Người không Lễ khác chi cầm thú, quốc gia không Lễ ắt diệt vong
“Con chim anh vũ tuy biết nói nhưng vẫn là chim. Con khỉ con vượn tuy biết nói nhưng vẫn là cầm thú, nên nếu con người không biết lễ thì tuy biết nói cũng vẫn là có lòng cầm thú. Cầm thú, vì không biết lễ nên mới có sự loạn luân, chung chạ. Cho nên thánh nhân lập ra lễ để dạy dân, để con người biết theo lễ mà ăn ở khác với loài vật”.(Trích: Sách Lễ Ký, Tứ Thư)
Mới đây một vị giáo sư đề xuất phải bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, vì đó là “sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ “lễ” với người trên là yêu cầu số 1”.
Thế nhưng khi khảo cứu cội nguồn của Lễ cùng những lời giảng của Thánh hiền thời trước, không hề thấy những điều mà vị giáo sư đề cập, nếu không phải là hoàn toàn ngược lại.
Vậy Lễ là gì, khởi nguyên từ đâu, vì sao các bậc Thánh hiền, đại trí Phương Đông và Phương Tây đều coi trọng Lễ, xem “Lễ là đầu mối của con người” và “quyết định sự hưng vong quốc gia”?
Nội hàm của chữ Lễ
Chữ “Lễ” (禮) bao gồm bộ “Kỳ” (礻, 示) cùng với chữ “Phong” (豐) tổ hợp thành.
Bộ “Kỳ” (示) trong chữ Lễ có nghĩa: “mách bảo, chỉ ra”. Theo Thuyết văn giải tự: Sự biến hóa của thiên tượng là dấu chỉ mách bảo của Trời cho con người biết thế gian sắp xảy ra biến động gì. Văn hóa cổ đại tin rằng vạn vật trong vũ trụ do Đấng Sáng Thế tạo ra. Sự thay đổi và biến hóa của Thiên tượng là để tỏ rõ Thiên ý, điểm hóa cho con người. Còn “Phong” là khí cụ được sử dụng trong các nghi lễ cúng tế thời xưa. Thiên tử lập đàn tế trời gọi là “phong”.
Từ nội hàm của chữ Lễ cho thấy khởi nguyên của Lễ là từ sự tôn kính Thần. Người xưa tế lễ Trời bởi biết mình là con của Thượng Đế, có sứ mệnh ở trần gian, nên trước tiên phải kính Trời, từ đó mà được cát tường, phúc báo. Luật Trời/Tự nhiên chi phối vạn hữu từ các vì tinh tú trên trời, đến con người nơi gian thế.
Lễ là quy phạm của trời, là chuẩn tắc của đất, là hành động của dân
“Trời cao đất thấp, muôn vật khác nhau, cho nên Thánh nhân mới nhân đó mà định ra lễ chế để phân tôn ti trật tự”. (Lễ Ký: Thiên cao địa hạ, vạn vật tán thù, nhi lễ chế hành hỹ).
Vạn vật trong vũ trụ là theo luật của Trời gọi là Thiên lý, bổn phận của người là sống một đời phối kết với Trời, theo Đạo trời mà hành xử ăn ở cho ra phẩm giá của người, chứ không thể sống một cuộc đời buông thả, phóng túng. “Lễ cốt để phân ra trật tự, khiến cho vạn vật không có điều gì hồ đồ, hỗn độn”. (Lễ ký, Khúc lễ thượng: Phù Lễ giả, sở dĩ định thân sơ, quyết hiềm nghi, biệt đồng dị minh thị phi dã).
Nên Thánh quân, hiền phụ xưa lập ra những định tắc nhân luân đã dựa trên những tiêu chuẩn của luật Tự nhiên gọi là Lễ để dân biết đường ăn ở sao cho thuận với Thiên Đạo. Vậy nên mới nói: “Lễ là quy phạm của Trời, là chuẩn tắc của đất, là hành động của dân”.
