Chính phủ Hà Lan sẽ cưỡng ép thu mua trang trại từ nông dân để thúc đẩy nghị trình toàn trị
Mặc dù có diện tích địa lý nhỏ nhưng Hà Lan là nước xuất cảng nông sản lớn thứ hai trên thế giới.
Họ sản xuất ra sản lượng nhiều hơn 10 lần trên một mẫu Anh so với nông dân Mỹ, và cũng sản xuất vô số mặt hàng nông nghiệp mà chúng ta đã thường bỏ quên, chẳng hạn như củ giống hoa (họ sản xuất nhiều nhất trên thế giới).
Người Hà Lan được biết đến với việc am tường về canh tác bền vững; sử dụng ít nước hơn để trồng nhiều cây hơn, đồng thời theo dõi phân bón và dinh dưỡng để loại bỏ việc sử dụng quá nhiều phân bón. Họ sản xuất nhiều hơn với chi phí ít hơn, và đứng đầu thế giới về sản xuất lương thực, sản xuất cây trồng, và nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc dẫn đầu thế giới về tính bền vững trong nông nghiệp và tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận hàng năm từ xuất cảng nông sản là không đủ để khiến các quan chức EU hài lòng. Chính phủ Hà Lan đang thúc đẩy các kế hoạch mua và đóng cửa gần 3,000 trang trại của Hà Lan để đáp ứng các mục tiêu phát thải của EU. Nông dân được chào mua theo giá trị thị trường hợp lý để bán lại trang trại của họ, nhưng nếu họ chọn không bán thì nhà nước sẽ thu mua quyền sở hữu bằng cách bắt buộc.
Như tờ Guardian đã đưa tin: “Chính phủ Hà Lan đang đề nghị mua lại tới 3,000 trang trại ‘gây ô nhiễm cao nhất’ và các cơ sở gây ô nhiễm công nghiệp lớn nhằm nỗ lực giảm lượng khí thải amoniac và nitơ oxit vốn là bất hợp pháp theo luật của EU.”
Các mục tiêu phát thải là một phần trong quy định quốc tế bắt buộc của EU, yêu cầu các nước thành viên cắt giảm lượng khí thải nitơ oxit và amoniac vào năm 2030. Tình cờ là Hà Lan lại có một ngành nông nghiệp to lớn và vì điều này, họ có một lượng lớn oxit nitơ và amoniac tính theo quy mô.
Để đáp ứng nhiệm vụ này, kế hoạch của chính phủ Hà Lan là giảm ⅓ lượng gia súc (vào năm 2030). Họ dự định đạt được mục tiêu đó bằng cách mua lại từ nông dân; di dời các trang trại mục tiêu đến các khu vực mà chính phủ cho là phù hợp hoặc cải tiến các trang trại này thành những trang trại bền vững hơn. Biện pháp thứ hai là khả dĩ nhất, mặc dù vẫn chưa biết liệu ngay cả lương tri có ý nghĩa gì ở đây không.
Hà Lan khá nhỏ và họ có một ngành công nghiệp nông nghiệp lớn, vì vậy quý vị có thể thấy vấn đề hóc búa này đang nổi lên. Các doanh nhân, chính trị gia địa phương, và các nhà tài chính nông nghiệp đã đầu tư hàng tỷ USD vào nông nghiệp Hà Lan, và vì những mối đe dọa như vậy, nông dân và các chuyên gia nông nghiệp đã trở nên phẫn nộ và bị cuốn vào các cuộc biểu tình gây tranh cãi.
Trong khi đó, các hãng thông tấn quốc tế từ chối nhìn nhận trung thực tình hình hiện tại, chỉ đưa tin về các cuộc biểu tình của nông dân và các nhà hoạt động, thường đổ lỗi rằng các cuộc biểu tình xảy ra là do các tổ chức cánh hữu toàn cầu.
Không gì có thể cách xa sự thật hơn thế.
