Người Hà Lan đẩy mạnh việc chống lại các quy định bắt buộc về khí hậu
Cảnh sát mật bị cáo buộc gây ra xung đột khi các kệ hàng siêu thị trống rỗng
Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra ở Hà Lan về chính sách nitrogen do chính phủ đề nghị, vốn có thể yêu cầu phải giết thịt hàng loạt gia súc và có khả năng đóng cửa gần một phần ba số trang trại của nước này vào thời điểm mà nạn đói toàn cầu có thể sắp xảy ra.
Các sự kiện ở quốc gia này đang được các nhà bình luận và chính trị gia trên toàn cầu so sánh với cuộc “Đại Tái Thiết” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Nông dân, tài xế xe tải Hà Lan và những người khác đã sử dụng mạng xã hội theo cách phi tập trung để tổ chức bao vây các trung tâm phân phối thực phẩm trên khắp quốc gia Âu Châu giáp biển ở phía tây bắc này.
Kết quả: các kệ hàng siêu thị trống rỗng.
Những người quản lý tại Albert Heijn, một hãng bách hóa lớn của Hà Lan, đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình tầm cỡ lớn hôm 04/07 không ảnh hưởng đến hoạt động tại Phi trường Eindhoven, một trong số các phi trường được nhắm mục tiêu trong một bài đăng trên Telegram đã lan truyền trong những ngày trước đó.
Một phát ngôn viên của phi trường Eindhoven nói với The Epoch Times hôm 05/07, “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình từng ngày.”
Ngoài ra, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hà Lan nói với The Epoch Times rằng bộ không được chính phủ yêu cầu hỗ trợ trong việc kiểm soát các cuộc biểu tình hôm 04/07.
‘Nông dân là huyết mạch của đất nước’
Ông Mark de Jong, một người biểu tình và là chủ sở hữu của một công ty vận tải thuê mướn 30 người, nói với The Epoch Times hôm 02/07 rằng cuộc khủng hoảng nitrogen ở đất nước ông là do chính phủ Hà Lan và Liên minh Âu Châu (EU) gây ra.
Ông nói: “Những người nông dân không phải là vấn đề — họ là những người luôn chăm sóc đất đai và thiên nhiên.”
Ông Thierry Baudet, một thành viên của Hạ viện Hà Lan, đưa ra quan điểm tương tự trong một cuộc phỏng vấn hôm 05/07 với The Epoch Times.
Ông Baudet, người lãnh đạo Đảng Diễn đàn Dân chủ (Forum for Democracy Party), đã lần theo dấu vết của cuộc xung đột hiện nay tới Natura 2000, một mạng lưới các khu bảo tồn của EU được thành lập vào năm 1992 thông qua Chỉ thị Môi trường sống. Hơn một nửa các khu bảo tồn quốc gia của đất nước này cũng được kiểm soát theo Natura 2000.
Tuy nhiên, trong nhiều thập niên kể từ khi thành lập mạng lưới nói trên, sự tích tụ nitrogen do hoạt động nông nghiệp — bao gồm từ amoniac được tạo ra từ phân gia súc — đã bắt đầu cho thấy sự thay đổi ở các loài thực vật phát triển tại Hà Lan.
Sự thay đổi đó mâu thuẫn với Chỉ thị Môi trường sống, trong đó yêu cầu bảo tồn và duy trì cẩn thận các môi trường sống và các loài được bảo vệ trong mạng lưới Natura 2000.
Ông Baudet nói, “Tại thời điểm đó, các chính trị gia luôn ngớ ngẩn như bây giờ, không ai nhìn xa trông rộng và tự hỏi, hãy nhìn xem, điều này có thể có ý nghĩa gì trong tương lai?”
“Chúng tôi đang phải đương đầu về mặt chính trị với một vấn đề kiểu quan liêu vì Hà Lan đã đồng ý với EU rằng mình sẽ bảo vệ [các loài thực vật hiện có], nhưng bây giờ do dân số tăng, nhiều gia súc hơn, v.v., chúng tôi sẽ có một sự thay đổi trong thảm thực vật quốc gia.”
Ông Baudet và một số đồng sự của ông đã thúc đẩy các tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính nitrogen linh hoạt hơn ở Hà Lan, phù hợp với tiêu chuẩn ở Đức.
Tuy nhiên, như một phần của cuộc tranh luận năm 2019 về chủ đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp khi đó là bà Carola Schouten đã khẳng định rằng ở Hà Lan “các quy định phải nghiêm ngặt hơn,” như Dutch Broadcasting Foundation (NOS) đã đưa tin.
“Những gì các chính trị gia của chúng ta đang làm là tạo ra toàn bộ câu chuyện không thật này về khí nitrogen oxide (NOx) rất độc hại, rất nguy hiểm và gây ô nhiễm cho môi trường,” ông Baudet nói với The Epoch Times. “Bằng cách đưa câu chuyện đó ra, họ có thể quảng bá dự án này — trưng thu của nông dân chúng ta.”
“Willem”, một tài xế xe tải muốn sử dụng biệt danh, nói với The Epoch Times hôm 02/07 rằng anh không quan tâm liệu mình có bị bắt khi biểu tình hay không. Anh nói, sinh kế của anh phụ thuộc vào những người nông dân ở gần anh.
“Nếu họ muốn đóng cửa [nông trại của] những người nông dân ở đây, thì tôi không có việc làm nữa.”
“Nông dân là huyết mạch của đất nước, và đó là lý do tại sao chúng tôi đấu tranh,” anh nói, và lưu ý rằng bản thân anh xuất thân từ một gia đình nông dân.
Các nhà hoạt động e ngại sự xúi giục của cảnh sát mật
Nhiều đồn đoán tăng lên về cảnh sát mật — được người Hà Lan gọi là “những chàng Romeo” — gây ra bạo lực trong các cuộc biểu tình ôn hòa.
Một đoạn video hôm 28/06 xuất hiện cho thấy những người đàn ông đeo mặt nạ trong bộ quần áo dân sự lao về phía một tòa nhà, sau đó lùi lại trước khi bước vào một chiếc xe tải có phù hiệu của Cảnh sát Quốc gia Hà Lan.
Ông Baudet mô tả là “rất đáng ngờ” về sự gia tăng của các cảnh quay được cho là quay cảnh các đặc vụ làm nhiệm vụ khiêu khích, đồng thời nói thêm rằng những người nông dân mà ông đã nói chuyện không ủng hộ các chiến thuật bạo lực.
Ông nói, “Nếu thực sự có nông dân đang làm việc đó, thì đó là một nhóm nhỏ cực đoan trong tổng dân số.”
Ông so sánh những người bị nghi ngờ là “những chàng Romeo” này với các đặc vụ mật làm nhiệm vụ khiêu kích bị cáo buộc là đã kích động bạo lực tại Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2020.
Ông Gideon van Meijeren, một thành viên khác của Hạ viện thuộc Đảng Diễn đàn Dân chủ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 05/07, “Chắc chắn rằng các đặc vụ mật được khai triển trong các cuộc biểu tình. Điều đó không bị chính phủ phủ nhận.”
Các đại diện của Cảnh sát Quốc gia Hà Lan đã không trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times tại thời điểm phát hành bản tin này.
Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected] hoặc theo dõi ông trên Twitter @nnworcester.