‘Người dân không biết chuyện gì đang xảy ra’: Người đào tẩu Bắc Hàn kể về nạn đói và cuộc sống dưới chế độ cộng sản
Người dân Bắc Hàn đang phải đối mặt với một vòng quay mới của điều đã trở thành một cuộc khủng hoảng lương thực kinh niên, mặc dù những người đang hưởng một cuộc sống thượng lưu ở thủ đô Bình Nhưỡng không biết gì về tình hình ở phần còn lại của đất nước, người đào tẩu Hyun-Seung “Arthur” Lee cho biết.
Nhà nước toàn trị này đang trải qua thứ có thể là một nạn đói thậm chí còn nghiêm trọng hơn nạn đói vào những năm 1990, được cho là đã sát hại khoảng một triệu người, tương đương 5% dân số trước nạn đói, theo một báo cáo gần đây của BBC dựa trên lời khai của ba cư dân Bắc Hàn.
Đợt đói mới này diễn ra sau đại dịch COVID-19, khiến nhà cầm quyền cộng sản của nước này phải phong tỏa biên giới phía bắc với Trung Quốc và Nga, chặn đứng dòng hàng hóa thiết yếu từ Trung Quốc để nuôi sống 26 triệu công dân của đất nước, bao gồm ngũ cốc, phân bón, và máy móc nông nghiệp.
“Tôi nghĩ bộ phim tài liệu của BBC sử dụng những nguồn rất đáng tin cậy,” ông Lee nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders” (Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV. “Hầu hết người dân ở Bình Nhưỡng không thấy rõ điều gì đã xảy ra ở các vùng nông thôn. Nhưng dân thường đang bị đói.”
“Nhiều người, đặc biệt là những người đứng đầu ở Bình Nhưỡng, không biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài thành phố vì thông tin bị cô lập. Chính quyền kiểm soát chặt chẽ việc phát tán thông tin, thậm chí từ người này sang người khác, đặc biệt là nếu thông tin đó nói điều gì đó tiêu cực về xã hội. Nếu chính quyền nghĩ rằng [thông tin đó] nên bị tiêu hủy, thì những ai muốn chia sẻ hoặc phát tán những điều như vậy sẽ bị trừng phạt rất nghiêm khắc.”
Lớn lên trong một gia đình thượng lưu ở Bình Nhưỡng và được sang Trung Quốc học, năm 2014 ông Lee đã trốn khỏi Bắc Hàn cùng gia đình, một năm sau khi ông Jang Song-Thaek, người đàn ông quyền lực thứ hai ở nước này, bị hạ bệ.
Ông Jang, chú của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, được cho là nhân vật lãnh đạo duy nhất ủng hộ cải cách kinh tế mà cuối cùng sẽ mở cửa Bắc Hàn với thế giới.
Ông Lee nói: “Việc hành quyết ông đã bác bỏ mọi thứ mà nhóm tinh hoa của Bắc Hàn đang hình dung cho xã hội.”
Sau vụ hành quyết ông Jang là một đợt giết chóc và bỏ tù hàng loạt các cộng sự và phụ tá của ông này. Vào thời điểm đó, ông Lee và chị gái Seohyun, cả hai người đều đang theo học tại một trường đại học ở Trung Quốc, đã chứng kiến cuộc thanh trừng tàn bạo này mà không khỏi bàng hoàng.
“Người bạn thân của tôi tại trường đại học ở Trung Quốc và cả gia đình anh đã được đưa đến trại tù nhân chính trị. Bạn cùng phòng của [chị gái tôi] đã bị bắt đi trước mặt chị ấy và bị đưa đến một trại tù nhân chính trị từ Trung Quốc đến Bắc Hàn,” ông Lee nói.
“Vụ việc đã để lại cho chúng tôi ấn tượng khó tin về chế độ. Trước đó, chúng tôi đã nghĩ rằng chúng tôi vẫn có thể thay đổi xã hội, rằng chúng tôi có thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng toàn bộ niềm tin này đã sụp đổ. Sau đó, gia đình tôi quyết định đào tẩu.”
Một thập niên sau cuộc thanh trừng phe ủng hộ cải cách, Bắc Hàn bị cô lập hơn bao giờ hết. Lấy ly do COVID-19, chính quyền này thậm chí còn từ chối cho phép người Bắc Hàn đang làm việc tại Trung Quốc được trở về nhà.
Tháng 12/2019, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu công nhân Bắc Hàn ở ngoại quốc phải về nước, nghị quyết này bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế. Điều này có nghĩa là cắt đứt nguồn quỹ mà Bắc Hàn sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo. Nhưng quyết định đóng cửa biên giới Trung Quốc của Bình Nhưỡng đã khiến những công nhân đó bị mắc kẹt ở Trung Quốc.
Ông Lee nói: “Tất cả các công nhân đều được chính quyền Bắc Hàn chính thức phái đi. Ông Kim Jong Un chỉ nhận tiền [của ngoại quốc] từ những người mà chúng tôi gọi là công nhân nô lệ. Vì quy chế thị thực, nên tất cả họ đều đang làm việc bất hợp pháp ở Trung Quốc.”
Các công nhân này đã được hứa hẹn rằng họ sẽ nhận được toàn bộ số tiền kiếm được ở Trung Quốc khi trở về Bắc Hàn, nhưng cuối cùng, họ có thể chỉ giữ lại được một phần rất nhỏ của số tiền đó. Họ đã bị mắc kẹt ở Trung Quốc trong ba năm qua, trong thời gian đó họ không có lựa chọn nào khác ngoài làm việc, thường là trong những điều kiện tồi tệ, để bảo đảm một dòng tiền ngoại tệ cho chính quyền Bắc Hàn.
Ông Lee nói với ông Jan Jekielek: “Nhiều công nhân ở bên trong Trung Quốc hiện rất nản chí và họ muốn đào tẩu.”
Nhưng cái giá phải trả để đào tẩu là rất cao, ngay cả đối với các quan chức cao cấp.
“Hệ thống khét tiếng nhất ở Bắc Hàn là hệ thống tội do liên đới, có nghĩa là một người có tội thì ba thế hệ nhà họ phải bị trừng phạt; nếu ông của người đó trở thành kẻ phản bội tổ quốc, thì con trai và cháu trai của người này phải sống trong trại tù nhân chính trị,” ông Lee cho biết. “Ngay cả những đứa trẻ sinh ra trong trại tù chính trị cũng phải chôn chân ở đó cả đời.”
Theo ông Lee, gia đình của người hàng xóm của ông, một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh, đã bị đưa đến trại tù nhân chính trị vào năm 2010 vì ông này đã gặp ông Kim Jong Nam, người anh trai cùng cha khác mẹ bị ghẻ lạnh của ông Kim Jong Un mà cuối cùng đã bị ám sát.
“Sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng cả gia đình của ông này đã biến mất, kể cả người con trai thứ ba của họ, một đứa trẻ mới chỉ lên ba,” ông Lee nói.
Khi được hỏi về tình trạng chung của nền kinh tế Bắc Hàn, ông cho biết khó có thể gọi đó là một nền kinh tế nữa.
“Nền kinh tế của nước này đã bị sụp đổ,” ông Lee nói. “Người dân kiếm sống thông qua các hoạt động thị trường [bất hợp pháp] ở cấp địa phương. Nhưng khi lên cấp cao nhất, thì chính quyền giữ tất cả tiền kiếm được từ các nguồn lực như người đi làm, nhân viên CNTT, và, ngày nay là buôn lậu vàng.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times