Nhiều thập niên lãnh đạo thất bại ở Hà Lan đã mang lại vô số chính sách thất bại. Giờ đây mục tiêu dễ dàng — trong trường hợp này là những người nông dân — là những người phải chịu đòn. Thay vì điều chỉnh lại các chính sách và các thủ tục thất bại, thì chính phủ Hà Lan chỉ tập trung vào việc trung thành với EU và loại bỏ các trang trại để phù hợp với các thỏa thuận quốc tế của EU.
Ngoài ra, các quyết định từ thế kỷ trước đã tạo ra các vấn đề nghiêm trọng trong ngành nông nghiệp Hà Lan. Như Energy Monitor đã báo cáo, “Năm 1950, có 410,000 công ty nông nghiệp ở Hà Lan; năm 2016 giảm xuống còn 55,000, số heo nuôi giai đoạn này đã tăng từ 1.9 triệu con lên 12.4 triệu con. Năm 1950, trung bình một con bò cho 4,000 lít sữa một năm. Năm 2015, con số này đã tăng gấp đôi lên 8,200 lít.”
Rõ ràng, sự gia tăng chăn nuôi gia súc ở Hà Lan đã làm tăng lượng khí thải, nhưng chính phủ Hà Lan đã cho phép điều này xảy ra trong nửa thế kỷ. Trong thời kỳ hậu chiến, chính phủ và các nhà công nghiệp chỉ đơn giản là chuyển từ hoạt động quy mô nhỏ sang nông nghiệp quy mô lớn, ở Mỹ được gọi là “Nông Nghiệp Lớn” (“Big Ag”).
Trong khi lượng gia súc bùng nổ thì số lượng các công ty nông nghiệp đã giảm. Các doanh nhân bị đuổi khỏi kinh doanh và các tập đoàn lớn tiếp quản. Các đại tập đoàn đa quốc gia theo chủ nghĩa toàn cầu đã đến Hà Lan, củng cố ngành nông nghiệp, tăng sản lượng protein để tối đa hóa lợi nhuận, sau đó rút lui đến những khu vực ít tốn kém hơn và ít bị kiểm soát hơn trên thế giới. Giờ đây khi thiệt hại đã gây ra rồi thì trách nhiệm lại thuộc về những người nông dân hiện tại. Khá đáng buồn.
Tôi đã đính kèm một biểu đồ cho thấy sự suy giảm tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP của Hà Lan.
Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP Hà Lan
Như tôi đã lập luận trong nhiều năm, loại bỏ dần quyền sở hữu ở trong nước để cho phép sở hữu của ngoại quốc với số lượng lớn và tuân theo các quy định quốc tế bắt buộc đến mức phá hủy ngành công nghiệp trong nước không phải là chính sách kinh tế khôn ngoan.
EU nên bảo vệ ngành công nghiệp trong nước ở các quốc gia thành viên thay vì nhắm mục tiêu vào các con số dữ liệu mà không tính đến địa lý, nền kinh tế, và lương tri!
Ngay cả những người nông dân làm nông nghiệp hữu cơ cũng không được an toàn, với một số người phải đối mặt với việc cắt giảm mạnh lợi nhuận kinh doanh của họ bằng cách giảm gia súc. Nếu EU đang nhắm mục tiêu đến cả nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, thì quý vị phải tự hỏi ai sẽ là mục tiêu tiếp theo. Canh tác hữu cơ đã đủ khó khăn rồi, chứ chưa nói đến việc các quan chức chống doanh nghiệp đang được đặt ở vị trí người ra quyết định. Chúng ta không nên cho phép các quan chức và chính trị gia phá hủy ngành công nghiệp này vì lợi ích cá nhân hoặc tiến triển về mặt ý thức hệ.
Những gì Hà Lan đang làm không khác những gì Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã làm trong những năm 1980 và 1990, khi vô số việc làm ở Hoa Kỳ bị mất và tiền lương bị cắt giảm vì lợi ích của đầu tư xuyên biên giới và phát triển kinh tế giữa Hoa Kỳ, Canada, và Mexico. Sự khác biệt duy nhất là Hà Lan đang làm điều này nhân danh môi trường. Tôi rất mong cánh tả ngừng sử dụng môi trường như vật tế thần để che giấu tham vọng toàn trị.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times