Người biểu tình làm gián đoạn cuộc họp của hội đồng thành phố Los Angeles sau vụ rò rỉ đoạn băng ghi âm
Những người biểu tình đã tràn vào cuộc họp của Hội đồng Thành phố Los Angeles sau khi Chủ tịch hội đồng Nury Martinez từ chức vì một cuộc trò chuyện bị rò rỉ — với hai ủy viên hội đồng khác và một chủ tịch liên đoàn lao động — trong đó có những lời bình luận mang tính miệt thị chủng tộc về người con nuôi người Mỹ gốc Phi Châu của ủy viên hội đồng Mike Bonin và các nhóm sắc tộc khác.
Đoạn băng ghi âm đã gây ra sự phẫn nộ, với việc Tổng thống Joe Biden tham gia một nhóm các chính trị gia của California — trong đó có Thống đốc Gavin Newsom, Dân biểu Alex Padilla (Dân Chủ-California), các ứng cử viên thị trưởng Los Angeles Karen Bass và Rick Caruso, và một số thành viên hội đồng — để lên án các quan chức có liên quan.
“[Ông Biden] tin rằng tất cả những người này nên từ chức,” Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm 11/10. “Những lời lẽ mà họ đã sử dụng và cho qua trong cuộc trò chuyện đó là không thể chấp nhận được và điều đó thật kinh khủng — tất cả họ nên từ chức.”
Bản ghi âm — được đề tháng 10 năm 2021 và xuất hiện hôm 09/10/2022 — có sự góp mặt của các ủy viên hội đồng Gil Cedillo và Kevin de León, cùng Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận Los Angeles Ron Herrera.
Vào thời điểm đó, nhóm người này đang thảo luận về quy trình tái phân chia địa hạt gây tranh cãi lớn, diễn ra 10 năm một lần, và sự cần thiết phải giữ các ủy viên hội đồng gốc Latinh ở các chức vụ sao cho các địa hạt đó không bị mất các tài sản tài chính quan trọng, trong đó có USC và Exposition Park, một khi các bản đồ được vẽ lại.
Tại cuộc họp hôm 11/10 — lần đầu tiên các ủy viên hội đồng triệu tập sau vụ rò rỉ nói trên — những người biểu tình giận dữ đã kéo đến Tòa thị chính, kêu gọi cả ba quan chức đó phải từ chức.
Bà Martinez, 49 tuổi, thông báo rằng bà sẽ nghỉ phép, mà không từ bỏ chức vụ của mình, ngay trước cuộc họp mà bà ấy không tham dự.
“Đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời tôi và tôi nhận ra điều này hoàn toàn là do tôi tự gây ra,” bà Martinez nói trong một tuyên bố. “Vào lúc này, tôi cần xin nghỉ phép và dành chút thời gian để trò chuyện trung thực và chân thành với gia đình tôi, các cử tri của tôi, và các nhà lãnh đạo cộng đồng. Tôi rất xin lỗi các cư dân của Hội đồng Địa hạt số 6, các đồng sự của tôi, và thành phố Los Angeles.”
Trong cuộc họp, Ủy viên Hội đồng Mitch O’Farrell, giữ chức chủ tịch lâm thời, đã kêu gọi một dự luật bỏ phiếu năm 2024. Dự luật này sẽ tăng số địa hạt của hội đồng thành phố lên hơn 15 địa hạt như hiện tại, để bảo đảm hội đồng có thể “phản ánh và đại diện cho cư dân mà chúng tôi [các ủy viên hội đồng] phục vụ.” Điều này cũng sẽ thiết lập một quy trình tái phân chia địa hạt mới cho việc mở rộng như vậy.
“Los Angeles đang ở vào thời điểm khủng hoảng và niềm tin của người dân Los Angeles vào cơ cấu chính phủ của họ đã bị lung lay,” ông O’Farrell nói. “… [Chúng ta] không được quên xem xét đến thực tế rằng cuộc trò chuyện bị rò rỉ xoay quanh quy trình tái phân chia địa hạt. Việc bảo đảm sự đại diện công bằng, bình đẳng, có trách nhiệm ở Los Angeles là điều bắt buộc phải làm vào lúc này hơn bao giờ hết.”
Kiến nghị của ông O’Farrell hướng dẫn các nhân viên của thành phố chuẩn bị một báo cáo về các bước cần thiết để tạo ra dự luật bỏ phiếu.
Cuộc họp dự kiến bắt đầu lúc 10 giờ sáng, nhưng ông O’Farrell đã phải kêu gọi một khoảng tạm nghỉ sau nửa giờ bị trì hoãn vì những người biểu tình đang hô vang. Ông Cedillo và ông de León đã nhanh chóng rời khỏi phòng họp.
