Los Angeles: Lễ tưởng niệm các nạn nhân cuộc đàn áp Pháp Luân Công trước Lãnh sự quán Trung Quốc
LOS ANGELES — Hôm 18/07, gần 200 học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc để tưởng niệm những người thân yêu đã bị bức hại đến thiệt mạng ở Trung Quốc của họ.
Khi màn đêm buông xuống, họ lặng lẽ ngồi thành hàng, cầm trên tay những ngọn nến và di ảnh của những người đã qua đời vì cuộc đàn áp tín ngưỡng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Hôm nay chúng tôi [ở đây] để phản đối và lên án cuộc bức hại của chế độ Cộng sản Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong 23 năm qua,” ông Ngô Anh Niên (Yingnian Wu), một giáo sư của Đại học California tại Los Angeles (UCLA) và là phát ngôn viên của các học viên ở Los Angeles cho biết.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần truyền thống của Trung Hoa gồm năm bài tập tĩnh tại và các bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Sự phổ biến của môn tu luyện này trong những năm 1990 — với gần 100 triệu người theo học ở Trung Quốc, theo ước tính chính thức tại thời điểm đó — đã thu hút sự chú ý của ĐCSTQ.
Sau đó, vào ngày 20/07/1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch xóa sổ mang tính hệ thống chống lại môn tu luyện này. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn khi bị giam cầm.
Tại buổi cầu nguyện này, ông Ngô đã khen ngợi hơn hai thập niên kháng nghị ôn hòa và những nỗ lực bền bỉ của các học viên trong việc nâng cao nhận thức.
“Cuộc bức hại này rất tà ác và rất tàn bạo,” ông Ngô nói. “Tôi hy vọng rằng quý vị có thể cùng chúng tôi ngăn chặn cuộc bức hại này bằng cách nói với những người khác.”
Ông cũng khuyến khích các thành viên cộng đồng liên hệ với các dân biểu Quốc hội của họ cũng như các quan chức chính phủ khác để có thêm hành động.
Bà Helen Lee, người đã tu luyện Pháp Luân Công hơn 20 năm, cho biết nhiều học viên đã có những cải thiện đáng kể về sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.
Bà nói: “Bằng cách trở nên trung thực, thiện lương, và khoan dung hơn, [họ] đã đề cao đạo đức của mình, coi nhẹ danh vọng và của cải, đồng thời cải thiện sức khỏe của mình.”
Mặc dù cuộc bức hại này đã gây ra sự chia cắt của vô số gia đình và ít nhất hàng ngàn trường hợp tử vong đã được báo cáo, nhưng bà cho biết, họ chưa bao giờ nao núng hay nghĩ đến việc từ bỏ đức tin của mình.
Bà Đổng Hân Hoa (Xinhua Dong), một học viên 65 tuổi, cho biết mẹ và anh trai bà đều mất đi sinh mệnh vì cuộc bức hại này. Em trai bà, ông Đổng Di Nhiên (Yiran Dong), đã bị tra tấn đến sắp mất mạng hồi năm 2004 vì ông không chịu từ bỏ môn tu luyện này.
“Cảnh sát đã tra tấn ông ấy suốt đêm. Họ dội nước lạnh vào người ông ấy khi cửa sổ đang mở ở nhiệt độ -27°C (-18°F), … [đánh ông ấy] bằng một chiếc thắt lưng cho đến khi nó gãy làm hai, và [giật điện ông ấy] bằng nhiều roi điện cùng một lúc. Ông ấy không được phép ngủ và bị tát mỗi khi ngủ gật,” bà nói tại buổi lễ tưởng niệm này.
Ông Đổng đã bị công an địa phương giam giữ nhiều lần và bị theo dõi trong suốt 23 năm qua, và ông vẫn chưa trở về nhà. Bà Hân Hoa cho biết bà rất lo lắng cho sức khỏe của em trai mình và kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức.
Theo Minh Huệ Net (Minghui.org), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên tập hợp tin tức về chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ chống lại môn tu luyện này, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị giam giữ và tra tấn — kể cả không được ngủ, bức thực bằng ống, tẩy não, và các điều kiện lao động nô lệ khắc nghiệt.
Theo kết luận năm 2019 của Tòa án Luận tội Trung Quốc, một tòa án phi chính phủ có trụ sở tại London, nhiều người đã phải thiệt mạng vì bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng, vốn đã trở thành một ngành công nghiệp cấy ghép trị giá hàng tỷ dollar do chính quyền Trung Quốc vận hành kể từ năm 2000.