‘Người đàn ông trong hang’, thổ dân cuối cùng của một bộ lạc Amazon đã qua đời
Một tổ chức nhân quyền bộ lạc cho biết, một người đàn ông bản địa được gọi là “Người đàn ông trong hang” đã qua đời.
Người đàn ông này được cho là thành viên cuối cùng trong bộ tộc của mình ở vùng Amazon phía tây Brazil, tổ chức Survival International cho biết trong một tuyên bố.
Không một ai ở bên ngoài biết tên của ông. Ông được đặt tên là “Người đàn ông trong hang” vì ông có thói quen đào các hang sâu để bẫy thú hoặc để ẩn náu. Một số cái hang có cắm cọc nhọn bên trong.
Ông còn là cư dân duy nhất của Lãnh thổ Bản địa Tanaru, một hòn đảo rừng nhỏ trong một vùng có nhiều trang trại gia súc, thuộc tiểu bang Rondonia.
FUNAI, Sở Các Vấn đề Người Bản địa của Brazil, biết đến sự tồn tại của người đàn ông này vào khoảng năm 1990. Vị trí của ông ấy đã được xác nhận vào năm 1996. FUNAI đã tìm cách tiếp xúc với ông.
Hồi năm 2005, bà Fiona Watson, giám đốc nghiên cứu và vận động của tổ chức Survival International, đã đến thăm túp lều và khu vườn của người đàn ông này.
Tuy nhiên, sau đó, cơ quan chính phủ đã quyết định ngừng nỗ lực tiếp xúc với “Người đàn ông trong hang” này.
Đến năm 2018, FUNAI công bố đoạn video quay lại một cuộc gặp gỡ tình cờ với một người đàn ông, trong đó ông có thể được nhìn thấy đang chặt một cái cây bằng một công cụ giống như một cây búa.
Trận chiến tranh giành đất đai
Sự qua đời của cư dân cuối cùng thuộc Lãnh thổ Bản địa Tanaru sẽ mở ra một trang mới của cuộc chiến tranh giành vùng đất mà ông từng sinh sống.
Theo Hiến Pháp Brazil, một số lãnh thổ bản địa được Lệnh Bảo vệ Đất đai bảo vệ. Tuy nhiên, để gia hạn lệnh bảo vệ này thành công, các tổ chức như FUNAI và Survival International phải chứng minh tình trạng tồn tại của các bộ tộc này.
Hiện tại, bảy vùng lãnh thổ ở Brazil được Lệnh Bảo vệ Đất đai bảo vệ với tổng diện tích gần 1.5 triệu hecta.
Lệnh Bảo vệ Đất đai đối với Lãnh thổ Bản địa Tanaru – có diện tích khoảng 8,000 hecta – được thiết lập vào năm 1998 và sẽ hết hạn vào ngày 26/10/2025.
Khi lệnh bảo vệ này hết hạn, lâm tặc, nông dân hoặc thợ mỏ bất hợp pháp có thể tiếp cận vùng đất này.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times