Những người biểu tình đã hét lên “chúng ta sát cánh cùng những người Mỹ gốc Phi Châu”, “hãy từ chức ngay bây giờ”, “hãy đóng cửa” và “sinh mạng của người da đen đáng giá ở đây.”
Sau gần một giờ gián đoạn, ông Bonin đã có bài diễn văn đầy nước mắt trước đám đông.
“Tôi đã phải hứng chịu nhiều tổn thương, và tôi biết thực tế là tôi đã chiêu mời nhiều điều trong số đó — nhưng con trai tôi thì sao? Điều đó khiến tâm hồn tôi rỉ máu,” ông Bonin nói. “Cầu xin sự tha thứ là một bước đầu tiên đúng đắn. Thật ra, đó là bước thứ hai, bởi vì trước tiên quý vị phải từ chức và sau đó là cầu xin sự tha thứ.”
Trong đoạn băng ghi âm, bà Martinez đã nói về cậu con trai người Mỹ gốc Phi Châu của ông Bonin là “Parece changuito” —tức là “giống như một con khỉ nhỏ” —trong khi nhớ lại việc nhìn thấy cậu bé có hành động sai quấy trên một chiếc xe diễn hành trong lễ diễn hành kỷ niệm Ngày Martin Luther King Jr. Bà ấy cũng nói rằng ông Bonin xem cậu bé như “một món phụ kiện”.
Dân biểu Isaac Bryan (Dân Chủ-Los Angeles) là một trong số những người đưa ra bình luận công khai.
“Lý do đây là một cuộc họp khó tiến hành là vì chúng tôi đã nghe một giờ đồng hồ về một số điều đáng ghét nhất mà thành phố từng nghe từ bốn người đang ở một số vị trí quyền lực nhất ở Los Angeles,” ông nói.
Cuộc trò chuyện bị rò rỉ đã khiến một nhóm các chính trị gia ở California, trong đó có Thống đốc Gavin Newsom, Dân biểu Alex Padilla (Dân Chủ-California), các ứng cử viên thị trưởng Los Angeles Karen Bass và Rick Caruso, và một số thành viên hội đồng lên án các quan chức liên quan.
Ông Herrera đã từ chức hôm 10/10 trong khi không có thành viên hội đồng nào liên quan từ chức khỏi chức vụ của mình tính đến tối ngày 11/10.
Hôm 09/10, ông Herrera, ông Cedillo, và ông de León cũng đã đưa ra lời xin lỗi.
“Có những nhận xét được đưa ra trong bối cảnh cuộc họp đó hoàn toàn không phù hợp, và tôi rất tiếc mình đã tỏ ra bỏ qua và thậm chí đóng góp vào một số nhận xét thiếu tế nhị đối với một đồng nghiệp và gia đình riêng tư của ông ấy,” ông de León nói. “Vào ngày hôm đó, tôi đã không đạt được những kỳ vọng mà chúng ta đặt ra cho các nhà lãnh đạo của mình — và tôi sẽ giữ mình ở một chuẩn mực cao hơn”.
Ông Herrera nói “không có lời biện minh và cái cớ nào cho những nhận xét tồi tệ được đưa ra trong căn phòng đó. Chấm hết.”
“Tôi xin lỗi tất cả các quý vị, ông Mike Bonin và gia đình của ông ấy, các chi nhánh và thành viên cộng đồng, đặc biệt là những người trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu và Oaxacan,” ông Herrera bày tỏ.
Ông Cedillo cho biết chính là “bản năng của ông là buộc người khác phải chịu trách nhiệm khi họ sử dụng từ ngữ xúc phạm hoặc phân biệt chủng tộc.”
“Tôi muốn bắt đầu bằng lời xin lỗi. Mặc dù tôi không tham gia vào cuộc trò chuyện đang được đề cập, nhưng đôi lúc tôi đã có mặt trong cuộc họp này vào năm ngoái. … Rõ ràng là, lẽ ra tôi nên can thiệp,” ôngCedillo nói.
Hiện tại, vẫn chưa rõ ai đã ghi lại cuộc trò chuyện, được cho là diễn ra tại văn phòng Liên đoàn Lao động, và ai đã làm rò rỉ đoạn ghi âm trên Reddit.
Liên đoàn này gọi đoạn ghi âm là “bất hợp pháp” và đang điều tra nguồn gốc của vụ rò rỉ, vốn là “một sự vi phạm nghiêm trọng về bảo mật và quyền riêng tư” tại các văn phòng của họ, theo một thư điện tử được gửi tới một số chi nhánh của họ và được báo cáo lần đầu tiên bởi Los Angeles Times.
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times