Người bị mẩn ngứa nên tránh thức uống lạnh
Khí ẩm trong cơ thể có thể gây bệnh mẩn ngứa – Tốt nhất nên tránh các loại thức uống sau đây.
Mẩn ngứa (Eczema/bệnh chàm/viêm da cơ địa) là một bệnh lý da rất khó trị dứt. Trong cơ thể, nếu khí ẩm tích lũy quá nặng có thể gây mẩn ngứa. Trên lâm sàng có rất nhiều người bệnh mẩn ngứa thường uống đồ lạnh, khi từ bỏ thói quen này thì bệnh giảm đi một nửa. Một số loại mẩn ngứa dễ dàng chữa trị, nhưng cũng có loại rất khó trị dứt.
Ba loại tình huống khí ẩm gây bệnh mẩn ngứa
Trên lâm sàng thường gặp ba loại tình huống thấp khí nặng gây bệnh mẩn ngứa như sau:
Bệnh mẩn ngứa thường gặp nhất là do tỳ hư
Tỳ hư là hệ thống dạ dày – ruột kém. Hệ thống dạ dày ruột cũng giống như cống rãnh ở trong thành phố, nếu đường cống rãnh không thông, chỉ cần một cơn mưa to liền gây ra ngập lụt; nếu như hàng ngày rãnh nước sạch, bảo đảm lưu thông nước thì sẽ không sợ ngập lụt.
Cơ thể người cũng như vậy, người bệnh thể chất hư hàn không nên ăn đồ mát lạnh, không nên ăn uống quá độ, không ăn khuya, như vậy dạ dày – ruột mới thông suốt, thấp khí sẽ không tích lũy trong cơ thể. Ngược lại thì không những dạ dày ruột không thông, còn có thể lan ra toàn thân gây ra mẩn ngứa khắp người.
Thói quen uống nước đá, ăn thức ăn lạnh
Tôi từng gặp một người phụ nữ đến xem bệnh dạ dày, cô ấy đau bụng, trướng bụng, thỉnh thoảng tiêu chảy, da nổi ban đỏ và bị mẩn ngứa, hỏi thăm tiền sử mới biết cô ấy thường uống đồ lạnh. Mỗi buổi sáng đều uống một ly cà phê đá.
Khi bắt mạch thì mạch trầm nhanh mà vô lực, chẩn đoán là dạ dày ruột có thấp khí gây ra tiêu hóa không tốt dẫn tới đau bụng, trướng bụng. Tôi nói cà phê có tính đắng chát, chứa các alkaloid không tốt đối với dạ dày ruột, lại bởi vì Đài Loan là nơi ẩm thấp, nếu thường xuyên uống cà phê đá dễ sinh ra thấp khí ở dạ dày ruột, thấp khí tích lũy trong cơ thể không thải ra được, lâu ngày dễ gây ra mẩn ngứa.
Thói quen uống nước lạnh dễ gây ra mẩn ngứa, đây là loại tình huống rất thường gặp trên lâm sàng. Chỉ cần dặn dò người bệnh không uống nước đá thì bệnh mẩn ngứa sẽ giảm đi một nửa; sau đó lại uống thuốc làm ấm dạ dày ruột thì rất nhanh khỏi.
Tỳ hư lại thêm phong hàn cảm mạo
Nếu như dạ dày ruột không tốt lại bị thêm cảm mạo, phong tà của cảm mạo sẽ dừng lại trên bề mặt da, có người sẽ biểu hiện ngứa da, lúc này càng gãi càng ngứa, cũng gây ra mẩn ngứa.
Loại mẩn ngứa nào dễ trị, có thể khỏi hẳn
Mẩn ngứa do phong hàn cảm mạo dễ dàng trị liệu. Trước tiên trừ đi phong hàn cảm mạo, sau đó thêm phương pháp kiện tỳ khứ thấp (loại bỏ thấp khí), thì có thể khiến cho mẩn ngứa khỏi hẳn. Cũng có loại phong nhiệt cảm mạo gây ra mẩn ngứa, phương pháp trị liệu cũng là trừ đi phong nhiệt cảm mạo, sau đó kiện tỳ khứ thấp.
Bệnh mẩn ngứa nếu nguyên nhân do uống nhiều thức uống lạnh cũng dễ dàng trị liệu, trước tiên khuyên người bệnh ngưng thức uống và thức ăn lạnh, sau đó uống thuốc Trung dược để kiện tỳ bài trừ thấp khí thì có thể khỏi hẳn.
Hai loại mẩn ngứa khó trị nhất
Khó trị liệu nhất chính là thể chất hư hàn, lại sống ở vùng đất ẩm thấp, bệnh mẩn ngứa thường có tính dị ứng và kéo dài lâu ngày (còn gọi là viêm da cơ địa). Rất nhiều trẻ em bị viêm da cơ địa đồng thời cũng có viêm mũi dị ứng hoặc thở gấp, vì vậy phải điều chỉnh thể chất. Chủ yếu là điều chỉnh dạ dày ruột, dạ dày ruột hấp thu tốt mới giúp gia tăng cường năng lực miễn dịch, như thế mới đạt được tác dụng trị liệu cả gốc lẫn ngọn.
Còn có một loại bệnh vảy nến (cũng gọi là nổi mẩn mạn tính), là bệnh nổi mẩn da khó trị nhất. Người bệnh vảy nến thông thường trong cơ thể có thấp khí, lại có thêm nhiệt độc, vì vậy lúc trị liệu phải bài trừ thấp tỳ, thêm thuốc thanh nhiệt giải độc, ví dụ như Khổ sâm căn, Bạch tiễn bì, Nhân trần,..
Tôi có một bệnh nhân là ông Lưu 45 tuổi, được Tây y chẩn đoán là vảy nến đã rất nhiều năm. Toàn thân ông da nổi đỏ, nhất là hai chân có vảy nến nghiêm trọng, có hồng ban và vảy tróc ra, ngứa nhiều, lúc bệnh nặng còn có mụn mủ, tôi chẩn đoán là tỳ thấp kiêm nhiệt độc, can hỏa vượng.Tôi kê đơn thuốc là Đương quy tứ nghịch tán, Đương quy niêm thống thang, Bảo hòa hoàn, Gia sa nhân, Bạch tiển bì. liên tục trị liệu 3 tháng thì bệnh vảy nến của ông dường như biến mất, không còn nhìn thấy nữa. Đương nhiên không phải cứ một đơn thuốc mà uống, mỗi lần tái khám chẩn đoán xong đều có đơn thuốc khác nhau.
Theo quan điểm của Trung y, người có thể chất hư hàn thì không nên ăn uống thức ăn có tính mát, ví dụ như quả lê, dừa, dưa hấu, dưa lưới, đu đủ, quýt, bưởi, củ cải trắng, cải trắng, đậu hủ, cua,… Mặt khác các loại đồ uống như trà xanh, cà phê, cũng là thức uống có tính hàn, người bệnh thể chất hư hàn nên ít ăn hoặc không ăn.
Lý Thanh Phong biên tập
Bách Hợp Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa Ngữ