Theo Thuyết văn giải tự, chữ Lễ (禮) cũng giống như người đi giày, bởi con người có văn minh nên mới khác biệt với các loài cầm thú. Loài vật sinh tồn theo bản năng, cá lớn nuốt cá bé. Còn con người là trân quý nhất, là anh linh của vạn vật, cũng vì người và muôn loài khác ở chỗ chỉ con người mới có Lễ.
Cái căn nguyên của Lễ cao xa như thế, cho nên mới có giá trị tôn quý, mà Thánh hiền đời trước đều lấy làm cơ bản để dạy người và trị thiên hạ, khiến người ta cư xử, hành động cho hợp nhân đạo. “Tiên vương định ra lễ để sửa lại cái đạo làm người cho chính vậy” (Lễ Ký).
Không biết Lễ lấy gì lập thân?
Đức Khổng giảng: “Phận con em, vào thì hiếu thảo với cha mẹ, ra thì thuận thảo với bậc trưởng thượng, cẩn thận mà giữ niềm tin, rộng yêu mọi người mà gần gũi người nhân đức. Thi hành những điều đó còn thừa sức, thì hãy học văn”.
Câu này thể hiện rõ chủ trương “Tiên học lễ, hậu học văn” (học lễ trước, học văn sau) của Khổng môn. Học lễ để trở nên con người có đức hạnh, phẩm giá. Học văn là học tri thức, rèn kỹ năng để lập sự nghiệp mưu sinh.
Trong giáo dục thủa xưa, trường học không phải chỉ là nơi để truyền thụ văn chương, kỹ thuật, triết lý suông, mà chính còn phải là môi trường để tạo nên những con người toàn diện, biết sống xứng đáng của danh hiệu con người, biết trọng nhân cách, danh dự, biết kính trên, nhường dưới, biết xả kỷ vị tha, biết hy sinh cho đại nghĩa. Lễ nghĩa quy định những gì hay, những gì phải cho con người, dạy con người biết làm sao để trở nên đức hạnh thật sự.
Ngày nay giáo dục đi ngược lại tinh thần trọng lễ của cổ nhân, nặng về việc học văn, nhồi nhét cho thật nhiều kiến thức. Lại bày vẽ ra chuyện học thêm tối ngày khiến con trẻ mụ mị đầu óc chứ không coi trọng học Lễ, trau dồi đạo đức, hoàn thiện nhân cách.
Thế nên mới dẫn đến cảnh đạo đức học đường ngày một suy thoái đến mức đáng sợ: trò đánh chửi thầy, thầy đánh chửi trò, dâm ô trẻ em, tham nhũng giáo dục, gian dối thi cử, ma túy, tệ nạn… Trăm sự loạn đó chính là bởi người ta bỏ Lễ mà chỉ lo học kiến thức vậy, thứ kiến thức cũng chỉ để cốt lấy cái bằng, mà rời trường là quên ngay được.
Càng thấm thía hơn lời Khổng Tử nói: “Bất học Lễ vô dĩ lập – không học Lễ không biết gì mà đứng”. (Luận Ngữ: Quý thị). Không học Lễ, thì cái phẩm tiết không rõ, đức tính không kiên, đứng vững sao được. Người không biết lễ, không có đạo đức thì không biết làm sao mà lập thân được vậy.
Lễ quý ở chỗ dứt được điều ác từ lúc chưa nẩy mầm
Đại Đới Lễ Ký có câu: “Cái biết của người ta là chỉ biết được cái đã có rồi, không biết được cái sắp có. Lễ là để cấm trước cái sắp có; pháp luật là để cấm sau cái đã có rồi… Ôi lễ, lễ quý ở chỗ dứt được điều ác từ lúc chưa nẩy mầm ra, gây lòng kính ở chỗ người ta không trông thấy, để cho dân ngày ngày gần điều thiện, xa tội lỗi, mà tự mình không biết”.
Lễ dạy người ta nên làm điều gì, không nên làm điều gì; pháp luật cấm người ta làm điều gì, nếu không tuân thì phải tội. Lễ có ý nghĩa giáo dục; pháp luật có ý nghĩa thống trị. Lễ có tính cách khoan, nhân; pháp luật có tính cách bạo, tàn. Cho nên Khổng Tử ghét dùng hình pháp, nói “xử kiện thì ta cũng như người khác thôi, phải làm sao cho đừng có kiện tụng chứ” (Đại học). Thậm chí, ông cho rằng “mắng giận để cải hoá dân là phương pháp kém nhất” (Trung dung).
