Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ và chịu sự nuôi dưỡng giáo dục của mẹ là Chương thị, sau này được gọi là Mạnh mẫu. Mạnh mẫu nổi tiếng với câu chuyện ba lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất.
Nhà Mạnh Tử ban đầu ở dưới chân núi, gần nghĩa địa. Mạnh Tử cùng lũ trẻ con chơi đùa, thường gặp cảnh đưa tang an táng cũng bắt chước theo: đào, chôn, lăn, khóc. Mẹ Mạnh Tử thấy vậy ái ngại trong lòng thầm nghĩ : “Chỗ này u ám, tang tóc không phải chỗ con ta ở được”.
Bà bèn chuyển nhà từ thôn Phù đến thôn Miếu Hộ Doanh cách xa trên 10 dặm, nơi đây gần một chợ phiên, đến buổi chợ là ồn ào huyên náo cảnh mặc cả trả giá, cảnh buôn bán lời qua tiếng lại, chẳng thiếu chuyện lừa lọc, điêu ngoa. Mẹ Mạnh Tử lại nghĩ : “Chỗ thị phi, gian dối này cũng không phải chỗ con ta ở được”.
Mạnh mẫu không muốn con trở thành người lặng lẽ lầm lũi, cũng không muốn con bị ô nhiễm bởi thói chợ búa chỉ biết mưu đồ kiếm lợi. Bà nhất định chọn một hoàn cảnh thích hợp cho sự trưởng thành của con.
Lần thứ ba bà chuyển nhà đến gần trường học ở thành Trâu, tuy nhà cửa nhỏ bé tồi tàn, nhưng gần trường học luôn có những Nho sinh dáng vẻ cao nhã, phong thái chuẩn mực, có tiết khí. Mạnh Tử cùng lũ trẻ theo nhau học lễ nghĩa, nhân cách, thường túm tụm dưới gốc cây diễn luyện những lễ nghi chắp tay cúi chào, nhường nhịn, rất ra dáng và cung kính, khiến Mạnh mẫu từ xa nhìn xem, trong sâu thẳm nội tâm rất vui mừng: “Đây mới là hoàn cảnh cư trú tốt nhất cho con ta nên người”.
Mẹ Mạnh tử sở dĩ ba lần chuyển nhà là bởi bà luôn coi trọng ảnh hưởng của môi trường sống đến sự hình thành nhân cách trí tuệ của con. Bà hiểu rằng trách nhiệm đầu tiên trong việc nuôi dạy con chính là cha mẹ. “Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái” và rất coi trọng việc giáo dục nhân cách phẩm hạnh của con.
Nuôi mà không dạy, là lỗi người cha
Dạy mà không nghiêm, là lỗi người thầy
Học không chuyên cần, là người con xấu
Noi theo người trước, xem xưa biết nay
(Minh Đạo gia huấn)
Sách Tam Tự Kinh viết rằng: Nuôi mà không dạy là lỗi người cha. Dạy mà không nghiêm là lỗi người thầy. (nguyên văn: “Dưỡng bất giáo, nãi phụ quá” “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (nọa, còn có âm là ‘đọa’). Nuôi dưỡng con cái nếu chỉ cung cấp nhu cầu vật chất mà không giáo dục dạy bảo con đạo nghĩa làm người thì đó là lỗi của người làm cha mẹ.
Có một hôm Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Mẹ ông đang ngồi dệt bên khung cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”. Từ hôm đó, Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi về sau thành một bậc đại hiền. Chắc chắn công giáo dục quý báu của người mẹ đã góp một phần lớn trong việc hình thành con đường tự học sau này của Mạnh Tử.