Người chính – tâm chính, người thiện – tâm thiện, nhất định sẽ có phúc báo
Tục truyền, Hoàng đế Khang Hy triều Thanh có lần bị một căn bệnh kỳ quái. Ngự y trong cung đã dùng tất cả dược liệu quý báu chữa trị nhưng đành bó tay bất lực.
Đến một ngày, Hoàng đế Khang Hy một mình xuất cung, cải trang thành dân thường đi dạo trong đêm; ông đi vào một con phố, đi qua một hiệu thuốc nhỏ. Bên trong hiệu thuốc đèn đuốc sáng trưng, còn có tiếng rì rầm đọc sách.
Khang Hy nghĩ thầm, lẽ nào đây là cao thủ chốn dân gian. Hoàng đế bèn gõ cửa. Sau khi vào nhà, nhìn thấy một vị hơn 40 tuổi đang ngồi dưới ánh nến đọc sách, đoán chừng chính là lang trung – ông chủ của hiệu thuốc này.
Vị lang trung liền hỏi: “Các hạ đêm khuya đến thăm, có điều gì chỉ giáo?”
Khang Hy nói: “Đêm khuya đến nhà, có nhiều mạo muội. Tôi bị một căn bệnh, toàn thân ngứa ngáy, khắp người nổi mẩn đỏ, rất nhiều danh y đều không chữa khỏi. Tiên sinh có thể xem một chút không?”
Vị lang trung nói: “Được. Xin ngài cởi áo ra, để tôi nhìn một chút”.
Khang Hy cởi áo, vị lang trung nhìn thoáng qua liền nói: “Các hạ không cần phải lo lắng. Đây là do ngày thường ăn sơn trân hải vị nhiều, lại trường kỳ ăn nhân sâm, hỏa khí bốc lên, bởi vậy nổi mẩn đỏ, dẫn đến ngứa”.
Khang Hy hỏi: “Bệnh này có thể trị tận gốc không?”
Lang trung nói: “Dùng chút thuốc liền sẽ khỏi”.
Nói xong, ông đưa tay với lấy một cái bình trên giá gỗ, trải rộng một cái túi vải, đổ hết thuốc trong bình ra, nặng chừng bảy, tám cân.
Khang Hy nói: “Tiên sinh, nhiều như vậy, mỗi lần dùng bao nhiêu mới hết được?”
Lang trung nói: “Đây là tám cân Đại Hoàng, ngài hãy đem về nhà, dùng đun với trăm cân nước, để vào trong vạc, chờ nhiệt độ nước vừa phải, liền ngâm mình vào vạc tắm rửa, ít thì ba lần, nhiều thì năm lần, liền có thể chữa trị”.
Khang Hy nghĩ thầm: “Ngự y trong cung dùng nhiều kỳ phương diệu dược đều không khỏi, cái Đại Hoàng không đáng tiền này liệu có trị hết bệnh của ta?”
Lang trung nhìn thấy mặt vị khách có chút nghi ngờ, liền cười nói: “Xin các hạ yên tâm, tôi đây không lừa tiền, thuốc này ông cứ cầm về dùng, nếu trị không hết, một xu tôi cũng sẽ không lấy”.
Khang Hy nói: “Được. Nếu có thể chữa khỏi bệnh của tôi, nhất định có hậu tạ”.
Khang Hy quay về trong cung, làm theo lời dặn của vị lang trung, đun nước tắm rửa. Khi ông vừa ngâm mình trong bồn tắm, liền lập tức cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng khoan khoái. Sau khi tắm ba lần, toàn thân thật sự không còn ngứa, toàn bộ mẩn đỏ trên thân cũng biến mất.
Khang Hy hết sức cao hứng, lại cải trang đi vào hiệu thuốc nhỏ kia.
Lang trung gặp lại Khang Hy, quan sát sắc mặt liền biết bệnh tình đã khỏi, cố ý nói: “Các hạ hôm nay là đưa tiền đến?”
Khang Hy nói: “Đúng vậy! Tiên sinh nói xem muốn bao nhiêu tiền?”
Lang trung cười lớn: “Đêm hôm đó gặp ngài bán tín bán nghi, tôi mới cố ý nói trị không hết bệnh thì một xu cũng không lấy, bây giờ khỏi bệnh rồi thì vẫn là một xu cũng không thu vậy. Tôi gặp ngài cảm thấy khí vũ phi phàm, chỉ muốn cùng ngài kết giao bằng hữu mà thôi. Xin hỏi, tôn tính đại danh của các hạ?”