Cho nên sự giáo hóa của Lễ quý ở chỗ có thể ngăn chặn được việc xấu khi chưa xảy ra. Còn dùng pháp luật thì chỉ để trị cái việc đã có rồi, bởi vậy thánh nhân chỉ trọng lễ, chứ không trọng hình.
Sự giáo hóa của Lễ tinh vi mà có hiệu quả rất sâu xa như vậy ho nên thánh nhân rất chuộng Lễ. Lễ là phương tiện giáo dục con người, dẫn dắt con người đến điều thiện một cách tự nhiên mà không cần phải chú trọng tới hình pháp khắc nghiệt.
Vì sao Lễ trị hơn Pháp trị?
Thời cổ đại Phương Đông và Phương Tây đều thừa nhận hai bộ luật. Một là theo bộ luật tự nhiên, do Hóa công đã ấn định. Cổ nhân gọi những định luật tự nhiên là Lễ. Hai là theo bộ luật nhân tạo, do con người lập ra, gọi là Pháp luật.
Thánh Nhân từ đức Khổng ra đời cho đến khi các Nho gia chân chính sau này thấy rằng muốn trị dân có hai cách. Thượng sách dùng lễ trị dân. Khi ấy người trên làm gương đáng cho người dưới, sống theo định luật thiên nhiên, thiên lý, theo danh dự, dạy dân biết kính Trời, yêu người, xấu hổ khi làm điều xằng bậy, hiểu rõ điều hay lẽ thiệt, phải trái. Đó là Nhân trị, chính là Vương đạo.
Hạ sách là luật pháp trị dân, dùng hình phạt đe nẹt dân, lúc ấy dân sẽ tìm cách để trốn tránh lề luật và không còn biết xấu hổ vì những hành vi bất chính của mình nữa. Đó là Pháp trị, đó là Bá đạo. Vốn con người đã không hoàn toàn, thì pháp luật do con người tạo ra cũng có cũng không hoàn hảo.
Các Pháp gia xưa như Hàn Phi Tử, Thương Ưởng đã có một đời dùng luật pháp nghiêm minh để trị dân, nhưng cuối cùng đều thất bại, vì gò bó miễn cưỡng, vô nhân đạo không phù hợp với tâm lý con người.
Thế giới ngày nay đề cao pháp trị, cũng dùng những lề luật hình pháp bên ngoài để trị dân, chỉ cần dân tuân theo những thể chế, quy ước bên ngoài mà thả lỏng lòng dục của con người, mặc cho các tính xấu của dân tha hồ phát triển, miễn sao tránh được sự trừng phạt của pháp luật là đủ.
Vì thế nên xã hội ngày càng trở nên thác loạn. Cá nhân thác loạn vì có thể sống buông thả vô kỷ cương; gia đình thác loạn, sự tương kính tương thân trong gia đình dần dần mất đi, xã hội thác loạn, vì giá trị con người đã mất, vì lòng trọng kính thương yêu nhau cũng chẳng còn.
Lễ có phải là phục tùng?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng chữ lễ trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn” là chữ lễ của thời Khổng Tử đề cao sự phục tùng của kẻ dưới với người trên.
Hiểu thế thật là sai lầm cái tư tưởng Lễ trị của cổ nhân vậy.
Xưa Định Công là vua nước Lỗ hỏi với đức Thánh rằng: “Vua sai tôi, tôi thờ phụng vua, như thế nào là phải?”
Đức Thánh thưa rằng: “Vua với tôi thảy là người nào có chức phận người ấy, chỉ chung gánh việc nước mà thôi, vậy nên vua đối với tôi không có phép ỷ mình là quyền thế vua, nên đến lúc sai sử tôi, tất phải lấy lễ; nghĩa là, những việc không đúng với lẽ phải, không được sai sử tôi ấy là “quân sử thần dĩ lễ”. Tôi phụng thờ vua, chẳng phải kiêng nể ở quyền thế nơi vua, chỉ duy hết nghĩa vụ của mình là lo gánh việc nước- theo như nghĩa vụ mình mà thờ vua, cốt ở lòng ngay thẳng, nên phải “dĩ trung”, nghĩa là những việc gì không đúng đạo thẳng thời không đem ra thờ vua, ấy là: “thần sự quân dĩ trung”.
Xuân Thu Tả Truyện bàn về đấng quân vương biết “thủ lễ” (giữ việc lễ) như sau:
“Một minh quân thưởng lành, phạt ác trông nom dân chúng như con cái người, che chở dân như trời, cưu mang dân như đất. Dân chúng đối với vị minh quân ấy sẽ thương yêu như con thương yêu cha, ngưỡng vọng tin tưởng người như hai vầng nhật nguyệt, kính tôn người như thần minh, sợ hãi người như sấm sét. Một vị minh quân như thế ai dám truất phế, dám đánh đuổi. Có đấng minh quân thông sáng như thần ấy là nguyện vọng của dân.
Nhược bằng làm vua mà để dân chúng cùng khốn, để thần minh thiếu khói hương tế tự, thì dân sẽ tuyệt vọng, xã tắc sẽ ngả nghiêng vô chủ. Một nhà vua vô dụng như vậy lẽ nào không truất phế, không đánh đuổi đi”.
Khổng Tử lại nói: “Hễ những kẻ thờ vua hết sức làm cho có lễ mạo, là những món người dung tục kia lấy đó làm cách xiểm nịnh mà thôi” (“Sự quân tận lễ, nhân dĩ vi siểm dã”). Thờ vua mà chỉ chăm chỉ ở nơi nghi tiết, chính là cách xiểm nịnh của món tiểu nhân đó.
Tả Truyện Chiêu Công nhị thập ngũ niên viết: “Lễ chế là chuẩn tắc mà từ vua cho đến thứ dân đều phải tuân theo, là đạo lý không cần phải luận bàn giữa trời đất”.
Nghĩa là lễ không phải chỉ dành cho dân mà vua phải theo Lễ trước hết. Nho giáo cho rằng làm chính trị tức là để sửa trị người. Muốn sửa trị người trước hết mình phải là con người ngay chính. Đó là trọng tâm triết lý chính trị của Khổng giáo.
Lễ dùng về phương diện phân tôn ti trật tự, tức là phép tắc để tổ chức luân lý ở trong gia đình, xã hội và quốc gia, chứ không phải chỉ hiểu nông cạn là sự phục tùng kẻ dưới với người trên. Vua phải minh, Thần phải trung, Cha phải khoan từ, Con phải hiếu thảo, Anh phải bao dung, Em phải kính thuận, Chồng phải đường hoàng, Vợ phải nhu thuận, Người lớn phải thi ân, Người nhỏ phải vâng phục.
Các vua đời trước như: Đường Nghiêu, Đế Thuấn, Hạ Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Võ Vương… đều thực hành lễ trong mọi việc lớn nhỏ, xem Lễ là rường cột quốc gia vậy.
Cốt lõi của Lễ không phải ở hình thức
Người ta tưởng rằng lễ là các nghi thức bao gồm những sự trang trí, nhạc khí, y phục, ẩm thực, v.v. cho nên mỗi khi tổ chức một buổi lễ lớn chỉ lo sắm các đồ trang trí đẹp đẽ, đắt tiền, nhạc khí đầy đủ, y phục sang trọng, ăn uống linh đình… Tuy nhiên những thứ xa xỉ, hao phí tiền của bên ngoài đó không phải thực chất của lễ.
Xưa, Lâm Phỏng hỏi về gốc của Lễ. Đức Khổng Tử nói: “Câu hỏi lớn lao thay. Lễ, ví bằng xa xỉ, thà tiết kiệm còn hơn; tang, ví bằng coi thường, thà thương xót còn hơn”.
Khổng Tử không hề chủ trương thứ lễ hình thức, nặng về vật chất mà không có tinh thần. Ngài cho rằng: Tổ chức lễ mà phải hao tốn như vậy, thà rằng tiết kiệm còn hơn. Nếu tổ chức lễ tang mà chú trọng hình thức hao tốn tiền của thì thà chỉ nên biểu lộ lòng thương xót còn hơn.