Khang Hy mỉm cười nói: “Học sinh họ Hoàng, tự Thiên Tinh, là một thư sinh”.
Lang trung nghe xong cao hứng nói: “Tôi tên là Triệu Quế Đường, cũng là một thư sinh nghèo. Phụ thân mong tôi lập chí đề tên bảng vàng, làm rạng rỡ tổ tông, nhưng ai biết trời không toại lòng người, nhiều lần thi rớt. Bây giờ đành phải ở kinh thành mở một tiệm thuốc nhỏ, một mặt làm nghề y, một mặt ra sức học hành, hi vọng một ngày kia có thể cá vượt Long Môn”.
Khang Hy nói: “Triệu huynh, có câu ‘bảng thượng vô danh, cước hạ hữu lộ’. Với y thuật cao siêu của ông, tôi có thể hết lòng giúp ông tiến cung đảm nhiệm ngự y, chẳng phải là cá vượt Long Môn sao?”
Triệu Quế Đường cười nói: “Người làm nghề y là nghĩ cho bách tính khắp thiên hạ, vì họ mà bài ưu giải nạn. Tiến cung làm ngự y, chỉ việc hưởng hết vinh hoa phú quý, cũng không thể vì thiên hạ bách tính mà chữa bệnh được. Đây không phải là mong muốn của tôi, làm như vậy y đức có ích gì?”.
Khang Hy nghe xong, cảm khái nói: “Tài đức của Triệu huynh thật làm tôi bội phục. Huynh nhiều lần thi không trúng, sao không để tâm thể hiện tài năng trong ngành y?”.
Triệu Quế Đường nói: “Tôi cũng là nghĩ như thế, nhưng âu cũng là tham vọng trên mây vậy, khó lòng thực hiện. Lão huynh nếu sau này phát đại tài, giúp tôi xây một tòa dược đường lớn, cũng coi như tôi không uổng phí xem bệnh cho ông một lần”.
Khang Hy nghe xong không chút do dự nói: “Nếu xây dược đường, thì đặt tên là gì đây? Hãy gọi là “Đồng Nhân Đường” đi, ông xem cái tên này ra sao?”
Triệu Quế Đường nhìn thấy vị khách có vẻ nghiêm túc, liền cười nói: “Xây dược đường lớn cần một số tiền lớn, ai biết ông khi nào mới có thể phát đại tài? Tôi nói đùa vậy thôi, ông nghĩ là thật sao!”
Khang Hy bèn nói: “Không ngại, cứ thử một chút đi”. Liền cầm bút từ trên mặt bàn, viết tờ giấy, lại đóng lên con dấu, rồi nói: “Triệu huynh, ngày mai ông đến nha môn trong phủ một chuyến. Chỗ ấy có một vị bằng hữu của tôi, nói không chừng có thể giúp một tay”.
Ngày hôm sau, Triệu Quế Đường cảm thấy hiếu kỳ, bèn cầm tờ giấy tìm tới nha môn trong phủ, tấu lên tờ giấy. Chỉ chốc lát sau, một thái giám đi ra, dẫn Triệu Quế Đường vào cửa bên trong, đi qua một vườn nhỏ, lại đi tới trước một cái phòng lớn. Thái giám mở cửa phòng ra, từ bên trong có tiếng nói: “Triệu tiên sinh, chỗ này có đủ tiền thuốc của ông không?”
Triệu Quế Đường nhìn lên, chỉ thấy đầy phòng là bạc trắng, giật mình không hiểu chuyện gì.
Lúc này, thái giám nói: “Triệu tiên sinh, vạn tuế gia có chỉ, ông xem bệnh cho Người, một xu cũng không lấy. Người muốn trả cho ông một tòa “Đồng Nhân Đường”. Như vậy là ông được toại nguyện rồi!”
Triệu Quế Đường lúc này mới như vừa tỉnh dậy sau giấc mộng: Hóa ra lơ đãng kết giao bằng hữu với Hoàng huynh, chính là đương kim hoàng thượng.
Mấy ngày sau, một tòa đại dược đường được xây lên, đặt tên là “Đồng Nhân Đường”.
Trong ngày khánh thành “Đồng Nhân Đường”, Hoàng đế Khang Hy đã đích thân đến chúc mừng, khiến Triệu Quế Đường lúng túng không biết xử trí như thế nào cho phải.
Khang Hy cười nói: “Chớ có bối rối. Tiền thuốc của ta nhà ngươi không nhận, nếu lần sau lại xem bệnh, ngươi vẫn không thu là được rồi”.
Quỳnh Chi thực hiện