Lời ấy nói rõ chủ trương của Ngài đối với lễ là trọng về tinh thần. Lễ là cốt lấy sự Kính làm gốc. Nếu Lễ mà không Kính, dẫu bề ngoài có giữ được đủ các lề lối, thì cũng không có ích lợi cho sự phát triển, hướng thượng của nhân quần.
Gốc của lễ ở tinh thần trong lòng người ta. Song vì người đời sau câu nệ cái hình thức bề ngoài, bày đặt ra đủ thứ lễ lạt nhưng đánh mất cái tinh thần cốt lõi là Kính, thành ra lắm nỗi phiền hà, tốn kém mà lòng người thì nguội lạnh, dần dần bỏ mất cái thâm ý của Lễ mà chỉ giữ lấy cái hư văn.
Bởi vậy Khổng Tử nói: “Người mà không có nhân thì dùng lễ sao được?” (Luận Ngữ: Bát dật, III). Nếu không có nhân mà dùng lễ, thì chỉ là giả tạo mà thôi.
Thời nay, người ta đua nhau ‘quan hệ xã giao’, văn hóa phong bì, quà cáp tràn lan vô hạn độ, không từ bất kế mối quan hệ nào: trò đi lễ thầy bằng tiền; nhân viên lo lót, hối lộ sếp; phật tử lễ Phật bằng tiền, … đó không phải là Lễ mà bởi mất Lễ rồi thì mới sinh ra những thứ đạo đức hủ bại, hạ thấp nhân phẩm con người như vậy.
Không có Lễ, quốc gia cũng diệt vong
Lễ phát nguyên từ Trời, có tầm hoạt động lan khắp trần gian, bao quát vạn sự biến chuyển vũ trụ và hoạt động con người. Lễ giúp làm nảy nở các đức tính tự nhiên nơi tâm người. Nhờ Lễ như là một cửa lớn, mà con người tìm ra được thiên đạo, sống thuận với nhân tình.
“Người có lễ sẽ bình an, không có lễ sẽ nguy, cho nên nói lễ cần phải được học hỏi vậy.” (Nhân hữu lễ tắc an, vô lễ tắc nguy, cố viết: lễ giả bất khả bất học dã (Lễ ký, Khúc lễ).
Khổng Tử nói: “Quốc phá, gia vong, nhân tâm ly tán chính là vì con người không còn biết cách sống theo những định luật của trời đất, của nhân sinh…” (Lễ ký, Lễ vận, VII). Lời ấy của Thánh nhân soi vào xã hội hiện nay thì thật không sai chút nào.
Lâu nay, do ảnh hưởng nếp sống vật chất văn minh, chúng ta đã chứng kiến nhiều cảnh băng đọa tinh thần, những nếp sống phù du xốc nổi, những thái độ buông thả quá trớn, không có kể gì đến đạo lý cương thường.
Những tàn phá về vật chất có thể được sửa chữa bằng tiền bạc, nhưng những tàn phá về tinh thần thì chỉ có thể sửa chữa được bằng công trình cổ súy và phục hưng lại nền đạo lý cổ truyền, khuyến khích để dân tu tỉnh sống theo cương thường, đạo lý.
Nhan Tử hỏi thế nào là Nhân. Khổng Tử nói: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân: Sửa mình trở lại theo Lễ là nhân” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, XII). Lại nói: “Tu kỷ dĩ kính: Lấy kính mà sửa mình” (Luận Ngữ: Hiến vấn, XIV)
Theo như lời ấy của đức Thánh mà suy: bỏ lễ thì thành nhân sao được; mà không kính thì thành lễ sao được.
Cách đây 2600 năm, Quản Trọng khi làm tướng quốc nước Tề, đã xem Lễ đứng đầu trong “Tứ duy” (Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ ) để làm quốc sách chấn hưng tinh thần đạo đức cho dân. Rằng “bốn đầu dây ấy nếu không dương lên được thì nước sẽ diệt vong”.